Thursday 29 October 2020

BẦU CỦ MỸ 2020 : NGA BẮT CÁ HAI TAY DÙ VẪN THÍCH TRUMP HƠN BIDEN (Trọng Nghĩa - RFI)

 


Bầu cử Mỹ 2020: Nga bắt cá hai tay dù vẫn thích Trump hơn Biden

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 29/10/2020 - 13:50

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201029-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-2020-nga-b%E1%BA%AFt-c%C3%A1-hai-tay-d%C3%B9-v%E1%BA%ABn-th%C3%ADch-trump-h%C6%A1n-biden

 

Cho đến gần đây, trong số hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, Matxcơva được cho là vẫn ủng hộ Donald Trump. Thế nhưng, ngày 25/10/2020 vừa qua, tổng thống Nga Putin đã gián tiếp bác bỏ một cáo buộc của ông Trump nhắm vào đối thủ Biden và có dính líu đến Nga. Theo giới phân tích, đây là một động thái phản ánh một thay đổi quan điểm của Nga, không còn tuyệt đối ủng hộ người mà cách nay 4 năm được cho là đã được Matxcơva tiếp sức để đắc cử.

 

https://s.rfi.fr/media/display/695b6eac-19dd-11eb-b9f4-005056bff430/w:980/p:16x9/2020-10-29T100209Z_269751541_RC2ASJ9CQUTU_RTRMADP_3_USA-ELECTION-EARLY-VOTE.webp

Biển ứng viên tổng thống Mỹ trước một địa điểm bỏ phiếu trước thời hạn tại Fairfax, Virginia, ngày 18/09/2020. REUTERS - ALEXANDER DRAGO

 

Theo hãng tin Anh Reuters, trên truyền hình Nga, ông Putin đã được hỏi về một phát biểu của ông Trump, theo đó thì tổng thống Nga có quan hệ chặt chẽ với cựu thị trưởng Matxcơva, mà người vợ đã chi tiền cho Hunter Biden, con trai út của ông Joe Biden. Trên vấn đề này, ông Vladimir Putin cho biết là ông không thấy hành vi phạm tội nào trong các quan hệ làm ăn trong quá khứ giữa Hunter Biden với Nga hoặc Ukraina.

 

Tổng thống Nga đã tuyên bố nguyên văn như sau: “Đúng, ở Ukraina, ông ấy (Hunter Biden) đã hoặc có thể vẫn có các hoạt động kinh doanh, tôi không thể biết chính xác. (Nhưng) điều đó không liên quan đến Nga mà liên quan đến người Mỹ và người Ukraina. Nhưng tôi không thấy bất cứ hành vi phạm tội nào, hay ít ra là chúng tôi không biết về những hành vi phạm tội này nếu có”.

 

Putin phớt lờ vụ làm ăn của Hunter Biden

 

Đối với Reuters, bị đối thủ dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận cử tri, tổng thống Mỹ đã đưa ra những cáo buộc kể trên trong cuộc tranh luận cuối cùng với đối thủ Joe Biden, nhấn mạnh đến những vụ làm ăn của Hunter Biden thời ông Biden còn giữ chức phó tổng thống Mỹ để làm khó đối thủ.

 

Trước đó, ông Trump cũng đã nhiều lần cáo buộc ông Biden và con trai Hunter đã có các hoạt động bất chính tại Ukraina, nhưng không đưa ra được bằng chứng nào để chứng minh các lời tố cáo, vốn đã bị ông Biden cho là vô căn cứ.

 

Theo ghi nhận của Reuters, trong quá khứ ông Putin từng ca ngợi ông Trump, vì lãnh đạo Mỹ ngỏ ý muốn cải thiện quan hệ với Nga. Ông Putin cũng từng gọi ông Joe Biden là “người có tư tưởng chống Nga kịch liệt”. Thế nhưng hiên thời, tổng thống Putin lại nhấn mạnh rằng ông sẵn sàng hợp tác với bất cứ ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 03/11 sắp tới.

 

Bên cạnh đó, ông Putin cũng tỏ ra kém thân thiện hơn đối với ông Trump và một số nhà phân tích cho rằng phát biểu của tổng thống Nga về vụ Biden là nhằm tranh thủ cảm tình của phe Dân Chủ tại Mỹ. Và để đạt mục đích, ông đã không ngần ngại cho hiểu rằng ông xem những cáo buộc của tổng thống Trump đối với hai cha con ông Biden là những điều ngụy tạo.

 

Nga đã ngấm ngầm ủng hộ ông Trump ?

 

Sự thay đổi thái độ của Matxcơva diễn ra trong bối cảnh cho đến gần đây, Điện Kremlin được cho là vẫn ngấm ngầm ủng hộ một nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Trump, một người được cho là dễ nắm bắt hơn là ông Biden.

 

Trong một bài phân tích ngày 27/10 vừa qua về cuộc bầu cử Mỹ nhìn từ Nga, nhật báo Pháp Le Monde đã ghi nhận rằng dù quan hệ Nga-Mỹ đã xấu đi đáng kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ đến nay, nhưng Matxcơva vẫn “bầu” cho đương kim tổng thống Mỹ.

 

Đối với Le Monde, quả đúng là dưới thời Donald Trump, chính sách trừng phạt do Barack Obama về xuất càng lúc càng được tăng cường. Từ vấn đề Ukraina, Libya, cho đến nghi án Nga can thiệp vào bầu cử của Mỹ năm 2016, các cáo buộc tấn công mạng, làm gián điệp, rồi vụ đường ống dẫn khí Nord Stream 2…, các chủ đề gây bất đồng đã tăng lên gấp bội, kéo theo chu kỳ trừng phạt và trả đũa.

 

Matxcơva đã ghi nhận 46 văn kiện lập pháp của Mỹ được thông qua trong 4 năm nhằm thiết lập các biện pháp trừng phạt mới hoặc mở rộng các biện pháp sẵn có. Và vào đầu năm 2020, đề xuất của Nga về một hội nghị thượng đỉnh gồm 5 thành viên của Hội Đồng Bảo An LHQ, được gọi là "P5", đã bị Washington phớt lờ.

 

Cho dù vậy, ngày 07/10 vừa qua, bản thân ông Putin cũng ghi nhận trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng ông Trump đã có những “ý định” hữu hảo với Nga, nhưng điều đó không thực hiện được “phần lớn là do sự nhất trí lưỡng đảng” ở Washington vốn theo xu hướng chống Nga,  và do sức ì của chính quyền Mỹ.

 

Theo giới quan sát, thái độ xí xóa của ông Putin dành cho ông Trump cho thấy là Nga vẫn hy vọng là ông Trump sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 này, và điều đó sẽ có lợi cho Nga nhiều hơn.

 

Le Monde trích dẫn một nhà bình luận nổi tiếng ở Matxcơva giải thích rằng: “Ông ấy (tức là tổng thống Trump) thích Putin và nói rõ điều đó, ông ấy rất dễ bị lung lạc trong các cuộc gặp trực tiếp và không quan tâm đến dân chủ, nhân quyền và những thứ vô nghĩa như thế”.

 

Trong 4 năm qua, Matxcơva đã có thể thu lợi từ tình trạng lộn xộn và khoảng trống do nhiệm kỳ tổng thống Trump tạo ra. Việc Mỹ rút ra khỏi các vấn đề thế giới, sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương và quan hệ với các nước châu Âu đã giúp Nga tăng cường ảnh hưởng ở mọi nơi, từ Trung Đông, Châu Phi cho đến vùng Balkan.

 

Ác cảm đối với Biden

 

Trái ngược với thiện cảm dành cho ông Trump, Điện Kremlin lại rất có ác cảm với ông Joe Biden. Trước hết, ứng cử viên đảng Dân Chủ đã làm phó cho ông Obama, người đã thúc đẩy một chính sách có thể nói là không mấy thân thiện với Nga.

 

Bản thân ông Biden, vào năm 2011, từng tuyên bố ngay tại Matxcơva rằng ông Putin không nên trở lại ghế tổng thống, một phát biểu mà cho đến nay ông Putin vẫn xem là một hành vi xúc phạm cá nhân khó có thể tha thứ.

 

Bên cạnh đó, với chủ trương đa phương được tuyên bố, nếu trở thành tổng thống, ông Biden sẽ củng cố lại liên minh xuyên Đại Tây Dương xung quanh mục tiêu chung là kiềm chế tham vọng của Nga.

 

Cho dù vậy, thực tế cuộc vận động tranh cử tại Hoa Kỳ, với việc ông Joe Biden vươn lên chiếm thượng phong trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đã buộc tổng thống Nga phải thay đổi thái độ. Nhật báo Anh The Guardian trong số ra ngày hôm nay, 29/10 đã xem phát biểu của ông Putin “bênh vực” ông Biden hôm 25/10 vừa qua là một động thái nhằm dự phòng khả năng ông Biden đắc cử.

 

Nhìn chung, theo các nhà quan sát, dù tân chủ nhân Nhà Trắng là Trump hay Biden, quan hệ song phương Nga-Mỹ cũng khó có thể được cải thiện. Ông Igor Ivanov, ngoại trưởng Nga từ năm 1998 đến năm 2004 mới đây đã dự đoán rằng Matxcơva và Washington đều đã “sẵn sàng cho một cuộc đối đầu trường kỳ”.

 

                                                       ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Đọ sức Trump – Biden: Thăm dò dư luận năm 2020 đáng tin cậy hơn 2016 ?

 

TT Nga Putin đề nghị với Mỹ « hiệp ước không can thiệp vào bầu cử »

 

Dù Biden thắng, Mỹ không dễ trở thành trụ cột của cơ chế quốc tế đa phương

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats