Saturday 23 March 2013

NGHĨ VỀ TRẢ LỜI VTV CỦA ÔNG NGUYỄN ĐÌNH LỘC (Nguyễn Trọng Tạo)




Nguyễn Trọng Tạo
Chủ nhật, ngày 24 tháng ba năm 2013

Sau cuộc trả lời VTV của nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại và Email của bạn bè ái ngại, thậm chí thất vọng về ông. Tôi liền vào mạng xem/nghe cuộc trả lời đó. Sau khi xem/nghe 2 lần, tôi có suy nghĩ như sau:

1/ Trước hết, thấy thái độ ngập ngừng, lựa lời của một chính khách của chế độ, nói sao để VTV có thể chấp nhận đưa lên sóng, nhưng cũng gửi tới được người xem/nghe thông điệp về sự thật phía sau lời nói của ông.

2/ Ông không phủ nhận chữ ký của mình trong bản “Kiến nghị 72.

Nội dung chính cuộc trả lời VTV của ông, tóm tắt là: Ông Lộc không tham gia soạn thảo “Dự thảo HP 2013″ và “Kiến nghị 72″ do một số trí thức đã làm trước đó, và trước khi ký vào “Kiến nghị 72″ ông muốn góp ý sửa lại vài điểm (không rõ ông định góp ý sửa như thế nào), nhưng vì đã lên mạng nên ông cũng nhất trí ký vào “Kiến nghị…”. Ông cũng ủng hộ việc lấy ý kiến của dân góp ý cho bản Sửa đổi HP 1992.

Tôi nghĩ, ông Lộc đã không phản bội ông, mà ông đã nói rõ sự thật về ông trước vấn đề được VTV đưa ra.

Sự thực là các chữ ký trong “Kiến nghị 72″ chỉ mang giá trị với nội dung Kiến nghị này, nó không liên quan đến “Dự thảo HP 2013″ như BoxitVN đã nói rõ khi đăng lên mạng, là Dự thảo chỉ để tham khảo.

Điều nổi cộm trong ”Kiến nghị 72″ là đề nghị bỏ Điều 4 (đảng CSVN lãnh đạo) trong hiến pháp sửa đổi, và hợp hiến tam quyền phân lập. Ông Lộc cũng đã nói tới điều này trong một lần trả lời BBC năm 2012. Và ông vẫn giữ nguyên quan điểm này khi ông ký vào kiến nghị.

Vậy thì ông Lộc có sai gì đâu mà nhiều người lo lắng đến thế? Có lẽ họ lo lắng, ái ngại vì cách nói ngập ngừng, lựa lời của ông.

Nhưng tôi nghĩ, đấy chính là cách ông Lộc lựa chọn trước một tình thế không dễ nói, để có thể VTV phát sóng.

Sáng nay, đọc bài Nguyễn Đình Lộc – “cậu học trò U80”trên blog Ba Sàm, tôi thấy một sự chia sẻ hợp tình hợp lý. Có những Comment dưới bài viết này đọc rất cảm động, xin trích vài comment:

- “Bài viết thật sâu sắc, chân tình, nhìn thẳng và thái độ bất cận nhân tình của xã hội nói chung và của một bộ phận những người có lý tưởng nói chung. Cái đáng quý đáng tin của bác Lộc là hướng thiện, hướng tới dân chủ, hướng tới nhân loại tiến bộ. Bác giống như một người mới tập bơi đã hăm hở bơi ra biển, nên có chút sặc nước. Đừng đo bác bằng thước đo của vận động viên vô dịch môn bơi lặn. Cho nên trong tâm thế của người bị sặc, khi bị hỏi tại sao bơi như ông mà dám dẫn đầu vượt biển thì bác Lộc hiền lành, thật thà và tự trọng sẽ trả lời là lúc nhảy xuống tôi mơi được họ dìu lên đầu. Bác không hư danh, không cướp công.

Cái thật thà và sòng phẳng ấy rất đáng tin và đáng trọng. Vì bác mới qua giải phẫu còn đang phải lắp một só thiết bị hỗ trợ kỹ thuật, bác đâu có thể hùng hồn chém gió như các bác dày dạn trong chiến trường dân chủ. Mà ngay cả những anh hùng dân chủ cũng có lúc phải nghỉ ngơi, nạp tiếp năng lượng như đại tu xe cho chặng đường dài sắp tới. Họ cũng có thể rơi vào cảnh ngộ giống như những anh chàng xấu số bị các bà các cô ở châu Phi bắt cóc ép làm tình liên tục cho đến chết. Đừng làm dân chủ bằng thuyết cách mạng thường trực của Mao. Và đừng trách bác Lộc bằng thái độ của các quý bà bắt cóc đàn ông” – Diệu Pháp.

Tôi rất thông cảm với ông NĐL, hơn nữa tôi còn hiểu là các ông cựu quan chức như ông đang là mục tiêu để họ lợi dụng và tiếp tục “đàn áp”.

Mấy năm trước, cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An thường xuyên xuất hiện ở Diễn đàn chiến lược 38 Ngô Quyền. Nhưng đến một ngày đẹp trời, ông An viết bài lên tiếng mạnh mẽ một chút thì người ta “bắt” ông phải im lặng và Diễn đàn chiến lược tắt luôn” – KTS Trần Thanh Vân.

- “Anh Nguyễn Đình Lộc là người tử tế.

Anh Nguyễn Hữu Vinh đã viết một nét rất thoáng chân dung anh Nguyễn Đình Lộc. Nó gợi cho tôi nhớ lại một lần tôi tiếp xúc với anh Lộc. Đó là quãng năm 2004 gì đó (xin lỗi, tôi quen nhớ theo ấn tượng chứ không nhớ thật tỉ mỉ) tại lễ trao giải văn hóa Phan Châu Trinh cho nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn, tôi có hỏi anh Lộc: “Anh Lộc à, tôi dịch “Nền Dân Trị Mỹ” của Tocqueville, thấy bên Hoa Kỳ họ không có “Quốc hội con” kiểu “Hội đồng nhân dân” cấp phường, cấp xã, thị xã, thành phố … như của ta, thế là sao nhỉ?” Anh Lộc cười tươi tỉnh bảo tôi: “Ta dịch của Nga ấy mà”. Một cách giải thích hết sức hồn nhiên, như bản tính con người.

Cái hồn nhiên như thế rất dễ bị chọn làm mồi ngon cho một bộ máy không tử tế, đầy mưu mẹo ranh ma, điều đó hoàn toàn giải thích được — bọn ranh ma từng cắt xén tình cảm “Nhất định thắng” của nhà thơ Trần Dần để chỉ còn là “mưa sa trên nền cờ đỏ” và cả chục năm rủa xả nhà thơ đương thời đôn hậu nhất mà tôi từng gặp. Bọn ranh ma từng làm cha Ngô Quang Kiệt chết đứng!

Cái hồn nhiên của anh Lộc thể hiện rất rõ ở cách anh học dùng PC để vào mạng. Xin chia sẻ với anh Lộc: em gái tôi, năm nay 79 tuổi, vốn làm ở Thành Ủy Hà Nội, cũng học PC chỉ để đọc “Bên Thằng Cuộc” của nhà báo vĩ đại Huy Đức.

Xin chia sẻ với những ai như anh Lộc: trong nhóm biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm của tôi có em Dương Trọng Tấn đã soạn một phần mềm tự học PC cho người già (à quên, người nhiều tuổi). Em Tấn là con một vị tướng, ba của Tấn đã từng bắt con nghỉ hè phải tự đi lên Hà Giang, biên giới, những di tích chiến sự… để tự học. Em Tấn soạn phần mềm tự học đó cho riêng ba mình. Tôi đã mời em Tấn cùng làm việc vì tôn trọng người cha như thế (dù tôi chưa gặp) và người con như thế.

Cuộc đời này có những người hồn nhiên yêu đời tự mang lại hạnh phúc cho chính mình ngay từ khi cái gọi là hạnh phúc chung chỉ là bánh vẽ.

Xin cám ơn Nguyễn Hữu Vinh. Xin chúc anh Nguyễn Đình Lộc mạnh khỏe, yên tĩnh. Cho tôi được nói lời yêu quý các anh và tất cả những người như các anh” - Phạm Toàn.

v.v…

Mấy suy nghĩ của tôi không chỉ để chia sẻ, mà còn để hiểu rõ hơn một sự thật đáng được chia sẻ.

Cảm ơn bạn bè đã gọi điện, gửi Email hỏi về sự kiện này… để tôi được viết mấy dòng này thay cho câu trả lời tới các bạn.

--------------------------------------------------------

ÔNG NGUYỄN ĐÌNH LỘC NÓI VỀ KIẾN NGHỊ 72

















No comments:

Post a Comment

View My Stats