Friday 28 March 2014

ĐẠI HỘI ĐỒNG LHQ BÁC BỎ VIỆC NGA SÁP NHẬP CRIMEA (VOA, BBC)




Margaret Besheer
28.03.2014

Đa số thành viên Liên hiệp quốc hôm thứ Năm đã cho Moskova biết là họ sẽ không công nhận việc sát nhập vùng Crimea của Ukraine.

Trong cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về một nghị quyết do Ukraine và gần 50 thành viên bảo trợ đưa ra, 100 quốc gia thành viên đã tái xác nhận sự ủng hộ đối với sự thống nhất và chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.

Các nước này cũng khẳng định rằng cuộc trưng cầu dân ý ngày 16 tháng 3 tại vùng Crimea là vô giá trị. Cuộc trưng cầu dân ý này được tổ chức dưới sự canh chừng của quân đội Nga và đưa đến việc Moskova sáp nhập Crimea trong tuần qua.

Bộ trưởng Ngoại giao lâm thời Ukraine Andriy Deshchytsia, nói tại cuộc họp của Đại hội đồng rằng hành động của Nga vi phạm hiến chương Liên hiệp quốc:

“Nhiều người còn đang vất vả nắm bắt thực tế này. Chuyện này xảy ra tại Ukraina, trung tâm của châu Âu và diễn ra vào thế kỷ 21.”

Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc không có tính cách ràng buộc như nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, nhưng có sức nặng về đạo đức của cộng đồng quốc tế.

Nhiều phái đoàn, trong đó có Hoa Kỳ, bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine. Đại sứ Samantha Power nói nghị quyết này củng cố cho sự tin tưởng là “biên giới không chỉ là chuyện gợi ý.”. Bà nói tiếp:

“Chúng tôi luôn luôn nói là Nga có những quyền lợi chính đáng tại Ukraine. Chúng tôi vô cùng thất vọng khi thấy Nga đã hành động như thể Ukraine không có quyền lợi chính đáng nào tại Crimea, trong khi Crimea là một phần của Ukraina.”

28 nước thuộc Liên hiệp châu Âu đồng lòng bày tỏ sự ủng hộ đối với Kyiv. Đại sứ Liên hiệp châu Âu Thomas Mayr-Harting nói liên hiệp này lên án sự gây hấn của quân đội Nga.

“Liên hiệp châu Âu yêu cầu Nga có những bước giúp xuống thang cuộc khủng hoảng, giảm thiểu ngay tức khắc quân số của các lực lượng của họ và đưa các lực lượng này trở lại những vị trí trước cuộc khủng hoảng cho phù hợp với những cam kết quốc tế của Nga, sẵn sàng hưởng ứng với các cơ chế quốc tế để tìm một giải pháp hòa bình thông qua thương thuyết, tôn trọng hoàn toàn những cam kết song phương và đa phương của nước này để tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

Mười quốc gia đứng về phía Moskova và bỏ phiếu chống, trong đó có Syria, Bắc Triều Tiên và Cuba. Trong số những quốc gia bỏ phiếu trắng có Trung Quốc, và một số nước châu Phi và Châu Mỹ La Tinh.

Đại sứ Nga Vitaly Churkin nói nghị quyết “có tính cách đối đầu” và không cần thiết. Ông nói với các phóng viên là việc có 58 quốc gia không bỏ phiếu chứng tỏ có sự ủng hộ ngày càng tăng đối với lập trường của Nga:

“Dù nghị quyết chống lại chúng tôi được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận, tôi nghĩ đây là một thắng lợi đạo đức của ngoại giao Nga vì có con số ngày càng tăng những quốc gia hiểu được sự phức tạp của tình hình và những động cơ phía sau những hành động của Crimea và của Liên bang Nga.”

Tuy nhiên, khi phát biểu với Đài VOA sau cuộc biểu quyết, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine không đồng ý với nhận định đó. Ông nói rằng sự ủng hộ cho nước ông ngày càng gia tăng trên toàn cầu:

“Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đang gia tăng và trở nên sâu rộng và cụ thể hơn.”

Ông nói sự ủng hộ này bao gồm những biện pháp chế tài kinh tế mà Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ áp đặt lên các cá nhân Nga và các cựu giới chức Ukraine.

---------------------------------

BBC
Cập nhật: 08:20 GMT - thứ sáu, 28 tháng 3, 2014

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết trong đó tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea, vốn được Moscow hậu thuẫn và dẫn đến việc bán đảo này sáp nhập vào Nga, là bất hợp pháp.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chấp nhận viện trợ cho Ukraine 14-18 tỷ đôla dưới hình thức cho vay.
Quốc hội Hoa Kỳ hôm 27/3 cũng đã thông qua một khoản vay đảm bảo cho Ukraine với trị giá một tỷ đôla.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang ngày càng dâng cao sau khi các lực lượng thân Nga chiếm đóng bán đảo phía Nam của Ukraine.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Tư, 26/3, đã cảnh báo rằng EU và Hoa Kỳ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt "sâu rộng hơn" nhằm vào Nga nếu nước này tiếp tục có hành động xâm lấn Ukraine.

Không ràng buộc

100 nước đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc trong đó tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea hôm 16/3 là bất hợp pháp, đồng thời tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

11 nước trong đó có Belarus, Bắc Hàn, Cuba, Venezuela, Syria đã bỏ phiếu chống và 58 nước khác, trong đó có Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam, bỏ phiếu trắng.

"Sự ủng hộ đến từ mọi nơi trên thế giới cho thấy đây không chỉ là vấn đề trong khu vực mà mang tính toàn cầu," Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia nói với các phóng viên sau buổi bỏ phiếu.

Trong khi đó, đại sứ của Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vitaly Churkin, nói trên thực tế, việc gần một nửa Đại hội đồng liên Hiệp Quốc không ủng hộ nghị quyết này là một "xu hướng rất tích cực và tôi tin rằng xu hướng này sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn."

Vì nghị quyết không mang tính ràng buộc nên cuộc bỏ phiếu chỉ mang tính biểu tượng, phóng viên BBC Nick Bryant tại New York nhận định.
Tuy nhiên Ukraine hy vọng nghị quyết sẽ là một sự răn đe đối với Nga để ngăn nước này tiến sâu hơn vào lãnh thổ của họ, phóng viên của chúng tôi nói thêm.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói tuyên bố của IMF về việc cho Ukraine vay thêm 10 tỷ đôla là một "bước tiến lớn" nhằm giúp nước này ổn định nền kinh tế và đáp ứng những nhu cầu về dài hạn của người dân.

Phát biểu sau cuộc họp với Thủ tướng Ý Matteo Renzi tại Rome hôm 26/3, ông Obama nói quyết định này đã gửi đi một "tín hiệu rõ ràng" rằng thế giới đang đứng sau lưng Ukraine trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Một dự luật cũng được lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua vào thứ Năm, 27/3, cho phép chính phủ cung cấp một khoản vay đảm bảo với tổng trị giá một tỷ đôla nhằm giúp Ukraine ổn định nền kinh tế. Dự luật này giờ đây chỉ còn đợi được Tổng thống Obama ký ban hành.

Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk trước đó đã thông báo với Quốc hội rằng nước này đang "đứng trước bờ vực khủng hoảng về cả kinh tế lẫn tài chính."

'Cánh cửa ngoại giao'

Vào tối thứ năm 27/3, khoảng 2.000 người biểu tình từ nhóm cực hữu Right Sector đã tụ tập phía trước trụ sở Quốc hội Ukraine tại Kiev để yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov phải từ chức.
Những người này cho rằng ông Avakov phải chịu trách nhiệm trước cái chết của một trong các lãnh đạo của họ - ông Oleksandr Muzychko, hồi đầu tuần này.

Phóng viên BBC có mặt tại đây miêu tả đám đông là khá "hung hăng", trong lúc các nghị sỹ phải dùng loa lớn để kêu gọi những người này rời khỏi tòa nhà.
Những người biểu tình đã đập vỡ một số cửa sổ và tuyên bố sẽ quay trở lại vào sáng thứ Sáu trước khi rút lui, hãng thông tấn AFP đưa tin.

Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko trước đó đã tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25/5 tới.
Bà được trả tự do sau ba năm ngồi tù vì bị kết tội tham nhũng, sau khi tổng thống thân Nga, ông Viktor Yanukovych, bị truất quyền hồi tháng Hai.

Hơn 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bắt nguồn từ quyết định không ký kết một thỏa thuận thương mại với EU để giữ quan hệ mật thiết với Nga của ông Yanukovych.
Kể từ đó, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea, nơi mà tuần trước đã bỏ phiếu để trở thành một phần của Liên bang Nga.

Ông Obama nói hôm thứ Năm, 27/3, rằng Hoa Kỳ hy vọng Nga sẽ "bước qua cánh cửa ngoại giao" và giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Một số diễn biến khác tại Ukraine:
  • Sáu sỹ quan quân đội của Ukraine bị quân Nga bắt giữ tại Crimea đã được trở tự do, trong đó có Đại tá Yuli Mamchur, chỉ huy căn cứ không quân Belbek, nơi đã bị quân Nga chiếm giữ hôm 22/3.
  • Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk nói Nga sẽ tăng giá khí đốt bán cho Ukraine lên 79% kể từ ngày 1/4.
  • Tổng thống Vladimir Putin đã công bố kế hoạch thiết lập một hệ thống giao dịch nội địa để đối phó với các lệnh trừng phạt tài chính từ phương Tây.



No comments:

Post a Comment

View My Stats