Friday 15 March 2013

BÁO NGƯỜI VIỆT PHỎNG VẤN BLOGGER HUỲNH NGỌC CHÊNH (Nam Phương - Người Việt)




Nam Phương/Người Việt
Thursday, March 14, 2013 4:09:37 PM

Phỏng vấn blogger Huỳnh Ngọc Chênh

LTS: Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh đang ở Pháp sau khi đến Paris nhận lãnh giải thưởng “Công Dân Mạng” (Netizen) năm 2013 do Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) với dịch vụ mạng Google phối hợp tổ chức.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, 61 tuổi, là một trong một số ít người được giới sử dụng các mạng xã hội điện tử để truyền tải thông tin bầu chọn trực tiếp qua Youtube nhờ những bài viết sắc sảo trên blog Huỳnh Ngọc Chênh về các vấn đề thời sự của Việt Nam. Ông được ca ngợi là một trong những blogger có ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam.
Vì những bài viết về các nhà lãnh đạo hay chính sách của nhà nước với cách nhìn “trái chiều” mà ông gặp không ít khó khăn trong đời sống.
Làm báo Thanh Niên suốt 20 năm rồi nghỉ hưu năm ngoái, ông dành thời giờ viết blog http://huynhngocchenh.blogspot.com. Tuy bị công an mạng ngăn chặn nhưng trung bình cũng có khoảng 15,000 người vào thăm viếng blog này hàng ngày, theo RSF.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn ông dành cho nhật báo Người Việt.

*

Người Việt: Xin ông cho biết tâm trạng, cảm giác của mình khi ngồi trên máy bay trên đường sang Pháp để nhận giải?
Huỳnh Ngọc Chênh: Yên lành qua khỏi cổng an ninh rồi lên máy bay tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao mình được đi. Tôi thấy vui vì nghĩ rằng do uy tín của RSF, Google và nước Pháp lớn nên tôi được đi. Rồi tôi cũng rất vui khi nghĩ rằng có thể do phong trào đấu tranh trong nước đang lớn mạnh có tác dụng ít nhiều lên giới lãnh đạo, họ nghĩ rằng cho tôi đi lợi hơn là cấm.

Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh nhận giải thưởng “Công Dân Mạng” của RSF và Google vinh danh các người viết blog có ảnh hưởng nhất trên thế giới tại Paris ngày 12 tháng 3, 2013. (Hình Thomas Samson/AFP/Getty Images)

NV: Trước khi cấp giấy cho ông sang Pháp, công an hay viên chức nhà nước có dặn dò và đặt điều kiện gì với ông không? Thí dụ cấm ông đụng chạm tới những vấn đề nào đó, người nào đó?
HNC: Tôi chỉ cần visa của Sứ Quán Pháp chứ không có giấy tờ gì của công an Việt Nam, mọi công dân đều được như vậy. Tuy nhiên nếu họ không cho tôi đi thì sẽ chặn tại sân bay vào giờ chót như các blogger khác. Họ không ngăn tôi lại tại sân bay có nghĩa là tôi không có trong danh sách bị chặn. Do vậy không có việc đặt điều kiện để cho tôi đi.

NV: Tại Việt Nam, ông có đọc được báo chí và các diễn đàn tiếng Việt ở hải ngoại không? Ông nghĩ gì về họ?
HNC: Tôi có đọc nhiều báo của người Việt nước ngoài và báo nước ngoài về Việt Nam như BBC, RFI, RFA, Người Việt, Dân Làm Báo, Tiền Vệ, Dân Luận, Ðàn Chim Việt, v.v... Phần lớn nhờ vào những tờ báo đó, trước đây khi chưa có blog, tôi có những thông tin mà báo lề đảng không đưa. Nhờ vậy mà tôi cũng như nhiều người trong nước biết được nhiều sự thật. Nhờ vậy mà nhiều người đã chuyển biến. Cũng có những trang quá cực đoan không hay, đưa tin thiếu độ tin cậy, nên tôi chỉ vào một lần rồi không bao giờ vào nữa.

NV: Có những người viết blog đề cập đến những vấn đề như ông đề cập nhưng bị ở tù, còn ông và một số số người thì chỉ bị sách nhiễu, đe dọa. Theo ông nhận định, ở một biên giới hay giới hạn nào thì tránh được tù tội?
HNC: Tôi viết đúng sự thật. Tôi viết trong khuôn khổ pháp luật. Tôi phản biện về lý luận của đảng CS, tôi chỉ trích đường lối không đúng của đảng CS, tôi phản biện chính sách sai trái của chính phủ. Tôi chống Trung Cộng xâm lược. Tôi chống tham nhũng, tôi cổ xúy dân chủ, tôi đấu tranh cho nhà nước pháp quyền, cho nhân quyền... tất cả cái đó đều trong khuôn khổ pháp luật. Tóm lại, tôi phản biện đảng cầm quyền, tôi không chống lại đất nước nên không có lý gì bắt tôi. Anh đọc kỹ Hiến Pháp Việt Nam sẽ thấy không có điều luật nào phạt tù người chống lại đảng CSVN. Ðiều 88 và 79 chỉ phạt tù người chống lại nhà nước Việt Nam.

NV: Giải thưởng của RSF và Google sẽ giúp ông nổi tiếng hơn, nhưng liệu có làm cho ông gặp khó khăn hơn trong cuộc sống khi về nước hay không?
HNC: Tôi không nghĩ tôi sẽ bị khó khăn gì hơn, vì trước sau gì tôi cũng chỉ viết như tôi đã nói. Có thể là tôi sẽ bị để ý và theo dõi kỹ hơn. Chỉ vậy thôi. Và tôi cần giữ gìn hơn để khỏi có sơ hở gì trong cuộc sống để qua đó người ta có cớ gây khó khăn cho tôi.

NV: Ông nhận định như thế nào về các bản kiến nghị 7 điểm của nhóm nhân sĩ trí thức, cựu đảng viên, thư góp ý và đề nghị của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, lời tuyên bố của các công dân tự do?
HNC: Các kiến nghị... góp phần rất lớn trong cuộc vận động cho dân chủ, cho quyền con người. Việc này làm thức tỉnh nhiều người dân và thức tỉnh ngay giới cán bộ đảng. Nhiều đảng viên kể cả đảng cao cấp hiểu rằng thay đổi theo hướng dân chủ là có lợi cho đất nước. Tuy nhiên vì quyền lợi họ còn e dè.

NV: Ông có nghĩ rằng nhà nước sẽ lờ những kiến nghị và thư góp ý vừa kể vì họ có trò “lấy ý kiến” do chính quyền tổ chức mà ai cũng biết là bịp bợm, rồi tuyên truyền là đại đa số nhân dân “đồng thuận”?
HNC: Ðó là chuyện đương nhiên mà trước khi ký kiên nghị, chúng tôi đã lường trước. Ðể duy trì chế độ độc đảng, đảng CS không trừ bất cứ cách làm gì.

NV: Thưa ông, khi 16 nhân sĩ, trí thức, đảng viên nhiều uy tín, nổi tiếng ở trong nước cầm bản Kiến nghị 7 điểm tới Quốc Hội, nếu họ thay vì chỉ có bằng đó người, hàng ngàn người tới đó cùng với họ thì tình thế có khác không?
HNC: Theo thủ tục thì phải gửi cho kịp ngày nên các vị ấy lo gửi. Ði gọn nhẹ và những người uy tín như vậy thì họ mới bất ngờ và phải tiếp. Nếu đi nhiều thì phải tổ chức, phải kêu gọi. Như vậy thì lộ ngay, công an sẽ tìm mọi cách ngăn cản, quấy phá, việc đi sẽ không thành. Theo tôi cử chừng ấy vị đi là phương án tốt nhất.

NV: Ông có nghĩ rằng dù hiện nay có một số người can đảm lên tiếng về các vấn đề chính trị khác với chủ trương của nhà nước, nỗi sợ hãi còn rất lớn trong quần chúng bên cạnh một tỉ lệ không nhỏ thờ ơ?
HNC: Sợ hãi và thờ ơ đang bao trùm lên xã hội Việt Nam hiện nay. Ðó là sự thành công của đảng CSVN trong công cuộc kéo dài chế độ độc đảng.

NV: Các mạng xã hội đóng vai trò như thế nào về chuyển tải thông tin tại Việt Nam. Ông có nghĩ rằng nó đóng góp phần không nhỏ vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam hay không?
HNC: Như tôi đã nhiều lần nói, vai trò của nó rất lớn.

NV: Thưa ông, ông có bi quan về tương lai đất nước? Xin cho biết lý do.
HNC: Cứ tiếp tục độc đảng thì đất nước sẽ khó ngóc lên nổi, bi quan là vậy. Nhưng tôi rất lạc quan về cuộc vận động dân chủ hóa đang càng ngày sôi động và thu hút sự tham gia của nhiều người. Từ chỗ sợ hãi và thờ ơ không dám nói gì, nay đã có gần 20 ngàn người ký tên kêu gọi xóa điều 4 là một sự tiến bộ vượt bậc.

NV: Xin cảm ông nhiều.


No comments:

Post a Comment

View My Stats