Saturday 31 October 2020

NỐT MỘT ĐIỀU HAY HO CỦA NĂM 2020 (Tim Alberta - Politico)

 


Nốt một điều hay ho của năm 2020

Tim Alberta  -  Politico   

Người dịch: Tom Nguyen, Anh Ho

29/10/2020

https://www.the-interpreter.org/post/not-mot-dieu-hay-ho-cua-nam-2020

 

Translated from Politico article One Last Funny Feeling About 2020

 

Chỉ còn bảy ngày cho đến Ngày Bầu cử, và chúng ta đang gần đi đến cuối chặng đường

 

Tim Alberta, ngày 27 tháng 10, 2020

 

 

https://static.wixstatic.com/media/322f9a_5173202e5b2249cdbd23a3a840a83695~mv2.jpg/v1/fill/w_740,h_493,al_c,q_90,usm_0.66_1.00_0.01/322f9a_5173202e5b2249cdbd23a3a840a83695~mv2.webp

AP Photo/Alex Brandon

 

                                                     ***

 

Trong một tháng qua, tôi đã chia sẻ vài điều khám phá được sau một năm miệt mài trên hành trình chuyện trò với cử tri tại các tiểu bang cạnh tranh khốc liệt nhất trên cả nước. Mục đích là mang lại cái nhìn chân thực nhất về diễn biến tranh cử trong mấy tuần cuối, dựa theo cảm nhận cá nhân đúc kết từ vô số những mẫu chuyện gợi ý và liên kết chúng với các dữ liệu khảo sát, số liệu tranh cử, và đối thoại từ đại diện các đảng phái.

 

Lần đầu tôi dám đi ngược dòng dư luận là vào bốn tuần trước Ngày Bầu cử, với lập luận rằng cử tri đang trở nên mệt mỏi với ông Trump vào đúng thời điểm bất lợi, và dự đoán rằng ngài tổng thống sẽ bỏ lỡ sự ủng hộ của một lượng đông đảo các cử tri nữ. Ba tuần trước Ngày Bầu cử, tôi viết rằng những cuộc chiến bảng hiệu trước sân nhà thể hiện sự mâu thuẫn giữa đảng phái là điềm báo cho tỷ lệ bỏ phiếu kỷ lục. Sau đó, hai tuần trước Ngày Bầu cử, tôi cho rằng chúng ta đang căng thẳng quá mức về cuộc bầu cử này; rằng chưa cần nhắc đến yếu tố Covid-19 hay nền kinh tế sụp đổ, chính sự khó ưa của ông Trump sẽ là nguyên do chủ yếu cho một thất bại có thể xảy ra.

 

Còn một điều hay ho nữa về năm 2020 mà tôi muốn chia sẻ - và qua đây tôi cũng chẳng giấu diếm gì phỏng đoán của mình về ngày mùng 3 tháng Mười Một và cả về sau.

 

Nó sẽ không như năm 2016.

 

Tất cả chúng ta – dù theo đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, dù là nhà báo hay đại diện đảng phái, dù kẻ nghiện chuyện chính trị hay người quan sát thông thường – đều đang bị những ký ức về tháng Mười Một bốn năm trước trói buộc. Ta nhớ rằng những cuộc khảo sát hồi đó khẳng định một mực rằng ông Donald Trump sẽ thất cử. Đã có nhiều thành viên đảng Cộng Hòa quay lưng với ông Trump và lên kế hoạch xây dựng lại hình ảnh cho đảng sau khi ông thất bại. Ta nhớ lại lúc chứng kiến kết quả đêm ấy, tự hỏi mình đã bỏ qua điều gì để rồi nhận lấy một kết quả hoàn toàn nằm ngoài dự liệu.

 

Tin tốt cho những người ủng hộ ông Trump là ông đang ở vị thế khá giống bốn năm trước: thua thiệt rõ rệt trên dữ liệu khảo sát, bị quay lưng, và chỉ có nhờ phép màu mới thắng cửi. Họ đã chứng kiến ông đánh bại những dự báo xấu một lần, và vì thế tin lần này ông cũng sẽ làm được như vậy.

 

Tin xấu cho người ủng hộ ông Trump: 2020 khác hẳn 2016.

 

Chúng ta luôn mải mê với cuộc chiến chính trị sau cùng. Nhưng nếu ta có học hỏi được điều gì từ những cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ ở kỷ nguyên hậu 9/11, thì đó là sự biến động chính là một đặc điểm chứ không phải khuyết điểm của cuộc chơi. “Luật bắt buộc” của ông George W. Bush hồi 2004 đã bị gạt phăng bởi làn sóng phản đối từ phe Dân Chủ năm 2006. Chiến thắng thuyết phục năm 2008 của ông Barack Obama là tiền đề cho cuộc cách mạng Tea Party (tạm dịch: Đảng Trà) năm 2010. Pha đảo lộn đầy bất ngờ của ông Trump năm 2016 gặp thách thức với làn sóng xanh năm 2018. Những biến động này thấy sự điều chỉnh mạnh mẽ - về nhân khẩu, tư tưởng, và nhiều khía cạnh khác – đang liên tục tăng tốc, khiến cho cả hai đảng không kịp trở tay. Lực lượng mang lại thắng lợi thường sẽ sụp đổ chỉ hai năm sau đó. Tuy nhiên trong trường hợp này nó lại kéo dài bốn năm làm tưởng chừng như là bất tận.

 

Theo đó, sau đây là 16 lý do vì sao cuộc bầu cử năm 2020 khác hẳn năm 2016:

 

1. Bốn năm trước, ông Trump trúng cử nhờ một liên minh cử tri. Mặc dù tầng lớp lao động da trắng là cốt lõi của liên minh này, ông sẽ không làm sao thắng lợi nếu không có sự ủng hộ đáng kể từ nhóm phụ nữ da trắng vùng ngoại ô, cử tri 65 tuổi trở lên, và các cử tri độc lập vốn từng bỏ phiếu cho Barack Obama trước đó. Ngày nay, liên minh này đã rã rời. Ông Trump quyết liệt vận động phụ nữ da trắng có trình độ đại học khi tranh cử với bà Hillary Clinton, và bỏ lỡ họ ở mức 7 điểm; khảo sát nay cho thấy ông có khả năng bỏ lỡ ít nhất 25 điểm với nhóm cử tri này. Ông Trump giành được 7 điểm ở nhóm cử tri lớn tuổi so với Clinton; khảo sát nay cho thấy ông đều đặn về sau 5 đến 15 điểm ở nhóm này. Ông Trump trước đây hơn 4 điểm đối với cử tri độc lập; khảo sát nay cho thấy ông Joe Biden đang bỏ xa ở nhóm này. Tuy nhiên việc này không có nghĩa ngài tổng thống không thể quy tụ một liên minh mới giúp ông về đích trước vào tháng Mười Một này. Thật vậy, đội ngũ của ông đang dành nhiều thời gian và nguồn lực ngắm vào cử tri gốc Mỹ Latin và đàn ông Da Đen, với niềm tin rằng lôi kéo được những nhóm này sẽ khỏa lấp cho những lỗ hổng khác. Cho dù có thành công hay không, thực tế vẫn là: liên minh của ông Trump từ hồi 2016 không còn tồn tại.

 

2. Bốn năm trước, chỉ một phần ba cử tri toàn quốc tin rằng nước Mỹ đang đi đúng hướng. Điều này là lợi thế căn bản của ông Trump, một kẻ ngoại đạo đối với chính trường, bộ mặt của một đảng phái đã đánh mất quyền lực suốt tám năm. Ngày nay, chỉ một phần năm cử tri tin rằng Hoa Kỳ đi đúng hướng. Tuy nhiên, lần này ông Trump là người đứng mũi chịu sào trước sự bức xúc của dư luận, chủ yếu do cách xử lý trước đại dịch Covid-19.

 

3. Bốn năm trước, ông Trump đánh bại một đại diện phe Dân Chủ vốn bị căm ghét bởi hàng chục triệu cử tri, người mà đại đa số coi là bất tín, người bị FBI điều tra gần như suốt cuộc tranh cử phổ thông. Ngày nay, ông Trump đang đối mặt với một đại diện khác của phe Dân Chủ, người với tính tình dễ ưa không gây chia rẽ đất nước và không lên án cánh hữu.

 

4. Bốn năm trước, tỷ lệ bỏ phiếu là khá lẫn lộn, với số liệu rõ ràng ở một số tiểu bang nhưng lại trầm lắng ở các nơi khác. Số liệu phiếu bầu sớm khá thấp ở một số tiểu bang cạnh tranh đã thể hiện một sự thiếu tổ chức. Hôm nay, một tuần trước Ngày Bầu cử, tổng số phiếu bầu sớm đã qua mặt con số cuối cùng của năm 2016. Đó là chưa kể số phiếu vắng mặt đang đổ về văn phòng kiểm phiếu với số lượng khó tin. Tổng số phiếu bầu có thể sẽ phá vỡ nhiều kỷ lục. (Chi tiết ở các phần tiếp theo.)

 

5. Bốn năm trước, cử tri bỏ phiếu vô cùng ít ở các tiểu bang cạnh tranh như Michigan và Wisconsin. (Thông tin ngoài lề: Mặc dù thắng lợi ở Wisconsin, ông Trump giành được ít phiếu bầu hơn ở đây so với ông Mitt Romney năm 2012; ông Romney hụt mất 7 điểm ở Wisconsin.) Lượng phiếu bầu thấp này chủ yếu là do sự ảm đạm ở những điểm chủ chốt của phe Dân Chủ như Detroit và Milwaukee. Ngày nay, các nhà tổ chức ở những thành phố này đang cho thấy nỗ lực vận động cử tri mạnh mẽ vượt trội so với 2016.

 

6. Bốn năm trước, tỷ lệ bỏ phiếu ảm đạm giúp ông Trump giành thắng lợi sít sao phiếu Đại Cử tri Đoàn (77,744 phiếu bầu ở cả Michigan, Wisconsin và Pennsylvania cộng lại) mặc dù nhận được ít hơn gần 3 triệu phiếu phổ thông. Nhiều khẳng định cho rằng nếu cử tri đi bỏ phiếu chỉ nhiều hơn một chút so với mức 137 triệu người đi bầu cử, bà Clinton sẽ trúng cử. Ngày nay, các chuyên gia cho rằng chúng ta sẽ chứng kiến lượng phiếu bầu lên đến 160 triệu hoặc nhiều hơn – tương đương với quy mô kỷ lục của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, khi phe Dân chủ giành lấy Hạ viện với chiến thắng gần 10 triệu phiếu bầu.

 

7. Bốn năm trước, gần 8 triệu người Mỹ bỏ phiếu cho một đảng thứ ba với ứng viên Gary Johnson từ Đảng Tự Do nhận khoảng 4.5 triệu phiếu bầu. Ngày nay, kết quả khảo sát của cuộc bầu cử cho thấy hai luồng ý kiến nghiêng về ứng viên Trump và Biden và số phiếu của đảng thứ ba sẽ thâm hụt. (Đây có triển vọng sẽ là con ách chủ bài trong tay áo của Trump; Johnson cướp số phiếu của Trump nhiều hơn ứng viên Jill Stein từ Đảng Xanh cướp từ Clinton; theo báo cáo của tôi, nhiều cử tri đã bỏ phiếu cho Johnson ở các quận bảo thủ, đang trở lại Đảng Cộng hòa và bỏ phiếu cho ứng viên họ vốn không ưa từ hồi năm 2016.

 

8. Bốn năm trước, các kết quả khảo sát… thật sự rất chính xác, ít nhất ở tầm quốc gia. Khảo sát cuối cùng của RealClearPolitics ước tính trung bình Clinton sẽ thắng số phiếu bầu phổ thông với 3.3 điểm; bà thắng 2.1 điểm. Nếu điểm trung bình sai lệch giống năm nay—nếu Biden đánh bại Trump 7.1 điểm về mặt quốc gia, thay vì số điểm 8.3 mà Biden hiện đang dẫn đầu—nghĩa là Biden sẽ nốc ao Trump không chỉ ở đa số mà thậm chí còn có thể ở tất cả các bang chiến trường và đưa ông xích lại gần hơn với mức 350 phiếu đại cử tri.

 

9. Bốn năm trước, một vài cuộc khảo sát tiểu bang thông báo điểm lệch hoàn toàn vì người khảo sát gặp khó khăn trong việc nhận dạng người ủng hộ Trump—một là họ không muốn chia sẻ hoặc họ chưa xác định ủng hộ ai. Ngày nay, các nhà khảo sát đã chỉnh sửa phương pháp và tự tin rằng họ đang nắm bắt thực trạng của người hâm mộ Tổng thống một cách chính xác hơn. Ngoài ra, theo báo cáo của tôi, dạo này rất khó kiếm người “bầu phiếu cho Trump nhút nhát” mà chúng ta nghe rất nhiều đến bốn năm về trước. Các viên chức địa phương của Đảng Cộng hòa sẽ là người đầu tiên kể cho quý vị về người đắn đo treo bảng Trump trước thảm cỏ nhà vào bốn năm trước nhưng năm nay gắn 5 bảng cộng thêm 2 sticker dán sau xe.

 

10. Bốn năm trước, cuộc khảo sát cấp địa hạt cho thấy nhiều báo động đỏ cho Clinton khi các địa phương thuộc Đảng Dân chủ phát hiện số điểm đứng yên vì sự tham gia khá khiêm tốn của người đi bầu. Ngày nay, cũng cuộc khảo tương tự lại cho thấy sự nhiệt tình đi bầu rất khả quan và các số liệu phiếu bầu của các ứng viên dẫn đầu cũng thay đổi: Ở nhiều địa hạt quốc hội, nơi Trump đã từng thắng từ 5 tới 10 điểm vào năm 2016, thì lần này lại cho thấy ông có khả năng thua từ 5 tới 10 điểm ở năm 2020.

 

11. Như tôi làm rõ ở điều số 8, 9 và 10, kết quả khảo sát của 4 năm trước không ảm đạm cho Trump như thời điểm hiện tại.

 

12. Bốn năm trước, tất cả những yếu tố có lợi nhưng khó xảy ra cho Trump nhằm thúc đẩy chiến thắng của ông ở giai đoạn ba tuần cuối đã xảy ra. Rất nhiều người Cộng Hòa đã hợp nhất sau khi cơn ngỡ ngàng về băng ghi âm Access Hollywood vào đầu tháng 10; sự hỗ trợ tích cực và hữu hiệu của truyền thông trong toàn bộ chiến dịch vào 2 tuần cuối; và lá thư từ giám đốc FBI James Convey tới Quốc hội đã dẫn đến việc mở lại cuộc điều tra vụ email của bà Clinton chỉ 11 ngày trước ngày bầu cử gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự quyết định của các cử tri phe trung gian và độc lập. Kết quả cuối cùng? Trump gặt hái lượng phiếu bầu đáng kể từ Clinton chỉ trong gang tấc. Ngày nay… thì, giữa hai cuộc tranh luận đầy lúng túng, việc chẩn đoán Covid-19, và sự bất lực từ Washington trong việc đồng thuận về gói cứu trợ lần hai, tất cả dường như đang làm kỳ đà cản mũi trên con đường tái tranh cử của tổng thống.

 

13. Bốn năm trước, Đảng Dân chủ không coi Trump là một đối thủ đáng gờm. Cách tổ chức của Đảng ở cấp bậc địa phương và tiểu bang cứ như một trò đùa. Bộ phận tiểu bang sụp đổ bởi những người hướng dẫn gà mờ thuê từ chiến dịch tranh cử của Clinton ở Brooklyn, người mang lại vốn cho Đảng Dân chủ địa phương không buồn giúp đỡ chính ứng viên của họ vì họ cảm thấy bị xúc phạm bởi phong cách làm việc hống hách của đội ngũ Clinton (và không lo sợ Trump sẽ thắng). Ngày nay, chiến dịch tranh cử của Biden đã hợp nhất với các tổ chức ở cấp tiểu bang và địa phương, giao phần lớn quyền đưa ra quyết định cho những người tổ chức bản địa tại các địa điểm như Detroit, Phoenix và Charlotte.

 

14. Bốn năm trước, bản đồ chiến trường không mấy rộng lớn. Trump yên tâm dẫn đầu ở các cuộc khảo sát tại Ohio, Iowa, Georgia và Texas, nơi mà ông thắng với sự chênh lệch lớn. Bang đỏ an toàn toàn duy nhất mà Clinton muốn giành thắng lợi là Arizona. Ngày này, Trump phải dùng chiến lược phòng thủ ở 5 bang đó và nguồn tiền của ông ngày càng thưa dần hơn khi phải chiến đấu xuyên suốt bản đồ chiến trường ngày càng mở rộng.

 

15. Bốn năm trước, không ai biết Trump sẽ điều hành đất nước như thế nào. Đảng Cộng hòa lo—và Đảng Dân chủ mong—rằng vị Tổng thống mới sẽ chia tiền cho guồng máy chính quyền New York, bỏ lơ phe bảo thủ để thương lượng và giao kèo với Chuck Schumer và Nancy Pelosi trên tất cả các vấn đề dân túy phổ biến. Ngày nay, không còn thắc mắc về định hướng chính trị của Trump: Ông ôm trọn chính sách bảo thủ xã hội, hạn chế chính sách quản lý và gia tăng giảm thuế cho người giàu và các tập đoàn giúp ông, ít nhất là về phương diện chính sách, được yêu thích bởi số đông đảng Cộng Hòa. Bất chấp cách ứng xử thô lỗ của ông, người bảo thủ từng do dự bây giờ biết rõ họ sẽ nhận được gì từ chính quyền của Trump.Những người trung lập và độc lập bầu cho Trump 4 năm trước cũng không khó để nhìn ra điều này.

 

16. Bốn năm trước, một chỗ trống trong Tối Cao Pháp Viện vẫn còn đang lơ lửng. Sự ra đi của Chánh án toà Antonin Scalia, sư tử bảo thủ của tòa, cho Trump một đòn bẩy để ông có thể tận dụng tập hợp người bảo thủ xung quanh chiến dịch tranh cử của mình. Các lãnh đạo của Đảng Cộng Hòa ghi khắc điều này trong tâm trí cử tri của họ: Cuộc bầu cử này không phải bầu Trump; đây là cớ để bầu một người bảo thủ vào Tối Cao Pháp Viện. Ngày nay, điều họ mong muốn đã trở thành hiện thực. Lễ nhậm chức của bà Amy Coney Barrett vào thứ Hai đã bảo đảm phái bảo thủ có số lượng áp đảo 6-3 trong nhiều năm tới. Điều này có thể mang thêm nhiều người cử tri ủng hộ cho Trump. Nhưng vẫn có khả năng chính vị tổng thống sẽ thành nạn nhân từ chính lời hứa của mình; một số người theo đạo và chống phá thai đành ngậm đắng phải ủng hộ ông ở năm 2016 vì họ lo cho tương lai của toà án thì nay có thể theo đúng lương tâm mà bầu chống lại ông, hoặc vui vẻ ngồi ở nhà với hiện thực rằng phe bảo thủ đã nắm đa số trong Tư pháp.

 

Người dịch: Tom Nguyen, Anh Ho

Biên tập: Tri Luong

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats