Thứ Ba, ngày 25 tháng 3 năm 2014
Tạo hoá sinh ra mọi vật đều là duy nhất và không lặp
lại. Mỗi con người chúng ta cũng là một cá thể duy nhất, có một không hai. Vì
thế mà mỗi cá nhân có một sức mạnh và lợi thế riêng không ai có được. Nếu phát
huy được cái tôi (bản ngã) của mình thì bạn sẽ trở nên vô địch. Vì rằng sẽ
không có ai trên đời có thể có được những ưu điểm và sức mạnh như bạn. Đó là
một chân lý hiển nhiên.
Nếu ai đó còn kém cỏi, là vì người đó chưa khám phá
được cái tôi của chính mình. Người như vậy sẽ trở nên nô lệ bằng cả thể
xác và tâm hồn. Một người mà chưa hiểu được bản ngã của mình thì làm sao có thể
hiểu được người? Mình chưa thực sự là chính mình, thì sao có thể là người khác?
Hiểu mình rồi mới hiểu người, từ đó mà đi đến chỗ suy ra vạn vật. Vạn vật hợp
nhất và tách rời, rồi được nhất thống bởi tư duy của chúng ta. Nhìn thấy một mà
nghĩ đến nhiều, từ cá thể mà liên hệ tới vũ trụ. Vũ trụ mênh mông, vô cùng vô
tận, nhưng hãy luôn nhớ một điều: Mỗi chúng ta là một cá thể duy nhất và
không bao giờ lặp lại.
Bắt chước người khác là sai lầm lớn nhất trong đời,
vì bạn không bao giờ có được sức mạnh bản ngã của họ. Bạn đang sống cuộc sống
của người khác, chấp nhận làm cái bóng để rồi từ bỏ cuộc sống đích thực của bản
thân. Vậy là bạn đã đánh mất con người thực của mình, thay vì khám phá bản thân
lại đi khám phá cái bên ngoài. Khi làm một cái bóng, bạn không bao giờ có được
sức mạnh và ưu điểm của bản ngã thứ hai, nó là của người khác, nó không thuộc
sở hữu của cá nhân bạn.
Càng khám phá được nhiều về bản ngã, thì sức mạnh
nơi con người càng được tăng trưởng. Để đánh giá thì thông thường người ta phân
loại, ví như: Rất kém, kém, bình thường, khá, giỏi, xuất sắc...; vậy thì chúng
ta hãy dùng từ “giỏi” để chỉ mức độ khám phá bản thân con người.
Một người được cho là giỏi khi mà họ biết kết hợp
kiến thức để vận dụng thuần thục vào năng lực cá nhân. Sự hoà hợp giữa con
người và kiến thức là tiêu chuẩn để đánh giá, càng khăng khít thì càng đạt đến
độ xuất sắc. Nếu là một võ sĩ giỏi chẳng hạn, thì anh ta sẽ là người như thế
nào? Đó là quyền cước hoà hợp với thân thủ như hình với bóng. Một nhà Văn giỏi
thì như thế nào? Chừng nào văn chương tạo được bản sắc riêng, mà khi đọc lên
thì biết đó là văn của ai, chứ không nhầm lẫn với người nọ người kia, như vậy
thì được cho là giỏi. Hay một người thợ gốm thủ công chẳng hạn, nếu những sản
phẩm mà anh làm ra có chất lượng tốt, lại mang bản sắc thương hiệu riêng, thì
đó là một người thợ giỏi. Vì thế mà người thợ gốm đó sẽ được người ta biết đến
nhiều, công việc làm ăn ngày một khấm khá...;
Mấy ví dụ trên là để nói đến lợi ích và sức mạnh của
bản ngã. Người phát huy được bản ngã thì trở thành trụ cột, kẻ không phát huy
được thì a dua và làm theo. Cho nên ai không phát huy được bản ngã thì trở
thành cái bóng của người khác, và không còn là chính mình.
Chế độ Cộng Sản triệt tiêu cái tôi (bản ngã) của con
người, cho nên phản tự nhiên. Nó bắt người ta như một cái máy, chỉ biết tuân
thủ tư tưởng (chủ nghĩa Marx) và mệnh lệnh của người khác (đảng Cộng Sản). Đó
là tội ác và sự lãng phí lớn nhất. Khi cái tôi bị triệt tiêu (hoặc bị hạn chế)
thì sự sáng tạo cũng theo đó mà triệt tiêu (hoặc bị hạn chế). Cuộc sống và công
việc vì thế mà không được thăng hoa. Giống như một cái máy chém treo lơ lửng
trên đầu người ta, cứ vươn cổ lên cao thì sợ nó chém chết.
Chế độ Dân Chủ bảo vệ và đề cao bản ngã, vì vậy mà
phát huy được sức mạnh sáng tạo nơi con người. Nhờ đó mà xã hội phát triển lớn
mạnh, tư tưởng thăng hoa, cuộc sống hạnh phúc phồn vinh. Sở dĩ như vậy là vì
quyền con người được bảo vệ (gồm các quyền tự nhiên và pháp định), mọi sự thuận
theo quy luật phát triển.
Không có tội ác nào lớn hơn việc triệt tiêu bản ngã
con người, bởi nó chống lại quy luật tự nhiên và làm đảo điên vũ trụ. Không có
sức mạnh nào lớn hơn việc phát huy năng lực bản ngã, vì nó là đỉnh điểm của mỗi
cá nhân.
Hãy là chính mình, khi đó bạn sẽ là người vô địch.
No comments:
Post a Comment