Tuesday, 4 March 2014

CHÉM GIÓ HAY CHÉM NGƯỜI ? (Cánh Cò)







Tue, 03/04/2014 - 16:23 — canhco

Tôi đọc bài viết của Thiếu tướng Lê Văn Cương bàn về chính sự Ukraine mà cảm thấy băn khoăn không biết mình chậm hiểu hay có một lý do gì đó khiến cả buổi chiều đầy nỗi bất an. Có cái gì đó chấp chới trong lòng vừa tức giận vừa dặn lòng phải tự kềm chế.

Phải nói thật, ông Cương là một trong số rất ít người mà tôi thích khi đọc các bài viết hay trả lời phỏng vấn của ông trên báo.

Không phải tôi thích vì lập luận sắc bén hay lời lẽ cứng rắn của ông trong các vấn đề chính trị mà tôi thích vì đề tài của ông chọn để đưa ra: Vấn đề Biển Đông và Trung Quốc.

Trong khi nói về nỗi lo mà cả nước gọi là nhạy cảm này ông Thiếu tướng nguyên Viện trưởng Viện chiến lược của Bộ Công an Lê Văn Cương xem ra có lợi thế hơn hẳn người khác. Có lẻ ông không bị ánh mắt theo dõi của đồng nghiệp vốn thường khiến cho người khác e dè, hai nữa với vị trí quan trọng như thế ông có thẩm quyền nói về những tham vọng của Trung Quốc đối với đất nước, một chủ đề mà ngay đến cấp cao hơn ông chục lần cũng không dám công khai nói tới.

Tôi đã đọc những bài của ông như: “Khi Việt Nam vững vàng, Trung Quốc không thể lấn tới”; “Khó cũng phải đòi lại Hoàng Sa”; “Hành động của Sam Rainsy là vô liêm sỉ!”; “Tại sao Việt Nam mạnh? Tại sao Việt Nam yếu?”; “Việt Nam phải tiếp tục lên tiếng phản đối”; “Việt Nam đã 5 lần bị bán đứng”…và có thể còn nhiều bài khác tôi không có dịp đọc và lưu trữ.

Những cái tựa ấy gây cảm tình của tôi đối với ông nhưng cũng vì vậy chúng lại làm tôi hụt hẫng, bực tức và gần sát với ý nghĩ mình bị phản bội khi đọc bài: Tuyên bố của Obama và phương Tây chỉ là “chém gió” đăng trên tờ Dân Việt cũng của ông!

Bài viết này đang bị “dày xéo” trên mạng bởi những ngòi bút đứng đắn. Tôi buồn cho ông và tự nghĩ về mình rất nhiều.

Từ Trung Quốc ông lấn sang Nga đầy tự tin. Ông phân tích việc Putin mang quân đội tiến vào Crimea là một việc làm đúng đằn và hợp lẽ thường. Ông nói: “chúng ta phải hiểu rằng, mục đích của Nga khi triển khai quân là bảo vệ lợi ích của Nga, bao gồm về con người, kinh tế và an ninh quốc phòng, đặc biệt là căn cứ hải quân ở Sevastopol.”

Xin được hỏi ông, một quốc gia vì lợi ích của mình mà mang quân vào nước khác một cách ngang nhiên với chiêu bài bảo vệ lợi ích thì thế giới này đang ở vào thế kỷ nào? Cái lợi ích ấy nếu có, chỉ giá trị khi không vi phạm vào chủ quyền lãnh thổ hay quyền lợi chính đáng được quốc tế công nhận của một quốc gia khác, ngoài ra mọi chống chế ngụy biện đều vô ích trước công luận quốc tế.

Ông nói: “Việc điều quân của Nga vào Crimea, theo tôi Nga muốn gửi 3 thông điệp: Thứ nhất là để cảnh báo chính quyền Kiev phải cẩn thận; thứ hai là để bảo vệ lợi ích của Nga; thứ ba là để gieo lòng tin cho những người dân nói tiếng Nga ở Ukraine”.

Tôi thật hụt hẫng với lập luận này của ông. Điều thứ hai thì tôi đã nói, còn điều mà ông gọi là cảnh báo chính quyền Kiev làm tôi đau lòng không thể tả. Đâu đó cái câu “dạy cho Việt Nam một bài học” lại vang vang trong óc tôi khi Trung Quốc cũng kéo quân sang biên giới cảnh báo Việt Nam. Còn gieo lòng tin vào người dân nói tiếng Nga thì rất trùng hợp với lòng tin của nạn kiều nói tiếng Hoa vào thập niên 80 sau chiến tranh biên giới.

Tôi cố nhịn để không bật ra tiếng thét khi đọc những giòng chữ ghi lại những điều ông nói: “…trong khi đó, chính quyền Ukraine đang suy sụp, nhận viện trợ từ Nga và đang nợ tiền khí đốt của Nga. Tình hình thực tế đã cho thấy rằng, bài toán kinh tế của Ukraine gắn chặt với Nga như “anh em sinh đôi”. Vì thế, mọi hành động chống lại Nga của Kiev đều khiến cho Mátxơcơva khó chấp nhận”.

Vâng, sự thật đó đang xảy ra tại Việt Nam ngày nay chứ không đâu khác. Khác chăng là cái tên “Việt Nam Trung Quốc là anh em sinh đôi” mà thôi. Nợ Trung Quốc trong các dự án, nhập siêu hàng năm đã thành cái thước đo lòng trung thành của Việt Nam đối với mẫu quốc. Bài toán kinh tế Việt Nam đang gắn chặt với Trung Quốc hơn bao giờ hết và vì vậy mọi hành động chống lại Trung Quốc của Việt Nam không thể nào khiến Bắc Kinh chấp nhận.
Nếu ai đó đặt hai đoạn văn liền nhau ông nghĩ rằng ai là người đã viết đoạn văn thứ hai thưa ông?

Và đây cái vấn đề mà mọi người đang giận dữ:

Ông nói: “Còn việc quân đội Nga vẫn cứ hiện diện ở Crimea là chuyện hoàn toàn bình thường vì họ có quyền đó, theo một Hiệp ước họ đã ký với Ukraine thì sự hiện diện này là hợp pháp cho đến khi thời hạn ký kết thúc vào năm 2042”.

Cái hiệp ước mà ông nói là Nga đã ký với Ukraine có tương tự với hiệp ước bí mật Hội nghị Thành Đô của Việt Nam với Trung Quốc hay không thưa ông? Và nếu sự thật đúng như vậy thì còn gì phải bàn cãi khi Trung Quốc tiến vào Việt Nam, ở lại hợp pháp và bình thường cho đến cái thời hạn mà không một người dân Việt Nam nào biết?

Người dân Việt thì lo sợ như vậy nhưng tụi Tây, những nước mà ông gọi là chém gió thì họ không lo lắng như chúng tôi. Họ có sách vở chứng từ và lời nói của họ là chém vào ông Putin chứ không chém gió.

Bà Angela Merkel thủ tướng Đức nói thẳng với Putin rằng sự tiến quân của Nga vào Crimea là một vi phạm nặng nể bản ghi nhớ Budapest năm 1994 về đảm bảo an ninh, đã được Anh, Ukraine, Nga và Mỹ ký kết với nhau, trong đó Nga đã cam kết tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine ở các biên giới đang có. Bà Merkel cũng nhấn mạnh đến hiệp ước năm 1997 về Hạm đội Biển Đen của Nga, đang đóng quân tại Crimea.
Bà thủ tướng Merkel đã yêu cầu ông Putin phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Tôi không tin rằng ông biết nhiều hơn bà Thủ tướng Đức mặc dù ông đã lên tới cấp tướng và vì vậy những lời phát biểu của ông chỉ là suy diễn.

Tin mới nhất mà tờ Thanh Niên vừa loan tải cho biết: “Tại cuộc họp báo ngày 4/3 ở Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói về vấn đề các đơn vị vũ trang đã kiểm soát chính quyền tại Crưm, nói rằng đó chỉ là những "lực lượng tự vệ địa phương" đồng thời bác bỏ tin cho rằng đó là binh sỹ Nga.

Tổng thống Putin cho biết ông đã ra lệnh cho Chính phủ Nga duy trì quan hệ với chính phủ tạm quyền Ukraine, mà cụ thể là các ông Yatsenyuk và Turchynov.

Về số phận của cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga ở khu vực miền Tây Ukraine, ông Putin nhấn mạnh: "Chính phủ tạm quyền Ukraine phải đảm bảo an ninh cho tất cả các công dân của đất nước".

Những tuyên bố không còn gai góc của ông Putin hình như bác bỏ hoàn toàn thuyết “bình thường” của ông và như vậy phương Tây và Eu đã chém trúng chứ đâu phải chém gió?

Nhưng trúng gió hay trúng người không phải là vấn đề của tôi và rất nhiều người nữa quan tâm đến bài phỏng vấn của ông với báo chí.

Sự bênh vực một cách nhiệt tình tổng thống Vladimir Putin của ông có thể giải thích được. Nó tích lũy từ chuyên môn tuyên huấn mà ông từng dạy cho học viên cộng với sự hâm mộ một nước Nga vĩ đại từ thời Lenin đã ăn sâu vào tâm trí những ai được Liên Xô đào tạo. Nhiệt thành và hết lòng với quá khứ là một đức tính tốt nếu lòng nhiệt thành tận tụy ấy không mù quáng cộng thói quen nâng quan điểm một cách bất thường.

Hơn nữa lòng nhiệt thành này không kém chút nào với những bài đả kích Trung Quốc như ông từng viết.

Sự ca tụng Putin là dễ hiểu và cũng dễ bỏ qua nếu nó không phản ảnh một thực tế khác mà lòng dân đang đau đáu lo âu về một sự xâm lăng được báo trước.

Là một chính khách nhưng ông đã quên sự liên kết có tính logic khi bênh vực cho sự xâm lăng của Nga đối với Crimea và sẽ tiến tới “giải thoát người Nga tại Ukraine”. Trường hợp này sẽ rất giống với hoàn cảnh của Việt Nam và Trung Quốc.

Một ngày nào đó không xa, khi Biển Đông thật sự dậy sóng và Trung Quốc kéo quân vào Việt Nam để bảo vệ Hoa kiều như từng làm trước đây, thì lúc ấy tôi tin rằng với một người yêu nước như ông sẽ không gì đau hơn khi bọn người ấy lấy ngay bài viết này tới tận nhà ông yêu cầu ông đọc trên đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam như một lời hiệu triệu quần chúng nhân dân thì ông nghĩ sao?

Lúc ấy tôi e rằng ông rất ân hận về sự chém gió của mình và điều bất hạnh nhất đối với ông và cả dân tộc này: cái sự tưởng là chém gió ấy lại là lưỡi gươm bén chém vào thân xác đớn đau của đất nước.


-------------------------------------

BÀI LIÊN QUAN :



No comments:

Post a Comment

View My Stats