Wednesday, 18 January 2017

VÀI SUY NGẪM VỀ LÁ CỜ NHÂN VỤ CA SĨ MAI KHÔI (T.K. Trần)




T.K. Trần
Posted by adminbasam on 18/01/2017

Câu chuyện ca sĩ Mai Khôi từ chối trình diễn trước lá cờ vàng VNCH và cờ Mỹ ở Annandale, Virginia, cách đây không lâu đã gây ra một làn sóng tranh cãi thảo luận sôi nổi trên mạng và trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Câu chuyện cờ vàng cờ đỏ không mới nhưng vụ Mai Khôi lại là cơ hội để suy ngẫm trở lại về một vấn đề mà tới nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng: Chúng ta nên ứng xử ra sao với đồng bào trong nước và ngoài nước không hiểu rõ giá trị tượng trưng của cờ vàng song chắc chắn vẫn là những người yêu đất nước nồng nàn? Chữ “đồng bào” được dùng cố ý ở đây với cả nghĩa hẹp là con chung của cùng một cha mẹ đẻ ra lẫn nghĩa rộng là công dân một nước.

TỪ NHỮNG CUỘC BIỂU TÌNH Ở ÂU CHÂU CẦM CỜ ĐỎ CHỐNG TRUNG CỘNG NĂM 2014….

Cách đây gần ba năm, khi Trung Cộng ngang ngược đưa dàn khoan HD 981 vào biển Đông xâm phạm chủ quyền Việt Nam thì ở hải ngoại đã bùng phát nhiều cuộc biểu tình chống xâm lược. Ở Âu Châu đã có những cuộc biểu tình nổ ra dưới những hình thức khác nhau. Có những cuộc biểu tình mà người tham dự cầm cờ vàng VNCH năm xưa, có những cuộc biểu tình mà người tham dự không cầm cờ, chỉ đem theo bản đồ Việt Nam, có cuộc biểu tình như ở Hamburg dùng cả 2 loại cờ hay đồng thời có những cuộc biểu tình ở các xứ Đông Âu hay phía Đông Đức ngày xưa tràn ngập cờ đỏ sao vàng.

Trong thời gian đó cũng đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận trong giới người Việt tị nạn về tính chính danh của những cuộc biểu tình cầm cờ đỏ. Họ có phải là người yêu nước đích thực?

Nếu yêu nước thì tại sao không cầm cờ vàng mà lại cầm cờ đỏ?

Năm ấy tôi có đọc trong một tờ báo “lề phải” về 1 trận bóng đá giữa tuyển U 19 Việt Nam và tuyển U 19 Nhật Bản. Trong trận đấu này Việt Nam thua đậm Nhật bản 0-7: điều này thực ra không có gì quan-trọng. Điều tôi muốn nói tới ở đây, là tấm hình chụp kèm với bài báo. Tấm hình chụp các em thanh niên Việt Nam- 19, 20 tuổi- cầm cờ đỏ sao vàng “hồ hởi” trong sân vận động ở Hà Nội. Có ai trong chúng ta nhìn tấm hình đó mà lại đặt câu hỏi: Có phải đảng CSVN xúi dục các em cầm cờ? Có phải công an giả dạng Sinh Viên cầm cờ? Tôi không nghĩ tới điều đó. Tôi tin đó là những em trẻ tuổi thât lòng yêu thích bóng đá như hàng trăm triệu thanh niên khác trên quả đất này. Khi họ cầm cờ đỏ, chỉ là để cổ vũ cho Việt Nam, mong sao Việt Nam thắng được Nhật Bản mà thôi. Lá cờ mà họ cầm, đối với họ là Việt Nam. Khi họ được sinh ra đã có cờ đỏ, khi họ đến trường học, thì đã được dạy là cờ đỏ tượng trưng cho Việt Nam.

Ví dụ sau này nếu vài em trong số thanh niên đó có cơ may đi Âu Châu du học hay làm việc, và một ngày nào đó em cầm cờ đỏ tham dự một cuộc biểu tình chống xâm lăng Tầu Cộng, thì chúng ta lại đa nghị đăt câu hỏi: Em cầm cờ vì bị Sứ Quán Việt Nam xúi dục? Em có âm mưu gì?

Tại sao chúng ta không thể nghĩ được rằng em cầm cờ là do lòng yêu nước thúc đẩy, như ngày trước em cầm cờ trong sân vận động cổ vũ cho Việt Nam thắng Nhật Bản.

Trở lại câu chuyện những người VIệt Nam cầm cờ đỏ biểu tình ở Hamburg. Tại sao chúng ta không thể chấp nhận được là họ cũng là những người yêu nước, cũng day dứt vì tình hình đất nước đang nguy ngập vì bọn xâm lăng Trung Cộng? Vì vấn dề Passport, quốc tịch thì chính họ mới là những người có thể gặp nhiều khó khăn với chính quyền Việt Nam sau khi đi biểu tình, khác hơn người thuyền nhân.  

Tôi cho rằng đối với họ, cờ đỏ là tương trưng cho quốc gia VIệt Nam. Làm sao đòi hỏi được là họ phải cầm cờ vàng mới “cho phép” họ yêu nước? Chiến tranh đã qua gần 40 năm, cờ vàng, đối với những người lứa tuổi 40 hay trẻ hơn và sinh ra ở VN, là một điều mơ hồ, là trong lịch sử.

…TỚI TRƯỜNG HỢP CA SĨ MAI KHÔI KHÔNG MUỐN HÁT TRƯỚC CỜ VÀNG Ở MỸ NĂM 2017

Cần xác quyết rõ là “hát ở Annandale, Mỹ”, bởi vì ở Đức, cô Mai Khôi đã đi hát ở nhiều nơi như Munich, Stuttgart, Frankfurt, Berlin cho cộng đồng người Việt. Khán giả đã nồng nhiệt tiếp đón một ca sĩ trong nước can đảm phản kháng nhà nước. Ở những buổi trình diễn này không có cờ vàng, chẳng treo cờ đỏ mà cũng chẳng chào cờ Việt hay cờ Đức… Ở Mỹ, Mai Khôi phải chịu búa rìu dư luận vì cô chỉ muốn biểu diễn nghệ thuật không kèm theo cờ quạt như ở Đức.

Mai Khôi đã bị cấm trình diễn ở Việt Nam vì những bài hát chống chính phủ chế độ hiện tại. Mai Khôi sẽ không có chỗ đứng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ vì những chi tiết liên quan tới hình thức ở buổi trình diễn ở Mỹ. Ai có lỗi trong “sự cố” này cũng chưa rõ ràng: người tổ chức hay chính Mai Khôi? Dù sao chăng nữa cái lỗi chính yếu vẫn là tư duy sơ cứng về lá cờ từ nhiều năm nay.

Dĩ nhiên là lá cờ không phải đơn thuần là một mảnh vải, nó tượng trưng cho một đất nước. Nhưng cũng không phải vì nhân danh lá cờ mà coi nhẹ những giá trị nhân bản khác, đó là chưa kể đến điều này có thể ngăn trở cuộc đấu tranh chung. Hãy xem cách xử thế của người Mỹ về lá cờ của họ: Họ trang trọng phủ lá cờ trên quan tài tử sĩ, nhưng cũng có thể may quần ngắn bằng màu cờ. Họ cũng có thể đốt cờ mà không bị phạt… Đó là biểu hiệu của tự do và dân chủ. Người Mỹ đặt giá trị của tự do ngôn luận, tự do tư tưởng cao hơn biểu hiệu quốc gia là lá cờ của họ.

Trong chiều dài lich sử, lá cờ và cả quốc hiệu chỉ có tính cách giai đoạn, chỉ quốc gia mới trường tồn.

“CỜ ĐỎ” KHÔNG PHẢI LÀ “CỜ ĐỎ”

Chúng ta nguyền rủa những kẻ cầm cờ đỏ đi lăng xăng đón tiếp những viên chức Việt Nam tới Âu Châu. Chúng ta chống lại nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đang chà đạp nhân quyền, đang đưa đất nước xuống dốc thê thảm, đang bán đứng Việt Nam cho Tầu Cộng. Chúng ta chán ghét khi nhìn cờ đỏ treo chốn công quyền ở Việt Nam. Nhưng chúng ta nên nhìn nhận là có nhiều người tuy cầm cờ đỏ hay không muốn cầm cờ vàng cũng yêu nước Việt Nam như chúng ta hay hơn chúng ta nữa.

Xin nhìn lại những người cầm cờ đỏ biểu tình chống xâm lăng Trung Cộng.

Hãy nghĩ lại: chúng ta không độc quyền yêu nước, không độc quyền biểu tình chống Trung Cộng.

Xin đừng hẹp hòi như cái nhìn những con ngựa bị che mắt, chỉ biết nhìn về một phía. Hay -như một thành ngữ Đức- chỉ nhìn thấy những thân cây mà không thấy một cánh rừng: chỉ thấy chuyện cờ quạt mà không thấy chuyện cần thiết là chung sức đấu tranh chống chế độ, mỗi người với vị thế và khả năng riêng của mình…

Xin hãy trân trọng với những giọt nước mắt của những người biểu tình cầm cờ đỏ khóc người chiến sĩ cờ vàng hy sinh trong trận đánh chống Trung Cộng ở Hoàng Sa năm nào. Đối với tôi, đó là bằng chứng của lòng yêu nước đã vượt qua được bức-tường-sơn-vàng-sơn-đỏ.
Xin hãy trân trọng lời ca tiếng hát của người ca sĩ nhỏ bé đơn độc chống chọi một chế độ vô cùng tàn nhẫn hung bạo. Hãy giúp cô giảm thiểu khó khăn với nhà nước đang nhắm vào cô. Đòi hỏi cô phải chào cờ vàng là để thỏa mãn tâm lý người cầm cờ vàng, nhưng đồng thời lại tạo thêm chông gai cho những người trẻ can trường luôn phải đấu tranh trong hiểm nguy ngay tại quê nhà, khác với chúng ta sống ở nước ngoài, đấu tranh một cách hết sức bình an.

Đừng đẩy họ xa chúng ta thêm hơn nữa chỉ vì lá cờ. Vì lòng thù hận Cộng Sản mà gạt bỏ những người yêu nước sục sôi nhưng không biết cờ vàng là điều sai lầm, là phí phạm sinh lực một cách vô ích cho công cuộc đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do và dân chủ.

                                       ***
Có cơ may sống ở phương Tây, chúng ta được chứng kiến sinh hoạt dân chủ đầy sinh động tại đây. Mọi khuynh hướng chính trị khác nhau, lúc cần cũng có thể kết hợp với nhau thành liên minh, chung sức làm việc cho quốc gia của họ. Còn chúng ta?

Trước khi kết hợp thì lòng chân thành tôn kính lẫn nhau là cần thiết, là nền tảng cho mọi hoạt động hữu hiệu. Mai Khôi đã xin lỗi về những phát biểu của cô trên FB cá nhân. Còn những người đã buông lời mạt thị, chụp mũ cô?




No comments:

Post a Comment

View My Stats