Thursday 6 March 2014

CỘNG ĐỒNG MỸ GỐC UKRAINA LO LẮNG. EU ĐÓNG BĂNG TÀI SẢN 18 NGƯỜI UKRAINA (VOA)




Adam Phillips  -  VOA
05.03.2014

NEW YORK — Người Mỹ gốc Ukraina ở New York đang bày tỏ sự quan ngại về các diễn biến tại Ukraina, nơi lực lượng Nga bành trướng ra khỏi căn cứ hải quân trên bán đảo Crimea hồi cuối tuần trước.

Tại Veselka, một quán ăn thuộc East Village đông người Ukraina lưu vong lui tới, ông Pavlo Kaidan nói với đài VOA rằng sự lo âu của ông về số phận của tổ quốc mình cách xa 7.000 kilomet thật khó mà chịu đựng nổi.
“Tôi gọi điện thoại về đôi khi hai lần, đôi khi ba lần một ngày chỉ để hỏi xem mọi việc ra sao và sẽ như thế nào. Bởi vì ngày nào mẹ tôi cũng nói, ‘OK, có thể ngày mai họ sẽ cắt Internet, họ sẽ đóng cửa dịch vụ điện thoại.’ Ta không biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi rất lo ngại về tình hình này.”

Cộng đồng Mỹ gốc Ukraina ở khu vực East Village, quận Manhattan, New York tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong những vụ biểu tình ở Ukraina hồi gần đây

Anh Vitali Desiatmychenko, vừa trở về trong tuần truớc từ Kyiv, thủ đô Ukraina, nói anh rất bối rối trước các sự kiện vừa xảy ra.
x
Anh nói: “Tình hình hơi lạ lùng bởi vì quân đội Nga vào Ukraina giả bộ bảo vệ người Nga ở Crimea, miền đông Ukraina. Nhưng như tôi biết, nhiều người nói tiếng Nga, họ vẫn ủng hộ quan điểm nhân dân Ukraina gia nhập Liên hiệp châu Âu; họ không muốn gia nhập vào Nga.”

Bà Tamara Olexy, chủ tịch Ủy ban Ðại nghị Ukraina ở Mỹ, một tổ chức đại diện cho khoảng một triệu người Mỹ gốc Ukraina, nói rằng có nhiều biện pháp mà các nhà lãnh đạo Mỹ nên thực hiện.
Bà nói: “Ðầu tiên và trên hết, họ phải lên tiếng phản đối những gì Nga đang làm. Thứ hai, họ có cơ hội với Hội nghị Thượng đỉnh G-8 sắp nhóm tại Sochi, là trước tiên tẩy chay Sochi. Thứ nhì, theo ý tôi, họ nên dẹp Nga ra khỏi khối G-8, và nhóm sẽ trở lại thành G7 bởi vì Nga đã phá vỡ mọi nguyên tắc quốc tế mà một nước dân chủ phải có.”

Theo ý bà Olexy, chế tài là một sách lược khác.
“Hạn chế thị thực và phong tỏa tài sản của giới thượng cấp ở Nga đã đích thân ra lệnh xâm lăng Ukraina.”

Bà Hanya Krill Pyziur thuộc Viện bảo tàng Ukraina ở New York nghĩ rằng ngay cả các biện pháp chế tài gay gắt nhất cũng sẽ không có hiệu quả chừng nào Tổng thống Nga Vladimir Putin còn nắm quyền.

Theo quan điểm của bà, ông Putin rút cục muốn Ukraina nằm dưới quyền kiểm soát của Moscow, như dưới thời Xô viết. Bà nói ông ta muốn bảo đảm di sản lịch sử của ông ta bằng cách giữ thế lãnh đạo của Nga trong Liên hiệp Âu Á, ngang hàng với phương Tây.

“Và bởi lẽ anh có ước muốn thực sự kiểm soát Ukraina và biến nước này thành một phần của sự kết hợp này ‘bất kể mọi thứ,’ cho nên anh muốn có người Ukraina ở Ukraina muốn độc lập ‘bất kể mọi thứ,’ anh có hai ý kiến sẽ không bao giờ gặp nhau được; tôi nghĩ hai ý kiến này không thể thương lượng đuợc và tôi nghĩ rất có thể sẽ dẫn tới chiến tranh.”

Căng thẳng tiếp tục leo thang. Hôm thứ Ba, trong điều mà nhiều người coi là một lời đe dọa ngầm, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ vận dụng tới vũ lực ‘chỉ như một biện pháp cuối cùng.’ Trong khi đó, cộng đồng Mỹ gốc Ukraina ở New York tiếp tục theo dõi và chờ đợi.

--------------------------------------------

VOA
05.03.2014

Liên hiệp Châu Âu cho biết sẽ đóng băng tài sản tài chính ở châu Âu của 18 người Ukraina mà họ nói là sử dụng sai mục đích công quỹ của chính phủ Kyiv.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU đã phê duyệt danh sách này vào hôm thứ Tư nhưng tạm chưa tiết lộ danh tính một ngày trước khi chính thức công bố trong biên bản pháp lý của EU, do đó những người Ukraina này sẽ không có cơ hội cuối cùng thu hồi tài sản của mình.

Những biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực trong vòng một năm.

Tin cho hay Tổng thống Ukraina bị lật đổ Viktor Yanukovych có thể nằm trong danh sách của EU.

Thụy Sĩ và Liechtenstein, hai quốc gia châu Âu ngoài nhóm 28 nước EU, đã đóng băng tài sản của ông Yanukovych ở nước họ, cùng với tài sản của 19 quan chức Ukraina khác.

Giới chức EU nói họ hy vọng sẽ thu hồi và trả lại tiền cho chính phủ mới của Ukraina.

Trong khi đó, cơ quan hành pháp của EU cho biết họ đã đồng ý cấp một gói gồm những khoản cho vay và tài trợ cho chính phủ Ukraina đang nợ nần chồng chất.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết khoản tiền này là nhằm mục đích cải tổ chính phủ Kyiv.

Ông Barroso nói vụ bế tắc giữa Ukraina và Nga ở bán đảo Crimea "gây sốc cho tất cả chúng ta và nhắc nhở chúng ta rằng những nguyên tắc mà chúng ta yêu chuộng, như hòa bình, không thể bị xem nhẹ."



No comments:

Post a Comment

View My Stats