Friday 7 March 2014

4 LÝ DO TẠI SAO PUTIN ĐANG THUA Ở UKRAINE (Simon Shuster từ Simferopol, Time, ngày 3/3/2014)




Simon Shuster (TIME.com)

Bản dịch của Carl Trần
Dịch giả gửi tới Dân Luận
Thứ Sáu, 07/03/2014

Chỉ mới một tuần trước đây, ý tưởng về một sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine có vẻ xa vời nếu không nói là hoàn toàn gây kinh động. Các rủi ro quả thật quá lớn đối với Tổng thống Vladimir Putin và đất nước mà ông đã trị vì trong 14 năm. Nhưng việc quân đội Nga đến Crimea vào cuối tuần qua đã chứng tỏ ông không ngại gì những cuộc phiêu lưu liều lĩnh, ngay cả khi chúng không mang lại nhiều lợi lộc. Trong những ngày và tuần lễ sắp tới, Putin sẽ phải quyết định chuẩn bị kỹ đến đâu cho sự can thiệp này và sẵn sàng chịu đựng bao nhiêu vì nó. Tuy nhiên, rõ ràng là ông không thể bước ra như kẻ thắng trong cuộc xung đột này, nhất là khi thiệt hại được đặt lên bàn cân cùng với lợi ích. Tốt nhất là một chiến thắng với thiệt hại khổng lồ, và tệ nhất là thảm bại.

Đây là các lý do:

1. Trong nước, sự can thiệp này có vẻ như là một trong những quyết định mất lòng dân nhất mà Putin từng thực hiện. Cơ quan khảo sát riêng của điện Kremlin đưa ra một cuộc thăm dò hôm thứ Hai cho thấy 73% người dân Nga phản đối. Khi đưa ra câu hỏi cho 1.600 người trả lời trên khắp nước vào đầu tháng Hai, các nhà xã hội học do chính phủ tài trợ ở WCIOM rõ ràng đã tìm cách thu được càng nhiều sự ủng hộ càng tốt đối với sự can thiệp bằng cách đặt câu khéo léo: "Nga có nên phản ứng với vụ lật đổ chính quyền đã được bầu lên một cách hợp pháp ở Ukraine hay không?" Chỉ 15% nói có - chẳng thể gọi là một đồng thuận quốc gia.

Điều đó thật sự đáng sửng sốt nếu ta xét đến toàn bộ công cuộc tẩy não mà người dân Nga phải đối mặt về vấn đề Ukraine. Trong nhiều tuần liền, hệ thống tin tức truyền hình hầu như độc quyền của điện Kremlin đã báo động liên tục về Ukraine. Cuộc cách mạng của Ukraine, họ khẳng định, là kết quả của một liên minh giữa Mỹ với Đức Quốc Xã nhằm làm suy yếu Nga. Thế nhưng, gần ba phần tư dân số vẫn phản đối bất kỳ một "phản ứng" nào của Nga, chứ chưa nói đến một cuộc chiếm đóng như họ thấy đang diễn ra ở Crimea. Cuộc xâm lăng Georgia năm 2008 nhận được sự ủng hộ rộng lớn hơn nhiều, bởi vì Georgia không phải là Ukraine. Ukraine là một quốc gia của người Slav có những mối quan hệ văn hóa và lịch sử sâu sắc với Nga. Hầu hết người Nga có ít nhất một số người thân hoặc bạn bè đang sống ở Ukraine, và ý tưởng về một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa hai quốc gia Slav lớn nhất thế giới gợi lên một nỗi khiếp sợ mà không một sự biện minh nào của điện Kremlin có thể trấn an được.

Thật vậy, cuộc khảo sát hôm thứ Hai gợi ý rằng các kênh truyền hình của Putin đang mất dần ảnh hưởng. Thông tin sai lạc trắng trợn và mị dân về Ukraine trên truyền hình Nga dường như đã đẩy người Nga lên mạng để tìm thông tin. Còn đối với những người vẫn chưa có Internet, họ chỉ cần nhấc điện thoại lên gọi cho bạn bè và người thân đang hốt hoảng ở Ukraine.

Còn về chủ nghĩa dân tộc của Nga? Đảng Tự Do Dân Chủ chuyên khua vang hồi trống chiến tranh, một con rối cánh hữu của điện Kremlin, đã kêu gào Nga hãy đưa xe tăng vào. Ngày 28 tháng Hai, khi binh lính bắt đầu xuất hiện trên đường phố ở Crimea, lãnh đạo của đảng đó, Vladimir Zhirinovsky, có mặt ở hiện trường dúi hàng nắm tiền cho một đám đông dân chúng địa phương hoan nghênh ông nhiệt liệt ở thành phố Sevastopol, nơi đặt căn cứ Hạm đội Biển Đen của Nga. "Hãy đưa tiền này cho những phụ nữ, những người giúp việc già cả, những thai phụ, những kẻ cô đơn, những người ly dị," ông đứng trên ghế nói với đám đông. "Nước Nga rất giàu. Chúng tôi sẽ cho mọi người tất cả mọi thứ." Nhưng trong cuộc khảo sát hôm thứ Hai, 82% những người trung thành với đảng của ông phản đối bất kỳ sự hào phóng nào như vậy. Ngay cả những thành viên trung kiên của Đảng Cộng Sản, những người có khuynh hướng cảm thấy tất cả lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ vẫn nên là của Nga, cũng tuyên bố với một đa số lớn - đến 62% - rằng Nga không nên nhảy vào cuộc khủng hoảng nội bộ của Ukraine.

Điều đó không nhất thiết có nghĩa là Putin sẽ đối mặt với một cuộc nổi dậy trong nước. Cho đến nay, các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Moscow đều hiền hòa đến tội nghiệp. Nhưng các nhà xã hội học từ nhiều năm nay đã cho biết giới cử tri cốt lõi của Putin đang thưa thớt dần. Điều củng cố uy tín của ông - có tới 60% cử tri ủng hộ chính quyền của ông trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu - là sự thiếu vắng hoàn toàn một lựa chọn sáng sủa khác ngoài Putin. Nhưng quyết định này chắc chắn sẽ làm hao hụt đám đông thụ động đang ủng hộ ông, nhất là tại các thành phố lớn nhất của Nga.

Trong cuộc khảo sát hôm thứ Hai, 30% số người trả lời từ Moscow và St. Petersburg nói rằng, Nga có thể chứng kiến những cuộc biểu tình chính trị lớn theo kiểu đã lật đổ chính phủ Ukraine vào tháng trước. Phương tiện duy nhất của Putin để ngăn chặn kiểu bất ổn ấy là đàn áp mạnh và sớm. Vì vậy, ngày 28 tháng Hai, nhà hoạt động đối lập nổi tiếng nhất nước Nga Alexei Navalny đã bị quản thúc tại gia chưa đầy sáu tháng sau khi ông giành được 30% số phiếu trong cuộc bầu cử thị trưởng Moscow. Ta hãy chờ đợi thêm những vụ như thế này nếu phong trào chống đối Putin bắt đầu tìm thấy tiếng nói của mình.

2. Tác động kinh tế đối với Nga đang ngày càng chồng chất. Khi thị trường mở cửa sáng thứ Hai, giới đầu tư lần đầu tiên có cơ hội phản ứng với sự can thiệp của Nga ở Ukraine trong mấy ngày cuối tuần, và kết quả là các chỉ số chứng khoán chủ chốt của thị trường Nga giảm hơn 10%. Khoản tiền đó tương đương với gần 60 tỷ USD giá trị cổ phiếu bị xóa sổ trong một ngày, nhiều hơn số tiền nước Nga đã chi ra để chuẩn bị cho Olympic Mùa Đông ở Sochi vào tháng trước. Gazprom, công ty độc quyền khí đốt tự nhiên do nhà nước kiểm soát, vốn chiếm khoảng một phần tư doanh thu thuế của Nga, mất 15 tỷ USD giá trị thị trường trong một ngày - tình cờ ngang với số tiền Nga hứa cho chế độ đang bị lung lay ở Ukraine hồi tháng Mười Hai, mà sau đó Nga thu hồi trong tháng Một khi cuộc cách mạng bắt đầu lớn mạnh.

Trong khi đó đồng tiền Nga mất giá so với đồng đô la ở mức kỷ lục, và ngân hàng trung ương Nga chi 10 tỷ USD vào thị trường ngoại hối trong nỗ lực nâng nó lên. "Điều này hẳn phải thay đổi cơ bản cách các nhà đầu tư và các cơ quan xếp hạng đánh giá Nga", Timothy Ash, người phụ trách về nghiên cứu thị trường mới nổi tại Ngân hàng Standard cho biết. Vào lúc mà tăng trưởng kinh tế Nga đang bị trì trệ, "Cuộc phiêu lưu quân sự mới nhất này sẽ xua đuổi nguồn vốn, hạ giá các tài sản của Nga, làm chậm đầu tư và hoạt động kinh tế và tăng trưởng. Các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây đối với Nga sẽ gây thương tổn thêm nữa," Ash nói với tờ Wall Street Journal.

3. Ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Nga cũng không muốn dự phần. Quốc gia giàu dầu mỏ Kazakhstan, thành viên quan trọng nhất trong tất cả các liên minh khu vực mà Nga từng tạo được trong không gian của Liên Xô cũ, đưa ra một tuyên bố nặng phần chỉ trích hôm thứ Hai, đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo nước này trở mặt với Nga trên một vấn đề chiến lược quan trọng như thế: "Kazakhstan bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn tiến ở Ukraine," Bộ Ngoại giao nói. "Kazakhstan kêu gọi tất cả các bên hãy dừng sử dụng vũ lực trong việc giải quyết tình trạng này."

Điều có vẻ như sẽ khiến cho các láng giềng của Nga lo lắng nhất chính là tuyên bố của điện Kremlin trong ngày 2 tháng Ba, sau khi Putin nói chuyện qua điện thoại với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. "Vladimir Putin lưu ý rằng trong trường hợp của bất kỳ sự leo thang bạo lực nào chống lại bộ phận dân chúng nói tiếng Nga trong các khu vực phía đông của Ukraine và Crimea, Nga sẽ không thể đứng ngoài và sẽ dùng đến bất kỳ biện pháp cần thiết nào phù hợp với luật pháp quốc tế." Tuyên bố này đặt ra một tiền lệ làm khiếp hãi tất cả các láng giềng của Nga.

Mỗi một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, từ vùng Trung Á đến vùng Baltic, đều có một bộ phận lớn dân chúng nói tiếng Nga, và tuyên bố này có nghĩa là Nga dành quyền xâm lăng khi cảm thấy rằng bộ phận dân chúng đó đang bị đe dọa. Phản ứng tự nhiên của một đồng minh bất kỳ của Nga trong khu vực sẽ là tìm kiếm những bảo đảm an ninh để khỏi trở thành một Ukraine kế tiếp. Đối với các nước ở Đông Âu và vùng Caucasus, bao gồm Armenia, một đồng minh đáng tin cậy của Nga, điều đó có khả năng dấy lên mong muốn một thế liên minh gần hơn với NATO và Liên hiệp châu Âu. Đối với các nước Trung Á, vùng đất dày xéo truyền thống của Nga trên bản đồ địa chính trị thế giới, điều đó có nghĩa là phải tăng cường các mối quan hệ với Trung Quốc kế cận, bao gồm cả quan hệ về quân sự.

Trung Quốc, từ lâu nay vốn là đối tác im lặng của Nga trên tất cả các vấn đề về an ninh toàn cầu từ Syria cho tới Iran, cũng đã đưa ra những tuyên bố dè dặt về những hành động của Nga ở Ukraine. "Lập trường lâu nay của Trung Quốc là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác," Bộ Ngoại giao được ghi nhận đã nói trong một tuyên bố hôm Chủ nhật. "Chúng tôi tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine."

Như thế thì chỉ qua một cuối tuần, Putin đã nhát ma được tất cả các nước mà ông muốn bao gồm trong Liên minh Á-Âu vĩ đại của mình, khối các quốc gia mà ông hy vọng sẽ đưa Nga trở lại vị trí một cường quốc khu vực. Những thành viên hung hăng duy nhất trong liên minh ấy cho đến nay chỉ có Kazakhstan (xem ở trên) và Belarus, được biết như chế độ độc tài cuối cùng của châu Âu. Lãnh đạo nước này, Alexander Lukashenko, cho đến nay vẫn giữ im lặng về sự can thiệp của Nga ở Ukraine. Nhưng tuần trước, Belarus công nhận tính hợp pháp của chính quyền cách mạng mới ở Kiev, đánh dấu một sự tách rời khỏi Nga, nước đã lên án các lãnh đạo mới của Ukraine là bọn cực đoan và cấp tiến. Đại sứ Belarus tại Kiev còn chúc mừng tân ngoại trưởng Ukraine vừa nhậm chức và cho biết ông trông đợi được làm việc với ông ta.

Còn đối với quốc gia Armenia nghèo khó, một thành viên đến sau trong Liên minh Á-Âu non trẻ của Nga, nước này cũng đã công nhận chính phủ mới ở Kiev trong khi chưa bao giờ chính thức lên án sự can thiệp của Putin ở Ukraine. Nhưng ngày thứ Bảy, nhiều chính trị gia danh tiếng đã dẫn đầu một cuộc biểu tình chống Putin ở thủ đô Armenia. "Chúng tôi không chống Nga", cựu Bộ trưởng An ninh Quốc gia David Shakhnazaryan nói. "Chúng tôi chống các chính sách đế quốc của Putin và điện Kremlin."

4. Nga sẽ bị phương Tây cô lập thêm đáng kể. Vào tháng Sáu, Putin có kế hoạch chào đón các lãnh đạo của khối G8, câu lạc bộ của các cường quốc phương Tây (cộng với Nhật Bản), tại thành phố nghỉ mát Sochi của Nga. Nhưng vào ngày Chủ nhật, tất cả các nước này thông báo họ đã dừng các cuộc chuẩn bị của mình cho chuyến tham dự hội nghị thượng đỉnh để phản đối sự can thiệp của Nga ở Ukraine. Thế là đi tong chiếc ghế mà Putin đã tâm huyết giành lấy để được ngồi cùng bàn với các lãnh đạo thế giới phương Tây.

Trong mấy năm gần đây, một trong những điểm tranh chấp lớn nhất của Nga với phương Tây là về các kế hoạch của NATO xây dựng một lá chắn phi đạn ở châu Âu. Nga xem điều này là mối đe dọa lớn đối với an ninh của mình, bởi vì lá chắn có thể vô hiệu hóa khả năng Nga phóng phi đạn hạt nhân sang phương Tây. Các tướng lĩnh Nga cảnh báo rằng sự răn đe hạt nhân có từ lâu này, vốn bảo vệ Nga khỏi các cuộc tấn công của phương Tây trong nhiều thế hệ - học thuyết Chiến tranh Lạnh về việc chắc chắn hủy diệt lẫn nhau - theo đó có thể bị xóa bỏ. Nhưng sau khi Nga quyết định đơn phương xâm lăng nước láng giềng phía tây vào cuối tuần qua, bất kỳ sự chống đối nào còn sót lại đối với dự án lá chắn phi đạn sẽ được đẩy sang một bên bởi những mối quan ngại an ninh mới của nhiều thành viên NATO khác nhau, chủ yếu là những nước ở Đông Âu và vùng Baltic. Nga rất có thể đã mất hết mọi hy vọng còn lại trong việc ngăn chặn hệ thống lá chắn phi đạn ấy bằng ngoại giao.

Cũng đáng lo không kém cho Putin là các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây đang chuẩn bị nhằm đáp lại sự can thiệp của Nga ở Ukraine. Tùy thuộc vào cường độ của các biện pháp ấy, chúng có thể triệt tiêu khả năng của các công ty và doanh nhân Nga trong việc vay vốn từ phương Tây và làm ăn với hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các đồng minh của Putin cũng có thể gặp khó khăn hơn nhiều để gửi con cái họ sang phương Tây du học hoặc gửi tài sản của họ trong các ngân hàng phương Tây, như hầu hết họ đều đang làm. Tất cả điều đó làm tăng nguy cơ chia rẽ trong giới thân cận của Putin và thậm chí một cuộc đảo chính cung đình cũng có tiềm năng xảy ra. Hầu như không có gì quan trọng đối với giới tinh hoa chính trị của Nga hơn là sự an toàn đối với khối tài sản của họ ở nước ngoài, chắc chắn không phải là lòng trung thành đối với một lãnh đạo có vẻ sẵn sàng đặt tất cả những điều đó trước rủi ro.

Còn về phía lợi ích thì Putin được những gì? Có vẻ như không nhiều, nhất là khi so với những thiệt hại mà ông cố tình gây ra cho nước Nga và chính mình. Nhưng ông có vẻ như sẽ đạt được một vài điều. Một là, ông chứng minh với thế giới rằng các lằn ranh đỏ của ông, không giống như các lằn ranh đỏ của Nhà Trắng, là không thể vượt qua.

Nếu chính quyền cách mạng của Ukraine tiến tới với kế hoạch của họ nhằm hội nhập vào EU và có thể vào cả NATO, thì liên minh quân sự mà Nga coi là mối đe dọa chiến lược chính sẽ di chuyển đến sát biên giới phía tây của Nga, và ở Crimea, nó sẽ bao quanh Hạm đội Biển Đen của Nga. Đó là một lằn ranh đỏ quan trọng cho Putin và các tướng lĩnh của ông.

Bằng cách đưa quân đến Crimea và, có thể, vào phía đông Ukraine, Nga có thể giữ được một vùng đệm xung quanh hạm đội hải quân chiến lược của mình và tại biên giới phía tây. Đối với các nhà quân phiệt ở Moscow, đó là những ưu tiên quan yếu, và để đạt được chúng họ sẵn sàng hy sinh rất nhiều. Cuối tuần qua, những hành động của Putin cho thấy ông đang lắng nghe các tướng lĩnh của mình rất kỹ. Đồng thời, ông dường như làm ngơ sự phẫn nộ của hầu hết mọi người khác.


--------------------------------------

MỘT BẢN DỊCH KHÁC :

Simon Shuster từ Simferopol, Time, ngày 3/3/2014
Vũ Thị Phương Anh dịch
08/03/2014


No comments:

Post a Comment

View My Stats