Mặc Lâm,
biên tập viên RFA
2014-03-16
2014-03-16
Tổ chức chính trị Việt Tân luôn khẳng định rằng công
cuộc tranh đấu của họ từ xưa tới nay luôn giữ tôn chỉ “bất bạo động”. Đây là
con đường duy nhất được hầu hết các nước trên thế giới chấp nhận đối với các
cuộc tranh đấu đòi hỏi công lý, dân chủ, nhân quyền của người dân tại rất nhiều
quốc gia.
Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn đặc biệt với ông Lý Thái
Hùng, Tổng bí thư đảng Việt Tân để tìm hiểu thêm sách lược của tổ chức này đối
với tinh thần “bất bạo động”. Tưởng cũng xin nhắc lại quan điểm của người được
phỏng vấn hoàn toàn không nhất thiết là quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nhiều
phướng pháp đấu tranh bất bạo động
Mặc
Lâm: Thưa ông, xin ông cho biết trong rất nhiều hình thức
đấu tranh bất bạo động ông chủ trương nên chọn hình thức nào cho phù hợp với
hoàn cảnh Việt Nam hiện nay?
Lý
Thái Hùng: Đúng như anh nói là có rất nhiều phướng pháp đấu
tranh bất bạo động. Vì không có nhiều thì giờ để đi vào chi tiết từng phương
pháp, nên chúng tôi xin chia sẻ một vài ý niệm về bất bạo động mà tôi nghĩ là
phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay.
Trước hết, sở trường của chế độ cai trị hiện nay là
bạo lực, bạo hành. Chúng ta phải chọn đấu trường nào mà những vũ khí bạo hành
hoàn toàn vô dụng hay chỉ có tác dụng rất nhỏ. Dù căm phẫn hay tức giận cách
mấy, chúng ta vẫn không thể chọn đấu trường bạo động vì đó là nơi mà bạo quyền
có ưu thế tuyệt đối.
Kế đến, ưu thế của chúng ta là số đông, bao gồm cả
những người đảng viên đảng Cộng sản Việt còn lương tâm và đang bất mãn tình
hình hiện nay. Đa số đều thấy rõ là không có cách nào sửa chữa một chế độ độc
tài ngoài việc phải gỡ bỏ nó. Hơn thế nữa, việc gỡ bỏ chế độ độc tài hiện tại
càng phải được thực hiện gấp rút vì càng lâu sẽ càng mất thêm chủ quyền đất
nước vào tay ngoại bang.
Sau cùng, trong tình hình liên lập trên thế giới
hiện nay, lãnh đạo CSVN phải mở cửa giao thương với bên ngoài nên vì vậy cũng
bị những áp lực phải sống theo các ràng buộc của tiêu chuẩn quốc tế. Và đó là
một đấu trường mà chúng ta cần phải tận dụng bên cạnh các đấu trường trong
nước.
Nói tóm lại, dựa vào kinh nghiệm đấu tranh bất bạo
động của một số nước, việc tháo gỡ một chế độ độc tài như tại Việt Nam hiện nay
là điều có thể làm được và làm bằng phương thức bất bạo động. Chúng ta có đủ
sáng kiến và khả năng để làm soi mòn nền tảng quyền lực của chế độ và bộ máy
bạo lực mà súng ống, roi điện, gậy gộc của công an không chận bước lại được.
Mặc
Lâm: Nhà nghiên cứu và giảng dạy triết học Bùi Văn Nam
Sơn cho rằng “Bất công xã hội, tự nó, là bạo động. Đặc quyền, đặc lợi là bạo
động. Độc thoại trên diễn đàn thông tin đại chúng là bạo động. Ngôn ngữ mạ lỵ,
thiếu tương kính là bạo động …” ông chia sẻ với quan điểm này ra sao qua góc
nhìn chính trị?
Lý
Thái Hùng: Tôi nghĩ rằng nhận xét của Giáo sư Bùi Văn Nam Sơn
rất đúng. Tất cả các điều đó đều là những hình thức bạo động, bạo hành mà những
người cầm quyền tại Việt Nam đang xử dụng đối với đại khối người dân. Họ vẫn
tiếp tục áp dụng rất có bài bản được dạy từ thời Lênin, Mao Trạch Đông theo
kiểu "sức mạnh cách mạng đến từ nòng súng", nghĩa là cai trị bằng sự
sợ hãi, bằng hệ thống nhà tù. . .
Nhưng chính sách mà Hà Nội đang sử dụng để củng cố
quyền lực không có nghĩa là phía chúng ta, dân tộc Việt Nam, cũng phải chọn
cùng một phương cách, tức chọn bạo động, để đối phó.
Lý do rất đơn giản là nếu chúng ta bị cuốn vào đấu
trường bạo động, lãnh đạo CSVN có ưu thế tuyệt đối về vũ khí và phương tiện bạo
hành để đàn áp. Cùng lúc đó, chúng ta sẽ mất nhiều sự hậu thuẫn và tiếp tay của
quốc tế. Họ sẽ xem đó là loại "nội chiến giữa chính phủ và quân phiến
loạn", thay vì xem đó là "cuộc tranh đấu của người dân Việt Nam trước
những cai trị tàn ác và lạc hậu của chế độ Hà Nội.”
Mặc
Lâm: Những “bạo động” vô hình vừa nói đã và đang nằm yên
trong xã hội Việt Nam, theo ông cần làm gì để đánh thức nó bằng phương pháp bất
bạo động như chiến lược mà Việt Tân đưa ra?
Lý
Thái Hùng: Thưa anh, tôi tin là trong mỗi con người luôn luôn
có sự bất bình khi nhìn những cảnh đàn áp, cướp bóc, phi nhân tính đang diễn ra
khắp nơi trên cả nước như vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Cồn Dầu, Thái Hà...
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là khoảng cách giữa phản ứng bất bình và hành động để
thay đổi bất công.
Phải thừa nhận là sau hơn nửa thế kỷ sống trong sự
khủng bố tinh thần thường trực, phải sống trong bầu không khí lo sợ những người
thân chung quanh mật báo cho công an, phải nhìn những người kiên cường bị chế
độ hành hạ suốt cuộc đời, v.v... đa số người dân Việt Nam nói chung bị rơi vào
tình trạng vô cảm để được yên thân.
Do đó chúng ta rất cần phải thuyết phục nhau loại
"yên thân" đó, thật ra không yên chút nào cả. Trong đời sống hàng
ngày, mỗi người dân đều có thể bị biến thành nạn nhân nhiều lần trong cùng một
ngày, từ bị công an giao thông chận lại đòi tiền hối lộ, đến việc phải hối lộ
để vào bất kỳ văn phòng hành chánh nào hay ngay cả để đi khám bệnh, đến việc bị
bất ngờ vu cáo đủ loại tội trạng từ trốn thuế đến trộm cắp.
Ngoài ra, chúng ta cần phải thuyết phục nhau rằng,
từng người dân mới nhìn tưởng là "tay không" nhưng thực sự chúng ta
đang nắm nhiều sức mạnh trong tay mà không biết. Sức mạnh đó nếu được nối liền
lại với nhau sẽ trở thành loại vũ khí bất bạo động có khả năng làm tê liệt các
chế độ độc tài với đầy đủ roi điện, súng ống, xe tăng. Tôi xin liệt kê một vài
thí dụ:
- Chẻ rất nhỏ công việc ra để ai cũng có thể làm
được nhưng làm trên cả nước. Thí dụ như 90 triệu người cùng viết 1 câu thôi,
như "16 chữ vàng = mất nước" bằng bất kỳ loại mực, sơn, phấn, than gì
và trên bất kỳ giấy, tường, kính, thành xe, v.v. thì tác động trên cả nước đã
rất lớn. Chế độ Hà Nội có muốn chận cũng không được và cũng không biết bắt ai.
- Người dân khắp nơi cùng lôi kéo gia đình của những
cán bộ cấp thấp, công an cấp thấp hãy nghĩ tới quả báo, nghĩ tới ngày phải đứng
trước tòa án của dân mà khuyên người thân của mình đừng thi hành những lệnh độc
ác từ trên, âm thầm giúp đỡ các nạn nhân đang bị hành hạ trong tù ngục, v.v...
thì tác động lên guồng máy bạo hành của chế độ đã rất lớn.
- Đặc biệt là chủ động tạo ra những vấn nạn tiến
thoái lưỡng nan cho chế độ, nghĩa là tiến hay lùi, đối phó hay làm ngơ đều khó,
chẳng hạn như phong trào liên tục đòi chế độ phải diệt trừ tham nhũng. Làm ngơ
để cho tham nhũng lan tràn cũng chết, còn diệt tham nhũng là tự chặt tay chân
cũng chết, và làm dáng theo kiểu "khuấy nồi canh đang sôi cho khỏi trào
thôi" thì cũng chỉ mua thêm chút thời gian chứ không khác gì chính sách
làm ngơ.
Nói tóm lại, chúng ta có rất nhiều cách thức mà tôi
tin là óc sáng tạo của người Việt không thua gì, nếu không nói là sẽ vượt trội
trong nhiều trường hợp, các dân tộc khác. Họ đã tự giải phóng được và đưa đất
nước đi lên. Dân tộc chúng ta chắc chắn cũng có thể làm được.
Lợi điểm
Mặc
Lâm: Bạo động không hẳn là tự trói nhưng không thể nói là
tích cực trong một cách nhìn nào đó. Theo ông hình ảnh tích cực nhất của bất
bạo động là gì?
Lý
Thái Hùng: Theo tôi, lợi điểm lớn nhất của đấu tranh bất bạo
động có thể nhìn thấy ở một số điểm như:
Một là tiết kiệm tối đa những đổ vỡ và thiệt hại về
tài sản, sinh mạng, và tiềm năng phục hồi để đi lên của đất nước hậu độc tài.
Hai là cung cấp giải pháp cho những người dân tay
không có thể tháo gỡ cả một bộ máy độc tài có đầy đủ vũ khí và phương tiện.
Ba là vận dụng được sự ủng hộ, cả tinh thần và vật
chất, từ cộng đồng quốc tế. Trong thế giới ngày nay, từ nỗi lo sợ vô tình tạo
ra những nhóm khủng bố mới như Al-quaida, việc viện trợ vũ khí cho những nhóm
phiến quân là điều hầu như không thể xảy ra. Nhưng hỗ trợ cho những dân tộc đấu
tranh để tự giải phóng mình qua các hình thức đấu tranh bất bạo động thì lại
tương đối dễ dàng vì phù hợp với xu thế dân chủ hóa toàn cầu hiện nay à không
đẻ ra các phó sản tai hại.
Mặc
Lâm: Thời gian và giới hạn của sự kiên nhẫn có phải là kẻ
thù của chủ trương bất bạo động?
Lý
Thái Hùng: Nhìn từ xa thì có vẻ đúng như vậy. Cái giá phải trả
để được các lợi điểm nêu trên là phải chấp nhận một cuộc đấu tranh lâu dài.
Nhưng đến gần sự việc hơn và so sánh các kinh nghiệm
của hình thức đấu tranh bất bạo động trên thế giới thì việc kéo dài thời gian
không nhất thiết là bất lợi, nếu chúng ta biết cách khai dụng nó để đạt kết quả
tốt nhất.
Trong mọi cuộc đấu tranh chống độc tài áp bức,
thường có hai giai đoạn: tháo gỡ độc tài và lập nền dân chủ.
Cốt lõi của giai đoạn lập nền dân chủ là nhờ vào các
đoàn thể xã hội dân sự, tức một xã hội mà phần lớn thẩm quyển giải quyết phải
nằm trong tay người dân. Vì thế mà xã hội dân sự bắt buộc phải có thời gian thì
mới phát triển được.
Nếu trong giai đoạn tháo gỡ độc tài mà chúng ta có
thể cùng lúc phát triển nhanh chóng xã hội dân sự thì sẽ vừa rút ngắn được giai
đoạn đặt nền dân chủ hậu độc tài vừa giảm thiểu rất nhiều xác suất có thế lực
độc tài mới xuất hiện.
Chúng ta thử so sánh trường hợp Ba Lan và Ai Cập. Ba
Lan phải đi qua tiến trình đấu tranh lâu dài để soi mòn sức mạnh của guồng máy
độc tài và có thời gian để gia tăng dần thẩm quyền của người dân. Kết quả là
tiến trình đặt nền dân chủ nhanh chóng và bền vững hơn. Người dân Ba Lan đã tự
tin đến độ cho phép cả tàn dư cộng sản trở lại hoạt động trong thể chế dân chủ
và cho thấy họ không có khả năng xây dựng đất nước.
Trong khi đó, Ai Cập thành công rất nhanh trong giai
đoạn đấu tranh tháo gỡ độc tài nhưng rất tiếc chưa kịp phát triển đủ nền tảng
xã hội dân sự mà phải dựa nhiều vào một vài lực lớn như quân đội hay tổ chức
Huynh Đệ Hồi Giáo. Kết quả là độc tài mới đã liên tục xuất hiện, tạo ra một số
bất ổn.
Để tránh sự sốt ruột về thời gian và khai dụng hiệu
quả, chúng ta cần quan tâm đến 3 yếu tố nữa:
Thứ nhất là giữ vững kỷ luật. Đây là chìa khóa thành
công của mọi cuộc phản kháng chính trị. Sẽ có những thành phần trong lực lượng
bất bạo động mất kiên nhẫn và muốn chuyển sang cách giải quyết dùng bạo lực.
Thứ hai là cần phân tích và cho thấy các tiến triển
của các nỗ lực đấu tranh so với 6 tháng trước, một năm trước. Đặc tính của bất
bạo động là tiệm tiến và liên tục nên nhiều khi thành quả ngay đó mà chúng ta
không thấy vì quá quen mắt.
Thứ ba là cần có kế hoạch chủ động tấn công vào
guồng máy bạo quyền trong mọi lãnh vực. Chúng ta phải cho nhau thấy bất bạo
động không phải là loại đấu tranh thụ động, chờ đợi sự từ tâm, sự thay đổi lòng
dạ của những kẻ cai trị. Ngược lại bất bạo động có mục tiêu và cách làm rất
quyết liệt, đó là tháo gỡ toàn bộ hệ thống cai trị độc tài.
Thúc đẩy
tự diễn biến
Mặc
Lâm: Bất bạo động là một hình thức thúc đẩy tự diễn biến
và vì thế mà nhiều chế độ độc tài rất sợ nó. Theo ông thì phải vận dụng lợi thế
này ra sao?
Lý
Thái Hùng: Thúc đẩy tự diễn biến chỉ là một phần nhỏ trong đấu
tranh bất bạo động và thường là điểm mà phương pháp này dễ bị hiểu lầm.
Nhìn hình ảnh những người theo bước ông Ghandi hay
Mục sư Luther King chịu đòn của cảnh sát Anh, cảnh sát Mỹ thời đó, chúng ta dễ
có ấn tượng những người tham gia bất bạo động chủ trương ráng chịu trận, chịu
đòn để mong thay đổi suy nghĩ của những người đánh họ. Thực ra đó không phải là
chủ đích của ông Ghandi, của Mục sư King và của phương pháp bất bạo động nói
chung.
Chúng ta đều biết những kẻ đang cầm quyền cai trị
bằng mọi giá không vì từ tâm mà thay đổi chính sách. Trong đấu tranh bất bạo
động, chúng ta nhắm vào những nhân sự cốt lõi chi phối các trụ cột chống đỡ chế
độ hơn là những kẻ thừa hành, ở vòng ngoài, hưởng ít quyền lợi, thường phải thi
hành các lệnh độc ác từ các vòng trong, và bị dân oán ghét nhiều nhất.
Từ cách nhìn đó, chúng ta dễ thấy đâu là những đối
tượng mà toàn dân có thể lôi kéo về phía dân tộc và rời xa ra khỏi guồng máy
chế độ. Nếu chưa rời bỏ được thì chỉ làm việc cho có hình thức thôi và tránh xa
các việc ác. Và đâu là những đối tượng mà toàn dân cần tấn công, cần vạch trần
sự gian ác của họ trước công luận thế giới và cả nước.
Khi người dân cả nước chống đối liên tục và cả thế
giới xa lánh những lãnh đạo độc tài, trong lúc hệ thống cán bộ bên dưới không
làm theo hay chỉ làm cho có, thì bệ cai trị của họ thực sự lung lay và họ phải
tính tới đường tẩu thoát. Và đó là cái ngày mà mọi lãnh tụ độc tài đều sợ hãi.
Mặc
Lâm: Bài học Ukraina vừa qua ông trích ra điều gì quan
trọng nhất về bất bạo động ban đầu và bạo động theo sau nó?
Lý
Thái Hùng: Thưa anh, thực tế cho thấy khó mà kiểm soát được
hoàn toàn mọi cuộc đấu tranh quần chúng để giữ nó hoàn toàn bất bạo động. Nhưng
tôi không tin và cũng không có chỉ dấu gì là lực lượng chỉ đạo cuộc đấu tranh
tại Ukraina đã quyết định chuyển hướng từ bất bạo động sang bạo động.
Một số người mất kiên nhẫn và quá phẫn nộ trước các
trò bạo động của công an đến độ trả đũa bằng bạo động là điều khó tránh. Bên
cạnh đó là điều mà chúng ta thấy ở khắp nơi, ngay cả tại Vinh, Nghệ An. Đó là
công an cố tình đóng vai dân chúng làm những hành vi bạo động để công an sắc
phục có lý cớ xông vào bạo hành dân chúng.
Hiện giờ khó mà biết ai trong lực lượng dân chủ thực
sự đã bạo động nhưng một điều rất rõ có thể rút ra là các hành vi bạo động đã
không loại trừ được nhà độc tài Yanukovych. Nhưng các áp lực bất bạo động lên
các thành viên quốc hội đã truất quyền được Yanukovych và ông ta phải bỏ chạy
sang Nga vào giờ phút cuối.
Mặc
Lâm: Và rồi hậu Ukraina như ông thấy cho kinh nghiệm gì
nếu xảy ra tại Việt Nam?
Lý
Thái Hùng: Vấn đề hậu Ukraina còn quá nhiều diễn biến phức tạp.
Nó không chỉ là vấn đề nội chính của Ukraina mà còn liên hệ đến việc Nga đưa
quân chiếm đóng vùng tự trị Crimea trước sự lên án mạnh mẽ của Liên Âu và Hoa
Kỳ. Có lẽ còn quá sớm để rút thành những bài học cho Việt Nam.
Tuy nhiên, sự kiện Ukraina nói chung một lần nữa cho
thấy sức mạnh của phương pháp bất bạo động và mức hữu hiệu của nó đối với một
chế độ độc tài với đầy đủ công an, vũ khí, và được sự hỗ trợ lớn từ nước Nga.
Ngoài ra, qua sự kiện Ukraina, một câu hỏi lớn cho
người Việt chúng ta là tại sao Ukraina thoát ra khỏi độc tài năm 2005 rồi lại
rơi trở vào vòng độc tài cho đến lần này. Ngoài yếu tố chưa có thời giờ để phát
triển xã hội dân sự như đã nói ở trên, còn yếu tố nào khác nữa không? Tôi nghĩ
là chúng ta cần quan tâm hơn vụ Ukraina trong thời gian tới.
Mặc
Lâm: Xin cám ơn ông.
No comments:
Post a Comment