Posted on March 11, 2014 by Jonathan London
Sáng nay đọc một bài trên tờ báo Lao Động mang
tên “Kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm sức mạnh quốc gia tăng lên rõ
rệt.” Tên của bài thực ra là một câu trích dẫn của chính Đồng chí Nguyễn
Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, và là một trong số
những người có thể trở thành Thủ tướng vào năm 2016.
Tuyên bố của ông Phúc đã được nghe ở “một hội thảo
khoa học” về “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn cốt yếu về phát triển nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trong bài báo đã nêu rõ, “Tham dự và chủ trì hội
thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng
Chính phủ; Lê Thanh Hải – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Vương
Đình Huệ – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân
Thắng – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nam” — Tức là những nhân vật “cỡ bự” trong giới lý luận chính trị của Việt Nam.
Mục đích của hội thảo là để thực hiện Kết luận số 66 của Bộ Chính trị về tổng
kết một số vấn đề về lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016).
Theo phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:
“Sau gần 30 năm đổi mới, các yếu tố cấu thành cơ bản
của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được tạo
lập và đi vào hoạt động, từng bước hoàn thiện. Những thành tựu đổi mới về kinh
tế cùng với đổi mới về chính trị đã tạo nên bầu không khí dân chủ mới trong xã
hội;…tạo nên động lực mới, đưa đất nước không chỉ thoát ra khỏi khủng hoảng
kinh tế – xã hội mà còn vươn lên nhóm nước có mức thu nhập trung bình, làm thay
đổi căn bản diện mạo kinh tế – xã hội của đất nước. Chúng ta đã đạt được những
thành tựu nổi bật về xoá đói giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên rõ rệt so với thời kỳ trước đổi mới”.
Cũng theo bài:
“Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những hạn
chế, thiếu sót, bất cập và những vấn đề đặt ra đòi hỏi chúng ta phải tập trung
cao độ trí tuệ để làm rõ những căn cứ lý luận và thực tiễn về phát triển kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt
Nam và phù hợp với nguyên tắc chung của kinh tế thị trường trên thế giới ngày
nay”. Và “Phương hướng cơ bản là phải dựa trên cơ sở nền tảng khoa học và bắt
kịp những xu thế phát triển khách quan của thời đại ngày nay để giải quyết
những bức xúc trước mắt cũng như định ra đường hướng phát triển kinh tế dài hạn
cho đất nước.”
Và cuối cùng:
“Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu
tham dự hội thảo tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung chính như: Mô hình
tổng quát phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện
nay củaViệt Nam cần phải làm sâu sắc và mới ở những luận điểm nào, dựa trên cơ
sở luận cứ và luận chứng nào, nhất là khi chúng ta sẽ hội nhập đầy đủ vào nền
kinh tế thị trường toàn cầu vào năm 2018?; Thế giới hiện nay có nhiều mô hình
kinh tế thị trường với nhiều đặc điểm đa dạng khác nhau, Việt Nam đã có thể học
được gì ở những mô hình này và sẽ vận dụng được gì cho tương lai phát triển của
đất nước?”
Vâng, xin cảm ơn Ông Nguyễn Xuân Phúc và tờ báo Lao
Động đã chia sẻ những nhận xét v/v “Kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa làm sức mạnh quốc gia tăng lên rõ rệt” cũng như lời nói “phải dựa
trên cơ sở nền tảng khoa học”
Tôi e ngại những điều kiện xã hội ở Việt Nam hiện
nay thực sự chưa cho phép chúng ta đề cập bất cứ vấn đề xã hội, kinh tế, chính
trị nào từ một góc nhìn khoa học theo định nghĩa quốc tế của nó. Để phân tích
bất cứ vấn đề nào từ một góc nhìn khoa học chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận khả
năng những giả định của chúng ta cũng có thể sai. Trong khi đó, chúng ta phải
sẵn sàng nghe những quan điểm khoa học khác nhau và đánh giá mọi sản phẩm khoa
học một cách khách quan, ngoài mọi khuôn khổ chính trị nào.
Xin cho biết, năm ngoái tôi đã mất rất nhiều công
sức để nghiên cứu và viết một bài có tên: “Mang lại ý nghĩa thực sự cho khoa
học xã hội ở Việt Nam.” (“Making Social Science Matter in Vietnam”). Bài này
dài 30 trang, có nhiều số liệu hay mà tôi đã thu tập qua nhiều phương diện khác
nhau. Trong bài tôi lý luận rằng muốn có nghiên cứu khoa học xã hội có giá trị
phải mở rộng sự độc lập và sự tự chủ của những nhà nghiên cứu. Nếu mất sự độc
lập và sự tự chủ thì mất tính khoa học chứ.
Rất tiếc, khi tôi từ Hà Nội lên ĐH
Thái Nguyên để trình bày bài này, BTC của ĐH cho biết, “Xin lỗi, vì vấn đề
kỹ thuật Ông không đươc tham gia hội thảo, không được trình bày”. Sáng sớm
hôm sau, tại nhà hàng của khách sạn, tôi thấy hơn 40 người dự hội thảo có cũng
mặt, vì vậy, tôi đã nhờ một nhân viên trẻ cho tôi cái mic và tôi đã trình bày
bài phát biểu của tôi ngay lúc đó, một cách du kích! Chưa nhận thấy “bầu không
khí dân chủ mới” tại đó.
Trên trang này, có nhiều người luôn luôn khuyên tôi
phải có một tinh thần xây dựng, phải khách quan..v.v… Vâng. Được thôi. Mời cách
bạn, đồng chí thâm khảo một bài nghiên cứu tôi và một cộng sự đã cùng viết về kinh tế chính
trị của sự phát triển tại Trung Quốc và Việt Nam.
Xin trân trọng đề nghị: Thay vì tuyên bố “Kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm sức mạnh quốc gia tăng lên rõ rệt”
thì thực tế, hãy lấy nó làm một giả thuyết và mời nhiều người cùng phân tích
những vấn đề cụ thể một cách thực sự khoa học. Tôi sẵn sàng nghe mọi quan điểm,
mọi phân tích. Hy vọng các bạn đồng chí cũng thế!
JL
------------------------------------
No comments:
Post a Comment