Tiến sĩ Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Cập nhật: 10:50 GMT -
thứ ba, 4 tháng 3, 2014
Tháng 2 năm 2014. Người dân Việt lại đau đáu với câu hỏi:
kịch bản và số phận nền chính trị Việt Nam sẽ ra sao sau sự biến Ukraine?
Khi mùa xuân năm nay ùa về, cơn
cuồng phong cực kỳ mau lẹ ập đến Ukraine chắc chắn đã làm nên một “Mùa xuân Ả
rập” thứ hai, với chu kỳ ba năm lặp lại.
Nếu lịch sử tái hiện, liệu “Mùa
xuân Ukraine” có tràn sang Belarus của Lukashenko và nước Nga của Putin hay
không?
Và liệu sau ba năm nữa, tức vào
năm 2017, liệu một mùa xuân khác có nở hoa trên khu rừng Đông Dương?
Nở hoa
Mong nguyện nở hoa đó là có
thật.
Tương tự thái độ với cuộc cách
mạng ở Libya, Tunisie và Ai Cập vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011, biến chuyển
ngoạn mục tại Ukraine đã được rất nhiều, nếu không nói là hầu hết các tờ báo
lớn nhỏ ở Việt Nam đăng tải và bình luận.
Tuy nhiên, một chi tiết đáng
lưu tâm là nếu cách đây ba năm, “Mùa xuân Ả rập” vẫn bị hệ thống tuyên giáo
trung ương áp đặt cảnh báo đối với báo chí về “cần cảnh giác với việc lợi dụng
diễn biến hòa bình và các luận điệu thù địch”, và khiến giới truyền thông lề
phải phải tự xác lập một ranh giới vô hình để câm lặng dừng bước, thì sự kiện
Ukraine mới đây đã biến báo giới Việt Nam thành vận động viên vượt rào.
Có ít nhất hai hoặc ba rào cản
của Ban tuyên giáo trung ương đã không được báo chí tôn trọng đúng mức.
Chế độ tự do biểu đạt và tự do
báo chí cũng vì thế trở nên thực chất đôi chút, ứng với vị thế tân thành viên
Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc của Nhà nước Việt Nam.
Với tư cách là tiếng nói và nỗi
lòng của công luận, phát ngôn của báo chí cũng là tiêu chí hàng đầu nói lên
nhận thức, tình cảm cùng nỗi bức xúc của các tầng lớp dân chúng.
Trong hoản cảnh một đảng ở Việt
Nam, hoàn toàn có thể xem đó là một loại tiêu chí gián tiếp khi người dân không
có hoặc chỉ có rất ít cơ hội để điểm mặt chỉ tên các vụ việc, cá nhân trong một
chính thể cầm quyền ngập ngụa ô uế nạn tham nhũng và vô số vi phạm về quyền con
người.
Đó là lý do vì sao chỉ mong đợi
những “mùa xuân” nổ ra, báo chí lập tức cất tiếng.
Trước cả “Mùa xuân Ả rập”, một
trong những chủ đề bị xem là rất nhạy cảm mà những tờ báo lề phải can đảm nhất
ở Việt Nam thường đụng chạm là nền chính trị và xã hội đương thời ở Trung Quốc.
Nhiều vấn nạn như tham nhũng,
bê bối đạo đức công chức, đàn áp dân chúng, ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu
nghèo… vẫn thường được nhắc đi nhắc lại trên mặt báo Việt Nam một cách đầy ngụ
ý, đôi khi xen cài bình luận và các chỉ trích.
Hành động tương tác thông tin
như thế đã khiến không chỉ lớp người đọc trí thức mà cả các giai tầng khác đều
có thể nhận ra đó là những vấn đề không quá dị biệt đối với nền chính trị và xã
hội Việt Nam.
Mặc dù cách biệt địa lý giữa
Ukraine và Việt nam lên tới một phần tư vòng trái đất, song thế giới phẳng lại
quá gần gũi về nhận thức và phương pháp hành động.
Không khí bùng nổ thông tin
trên vô số trang mạng đã làm cho 34 triệu người Việt dùng Internet không thể
bàng quan với những gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài, và do đó cũng không
thể thờ ơ với mối liên tưởng với hiện tình khốn quẫn của dân tộc mình.
Ukraine chính là
một bài học mới mẻ và có vẻ kỳ diệu nhất cho người dân Việt về một sự thay đổi
hết sức chóng vánh, dù phải đổ máu.
Bầu không khí tích hợp thông
tin như thế đã lan trải ở nhiều quán cà phê, nhiều góc phố tại nhiều đô thị
trong những tuần qua.
Kết quả rất dễ kiểm chứng là
mặc dù không có bất cứ buổi “xuống đường” nào ở Việt Nam để hưởng ứng cuộc cách
mạng lật đổ chế độ độc tài Yanukovych, nhưng vô số bàn tán hả hê xen tâm trạng
hồi hộp ngóng đợi đã đủ để minh họa cho một tâm thế quy nạp phẫn nộ theo chiều
dài toán học.
Chiều dài đó sẽ được kết thúc
tại điểm mà chế độ cầm quyền ở Việt Nam không có khả năng rút ra một bài học
xương máu nào từ lịch sử số phận cầm quyền Ukraine.
Kết nụ
Vốn đã thấm nhuần bài học cách
đây một phần từ thế kỷ từ sự phân rã đột ngột của Liên Xô, sự sụp đổ của bức
tường Berlin hay cuộc cách mạng êm đềm ở Tiệp Khắc, hiển nhiên trong não trạng
giới lãnh đạo Việt Nam, biến động Ukraine mang dấu ấn như một sóng triều cập
nhật nhất nhấn sâu hơn hình ảnh con thuyền bươm nát của những chế độ độc tài
còn sót lại.
Người dân Hà Nội còn kháo tin
về một làn sóng quan chức thủ đô vội vã gom góp của nả để bay ra nước ngoài khi
cái tin Yanukovych bị lật đổ được chính thức xác nhận.
Người ta cũng không quên câu
chuyện ít nhất vài quan chức nào đó đã bị lên huyết áp đến mức phải cấp tốc
nhập viện khi lệnh truy nã Yanukovych được chính phủ mới ở Ukraine ban hành.
Những người dân mẫn cảm nhất
còn bình phẩm về thái độ trở nên ôn hòa hơn hẳn của một số quan chức công an
mẫn cán ở Hà Nội, vào cái ngày trên mạng hiện ra hình ảnh hàng trăm cảnh sát
Ukraine quỳ gối xin người dân tha thứ cho vụ các đồng nghiệp của họ đã gây ra
cái chết của hàng trăm đồng bào biểu tình.
Vốn luôn bị xem là một thế lực
rất không tương nghĩa với tuyên xưng “bạn của dân”, ngành công an Việt Nam như
đang trong cơn rùng mình chua xót và hổ thẹn về nhận thức lại đối với tương lai
của mình.
Vào đầu năm 2014, hoạt động tái
nhận thức như vậy càng trở nên âm ỉ và xung đột trong đầy rẫy hoang mang, càng
khiến mỗi công an viên thêm bất an và tự suy ngẫm về đường công danh, mối tư
lợi hay số phận bất trắc đính kèm của anh ta, chính vào lúc xảy ra ra cái chết
cực kỳ bất bình thường ngay trong nội bộ ngành: Thượng tướng, thứ trưởng công
an Phạm Quý Ngọ.
Bởi tất cả đều có nguyên do của
nó, và đều là thứ nguyên do xác đáng. Chưa nói tới cuộc cách mạng Ukraine có vẻ
khá xa xôi về địa lý, chỉ mới cuối năm trước, chính giới cao cấp Hà Nội đã
không thể bỏ qua cơn chấn động do Sam Rainsy - thủ lãnh đảng đối lập ở
Campuchia - gây nên.
Tất nhiên cuộc biểu tình dẫn
tới bạo động của hàng chục ngàn công nhân ở Phnômpênh luôn có thể là một đề dẫn
hấp lực cho điều tương tự có thể xảy ra ở Việt Nam trong tương lai gần.
Tương lai đó tất yếu sẽ xảy ra,
nếu như các chế độ chính trị cầm quyền ở Đông Dương không tự chuyển mình, hoặc
hơn nữa là tự thay máu mình. Quá nhiều bức xúc và phẫn nộ xã hội luôn có thể
làm nên một thùng thuốc súng có sức công phá không kém thua những gì đã công
hiệu trong lịch sử dày đặc biến loạn của dân tộc Việt.
Nhưng khác hẳn với biến động có
xu hướng ôn hòa ở châu Âu, thật khó có thể hy vọng kịch bản ở Campuchia và Việt
Nam tránh thoát được cơn bạo lực “hồi tố” từ phía người dân, đặc biệt từ những
nạn nhân của chế độ. Mối xung đột âm ỉ từ quá nhiều năm qua giữa dân oan đất
đai, nạn nhân của nạn bạo hành công an… đã tạo nên thật nhiều mối quan hệ mang
tính tư thù. Một số vụ việc quan chức các địa phương và ngay tại Hà Nội bị trả
thù bằng mìn, dao và súng là phần nhập đề cho bài luận văn tả cảnh, tả người và
lưu trữ cả số nhà cho cái tương lai bịt bùng rất có thể xảy đến.
Cũng khác khá nhiều với đặc
tính biến động chính trị ở châu Âu, các nước Đông Dương khó có được sự thay đổi
tức thời và ngọt lịm. Bởi lịch sử vẫn thường cho thấy sự biến đổi ở Đông Dương
nói chung và Việt Nam nói riêng luôn phải thấm trải một chu kỳ đủ dài và đủ
đau, đau đến mức ứa máu và có thể cả tắm máu. Để cuối cùng, hiệu ứng lò xo nén
mới xảy ra: cái gì bị áp bức tàn tệ nhất sẽ phản ứng ghê gớm nhất.
Tàn lụi
Bất chấp các tư cách háo danh
trên trường đối ngoại, chế độ chính trị ở Việt Nam vẫn đang lao dốc theo một
cơn nguy biến không thể kềm giữ: khủng hoảng kinh tế.
Nhưng điều đau đớn tận cùng đối
với một dân tộc chính là cuộc khủng hoảng đang và sẽ trở nên cao trào trong
những năm tới lại được kiến tạo bởi chính các nhóm lợi ích thuộc về lòng chế độ
chứ không phải do một thế lực ngoại xâm nào.
Nhân nào quả nấy. Sự hoành hành
không còn bút tích nào diễn tả của các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu đã trở
thành điều kiện cần đẩy cả dân chúng cùng chế độ xuống hố, cũng như bảo đảm cho
xác suất rất cao diễn ra một phong trào “hồi tố” của dân chúng đối với quan
chức trong tương lai không xa, vào bất kỳ thời điểm nào xảy ra biến động từ nhỏ
đến lớn.
Và lao tới một biến động vĩ
đại.
Hãy nhìn và hãy
chiêm nghiệm số phận của Yanukovych: nếu sắp tới ông ta không thể có chỗ trú thân ở bất cứ nơi nào trên lục
địa châu Âu kể cả Moscow, làm sao những quan chức có bề dày thành tích ngược
chiều với các quyền con người ở Việt Nam lại có thể đào thoát khỏi khu vực Đông
Dương?
No comments:
Post a Comment