Friday, 15 March 2013

"TRÙNG TU NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HÒA LÀ VIỆC LÀM NHÂN ĐẠO" (Đỗ Dũng - Người Việt)




Ðỗ Dzũng/Người Việt (thực hiện)
Thursday, March 14, 2013 8:41:20 PM

Nghe, xem phỏng vấn cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành

LTS - Mới đây, ông Nguyễn Ðạc Thành có mặt tại Việt Nam để lo trùng tu Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Ông là cựu thiếu tá QLVNCH, cựu tù cải tạo sau năm 1975, và là chủ tịch sáng lập Vietnamese American Foundation (VAF), một tổ chức chuyên đi tìm mộ tử sĩ QLVNCH, có văn phòng tại Houston, Texas. Ông đã cùng một số giới chức cao cấp Việt Nam và Hoa Kỳ đến thăm nghĩa trang và thắp nhang cho hơn 16,000 anh linh tại đây. Sau đây là cuộc phỏng vấn của nhật báo Người Việt với ông về chuyện này.

Ông Lê Thành Ân (trái), tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn, và ông Nguyễn Ðạc Thành, chủ tịch VAF, thắp nhang tại đài tưởng niệm ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. (Hình: VAF)

Người Việt (NV): Xin chào ông. Trong thời gian ông ở Việt Nam, mục tiêu của ông là làm những gì?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Mục tiêu của chúng tôi là đưa hài cốt của những anh em tù cải tạo về với gia đình và đưa hài cốt của những anh em đã mất tích trong chiến tranh, bởi vì 37 năm tất cả các bên đều đưa những hài cốt tử sĩ của họ về, còn binh sĩ của mình thì vì hoàn cảnh hết sức là đặc biệt còn nằm ở trong rừng.
Ðó là điều rất là đau lòng, cho nên chúng tôi đứng lên cáng đáng công việc là vì đồng đội. Chúng tôi muốn đưa họ về đó là mục đích thứ nhất.
Mục đích thứ hai là người lính miền Nam Việt Nam, sau cuộc chiến người ta đã chết rồi thì chỉ còn cái nghĩa trang duy nhất là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, mà cũng bị đe dọa và người chết nằm cũng không yên tâm mà đi về cõi vĩnh hằng. Cho nên, chúng tôi cũng muốn và đây là điều mà anh em chúng tôi trong QLVNCH đều tha thiết, đều muốn là nghĩa trang được bảo tồn, được sửa sang và người nằm ở đó được yên tâm đi về miền vĩnh hằng.
Tôi hết sức cố gắng đưa nguyện vọng đó, đưa ý kiến đó cho chính quyền Việt Nam và chúng tôi cũng đưa nguyện vọng đó cho chính quyền Hoa Kỳ với vị trí của chúng tôi là người Mỹ gốc Việt, và những người nằm ở đó là thân nhân của người Mỹ gốc Việt, để kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ, vì đây là chương trình nhân đạo, hoàn toàn nhân đạo, và chính phủ Hoa Kỳ cũng lưu tâm, mặc dù đây không phải là chính sách của họ.
Họ lưu tâm vì đây là việc nhân đạo cho nên họ giúp, họ ủng hộ, thì đây là việc hết sức là tế nhị. Tôi không thể nói là chính phủ Hoa Kỳ đã theo chính sách của người ta hay chính quyền Việt Nam như thế nào hết. Tôi chỉ biết rằng hai Bộ Ngoại Giao đã ủng hộ chúng tôi trong chương trình nhân đạo mà thôi.


NV: Cho đến giờ phút này, theo tôi biết, với dự án đầu tiên, trong bao nhiêu năm qua, ông đã lặn lội về Việt Nam nhiều lần, cũng đưa được một số hài cốt sang đây, cũng giúp một số thân nhân bốc hài cốt, coi như công việc đó của ông rất đáng kể và được rất nhiều người biết. Còn dự án thứ hai của ông là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, và như ông nói vừa rồi là được hai bên ủng hộ. Vậy thì đến giờ phút này, mình đã làm được những gì, thưa ông?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Ðối với chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương, chúng tôi đã vận động từ lâu rồi, và đã được bên chính phủ Việt Nam và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lưu ý, và họ cho rằng đây là việc nhân đạo, đáng giúp đỡ, nên họ giúp đỡ, và chúng tôi đã đưa họ một lá thư gửi qua bên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, trước khi ông Nguyễn Thanh Sơn (thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam) qua Mỹ ngày 15 Tháng Mười, 2012.
Chúng tôi đưa cho chính phủ Việt Nam một cái sơ đồ, một bản vẽ, chúng tôi muốn tu bổ và đồng thời chúng tôi nói lên lý do xin tu bổ và trách nhiệm của chúng tôi xin tu bổ, thì bên chính phủ Việt Nam đã nhận tài liệu của tôi. Ông Sơn qua để họp với chúng tôi và trả lời, thảo luận với chúng tôi trong việc tu bổ nghĩa trang, thì ngày đó ông cho biết rằng ông nhận những thỉnh nguyện, những lời yêu cầu của mình và đồng thời ông nói rằng hoàn toàn ủng hộ. Nguyên tắc là ủng hộ đó, để ông về bên Việt Nam thảo luận với các bộ ngành để mà trả lời cho tôi.
Sau đó chúng tôi được biết ông Nguyễn Thanh Sơn nói rằng chính phủ đã chấp thuận, bên đó mời tôi về để cùng tu bổ, một số anh em bên Biên Hòa đã mời tôi về, tôi nói rằng đợi sự chấp thuận của bên chính phủ.
Bản vẽ của tôi đã gửi lên đó và xin tu bổ thì chính quyền Bình Dương đã làm đúng theo kế hoạch của tôi và đúng theo bản vẽ của tôi. Những việc còn lại thì đến phiên VAF chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm tu bổ tiếp tục. Ðó là lý do mà ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Lê Thành Ân (tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn) đã cùng với tôi lên trên Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa để xem lại những nơi nào mà tôi yêu cầu, tôi đề nghị xin sửa tiếp, để chấp thuận cho tôi bỏ công sức vô để mà trùng tu nghĩa trang.
Sự xuất hiện vừa rồi đã gây cho một số người quá bất ngờ thiện chí của chính phủ Việt Nam. Người ta không thể nghĩ rằng chính phủ Việt Nam có thể làm như vậy. Tôi không có thông báo trước những diễn tiến xảy ra. Sự xuất hiện của ông Nguyễn Thanh Sơn đó là một bất ngờ, cho nên có những suy nghĩ quá gay gắt, cho rằng chính phủ Việt Nam không thể có những thiện chí như vậy.
Thực sự nó đã xảy ra, cho nên rất là khó cho chúng tôi để mà tin ai, nếu mà chúng tôi nói sự thật, thì đồng bào nói rằng là tôi bây giờ theo Nghị Quyết 36, còn nếu tôi không nói sự thật thì phía Việt Nam nói rằng tôi đi làm chính trị. Cho nên đây là việc làm rất là, rất là... khó khăn.
Nếu bà con bên đây không tỏ thái độ ủng hộ chương trình thì có lẽ chương trình bị ngưng, và nếu ngưng thì những người gây ra cái khó khăn này chịu trách nhiệm với những người đã nằm xuống, và trách nhiệm nữa mà tôi muốn báo, đó là những người trong quân đội đã từng thao thức, đã từng mong muốn đồng đội mình có một chỗ nằm, có một nơi an nghỉ và bảo vệ nghĩa trang Biên Hòa. Khi bên chính phủ Việt Nam họ tỏ thiện chí, họ cho phép như vậy, mà mình không lên tiếng để mà chấp nhận tu bổ, mà lại âm thầm làm thinh, là không có trách nhiệm, lại lên tiếng chửi bới um sùm thì chương trình bị ngưng, thì đó là lỗi của anh em, lỗi của mọi người chứ không phải lỗi của ai khác.

NV: Cho đến giờ phút này, mình xây được phần nào, tới đâu rồi, ông có thể nói sơ sơ được không?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Từ 40-50%. Những cây lớn đã nhổ đi hết rồi, những con đường đã xây rồi, và trồng bông như chúng tôi muốn. Thứ nhất, vòng tròn, vành khăn tang đó, chúng tôi muốn làm sạch và đắp những chỗ bị bể lại như mới. Thứ hai, chúng tôi muốn lót gạch con đường đi vòng tròn của đài tưởng niệm và cái chỗ vòng tròn của hai con đường đi đều lót gạch và đồng thời trồng bông cho có vẻ khang trang, như những nghĩa trang khác, để cho anh em nằm ở đó cảm thấy vui là vì sự hy sinh của mình, mọi người còn nhớ đến, và đã cho mình một nơi an nghỉ đàng hoàng.
Tôi muốn mọi việc nói lên một cách trung thực, không có nói gì đi ra ngoài cái việc nhân đạo nữa, vấn đề chính trị xin bỏ qua một bên, anh em muốn đấu tranh gì thì cứ đấu tranh, nhưng dành cho người nằm xuống có một cơ hội, một cái chỗ nằm để cho họ an giấc ngàn thu.

NV: Thưa ông, như vậy đài tưởng niệm nằm ở chỗ nào? Có phải nằm ở chỗ cũ ngay Nghĩa Dũng Ðài không, hay nằm ở chỗ mới?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Nghĩa Dũng Ðài không xây, tôi nói với anh là tôi không làm cái gì mới hết, tất cả đều phải nguyên trạng như cũ, chỉ có một cái xây là chính cái khu mộ, tám cái khu mộ là có 8 cái bàn thờ, có 8 cái bàn, là để bà con tới đó đặt hoa quả để khấn vái, là vì 8 cái khu mộ có những chỗ xa đài tưởng niệm, đi cả ngàn thước, mà đi vòng vo tam quốc như vậy làm mất thì giờ bà con. Cho nên, phía Bình Dương người ta xây mỗi đầu khu mộ như vậy có một cái bàn thờ để cho bà con cúng vái này kia. Bởi vì tôi nói rằng, khi tôi vô nghĩa trang Biên Hòa, không có chỗ để hoa quả mà để dưới đất, mà dưới đất là sâu rọm không. Việc này tôi rất là đau lòng, bên phía Việt Nam thấy đúng nên họ làm cho mình. Vậy thôi, ngoài ra không có thay đổi gì cả.

Ông Nguyễn Ðạc Thành (thứ hai từ trái) và Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Sơn (thứ ba từ trái) và một số người thắp nhang tại đài tưởng niệm ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. (Hình: VAF)

NV: Thưa ông, một vấn đề nữa là thân nhân của 16,000 tử sĩ nằm trong nghĩa trang họ cũng quan tâm, đó là lâu nay, khi họ muốn về làm mộ hoặc sửa mộ hay là vô thắp nén nhang, thỉnh thoảng cũng bị gặp khó khăn, công an địa phương hay là những người ở đó họ vòi tiền này kia, vậy cái này nó có nằm trong dự án của VAF của ông không? Nghĩa là yêu cầu những người địa phương trong tương lai họ dễ dãi hay là không làm khó bà con, cái đó có trong chương trình không thưa ông?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Tôi xác định với anh, khi họ về thăm, họ không có bị làm tiền. Trước khi làm, tôi có đi vô đó với tính cách một người thường, không ai biết tôi cả. Khi vô, họ nói tôi phải ghi tên để vô thăm nghĩa trang, thì tôi nói đại tên ông A, B, C gì đó thì đi vô thôi, không có nạp tiền nào, bởi vì có những người đã nói dối trong đó rồi để lấy tiền thân nhân. Nói phải nạp tiền chỗ này, phải nạp tiền chỗ kia để mà đi vô thăm. Cái đó là tôi không biết, bởi vì tôi không có bị, chứ tôi nói không có, người khác nói có thì tôi không có trả lời được.
Cho nên, tôi với một vài người nữa không có bị, nhưng mà chỉ có bị biểu ghi tên là cái thứ nhất. Thứ hai nữa là trong khoảng thời gian người ta đang tu bổ nghĩa trang Biên Hòa, đài tưởng niệm, thì luôn luôn có công an túc trực, không ai bén mảng tới đó hết, để người ta thi công, đó là việc của chính quyền, rồi sau đó đi thăm những chỗ khác thì họ cũng cho thăm.
Việc giới hạn chụp hình thì tôi không có ý kiến. Nhưng sau khi làm xong đài tưởng niệm rồi thì vấn đề này tôi cũng sẽ thảo luận với bên phía chính phủ để khi người ta vô thăm, hay tham quan, người ta chắc chắn là không có trở ngại. Tại sao? Vì chính phủ Mỹ và các phái đoàn nước ngoài sẽ về thăm nghĩa trang Biên Hòa, vì việc tu bổ nghĩa trang Biên Hòa này nó đã được công bố ra thế giới rồi, nước nào cũng biết và mọi nơi cũng biết hết.
Người ta rất hoan nghênh việc tu bổ nghĩa trang Biên Hòa thì chính phủ Việt Nam cũng rất là vui vẻ, là theo tôi nghĩ thôi. Vô thăm không có vấn đề hạn chế đâu. Mình cứ đưa vấn đề chính trị vô nghĩa trang Biên Hòa, rồi mình lợi dụng để mình chửi, nói này nói kia, thì đương nhiên, nếu mình là người cầm quyền trong nước, mình cũng khó chịu, và mình cũng có thái độ thôi. Mình phải nói công bằng vậy thôi.
Thiện chí mà bị lợi dụng thì ai mà chấp thuận cho đành. Nếu mình là chính phủ Việt Nam, mình cho vô thăm như vậy, mình cho rồi mình nhận được cái sự chửi bới thì làm sao mình cho nữa. Tôi nói đó là với sự công bằng, tôi không sợ ai chỉ trích cả, vì mình làm công việc không đúng mình chửi không đúng, mình phê bình cái gì người ta không đúng, còn cái gì người ta đúng thì mình phải nói cho đúng, chứ mình gom những cái này vô cái kia để mình chửi, người ta làm sao tiếp tục cho mình. Ðó là lời tôi muốn nói như vậy.

NV: Trước đây, trong hồ sơ Wikileaks của Bộ Ngoại Giao Mỹ có nhắc đến Thượng Nghị Sĩ Jim Webb (Dân Chủ-Virginia) khi ông về Việt Nam cách đây khoảng 8 năm, ông có đề cập đến vấn đề này với ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng như một số người lãnh đạo bên Việt Nam. Trong dự án này của ông có sự tham dự của những người khác không, hay chỉ có VAF? Thí dụ như ông Jim Webb, hay những ai khác?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Tôi xin nói với anh, đây là một tập hợp của nhiều người, của nhiều nơi, đã đưa ý kiến lên chính quyền Việt Nam, chứ không phải chỉ một mình VAF đâu. Từ năm 2007 đến bây giờ, VAF đi mạnh dạn, đi thẳng vô vấn đề và đi trực tiếp vô vấn đề chứ không có nói như trên báo chí, bởi vì có một số người, chỉ nói trên báo chí thôi, nhưng không có trực tiếp đi về nói chuyện, đưa lên những ý kiến của mình.
Phải mặt đối mặt để nói chuyện, mà mặt đối mặt này không phải là tôi tài ba, mà là có sự giúp đỡ, như tôi đã nói đây là vấn đề nhân đạo, những người Mỹ họ rất tôn trọng vấn đề nhân đạo, do đó, với tính cách cá nhân, họ đã ủng hộ tôi, giúp tôi, họ đã làm công việc này gần như là có một sự ủng hộ mạnh dạn.
Trong nước cũng có những người có thiện chí, cho nên có những sự giúp đỡ đó. Ðặc biệt là ông Jim Webb, năm 2008, đã trực tiếp với chúng tôi để làm công việc này. Ông là người chúng tôi rất kính trọng, tôi đã 3-4 lần lên họp với ông, để mà nói lên công việc để tu bổ nghĩa trang Biên Hòa.

NV: Xin hỏi ông một chuyện nữa là, dù mình không nói chính trị, nhưng mà việc ông Nguyễn Thanh Sơn, một thứ trưởng ngoại giao, đến Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, rồi sự kiện ông Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Lê Thành Ân đến nghĩa trang, coi như là hai người đại diện cho hai chính quyền Việt Nam và Mỹ, vậy mình có thể hiểu là công việc này được cả hai chính phủ ủng hộ không?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Tôi nói với anh, đối với người Mỹ, đây không phải là chính sách chính của họ, bởi vì có nhiều vấn đề phiền toái lắm, không có thể nói được. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ đã nói lên cái sự quan tâm của chính phủ trong vấn đề nhân đạo. Tôi xin nói rõ, đây là sự quan tâm của chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam trong vấn đề nhân đạo, mà họ cho rằng đây là vấn đề nên làm, chứ không phải vì chính trị, cho nên, phải hiểu rõ, đây là vấn đề ủng hộ nhân đạo mà thôi.
Sự hiện diện của họ nói lên sự ủng hộ của chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam đối với VAF. Công việc này nó rất là tế nhị vì nếu không khéo người ta sẽ hiểu lầm bởi vì chính sách của Mỹ không có vấn đề nói về nghĩa trang Biên Hòa là phải như thế này, phải như thế kia. Ðây là một nhu cầu của những người Mỹ gốc Việt đã nêu lên, những người Mỹ gốc Việt này là cựu quân nhân VNCH. Chính vì có sự liên quan như vậy nên người ta cứ đặt vấn đề chính trị vô trong này thì tôi cho rằng đặt chính trị vô trong này là không đúng.
Việc ông Nguyễn Thanh Sơn có mặt đã nói lên tính nhân đạo, ông đã ủng hộ, ông ủng hộ công việc nhân đạo, chứ không ủng hộ vấn đề chính trị. Phía Mỹ cũng vậy, người ta ủng hộ để cho người chết có một nơi an nghỉ, đừng có méo mó, đừng có đưa vấn đề này qua vấn đề kia, làm cho công việc của anh em chúng tôi bị ngưng đọng, làm cho 16,000 anh em lo lắng không biết chỗ nằm có yên hay không.

NV: Dự định của VAF trong những ngày tới sẽ như thế nào? Xin ông có thể cho độc giả nhật báo Người Việt biết được không?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Chúng tôi trên tinh thần nhân đạo muốn giúp cho thân nhân có một cái an tâm là nghĩa trang Biên Hòa, nói rõ cho anh em, tôi nói nghĩa trang Biên Hòa là nói một cách vắn tắt cái tên quen thuộc của Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, vì có những người chỉ trích tại sao không nói là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Vậy xin anh cũng nói cho họ biết là chúng ta đừng có quá chi tiết như vậy, đừng có quá khó khăn như vậy. Ðây là chương trình nhân đạo, khi nói nghĩa trang Biên Hòa thì ai cũng biết đó là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa.
Tôi tha thiết muốn nghĩa trang được bảo vệ và được làm đẹp như những nghĩa trang khác để cho những người nằm xuống, họ có một nơi an nghỉ mà họ không còn phải lo lắng nữa và chương trình đồng đội của chúng tôi sẽ chấm dứt sau khi nghĩa trang Biên Hòa được tái thiết.

Ðài tưởng niệm mới xây ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. (Hình: VAF)

NV: Ông đi đi về về mấy năm qua, có nhiều người cũng như nhiều gia đình thích công việc của ông, và có thể nói là một số gia đình họ mang ơn ông. Nhưng mặt khác, cũng có những người chỉ trích ông cách này cách khác, nhất là chuyện Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Vậy ông có muốn nói gì không?
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Tôi muốn nói tiếng nói lương tâm của con người. Quý vị đấu tranh chính trị như thế nào, chúng tôi rất là trân trọng ý kiến của mọi người, nhưng hiểu rằng, 37 năm qua, người nào cũng tha thiết với cái nơi nằm xuống của 16,000 tử sĩ VNCH, và nghĩa trang Biên Hòa đã bị đe dọa. Ai cũng mong muốn thân nhân mình được bảo vệ và nhất là anh em cựu quân nhân QLVNCH.
Tôi chỉ xin anh em một điều là hãy nghĩ tới sự hy sinh xương máu của những anh em của mình đã ngã xuống và không có một nơi an nghỉ, thì đây là trách nhiệm của mọi người, trách nhiệm của anh em cựu quân nhân, chứ không phải trách nhiệm của riêng ai cả. Trách nhiệm của anh em cựu quân nhân đối với đồng đội của mình khi các anh đã nói ba chữ là “tình đồng đội” và “huynh đệ chi binh” thì xin hãy thực hiện lời hứa của mình, và làm sao anh em của mình nằm xuống có nơi an nghỉ.
Ðừng đặt chính trị vô trong vấn đề này bởi vì chính trị nó là muôn mặt, nó làm cho mình không có thể làm công việc nhân đạo này. Tôi tha thiết xin anh em hãy lên tiếng, nếu anh em nói rằng không nên làm cho 16,000 anh em đó, thì cứ lên tiếng, cho biết tên họ đàng hoàng, để cho người ta thấy trách nhiệm của anh em. Còn ngược lại, anh em thấy rằng việc này nên làm và là tình đồng đội phải làm, anh em đừng suy nghĩ nữa, mà hãy lên tiếng cho sự công bằng để cho những người nằm xuống nghĩ rằng, đồng đội của tôi còn nghĩ đến tôi.
Ðừng để cho những người không có một ngày lính nào, không có một sự hy sinh nào và nhờ sự hy sinh xương máu này, mà họ có mặt bên đây, nói lên những điều trái với đạo đức lương tâm của con người, để làm cho công việc này của chúng ta bị ngưng đọng.
Ðó là những điều tôi muốn nói, đó là danh dự của người lính đối với người lính.

NV: Xin cảm ơn ông dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn.



--------------------------------








 




No comments:

Post a Comment

View My Stats