Wednesday 27 December 2023

NGA NÓI EU TIẾP TỤC VIỆN TRỢ CHO UKRAINE LÀ 'TỤ HẠI MÌNH' và 'VÔ ÍCH' (Reuters)

 



Nga nói EU tiếp tục viện trợ cho Ukraine là ‘tự hại mình’ và ‘vô ích’

Reuters

27/12/2023

https://www.voatiengviet.com/a/nga-noi-eu-tiep-tuc-vien-tro-cho-ukraine-la-tu-hai-minh-va-vo-ich-/7414570.html

 

Điện Kremlin hôm 27/12 nói rằng bất kỳ khoản viện trợ mới nào của Liên minh châu Âu cho Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến kết quả cuộc chiến và việc đổ tiền như vậy sẽ chỉ làm tổn thương nền kinh tế châu Âu.

 

https://gdb.voanews.com/ac867dcc-0bd9-43a4-93b1-ead8fc014bd8_cx0_cy7_cw0_w650_r1_s.jpg

Phát ngôn nhân Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, tại một cuộc họp báo thường kỳ

 

Tờ Financial Times hôm 26/12 đưa tin rằng EU đang chuẩn bị kế hoạch tài trợ dự phòng cho Kyiv lên tới 20 tỷ euro.

Kế hoạch này, vốn vay nợ để lấy tiền, sẽ bỏ qua Hungary, quốc gia phản đối viện trợ cho Ukraine. Nó cho phép EU giải ngân nhanh chóng cho Kyiv, bài báo viết.

Khi được hỏi về thông tin này, phát ngôn nhân Điện Kremlin Dmitry Peskov nói mà không đưa ra ví dụ cụ thể rằng người nộp thuế EU đang bắt đầu hiểu rằng tiền thuế của họ đang bị chính quyền Ukraine tiêu hoang.

“Cả người dân châu Âu và người Mỹ đều đã nhận thức rõ về mức độ tham nhũng (ở Ukraine) và họ hiểu rằng một phần đáng kể số tiền này đã bị mất cắp,” ông Peskov phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ.

“Số tiền viện trợ này sẽ không thể thay đổi tiến trình cuộc xung đột Ukraine... Số tiền này được phân bổ sẽ làm hại các nền kinh tế EU vốn đã trải qua thời kỳ khó khăn,” ông nói thêm.

Ông Peskov nhắc lại rằng Moscow sẽ tiếp tục cái mà họ gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho đến khi nào đạt được ‘các mục tiêu trước mắt’.

Khối EU hôm 14/12 đã đồng ý mở các cuộc đàm phán gia nhập cho Ukraine bất chấp cuộc chiến đang tiếp diễn, nhưng họ không thể nhất trí về gói hỗ trợ tài chính 50 tỷ euro cho Kyiv do vấp phải sự phản đối của Hungary.

Các nhà lãnh đạo EU, vốn muốn có thỏa thuận được tất cả các nước thành viên ủng hộ nhưng cũng thủ sẵn kế hoạch B để bỏ qua Hungary, dự kiến sẽ xem xét lại vấn đề này tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 1/2 năm tới.

Kyiv cho biết họ đang làm hết sức để trấn áp tham nhũng.

 

=======================================================

.

.

Nga cảnh báo Nhật về việc cấp tên lửa Patriot cho Ukraine

Reuters

27/12/2023

https://www.voatiengviet.com/a/nga-canh-bao-nhat-ve-viec-cap-ten-lua-patriot-cho-ukraine/7414335.html

 

Động thái của Nhật nhằm cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine sẽ gây ra ‘hậu quả nghiêm trọng’ trong quan hệ Nga-Nhật, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm 27/12.

 

https://gdb.voanews.com/a0913dde-39d2-4ad3-8357-6b99339ce3c4_cx0_cy8_cw0_w650_r1_s.jpg

Một hệ thống phòng không Patriot (Hình ảnh chỉ có tính minh họa)

 

Quan hệ giữa Moscow và Tokyo, vốn đã khó khăn, đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi Nga xua hàng chục nghìn quân vào xâm lược Ukraine hồi tháng 2 năm 2022. Nhật đã tham gia cùng với các nước đồng minh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng lên Nga.

 

Tuần trước, Nhật cho biết họ sẽ chuẩn bị chuyển tên lửa phòng không Patriot cho Mỹ sau khi sửa đổi đường lối xuất khẩu vũ khí, lần đầu tiên trong 9 năm Tokyo có sửa đổi lớn về hạn chế xuất khẩu như vậy.

Mặc dù các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Nhật vẫn ngăn nước này đưa vũ khí đến các nước đang có chiến tranh, nhưng nó có thể gián tiếp làm lợi cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga vì nó giúp Mỹ có thêm năng lực viện trợ quân sự cho Kyiv.

“Nhật mất quyền kiểm soát đối với các loại vũ khí mà Washington hiện có thể làm bất cứ điều gì họ muốn,” bà Zakharova nói tại cuộc họp báo hàng tuần. “Không loại trừ khả năng tên lửa Patriot sẽ đến Ukraine trong chương trình đã được thử nghiệm.”

Kịch bản như vậy sẽ được ‘hiểu là hành động thù địch rõ ràng chống lại Nga và sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho Nhật về quan hệ song phương’, bà nói.

Đầu tháng này, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã điều động máy bay để giám sát các chuyến bay chung của máy bay ném bom và chiến đấu cơ của Trung Quốc và Nga gần lãnh thổ của họ.

Nga và Nhật vẫn chưa ký hiệp ước chính thức chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai do hai nước lâu nay có tranh chấp chủ quyền một quần đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc còn Nga gọi là quần đảo Nam Kuriles.

Ngay cả trước xung đột Ukraine, Tokyo đã phàn nàn về việc Nga tăng cường triển khai quân sự trên các hòn đảo này vốn đã bị Liên Xô chiếm giữ từ tay Nhật vào cuối Đệ nhị Thế chiến.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats