Saturday, 1 March 2014

DƯ LUẬN SAU PHÚC TRÌNH NHÂN QUYỀN THẾ GIỚI 2013 (RFA, BBC)




Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-03-01

Phúc Trình Nhân Quyền Thế Giới 2013 mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố hôm thứ Năm với những ngôn từ tương đối mạnh mẽ và dứt khoát, đã gợi sự chú ý sâu sắc nơi những người hằng quan tâm đến tình trạng quyền căn bản của công dân dưới một thể chế toàn trị độc đảng. Đó là phản ứng của người Việt bên ngoài và bên trong Việt Nam sau khi đọc phúc trình thường niên này.

Khẳng định

Báo cáo về tình trạng nhân quyền năm 2013 của Bộ Ngại Giao Mỹ đã có những từ ngữ không còn ngoại giao nữa mà có tính chất khẳng định, là phát biểu của ông Đặng Xương Hùng, cựu lãnh sự Việt Nam ở Thụy Sĩ, xin tị nạn tại đây tháng Mười năm 2013, tháng Mười Hai 2013 chính thức gởi đơn tuyên bố ra khỏi đảng. Được hỏi về phản ứng của ông trước phần phúc trình về Việt Nam, nhà cựu ngoại giao từng tham dự cuộc vận động nhân quyền trước ngày Việt Nam giải trình UPR tại Geneve, kế đó là đọc bài tham luận về nhân quyền Việt Nam do UN Watch tổ chức ở Geneve hôm 25 tháng này.

Theo ông Đặng Xương Hùng, đây là kết quả cụ thể của những hoạt động quốc tế cũng như hoạt động của các phong trào dân chủ từ trong nước:
 “Tôi nhất trí với những thông tin như vậy. Tôi cũng thêm một bình luận nhỏ thế này, tức là trong quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam thì nhiều khi Mỹ lo là nếu làm căng thì sẽ đẩy Việt Nam vào với Trung Quốc. Tất nhiên họ cũng phải tính toán cái liều lượng, không đẩy Việt Nam vào thế khó mà làm sao thúc đẩy được nhân quyền nhưng mà cũng không tạo ra một sức ép nào đó để Việt Nam lại ngã về phía Trung Quốc hơn.
Một liên quan nữa là song song với nhân quyền thì Việt Nam rất mong đợi sẽ có những dấu hiệu tốt về TPP Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương sau chuyến đi Việt Nam của ông Kerry. Sau đó, những phản ứng của các thượng nghị sĩ Mỹ thì ngay trong dư luận Việt Nam cũng đã thất vọng về chuyện TPP không thành công.”

Việt Nam thường sử dụng nhân quyền để mặc cả hơn thua với những lợi ích về kinh tế và thương mại, ông Đặng Xương Hùng nhận định tiếp, chính vì thế Hà Nội mạnh tay xoáy vào những đối tượng những vấn đề Hoa Kỳ đang lưu tâm, chẳng hạn việc y án đối với luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, việc đe dọa hành hung gia đình blogger Huỳnh Ngọc Tuấn, việc đánh đập nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Bắc Truyển vân vân:
“Cách ứng xử của Việt Nam về vấn đề nhân quyền đều phải nằm trong tình hình như vậy để có thể mặc cả cho TPP.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry phát biểu tại buổi họp báo công bố Phúc Trình Thường Niên Về Nhân Quyền Thế Giới năm 2013 được tổ chức ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 27/2/2014.

Từ trong nước, blogger Nguyễn Lân Thắng đánh giá cao phần thẩm định về Việt Nam trong Phúc Trình Thường Niên Về Nhân Quyền Thế Giới 2013 của Bộ Ngoại Giao Mỹ  vì đây là lần đầu tiên anh nghe thấy một bản phúc trình nêu bật được vấn đề tổ chức dân sự, đầu mối của sự thay đổi thể chế và xã hội:
“Theo sự hiểu biết của tôi về tình hình Việt Nam thì tôi khẳng định bản đánh giá này là chính xác. Tôi nghĩ việc họ nhấn mạnh vào sự phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam vì họ đã hiểu được rằng nếu bây giờ muốn có sự thay đổi thì trước hết Việt Nam phải có các phong trào dân sự phát triển. Mà ai là người thúc đẩy các phong trào xã hội dân sự phát triển? Chính là người dân thông qua các hội, nhóm, tổ chức của ho tự thành lập.
Sự phát triển của các xã hội dân sự sẽ là mầm mống cho các đảng phái chính trị ra đời từ trong lòng quần chúng ở Việt Nam. Từ trước đến nay thì các đảng phái các tổ chức tranh đấu cho tự do nhân quyền Việt Nam ở bên ngoài thì rất nhiều, thế nhưng hiệu quả thì phải nói chưa thực sự được bao nhiêu. Quan trọng là sự thức tỉnh sự tham gia của toàn bộ 90 triệu người dân Việt Nam.”

Chú trọng xã hội dân sự

Trong công cuộc tranh đấu nhân quyền cho đất nước,không chỉ dân mà thậm chí cả những đảng viên cộng sản, cả viên chức nhà nước, cả bộ đội, cả công an… đều có thể tham gia vào những cuộc vận động xã hội dân sự. Đó là điều mà trong tương lai sẽ là hướng mở ra cho phong trào đấu tranh đòi nhân quyền ở Việt Nam, blogger Nguyễn Lân Thắng kết luận.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, một người bỏ đảng mà hồi đầu tháng này bị cấm xuất cảnh sang Thụy Sĩ để tham gia thuyết trình về nhân quyền Việt Nam trước khi đoàn Việt Nam ra trình bày về trách nhiệm của mình trong tư cách thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc:
“Cảm nhận đầu tiên của tôi về Phúc Trình Nhân Quyền Thế Giới năm 2013 khá kỳ lạ. Tôi nhớ một câu nói của ông David Shear, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, hồi tháng Tư 2013, là “Đi một đường mỏng manh, a delicate line”. Đi một đường mỏng manh là khái niệm mà ông David Shear đặt trong ngoặc kép, nói về nhân quyền ở Việt Nam. Và dường như kỳ này Nhà Nước và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đang đặt vấn đề liệu Việt Nam có thể đi một đường mỏng manh hay theo ngôn ngữ của Việt Nam là đi dây giữa Trung Quốc và Việt Nam hay là không.
Bản phúc trình nhân quyền này về mặt từ ngữ rõ ràng có những điểm ấn tượng hơn nhiều so với năm 2011, 2012, đó là từ ngữ “độc trị” và “toàn trị”. Có thể nói đây là phần hiếm hoi mà Hoa Kỳ nêu ra với Việt Nam. Càng ngày nhà nước Hoa Kỳ và khối cộng đồng chung phương Tây càng quan tâm tới vấn đề nhân quyền Việt Nam. Tình hình cho thấy Nhà Nước Việt Nam không thể đứng giữa hai giòng nước. Dường như đây là lúc Việt Nam lâm vào tình trạng có thể nói khái quát như bà Uzra Zeya quyền trợ lý ngoại trưởng về nhân quyền, dân chủ, lao động của Bộ Ngoại Giao Mỹ, hoặc nói như ông John Kerry là phải có tiến bộ có thể chứng minh được về mặt nhân quyền. Kết cục vấn để chỉ còn là phải làm sao để có được TPP nếu không có nhân quyền, hoặc không thể có TPP nếu không có nhân quyền.”

Từ California, Hoa Kỳ, ông Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban phối hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam:
“Năm nay tôi thấy lời lẽ mạnh hơn những năm trước, đặt biệt về vấn đề quyền chính trị, cuộc bầu cử năm 2011 đã qua nhưng cũng đã được nhắc lại như một dấu hiệu độc quyền chính trị và nguồn gốc của sự vi phạm nhân quyền. Điều này thì Mạng Lưới Nhân Quyền đã nêu lên trong hai bản báo cáo vừa qua, đặc biệt nói đến quyền chính trị, thì năm nay Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã thấy được và đã đưa vào báo cáo một cách chính thức. Từ đó người ta cũng thấy những quyền khác mà bị vi phạm cũng được nêu lên.”

Một lý do khác, ông Nguyễn Bá Tùng giải thích tiếp, vì Việt Nam đang giữ một ghế trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì Hoa Kỳ cũng có nhiệm vụ khuyến cáo và nhắc nhở Việt Nam là đừng tiếp tục vi phạm quyền con người cũng như hãy tôn trọng quyền dân sự và quyền chính trị của người dân:
“Rõ ràng Việt Nam phải làm tròn nhiệm vụ đó. Thiện chí của Việt Nam thì mình không tin tưởng lắm bởi vì giữa vấn đề tôn trọng nhân quyền và vấn đề độc quyền lãnh đạo nó mâu thuẩn nhau. Nếu họ tôn trọng nhân quyền thì vấn đề lãnh đạo gặp khó khăn, tôi nghĩ đó là một chọn lựa sống chết của chế độ Hà Nội.”

Tóm lại, ông Nguyễn Bá Tùng của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam tin rằng không nhất thiết phải đối diện với Phúc Trình Thường Niên Về Nhân Quyền 2013 của Bộ Ngoại Giao Mỹ thì cũng đã đến lúc Việt Nam phải chọn lựa giữa nhân quyền đích thực và độc quyền đảng trị, mối mâu thuẩn trường kỳ và nội tại của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay.



---------------------------------

BBC
Cập nhật: 10:59 GMT - thứ bảy, 1 tháng 3, 2014

Việt Nam vừa lên tiếng phản đối phúc trình nhân quyền thường niên được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm 27/2, trong đó đánh giá tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn "tồi tệ".

Trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam đăng phản hồi của Người Phát ngôn bộ này, ông Lê Hải Bình, nói: "Một số nhận định về Việt Nam nêu trong Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2013 đã dựa trên những thông tin thiếu chính xác, không phản ánh thực tế khách quan về tình hình quyền con người ở Việt Nam.
"Trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại với các nước còn có những quan điểm khác biệt với Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người, trong đó có Mỹ."
Ông Bình nói thông qua đối thoại, Hà Nội hy vọng Hoa Kỳ sẽ "tăng cường hiểu biết, thu hẹp sự khác biệt, qua đó nâng cao tính xác thực và khách quan trong những đánh giá về tình hình quyền con người ở Việt Nam”.
Ông được dẫn lời khẳng định nhân quyền "là trọng tâm trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam" và cho biết "những nỗ lực của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận" tại phiên Kiểm điểm Nhân quyền Phổ quát Định kỳ (UPR) hồi đầu tháng Hai vừa qua.
Trong phiên UPR vào ngày 5/2 tại Geneva, đa số đại biểu từ các nước tham dự đã bày tỏ quan ngại trước việc Hà Nội tiếp tục đàn áp các quyền phổ quát như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp cũng như việc các nhà hoạt động trong nước bị ngăn tới dự phiên điều trần.

'Đàn áp nhân quyền'

"Vấn đề về nhân quyền lớn nhất tại nước này [Việt Nam] vẫn là việc chính quyền tiếp tục hạn chế quyền tham gia vào các hoạt động chính trị của người dân, đặc biệt là quyền được thay đổi chính phủ"
Phúc trình Nhân quyền Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ

Trong phần phát biểu mở đầu buổi công bố bản phúc trình nhân quyền hôm 27/2 tại Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nóicác nhà hoạt động cho xã hội dân sự mà tôi đã gặp ở nhiều nước, trong đó có những người từ Hà Nội, đã thực sự truyền cho tôi cảm hứng."
"Họ là những người đã đứng lên bảo vệ các quyền cơ bản, quyền được nói lên tiếng nói của mình và được tự do hội họp”.

Phúc trình của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói Việt Nam vẫn là một quốc gia "toàn trị", "độc đảng", và cho rằng cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất vào năm 2011 "không phải là một cuộc bầu cử tự do hay công bằng".
"Vấn đề về nhân quyền lớn nhất tại nước này vẫn là việc chính quyền tiếp tục hạn chế quyền tham gia vào các hoạt động chính trị của người dân, đặc biệt là quyền được thay đổi chính phủ," bản báo cáo viết.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói Việt Nam đã "tăng cường các biện pháp nhằm giới hạn quyền tự do dân sự của người dân" và nạn tham nhũng bao trùm lên cả hệ thống tư pháp cũng như bộ máy công an.

'Việt Nam luôn tôn trọng nhân quyền'
Tại Geneva, đại diện của Việt Nam nói 'luôn tôn trọng nhân quyền', nhưng giới ngoại giao một số nước và các tổ chức quốc tế cho rằng Hà Nội 'vẫn vi phạm'.

"Những trường hợp đàn áp nhân quyền cụ thể bao gồm sự bạo hành của lực lượng công an đối với nghi phạm trong lúc bắt giữ cũng như tạm giam, những vụ bắt giữ bừa bãi vì tội tham gia các hoạt động chính trị cũng như sự bác bỏ quyền được xét xử công bằng và nhanh chóng," báo cáo có đoạn viết.
"Ảnh hưởng chính trị, nạn tham nhũng và tính thiếu hiệu quả tiếp tục làm méo mó hệ thống tư pháp."
"Chính quyền hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và đàn áp những tiếng nói bất đồng, ngoài ra còn ngày càng tăng cường hạn chế quyền tự do internet."
"Những công dân muốn thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tiếp tục bị quấy rối ... và được sự bảo vệ không đồng đều từ pháp luật, nhất là ở cấp tỉnh và làng xã".
"Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì chính sách cấm cửa các tổ chức nhân quyền độc lập. Tình trạng bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ cũng như nạn buôn người bao gồm đàn ông, phụ nữ, trẻ em, vẫn tiếp tục."
"Chính phủ tiếp tục hạn chế quyền của người lao động được gia nhập những công đoàn độc lập và không áp đặt một cách hữu hiệu những quy định về an toàn lao động."

Báo cáo cũng nhận định Việt Nam thực hiện việc "truy tố và trừng phạt những quan chức mắc sai phạm một cách thiếu đồng đều" và nhiều trường hợp những sai phạm của lực lượng công an không bị trừng phạt.



No comments:

Post a Comment

View My Stats