Friday, 15 March 2013

CHUYỆN CÔ GÁI VIỆT BỊ LỪA SANG NGA LÀM GÁI MẠI DÂM (Ngọc Lan - Người Việt)




Ngọc Lan/Người Việt (thực hiện)
Tuesday, March 12, 2013 7:53:26 PM

LTS - Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) và Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới tại Châu Á (CAMSA) vừa quyên góp được hơn $10,000 trong dạ tiệc Góp Một Bàn Tay, tổ chức tại nhà hàng Seafood Palace 2, Westminster, hôm Thứ Bảy, để giúp người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan, Malaysia và nạn nhân tệ nạn buôn người ở Châu Á. Có mặt ở buổi tiệc này, phóng viên Ngọc Lan của nhật báo Người Việt được Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, cho biết chuyện một cô gái, tên là Huỳnh Thị Bé Hương, bị lừa sang Nga làm việc trong một ổ mại dâm, do một người phụ nữ tên Thúy An, biệt hiệu là An Ộp, cầm đầu. Phóng viên Ngọc Lan đã liên lạc với nạn nhân, hiện ở Việt Nam, để biết thêm chi tiết sự việc.

Cô Huỳnh Thị Bé Hương, nạn nhân bị lừa sang Nga làm gái mãi dâm. (Hình: Machsong.org)

Ngọc Lan (NV): Vì sao em lại đi qua bên Nga?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Khoảng Tháng Mười, 2011, em có quen một đôi vợ chồng ở Kiên Giang. Cô đó nói có người em ở bên Nga làm karaoke và quán bar có thu nhập cao. Lúc đó gia đình em cũng có một số khó khăn, em cũng cố gắng đi làm giúp cho gia đình. Cô ấy đã hướng dẫn em làm thủ tục giấy tờ để sang Nga làm, mà làm karaoke, quán bar chứ không phải làm gái mại dâm. Em nghe vậy nên em đi.

NV: Em có phải tốn tiền nhiều không?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Dạ, $4,000. Lúc em đi người ta không lấy tiền của em. Người ta nói giúp qua đó làm mỗi tháng lương sẽ trừ lại sau.

NV: Khi em qua Nga rồi thì như thế nào?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Ngày 29 Tháng Mười Hai, 2011, em đi. Ngày em xuống sân bay ở Nga thì bà An đón em về nhà. Ngay ngày hôm đó em đã bị bà ép buộc làm gái mại dâm.

NV: Cảm xúc của em ngay lúc đó là gì?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Em sợ lắm. Trước giờ ở Việt Nam thì em chỉ xem qua phim, nghe báo đài nói thôi chứ chưa bao giờ em nghĩ em sẽ rơi vô hoàn cảnh đó. Em hoảng loạn tinh thần luôn.
Có mười mấy cô gái Việt Nam ở chung nhà đã qua trước và làm việc trước em, nói với em, “Thôi ngoan đi, lỡ như vậy rồi, lúc đầu đi tui cũng giống như bà thôi, tui cũng đâu có biết qua bên đây làm vậy đâu. Giờ nếu bà không làm việc nó đánh bà.” Em đã chứng kiến và em đã bị đánh nếu em không ngoan làm việc.

NV: Chuyện tiếp theo sau nữa là như thế nào?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Mỗi ngày em đều làm việc. Lúc đầu em kén lắm, vì em không chịu tiếp khách. Nào giờ ở Việt Nam em đâu có bao giờ đi tiếp khách nên em đâu có biết cách chiều chuộng để làm vừa ý đâu. Có người mắng vốn đến tai bà thì bà đánh em, bà chửi em. Em thấy cuộc đời em mông lung, không bao giờ biết được ngày về với gia đình hay là một cái gì đó gọi là tương lai. Em chỉ biết ở với bà làm sao để mỗi tháng có thu nhập đủ tiền ăn tiền nhà, để bà không đánh em, không chửi em, để tinh thần em đỡ hơn chứ bà áp lực dữ lắm.
Ngày nào bả cũng áp đảo cả tinh thần lẫn thể xác. Em rất là mệt mỏi. Em sợ hãi lắm.

NV: Em không liên lạc được với gia đình sao?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Dạ không. Em ở trong nhà đó 24/24 đều có những người làm việc cho bà, để cai quản trong nhà. Tụi em không được xài điện thoại hay làm bất cứ điều gì có liên quan đến gia đình.

NV: Ðến khi nào em có ý định trốn thoát khỏi đó?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Trong một năm mấy qua có nhiều lần em dự định bỏ trốn vì những trận đòn bà đánh em nhiều quá, rồi làm cả một năm mà em không có tiền gửi về cho con. Em có suy nghĩ một ngày nào đó em có cơ hội em phải bỏ trốn thôi mà không biết có ai giúp được mình hay không. Cũng có những người khách em tiếp, họ thấy mặt mày em bầm, tay sưng, họ cũng chia sẻ, hứa giúp nhưng mà em không dám tin vì em biết thế lực của bà rất là mạnh cho nên em không dám.

NV: Những người khách đó là người Nga hay người Việt?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Những người đó toàn là khách Việt Nam không à.

NV: Bằng cách nào em được sự giúp đỡ để trở về nhà?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Hôm đó ở nhà còn lại 4 đứa, là Lê Thị Thu Linh, Lê Thị Ngân Giang, Nguyễn Phạm Thái Hà và em. Con bé Hà là con bé chưa đủ tuổi vị thành niên. Em nói với tụi nó, “Ý chị thì chị sẽ không bao giờ ở đây, giờ chị không bỏ trốn thì sau này chị cũng sẽ bỏ trốn.” Tụi nó đồng lòng với em là cùng nhau bỏ đi hết. Trong lúc bỏ đi, em có gọi điện thoại cho người khách quen nhờ ông kêu cho taxi chở đến đại sứ quán. Khi tụi em lên đến đại sứ quán thì tụi em không dám vô vì tối hôm đó là Thứ Bảy. Tụi em nghĩ là đại sứ quán không làm việc. Mà trong thời gian sống với bà ấy tụi em biết bà là người có thế lực lắm vì đại sứ quán cũng là người của bà.

NV: Làm sao em biết những người ở đại sứ quán là người của bà An?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Tại vì thời gian qua cũng đã có nhiều người bỏ trốn rồi, và bà cũng có liên lạc với đại sứ quán để bắt về đủ các cách các kiểu hết đó. Tụi em ra ngoài đại sứ quán, đại sứ quán không giúp, tụi em trốn tám ngày bị bà moi về, rồi bà đến bà bắt về đúng một cái một luôn.

NV: Tám ngày đó tụi em ở đâu?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Tụi em diễn tả cho đến khi ông chạy taxi Tây hiểu tụi em cần có chỗ nghỉ ngơi. Taxi đưa đến nhà đó ở một ngày $100. Trong thời gian ở tạm đó, em liên lạc về với mẹ em ở Việt Nam và chị em bên Mỹ nhờ giúp đỡ.
Có người cho em số của ông Nguyễn Ðông Triều ở đại sứ quán. Hai ngày trước khi bị bắt lại, em có gọi cho ông, nói rằng tụi em là bốn đứa trong số gái mại dâm mới trốn thoát, đang cần đại sứ quán giúp đỡ để chúng em được an toàn và giúp đỡ để chúng em về Việt Nam.
Nghe vậy ông mới hỏi là “Ðộng nào? Ở đâu? Biết người chủ đó tên gì không? Có biết hỏi quê quán người ta ở đâu không? Bây giờ nhờ ai viết một cái thư để tường trình hết mọi việc là cô gái này quen biết như thế nào và tại sao lại sang Nga rồi gửi lên cho đại sứ quán nhận được thì mới giúp đỡ.” Ông Triều còn nói “ai đưa sang thì kêu người đó đưa về.” Ông nói thờ ơ như vậy đó.
Tụi em đi trốn mà, luôn cả tiếng còn không biết nói, đường cũng không dám đi ra nữa thì làm sao mà viết được cái thư đó gửi lên? Ðâu có nhờ được ai đâu! Chỉ biết nằm đó chờ bên phía Việt Nam và chị em ở Mỹ giúp đỡ thôi.
Sau khi em gọi điện thoại cho ông Nguyễn Ðông Triều xong thì hai ngày sau em bị bà An bắt lại.

NV: Ðiều gì xảy ra khi em bị bắt lại?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Trên xe bà chửi ầm lên, bà nói để đó từ từ bà xử sống không yên, mà chết cũng không xong, chứ không có dễ dàng gì tha cho. Lúc bắt về bà không đánh em liền vì có lời hứa với anh em gì đó của bà.
Khi về, bà bắt bốn đứa em chia nhau lau nhà, nấu cơm, không ăn lương. Bà nói đó là bà phạt hành chánh. Xong rồi đụng chuyện gì là bà đánh.
Khoảng thời gian đó thì người đàn ông đã âm thầm giúp đỡ lúc em đi trốn có gọi điện thoại về nhà mẹ em báo cho mẹ em biết em đã bị bắt lại rồi.
Bà An điều tra ra được ở nhà mẹ em có làm đơn thưa kiện bà để đòi người về nên bà bắt em gọi điện thoại về khống chế mẹ em là phải đi lên tỉnh rút đơn về không được thưa nữa.
Rồi bà bắt em lên đại sứ quán gặp ông Nguyễn Ðông Triều tường trình lại mọi việc, đính chính lại cho bà là sự thật không phải là như vậy. Rồi bà có hứa với mẹ là cho em về nhưng bắt chị Danh Hui ở Mỹ phải viết thư lên báo đài xin lỗi bà thì bà mới cho em về.
Trong thời gian em bị bắt lại khoảng 20 ngày sau trước khi bà trả em về Việt Nam thì bà có áp đảo tinh thần em, đánh đập em dữ lắm. Rồi cho đàn em đánh em nữa. Bốn đứa em đều bị đánh hết.

NV: Bà An làm gì khi biết mẹ em làm đơn thưa ở Việt Nam và chị em ở Mỹ nhờ sự can thiệp của tổ chức BPSOS của ông Nguyễn Ðình Thắng?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Khi bả nghe là nhà em ở bên Mỹ đã thưa kiện bà lên báo đài nên bà cũng sợ. Bà bắt em gọi điện thoại nhắn tin cho chị em và kêu chị em đã làm như thế nào thì giờ làm trái ngược lại như vậy. Bà bắt em đính chính, bắt em viết đơn, bắt cả nhà viết một giấy cam kết là em sang Nga làm việc cho bà là tự nguyện chứ không có sự ép buộc nào hết. Mỗi tháng được hưởng lương sòng phẳng rõ ràng, cả nhà cũng viết và ký tên. Bà giữ và mang những giấy đó lên đại sứ quán Việt Nam gửi lên đó. Chị em không chịu làm, bà đe dọa sẽ bắt cóc con em ở Việt Nam, hại mẹ em, và sẽ cho người bên Mỹ xử lý chị em nữa. Bà nói với em là không làm gì được bà đâu vì bà có rất là nhiều tiền. Bà còn đòi bỏ tù em ở Nga.

NV: Tại sao bà An lại chịu cho em về?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Vì gia đình em đã làm ầm lên hết rồi thì bà sợ nên bà mới trả em về. Bà bắt em kiếm tiền ở Việt Nam cho đủ $850 mua vé về. Chị em đã gửi bài báo thứ ba cho bà, bà nhận được bài báo bà mới sợ quá, bà hoảng quá, nên hôm nay nhận được thì ngày mai bà trả em về.
Bà đưa em lên đại sứ quán ở đó một ngày. Bà nói đủ điều, dỗ ngọt em đủ điều hết, rồi bắt em làm tờ tường trình theo lời ông Phương ở trên đó. Kêu em viết vô là có lời cám ơn bà An và đại sứ quán Việt Nam đã tạo điều kiện giúp đỡ tiền vé cho em về Việt Nam. Rồi xin nhà báo RFA có lời đính chính là sự thật bà không có như vậy, mà có người đã vu khống...

NV: Em có viết không?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Em có viết. Em viết và em đã ký tên. Nhưng khi em về Việt Nam rồi thì em có nói với chú Thắng là những đơn ở bên đó em ký như thế nào thì khi em về Việt Nam em sẽ đính chính lại hết. Vì khi đó em còn ở trong tay bà, bà đã khống chế em làm những chuyện như vậy, bắt buộc em làm thì em phải làm. Giờ em về Việt Nam, em an toàn rồi thì em sẽ đính chính lại mọi việc hết, em sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để cứu những người còn lại ở bên đó.

NV: Em có muốn nói điều gì đó với những cô gái trẻ có thể phải bước vô con đường như em không?
Cô Huỳnh Thị Bé Hương: Sau sự việc như vậy em cũng xin gửi lời đến những chị em gần xa cũng độ tuổi như em đừng có nhẹ dạ cả tin như em mà bị người ta lừa bán sang nước ngoài, mà thành nạn nhân trong động mại dâm như vậy. Nếu không được giải cứu, hay có sự che chở của báo chí ở Mỹ, như chị em đã làm, thì cũng sẽ không được về đâu, không được may mắn như thế đâu.
Em cũng nghĩ em là trường hợp may mắn. Em cũng xin gửi lời đến các chị em gần xa nghe được câu chuyện của em rút ra một kinh nghiệm cho mình, để đừng mắc phải sai lầm giống em nữa.

NV: Cám ơn em kể lại câu chuyện này.

***

Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng nói, “Ðể tiếp tục thực hiện việc giải cứu 13 cô gái còn lại, hiện tại chúng tôi phải dùng những phương tiện rất công khai. Vì họ đã bắt những nạn nhân làm con tin rồi thì bây giờ mình phải công khai hóa để họ không thủ tiêu và để đẩy lùi sự bao che của một số nhân viên tòa đại sứ Việt Nam.”
“Ðây là trường hợp rất hy hữu vì bình thường các cuộc giải cứu đều phải hết sức âm thầm, bất ngờ nhưng riêng cuộc giải cứu này lại rất là công khai, nói trước,” ông nhấn mạnh.

Nói về những việc mới nhất mà BPSOS và CAMSA làm được trong thời gian gần đây, Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng cho biết, “Công việc mới nhất mà chúng tôi đang thực hiện là nỗ lực giải cứu 15 phụ nữ trẻ, trong đó lớn nhất là 25 tuổi và nhỏ nhất là 16 tuổi, bị lường gạt và đưa sang Nga bán vào một ổ mại dâm, mà mọi người đang theo dõi.”

BOSOS và CAMSA vẫn tiếp tục đón nhận những đóng góp, yểm trợ của đồng bào. Mọi sự quyên góp xin gửi về: BPSOS/CAMSA, PO Box 8065, Falls Church, VA 22041.
––-

Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com


---------------------------------------------


13/03/2013

Trong nỗ lực giải cứu 13 nạn nhân vẫn bị kẻ buôn người giam giữ ở Nga, Liên Minh CAMSA đã vận động các phương tiện truyền thông quốc tế điều tra về đường dây buôn người và những quan hệ của họ với Toà Đại Sứ Việt Nam ở Nga.

“Chúng tôi đã thu thập được khá nhiều chứng cớ”, Ts. Nguyễn Đình Thắng phát biểu.
Ông là Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên Liên Minh CAMSA, có văn phòng ở vùng Hoa Thịnh Đốn, thủ đô Hoa Kỳ.
“Chúng tôi sẽ phổ biến theo cách leo thang”, Ông giải thích. “Như vậy, kẻ buôn người và những kẻ bao che cho chúng sẽ biết rằng còn giữ nạn nhân làm con tin thì tông tích của họ sẽ càng bị lộ ra.”

Ông hé lộ là những chứng cớ này cho thấy kế hoạch của bọn buôn người dùng tiền bạc để mua chuộc những người có quyền thế nhằm chạy tội.

Phạm Thị Bé Trang, một trong 13 nạn nhân còn kẹt ở Nga (ảnh CAMSA)

Trong một nỗ lực song hành, ngày hôm nay đại diện của Liên Minh CAMSA ở San Jose đã liên lạc với nữ Dân Biểu Zoe Lofgren để kêu gọi sự can thiệp của bà.

Gần đây, Li ên Minh CAMSA đã truy ra người anh ruột của một nạn nhân, cô Phạm Thị Bé Trang, còn kẹt ở Nga. Người anh này, đã là công dân Hoa Kỳ, hiện sinh sống ở vùng cử tri của Bà Lofgren.

Ts. Thắng cho biết là thứ Năm và thứ Sáu tới đây sẽ cùng cựu dân biểu Cao Quang Ánh đến Quốc Hội họp với nhiều vị dân biểu Hoa Kỳ để vận động một buổi điều trần tại Quốc Hội về hồ sơ này.

Đồng thời đại diện Liên Minh CAMSA ở Montréal, Canada ngày hôm nay phối hợp với thân nhân của hai nạn nhân khác, Lê Thị Thu LinhHà Thị Mỹ Duyên, để cùng lên tiếng.

“Một điều mà bọn buôn người và một số giới chức bao che cho họ không ngờ được là trong số các nạn nhân, nhiều người có thân nhân ở ngoại quốc”, Ts. Thắng nói. “Qua đó chúng tôi huy động sự can thiệp của nhiều quốc gia”.


Tin tức RFA và SBS:


Bài liên quan:

Nạn Nhân Hồi Hương Từ Nga: Chấn Thương Đầu, Mũi:
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2609

Cập nhật thông tin về 4 cô gái Việt bị lừa qua Nga
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2-released-rest-stillhold-by-owner-in-rus-03032013110511.html

Một Nạn Nhân Thoát Cảnh Địa Ngục Ở Nga
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2604

Để Giải Cứu Các Nạn Nhân Bên Nga
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2603

Liên Minh CAMSA và Các Cuộc Giải Cứu Nạn Nhân
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2602



Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm 4 tổ chức thành viên: BPSOS, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau bốn năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 60 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến trên 4 nghìn nạn nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia liên hệ.

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA






No comments:

Post a Comment

View My Stats