Sunday 9 March 2014

BẢO VỆ BIỂN ĐÔNG: TỪ LỜI NÓI, SUY NGHĨ ĐẾN HÀNH ĐỘNG THỰC TẾ CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM (FB Nguyễn Trung Thuần)






Posted by News on March 9th, 2014

Biển Đông Biển Đông, cái tên thân thương với người Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, cái tên đã đi vào cả câu tục ngữ dân gian:
“Thuận vợ thuận chồng, Biển Đông tát cạn; thuận bè thuận bạn, tát cạn Biển Đông”

“Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, đã không biết bao nhiêu lần người Việt Nam chúng ta được nghe những lời lẽ đanh thép ấy từ Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam – tiếng nói chính thức của nhà nước Việt Nam, và cũng từng bấy nhiêu lần từng con dân nước Việt lại tự nhủ, lại thề nguyền sẽ quyết giữ lấy Hoàng Sa và Trường Sa cùng những vùng biển và hòn đảo nằm trong Biển Đông thuộc lãnh thổ của mình. Biết bao nhiêu phong trào thể hiện tình yêu Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông của chúng ta đã được phát động.

Chỉ có điều, không hiểu bên cạnh lời tuyên bố chính thức cùng việc hô hào những phong trào rầm rộ ấy, nhà nước ta đã làm được những gì để góp sức bảo vệ Biển Đông, cũng như bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, tôi đã thử tìm hiểu xem nhà nước mình đã tạo dựng được vốn liếng về vấn đề Biển Đông ra sao.

Thì đây: Sau khi tra đi rà lại mãi trên mạng, chỉ tìm được “nhõn” có một trang mạng chính thức hiếm hoi, ấy là cái trang “Nghiên cứu Biển Đông” có đường link http://nghiencuubiendong.vn/ của Học viện quan hệ quốc tế (?!).
Vô vô cùng hy vọng là tôi đã lầm!

Rồi lại với ý thức “xem người để ngẫm lại ta”, tôi đã thử tìm hiểu xem nhà nước Trung Quốc, đối tác tranh chấp chính của chúng ta, đã tạo dựng được những vốn liếng gì về vấn đề Nam Hải (tức Biển Đông), và rồi đã không khỏi giật mình vì cách triển khai đầy bài bản và vững chãi của họ.

Dưới đây, xin được điểm qua một lượt những thông tin mà tôi đã nắm được (Rất mong đây sẽ là một trong những căn cứ tham khảo để đối chiếu với nước mình) :

1) Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc (National Institute for South China Sea StudiesNISCS).
Cơ quan nghiên cứu trực thuộc chính quyền tỉnh Hải Nam lấy nghiên cứu Nam Hải làm đối tượng, đồng thời tiến hành các giao lưu học thuật có liên quan, được sự chỉ đạo từ Bộ ngoại giao và Cục biển quốc gia về mặt chính sách và nghiệp vụ. Tiền thân của Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc là “Trung tâm nghiên cứu Nam Hải Hải Nam” thành lập năm 1996, khi ấy chỉ là một cơ quan nghiên cứu đặt trong Phòng thông tin Văn phòng ngoại sự tỉnh Hải Nam .
Là cơ sở nghiên cứu vấn đề Nam Hải của Trung Quốc do Bộ ngoại giao ấn định. Tháng 7.2004, Quốc vụ viện chính thức phê chuẩn việc đổi tên Trung tâm nghiên cứu Nam Hải Hải Nam thành Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc. Tháng 10.2006, việc xây dựng Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc đã nằm trong dự án của quốc gia.
Ngày 24.9.2011, lễ khánh thành trụ sở Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc đã được báo Hoàn cầu đưa tin với dòng tít: “Kho tri thức vấn đề Nam Hải cấp quốc gia của ta: Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc đã hoàn thành”.
Các lĩnh vực và nhiệm vụ nghiên cứu chủ yếu của Viện:
– Lịch sử Nam Hải và chủ quyền các đảo Nam Hải;
– Địa-chính trị của Nam Hải và chính sách Nam Hải của các nước xung quanh;
– Luật biển trong các nghiên cứu phù hợp về khu vực Nam Hải;
– Nghiên cứu mang tính đối sách việc giải quyết hòa bình tranh chấp Nam Sa[i]
– Khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường… Nam Hải;
– Đào tạo và dự trữ các nhân tài chuyên trách giải quyết vấn đề Nam Hải và làm công tác nghiên cứu khoa học biển.
Bộ máy:
Ban nghiên cứu 1 (Viện nghiên cứu luật pháp và chính sách biển). Nghiên cứu lịch sử và pháp lý Nam Hải; địa hình khu vực Nam Hải; chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, nhân văn, lịch sử… các nước xung quanh Nam Hải.
Ban nghiên cứu 2 (Viện nghiên cứu kinh tế biển). Nghiên cứu địa lý, địa chất, hàng hải, khí hậu và thảm họa Nam Hải; môi trường, tài nguyên của Nam Hải sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và xã hội tiếp theo…

2) Trang mạng Lý luận cầu thị http://www.qstheory.cn/ của Tạp chí “Cầu thị” Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc mở cổng riêng “Phối cảnh vấn đề Nam Hải” (http://www.qstheory.cn/special/5625/) rất bề thế, hoành tráng.

3) Cổng Kho lưu trữ (wenku.baidu.com) của trang baidu.com có chuyên đề “Nghiên cứu vấn đề Nam Hải Trung Quốc” lưu trữ và cung cấp tham khảo miễn phí hầu hết đầy đủ mọi nghiên cứu về vấn đề Nam Hải, dưới dạng ảnh có nội dung đi kèm.

4) Công trình nghiên cứu (luận văn): “Tổng thuật các nghiên cứu về vấn đề Nam Hải trong nước từ thập kỷ 90 thế kỉ 20 đến nay”.

5) Đội nghiên cứu khoa học nghiên cứu vấn đề Nam Hải thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế, chủ yếu nghiên cứu khoa học và thu thập các thông tin khoa học có liên quan đến Nam Hải, trong đó chú trọng công tác thu thập tin tình báo về động thái và tin tức nghiên cứu khoa học về Nam Hải trong ngoài nước. Mỗi năm ra một “Báo cáo nghiên cứu hàng năm về mối quan tâm đến Nam Hải”.

6) Trang mạng “Quan hệ quốc tế miền Nam online”, thuộc Trung tâm nghiên cứu ngoại giao mạng Trung Quốc, chính thức khởi động cổng thông tin của “Viện nghiên cứu vấn đề Nam Hải” vào ngày 25.4.2012.

7) Đài truyền hình Trung Quốc ngày 1.6.2012 đưa tin: 24 môn học về nghiên cứu vấn đề Nam Hải Hải Nam được nhận tài trợ của Quỹ khoa học xã hội quốc gia.

8) Một cổng riêng thuộc trang mạng news.shangdu.com được khởi động với chủ đề “Những tin tức mới nhất về tình hình Nam Hải”, cập nhật hàng ngày hàng giờ mọi động tĩnh có liên quan đến Nam Hải.

9) Trang “Mạng chia sẻ tư liệu học tập Chuyên gia tìm kiếm kho lưu trữ” 87994.com có chuyên mục “Giáo dục chủ nghĩa yêu nước: Các bài giảng về vấn đề Nam Hải”.

10) Ngày 10.8.2012, khu Giang Hán mời giáo sư Thiệu Vĩnh Linh thuộc Học viện chỉ huy pháo binh 2 họp báo cáo giáo dục quốc phòng với chủ đề “Tranh chấp Nam Hải: Bế tắc và lối thoát của Trung Quốc”.

11) Trang mạng chính thức của Bộ quốc phòng Trung Quốc đưa tin Ban tuyển sinh đào tạo Trường đại học giao thông Hoa Đông tích cực hướng dẫn học sinh quốc phòng nhận thức vấn đề Nam Hải về lý tính.

12) “Diễn đàn mạng giáo dục tiếp tục cho giáo viên trung tiểu học toàn quốc” mở chủ đề “Vấn đề Nam Hải”để trưng cầu ý kiến.

13) Trang mạng “Ngũ hỉ tạp chí” mở một chuyên mục “Giây lát giáo dục ý thức biển – Vấn đề Nam Hải”.

14) Đưa vấn đề Nam Hải vào chương trình giảng dạy của nhà trường phổ thông[ii].

15) Trong bài viết “Vấn đề Nam Hải với việc giáo dục chỉ dẫn” ngày 8.7.2012 ở trang blog.zzedu.net.cn có đưa một thông tin đáng chú ý: “Đề nghe ghi học kỳ cuối bậc tiểu học 4 năm của Trung Quốc năm nay là một tài liệu về vấn đề tranh chấp Nam Hải, đây là một loại giáo dục chỉ dẫn”.

Các trang mạng tham khảo:

[i] Tức Trường Sa.

[ii] Về phần này tôi mới chỉ được đọc trên báo chí chứ chưa có được tư liệu trong tay.
Bổ sung, 31/8/2012: một độc giả phản hồi: “Trong vài năm qua, Trung Quốc có tới 36 luận án tiến sĩ về biển Đông, Việt Nam chưa có”: Chuyện biển Đông vẫn còn “nhạy cảm”

----------------------------------

XEM THÊM :

06.03.2014

Trong bài này, viết về sự tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải), tôi không chú ý đến các khía cạnh lịch sử, pháp lý, quân sự, kinh tế và ngoại giao vốn đã được nhiều người đề cập mà chỉ tập trung vào một khía cạnh nhỏ: thái độ giữa hai nước; trong cái gọi là thái độ ấy, tôi chỉ giới hạn trong phạm vi học thuật.

Đề tài này được gợi ý từ một bài viết của Shannon Tiezzi mới đăng trên tờ The Diplomat gần đây: “Trận chiến học thuật về Nam Hải của Trung Quốc” (China’s Academic Battle for the South China Sea”. Trong đó, Tiezzi nhấn mạnh: trong cuộc giành giật lãnh hải với các nước Đông Nam Á, trong đó phần lớn thuộc về Việt Nam, Trung Quốc không những chỉ chú trọng đến việc tăng cường quân sự - đặc biệt là hải quân - cũng như các hoạt động giám sát trên biển. Tất cả những điều đó đã được nhiều người đề cập và phân tích. Có một khía cạnh khác, quan trọng không kém, nhưng lại rất ít được chú ý: Đó là Trung Quốc còn huy động cả cộng đồng học giả Trung Quốc vào cuộc chiến nhằm tìm kiếm tài liệu, phân tích dữ kiện, tranh thủ sự đồng tình của thế giới và góp phần trong việc hoạch định các chính sách quốc gia liên quan đến Biển Đông.

Tiezzi nhắc đến hai học viện chính:

Thứ nhất, Trung tâm sáng kiến hợp tác về Biển Đông học (Collaborative Innovation Centre for South China Sea Studies), thuộc đại học Nanjing, được thành lập vào năm 2012 như một trong 14 dự án nghiên cứu tầm vóc quốc gia được ưu tiên hàng đầu tại Trung Quốc. Nhiệm vụ chính của Trung tâm là nghiên cứu tất cả các khía cạnh quan trọng liên quan đến Biển Đông, qua đó, tuyên truyền với nhân dân Trung Quốc cũng như mọi người trên thế giới về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn liên quan đến các cuộc tranh chấp trong khu vực. Để thực hiện điều đó, Trung tâm đã sưu tầm và bảo quản trên 30.000 tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, liên kết với nhiều đại học và học viện trên khắp thế giới, đặc biệt tại Đài Loan và Mỹ để nghiên cứu chung về Biển Đông; hơn nữa, họ còn nhắm đến việc đào tạo khoảng 100 tiến sĩ và 300 thạc sĩ về đề tài Biển Đông trong vòng bốn năm.

Thứ hai là Viện Biển Đông học quốc gia (National Institute for South China Sea studies), đặt tại tỉnh Hainan, được thành lập từ năm 1996, dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Nhìn trên trang web của Viện, tôi thấy cơ sở của Viện rất đồ sộ, được chia thành nhiều bộ phận khác nhau, ngoài bộ phận hành chính, còn có các bộ phận liên lạc, bộ phận nghiên cứu về khoa học hàng hải, về kinh tế biển, về luật và chính sách liên quan đến lãnh hải. Số lượng các công trình đã xuất bản của họ cũng rất phong phú và đa dạng, nhưng chủ yếu tập trung vào việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông từ các khía cạnh lịch sử và địa lý, việc phân tích các yếu tố địa chính trị (geopolitics) và quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khác, đặc biệt là Mỹ, trong các chính sách liên quan đến Biển Đông.

Ngoài hai trung tâm và học viện vừa kể, chính phủ Trung Quốc còn khuyến khích các học giả trong cả nước tập trung nghiên cứu về Biển Đông dưới sự tài trợ của nhiều tổ chức khác nhau. Ví dụ, nhiều học viện về quan hệ quốc tế, về khoa học xã hội, về kinh tế, về luật học hay về hàng hải cũng tham gia vào đề tài Biển Đông từ góc độ chuyên ngành của mình.

Nói chung, nhà cầm quyền Trung Quốc chuẩn bị cho trận chiến trên Biển Đông rất kỹ lưỡng và chu đáo. Họ không những tập trung các học giả về Biển Đông mà còn đào tạo các thế hệ trẻ về đề tài ấy. Họ không những thu thập các tài liệu có sẵn trong nước mà còn liên kết với nhiều quốc gia khác trên thế giới để cùng nghiên cứu về đề tài Biển Đông một cách có lợi nhất cho họ. Họ không những tuyên tuyền với  nhân dân của họ mà còn nhắm đến việc thuyết phục cộng đồng quốc tế về chủ quyền của họ trên Biển Đông. Họ không những khuyến khích việc xuất bản thật nhiều tài liệu liên quan đến Biển Đông mà còn sử dụng các chuyên gia như một thứ tư bản trí thức nhằm xây dựng các chính sách về Biển Đông.

Shannon Tiezzi nhận định việc phát triển của các học viện và trung tâm nghiên cứu về Biển Đông cho thấy chính phủ Trung Quốc rất nghiêm túc trong việc xây dựng các chiến lược dài hạn của họ trong khu vực. Họ không những tập trung vào việc củng cố các quyền lực cứng liên quan đến vũ khí trên biển mà còn mở rộng các loại quyền lực mềm liên quan đến trí thức và học thuật. Trong lãnh vực quyền lực mềm này, giới nghiên cứu Trung Quốc cũng được huy động, từ đó, hình thành một thứ mặt trận riêng.

Ở trên là các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.

Còn Việt Nam thì sao?

Tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là một con số Không to tướng.

Không có trung tâm nghiên cứu. Đã đành. Chính phủ cũng không hề khuyến khích việc nghiên cứu hay thảo luận về Biển Đông. Nhớ, nhiều cuộc hội thảo về Biển Đông đã bị ngăn chận hoặc phá đám bằng những biện pháp rất hèn hạ (như cắt điện); nhiều blog về Biển Đông đã bị đám tin tặc của nhà nước đánh phá.

Giải thích những việc ấy như thế nào nhỉ?



No comments:

Post a Comment

View My Stats