Tuesday, 18 March 2014

HOA KỲ TRẤN AN ĐỒNG MINH ĐÔNG ÂU KHI CĂNG THẲNG RÌNH RẬP BIÊN GIỚI NGA (Henry Ridgwell - VOA)




Henry Ridgwell  -  VOA
18.03.2014

LONDON —  Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Ba Lan để hội đàm nhằm mục đích trấn an đồng minh Đông Âu rằng họ có sự ủng hộ của Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Moskva ký một hiệp ước sáp nhập khu vực Crimea của Ukraina vào Liên bang Nga. Thông tín viên VOA Henry Ridgwell tường thuật rằng tình trạng căng thẳng và việc gia tăng quân đội đang khiến khu vực này hoang mang.

Đứng bên cạnh Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án Moskva biến Crimea thành một phần của Nga. Ông nói:

"Nga đưa ra một loạt những lý lẽ để biện minh cho sự việc không hơn là chiếm đất,"

Ông Biden đáp chuyến bay đến Warsaw hôm thứ Ba trong chuyến thăm nhằm mục đích tái khẳng định sự bảo vệ của Mỹ đối với các nước đồng minh ở Đông Âu, đồng thời thảo luận những cách thức để giảm sự lệ thuộc vào năng lượng của Nga.

Ông cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Estonia, Latvia và Lithuania – đều từng thuộc Liên Xô cũ.

Những quốc gia này trông cậy phần nhiều ở Mỹ - không phải châu Âu – là nước đảm bảo an ninh cho họ. Ông Nicholas Redman, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược, cho biết:

"Sức mạnh thực sự đằng sau khối NATO, nói cách khác là Mỹ, mới là thứ mà họ trông cậy phần lớn vào để có được sự đảm bảo."

Gần Bắc Cực, binh sĩ NATO đang huấn luyện ở miền bắc Na Uy - một phần trong cuộc tập trận Cold Response 2014, được lên kế hoạch trước khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra. Biên giới Nga chỉ cách đó 450 km.

Tướng Morten Haga Lunde Na Uy chỉ đạo cuộc tập trận cho biết:

"Đây là một trong những cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất ở châu Âu trong năm nay. 16.000 binh sĩ từ 15 quốc gia,"

Cạnh biên giới Ukraina, quân đội Nga cũng tiến hành những cuộc tập trận của riêng họ. Những sự kiện ở Crimea đã khiến cả khu vực này hoang mang. Ông Redman nói:

"Thậm chí rất nhiều đồng minh thân cận nhất của Nga sẽ thấy bất an về điều này. Liên Xô cũ, đường biên giới xung quanh các quốc gia này là chưa từng có trong lịch sử. Có rất nhiều nước đang vướng vào tranh chấp đường biên giới ở đó."

Phản ứng trước hành động của Nga, Liên minh châu Âu hôm thứ Hai đã ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào 21 công dân Nga, cùng với một danh sách của Mỹ nhắm mục tiêu vào 11 cá nhân.

Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết những biện pháp này cho thấy sự thống nhất của châu Âu về vấn đề:

"Đây là những cá nhân không chỉ ở Crimea mà còn ở Nga, kể cả trong lực lượng vũ trang và trong quốc hội, những người có liên quan đến quyết định mà Nga đã đưa ra liên quan đến Crimea."

Bộ Ngoại giao Nga nói những biện pháp trừng phạt sẽ "chẳng dẫn đến đâu." Nhưng châu Âu có khả năng gây phương hại cho Nga, theo nhà phân tích Nicholas Redman. Ông nói:

"Vào lúc này, tôi nghĩ có một sự căng thẳng rõ ràng giữa việc cho thấy ý định và cho thấy sự nghiêm túc, nhưng cũng chừa lại đủ để dự phòng vì họ hiểu rằng tình hình có thể xấu đi."

Các nhà phân tích khu vực nói rằng căng thẳng giữa Moskva và phương Tây có khả năng sẽ bị thổi bùng lên sau khi lắng dịu trong 2 thập niên, điều mà nhiều người từng hy vọng là đã thuộc về lịch sử.

-----------------------------

Tổng thống Obama áp đặt các biện pháp chế tài đối với những người sau đây vì gây phương hại đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina:
 
  • Viktor Yanukovych, tổng thống Ukraina bị lật đổ
  • Viktor Medvedchuck, cựu trưởng ban hành chính của tổng thống Ukraina
  • Sergei Asksyonov, thủ tướng Crimea
  • Valentina Marviyenko, chủ tịch thượng viện Nga
  • Dmitry Rogozin, phó thủ tướng Nga
  • Sergei Glazyev, cố vấn tổng thống Nga
  • Vladislav Surkov, trợ lý tổng thống Nga
  • Yelena Mizulina, đại biểu quốc hội Nga
  • Andrei Klishas, đại biểu quốc hội Nga
  • Leonid Slutsky, đại biểu quốc hội Nga
  • Vladimir Konstantinov, chủ tịch quốc hội Crimea

Nguồn: Tòa Bạch Ốc



No comments:

Post a Comment

View My Stats