Saturday 30 December 2023

LUẬN BÀN VỀ "ĐỘC LẬP, TỰ DO" (Nguyễn Đình Cống)

 



Luận bàn về “độc lập, tự do”

Nguyễn Đình Cống

30/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/30/luan-ban-ve-doc-lap-tu-do/

 

Năm 1945, khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn cho nó ba cụm từ: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Các cụm từ này lấy từ khẩu hiệu “Dân tộc độc lập, Dân qyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”, do nhà cách mạng Tôn Trung Sơn đề xướng. Trong lời kêu gọi chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, Hồ Chí Minh lại đưa ra mệnh đề “Không gì quý hơn độc lập tự do” và mệnh đề đã trở thành danh ngôn, được hàng chục triệu người Việt nhắc lại nhiều lần, xem như “quốc bảo”.

 

Thật ra, độc lập và tự do là hai lĩnh vực phân biệt, mặc dầu có liên quan với nhau, nhưng vẫn khác nhau. Cơ bản nhất là, độc lập gắn với dân tộc, đất nước; tự do gắn với nhân quyền. Không phải hễ cứ có độc lập là tất yếu có nhân quyền. Trong rất nhiều nước có chế độ độc tài theo quân chủ chuyên chế, phát xít hoặc cộng sản, mặc dầu nước độc lập, nhưng dân quyền, nhân quyền, đặc biệt quyền tự do rất bị hạn chế. Chính Hồ Chí Minh cũng từng nói, đại ý rằng, “Nước được độc lập mà dân không có tự do hạnh phúc, thì độc lập đó chẳng để làm gì”.

 

Triết học, văn hóa cổ phương Đông rất ít đề cập đến tự do (Chủ yếu bàn về đạo đức, nhân nghĩa, lễ …). Ở phương Tây, người ta bàn nhiều đến tự do từ thời phục hưng (thế kỷ 14-15 trở về sau). Cách mạng tư sản Pháp đề cao Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Tuyên ngôn nhân quyền của Hoa kỳ nhắc đến quyền của con người, gồm quyền bình đẳng, quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc.

 

Việc ghép độc lập với tự do trong một cụm từ là thành công của một nhà chính trị lão luyện, nhằm mục đích dùng độc lập để kích thích lòng yêu nước, mà muốn kích thích được mạnh thì đem gắn nó với tự do.

 

Ngoài điều cơ bản vừa viết ở trên, rằng độc lập gắn với dân tộc, tự do gắn với nhân quyền thì quan trọng nhất là chỉ ra được mức độ khác nhau về đòi hỏi, mong muốn, nhu cầu bức thiết của những người, những tầng lớp khác nhau trong dân chúng đối với tự do và độc lập.

 

Người dân trong một đất nước, đầu tiên được chia thành A là tầng lớp cầm quyền, và B là dân thường. Cả A và B lại được chia nhỏ ra, trong đó A chia thành các cấp trên, dưới, B chia thành các tập hợp theo một số đặc điểm. Ở đây tôi chọn cách chia B thành B1 là nhân dân lao động và B2 là tầng lớp trung lưu. Người thuộc A, B1, B2 có nhu cầu về tự do và độc lập khá khác nhau, nhưng hầu như ít người quan tâm đến sự khác biệt này, mà thường thể hiện theo kiểu “vơ đũa cả nắm”.

 

Tự do thì tất cả đều cần, và người cần nhất, mong muốn nhất là nhóm B2. Đối với họ, tự do quan trọng như không khí, mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Họ rất cần tự do để lao động sáng tạo. Trong khi cộng sản cho rằng, cần dựa vào liên minh công nông để xây dựng xã hội thì tất cả các nước tiên tiến, giàu có, đều cho rằng đất nước phát triển được phần lớn là nhờ vào những người trung lưu cùng với giới cầm quyền có tài năng và liêm khiết.

 

Với tầng lớp A thì càng lên cao họ càng có nhiều quyền hành nên tự do đối với họ không trở thành nhu cầu cấp thiết, hơn nữa, một phần để củng cố quyền lực, họ cũng muốn hạn chế bớt tự do của những người trung lưu (B2).

 

Những người thuộc nhóm B1 cũng có mong muốn tự do nhưng không lớn, đặc biệt họ ít đòi hỏi tự do tư tưởng và ngôn luận. Điều cần nhất đối với họ là được yên ổn để làm ăn và duy trì cuộc sống bình thường.

 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/1-36.jpeg

Ảnh: Người dân An Giang xuống đường đòi đất, nhà, với khẩu hiệu: “Độc Lập, Tự Do, Nằm co vệ đường”. Ảnh trên mạng

 

Về độc lập, tầng lớp A rất cần, mà lên càng cao thì mức độ cần càng tăng. Cần nhất, tha thiết nhất với độc lập chính là những người đứng đầu nhà nước. Tại sao? Tuy tôi không viết ra nhưng chắc mọi người đều có thể suy đoán được.

 

Người thuộc nhóm B2 thường giữ thái độ trung gian và cần một chính quyền minh bạch, liêm khiết, Họ không được cộng sản tin cậy, họ bị cho là tầng lớp tiểu tư sản, không có tinh thần làm cách mạng như công nông.

 

Những người B1 (công nông) cần có chính quyền minh bạch, liêm khiết, có năng lực. Nếu nước độc lập mà chính quyền độc đoán, tham nhũng, kém hiệu quả thì, đối với họ, không thể bằng một chính quyền, tuy bị áp đặt, nhưng minh bạch, liêm chính, có năng lực. Ban đầu cuộc cách mạng, họ tích cực theo cộng sản để cướp chính quyền về cho đảng vì họ quá tin vào tuyên truyền, nghe rất hay, nhưng thực chất là dối trá. Đến khi nắm chắc được chính quyền, những cán bộ cộng sản thể hiện rõ bản chất là một “Giai cấp thống trị mới”, giới công nông biết ra thì đã quá muộn.

 

Nếu ngay từ đầu, công nông thoát được vô minh, đoán được sẽ xuất hiện “giai cấp mới” thống trị còn độc ác hơn bọn thực dân và phong kiến thì chưa chắc họ đã theo cộng sản.

 

Như vậy độc lập không phải là mục đích tối cao của dân chúng mà chỉ là mục tiêu ngắn hạn của cộng sản để thiết lập chính quyền cho họ. Những thương binh, gia đình liệt sĩ tự hào vì đã đóng góp xương máu cho đất nước giành độc lập, thực hiện thống nhất, thật ra là để cho đảng cộng sản đặt sự “lãnh đạo” lên toàn quốc, đưa người dân trên đất nước này đến chủ nghĩa xã hội, hiện còn là vô định, chỉ thấy rất rõ rằng, chính quyền do họ lập nên đang thối rữa từng mảng, đang đẩy nhân dân vào con đường không lối thoát, có nhiều nguy cơ bị mắc vào “bẫy Bắc thuộc” thêm một lần nữa.

 

Đã từng có nước Scotland, thuộc địa của Anh, được trưng cầu dân ý năm 2014, xem có muốn độc lập hay không. Đa số dân Scotland không muốn, vì sợ tầng lớp thống trị mới không thể lãnh đạo đất nước bằng những người đương chức.

 

Phân tích trên có thể giúp mọi người nhận ra mặt trái của tấm huân chương “Không gì quý hơn độc lập tự do”.





No comments:

Post a Comment

View My Stats