Monday, 30 January 2017

TRẬN ĐẤU BIỂN ĐÔNG GIỮA MỸ & TÀU : STALINGRAD hay PEARL HARBOR ? (Cao Tuấn - DCV Online)





Cao Tuấn
Posted on January 28, 2017 by editor — 1 Comment

Một nhãn quan Việt Nam: Tại sao trận đấu Biển Đông giữa Mỹ và Tầu có thể vừa là Stalingrad vừa là Pearl Harbor của Thế Kỷ 21?

Trận Pearl Harbor ngày 7/12/1941 là trận tập kich chiến lược đại qui mô do hải quân và không quân Nhật thực hiện, chỉ trong 7 tiếng đồng hồ đánh tan nát lực lượng hải quân, không quân của Mỹ trách nhiệm khu vực Thái Bình Dương mênh mông, ngay tại căn cứ chính trong quần đảo Hawaii. Ngay sau Pearl Harbor hai nước Nhật, Mỹ chính thức tuyên chiến nhưng Nhật đã có một lợi thế ban đầu hết sức quan trọng là đã mặc sức tung hoành và chiếm đóng Mãn Châu, phần lớn lục địa Trung Hoa, các nước Đông Nam Á – Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, Singapore, Miến Điện, Đông Dương, uy hiếp Australia, Ấn Độ, khống chế biển Đông, bá chủ Á Châu một thời gian khá dài trong thế chiến thứ hai. Mỹ thua to vì để cho bị đánh bất ngờ, bất thình lình mặc dù trước đó bang giao Nhật, Mỹ đã căng thẳng. Mỹ đã ước đoán tình hình sai, tính toán sai hoặc mù tịt về đối thủ, thờ ơ, ỷ y, trễ nải ….Nhật thắng lớn, vì Nhật chuẩn bị trận chiến đánh úp từ lâu, nghiên cứu mọi khía cạnh, lập kế hoạch, tập dượt rất cần thận, giữ kín ý định thực đến phút chót. Pearl Harbor là trưởng hợp điển hình của “tiên hạ thủ vi cường”, “binh bất yếm trá”, “xuất kỳ bất ý” mà từ đó quyết định thắng bại.
75 năm sau trận Pearl Harbor, Thái Bình Dương lại nổi sóng. Lần này điểm nóng nhất là vùng biển Đông rộng 3 triệu rưỡi cây số vuông nằm giữa các nước Tầu, Việt Nam, Mã Lai, Brunei, Singapore, Nam Dương và Phi Luật Tân chạy dài từ eo biển Đài Loan ở phía Bắc cho đến eo biển Malacca ở phía Nam. Biển Đông là nơi tranh chấp chủ yếu giữa Tầu và Mỹ hiện nay và cũng có thể là nơi đụng độ chính sẽ xẩy ra. Bang giao giữa 2 nước mạnh nhất thế giới căng thẳng từ nhiều năm qua giống như tình trạng bang giao hai nước Nhật Mỹ trước Pearl Harbor với những bất đồng không thể giải quyết. Ngôn ngữ diều hâu chống Tầu của tân tổng thống của nước Mỹ Donald Trump cùng các cộng sự viên thân tín như đổ thêm dầu vào lửa. Tầu không lùi, Mỹ cũng không lùi. Thảo luận đã rất nhiều nhưng không ai đưa ra được giải pháp nào ổn thoả, đụng độ dường như không thể tránh khỏi. Chiến tranh liệu có thực sự xẩy ra? Nếu xẩy ra, giới hạn hay toàn diện? Một Pearl Harbor mới của thế kỷ 21? Có leo thang thành chiến tranh nguyên tử? Tầu có định “xuất kỳ bất ý” đánh úp Mỹ như Nhật đã làm năm xưa? Donald Trump đã công khai khiêu khích Tầu nhưng quả thực nước Mỹ đã sẵn sàng chưa? Các chiến lược gia của Mỹ và của Tầu ai thuộc sử hơn ai?
Khác với trận Pearl Harbor chớp nhoáng, trận Stalingrad kéo dài hơn 5 tháng từ tháng 8/1942 đến đầu tháng 2/1943, giữa Đức Quốc Xã và Liên Sô, cũng là một trong những trận chiến lớn nhất trong lịch sử thế giới, với hàng triệu quân, hàng trăm sư đoàn tham dự, qui mô 20 hay 30 lần lớn hơn trận Điện Biên Phủ. Stalingrad cực kỳ quan trọng, quan trọng hơn cả Pearl Harbour là trận đánh chỉ làm Mỹ bị tê liệt một thời gian rồi phục hồi, trận Stalingrad thay đổi hẳn cục diện thế chiến 2 tại Âu Châu, Liên Xô chuyển bại thành thắng, Đức chuyển thắng thành bại. Đức đã thua to ở Stalingrad (bây giờ là Volgograd). Mặc dù Đức không thua ngay hoàn toàn cuộc chiến, vừa đánh vừa rút lui trên một mặt trận rất rộng lớn, phải hơn 2 năm sau Hồng Quân Sô Viết mới vào được Berlin và Đức Quốc Xã mới chính thức đầu hàng, nhưng sau Stalingrad thì thế thắng bại đã hiện rõ, Liên Sô càng ngày càng mạnh hơn trong khi Đức Quốc Xã càng ngày càng yếu đi.
Trận đấu biển Đông sắp đến hay đang đến giữa Tầu và Mỹ có tầm quan trọng như Stalingrad thế kỷ trước hay không? Ai có thể thắng? Ai có thể bại? Bên thắng được gì? Có thừa thế xông lên? Bên bại mất gì? Có suy yếu rồi sụp đổ? Một trật tự mới tại Á Châu? Một trật tự mới trên thế giới?
Tóm tắt, Biển Đông có phải sẽ vừa là một Pearl Harbor bất ngờ vừa là một Stalingrad quyết định kết quả cuộc tranh đua làm bá chủ giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc?
Đi tìm câu trả lời gần với thực tế nhất không thể không đi từng bước một.

“Hiện tại chứa đầy quá khứ và nặng trĩu tương lai”

Liệu Mỹ sẽ thắng được Tầu trong một trận chiến thương mại? Nguồn: © AP Photo/ Lefteris Pitarakis

1. Nước Tầu đã đạt địa vị Siêu Cường Quốc thứ hai trên thế giới, cả về quân sự lẫn kinh tế , đang tiến lên ngang với nước Mỹ và CÓ THỂ thay thế Mỹ trở thành Siêu Cường Quốc số 1 trong một thời gian ngắn. Tầu đã tiến bằng tốc độ vũ bão – kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật song hành. Trong thời gian 22 năm (1993-2015) tổng sản lượng quốc gia GNP của Tầu tăng gấp 26 lần, GNP của Mỹ chỉ tăng 3 lần, Nhật tăng 1.7 lần. Lý do là Tầu phát triển với tốc độ trung bình 8 hay 9% một năm, nhanh gấp 4 hay 5 lần của Mỹ và 8 hay 9 lần của Nhật.

Theo tài liệu của IMF năm 2016 GNP của Tầu tính theo hối suất chính thức là 11,391 tỉ đô la, Mỹ 18, 561 tỉ ( Nhật 4,730 tỉ, Nga 1,267 tỉ ) nghĩa là bằng gần 2/3 của Mỹ nhưng theo sức mua tương đương, phản ảnh tương đối giá trị thực của mỗi nền kinh tế, thì GNP của Tầu là 21, 269 tỉ – đã lớn hơn của Mỹ. (Và gấp hơn 4 lần (431%) GNP của Nhật và hơn 5 lần rưỡi GNP (567%) của Nga – cái thuở nước Cộng Sản Tầu của Mao Trạch Đông giữ phận đàn em và phải ngửa tay xin tiền và vũ khí từ nước đàn anh Cộng Sản Nga của Stalin vừa xa lắc vừa như mới hôm qua!)

Nói rõ hơn năm 2016 là năm Tầu có nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương dựa theo tài liệu công bố của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. IMF cũng dự đoán, cũng theo sức mua tương đương, tới 2020 GNP của Tầu là 29,438 tỉ , lớn hơn hẳn GNP cùa Mỹ chỉ có 21, 927 tỉ của Nhật 5,483 tỉ và của Nga 4,309 tỉ.

Sự phát triển của nước Tầu quả không có tiền lệ nếu người ta nhớ rằng mới hơn 2 thập niên trước Tổng Sản Lượng GNP của Tầu vỏn vẹn bằng 7% của Mỹ và 17% của Nhật. Hiện nay mức phát triển của Tầu đã chậm lại còn chừng 6% nhưng vẫn còn nhanh gấp 3 lần vận tốc phát triển của Mỹ, khoảng 2% , và 4 hay 5 lần của Nhật, khoảng 1% . Luôn luôn có những tiên đoán kinh tế Tầu sẽ khựng lại, sẽ khủng hoảng rồi suy thoái, rối loạn. Những tiên đoán ấy đã không thành sự thực. Người ta nên tự hỏi phải chăng cái núi tiền, núi vàng mà chính quyền Tầu / đảng Cộng Sản Tầu tích góp được trong thời gian “ngậm miệng ăn tiền” đã giúp họ đối phó được với các tình huống khó khăn, vượt qua được các cơn bão lớn, nhỏ ít nhất cho đến bây giờ?

2. Kinh Tế lớn ngang ngửa kinh tế của Mỹ, lại là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với trên 1000 tỉ , dự trữ ngoại tệ trên 3000 tỉ so với Mỹ chỉ có hơn 100 tỉ, nước Tầu cộng sản ngày nay “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, không còn lý do nhũn nhặn, khiêm tốn, ẩn mình chờ thời như 10 năm hay 20 năm trước nữa. Chính sách đối ngoại trong những năm tháng gần đây của nước Tầu thể hiện tác phong đại cường quốc trịnh trọng, cứng rắn, kiêu ngạo như đã thấy trong các diễn đàn quốc tế, trong cách ứng xử liên quan đến tranh chấp biển Đông và đặc biệt Tầu đã ra mặt thách đố, ra mặt không chấp nhận vị trí siêu cường số 1 của Mỹ. Hơn thế nữa, cái khẩu hiệu, tiêu ngữ mang tính cách dân tộc chủ nghĩa “Trung Quốc Mộng” hay China Dream của lãnh tụ nước Tầu Tập Cận Bình ai cũng thấy đồng nghĩa với ý định và kế sách từng bước chấm dứt Pax Americana – Thế Giới Hoà Bình Kiểu Mỹ và thay thế nó bằng Pax Sinica – Thế Giới Hoà Bình Kiểu Tầu. Nước Tầu đã đủ tự tin nên không cần dấu diếm ý đồ “xưng vương” hay bá chủ bởi vì “khi địch thủ biết được ý định thực của ta thì đã muộn” và ngoài ra, “không phải lúc này, thì lúc nào?”

3. Có lẽ còn hơi sớm để kết luận Tầu sẽ thành công hay sẽ thất bại trong mưu đồ “soán ngôi” Mỹ trở thành Siêu Cường số 1 với ảnh hưởng toàn cầu và dù không ưa, hay không chấp nhận Pax Sinica – Thế Giới Hoà Bình Kiểu Tầu – người ta không thể không “ấn tượng” với sự trỗi dậy phi thường của nước Tầu trong một thời gian kỷ lục, không thể không công nhận hoặc ghi nhận dân tộc Trung Hoa là một dân tộc có năng lực rất đặc biệt và được lãnh đạo bởi một loạt các lãnh tụ có hùng tâm, đại chí, mưu lược, chăm chỉ, quyết đoán và có thể rất lạnh lùng, tàn nhẫn bắt đầu bằng “bố già” Đặng Tiểu Bình rồi đến các thế hệ kế tiếp như Giang Trạch Dân, Chu Dung Cơ, Lý Bằng, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Vương Kỳ Sơn, Tập Cận Bình. Quan trọng hơn hết hay nguy hiểm hơn hết họ như chạy tiếp sức nhau trên một con đường duy nhất dẫn đến một đích duy nhất bằng một sự kiên trì đáng sợ. Đánh giá những người này là là bọn Tư Bản Đỏ chỉ biết ky cóp đếm tiền là một sai lầm nguy hiểm. Khi đã ngồi trên một núi vàng, một núi tiền như Tập Cận Bình, đầu năm, trăm tỷ đô la “mua” Phi Châu, cuối năm, trăm tỉ góp vào ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á, vài chục tỉ cho Nam Mỹ, vài chục tỷ cho Đông Nam Á, v.v. thì hiển nhiên tiền hay vàng không quan trọng bằng quyền lực. Trung Quốc Mộng do Tập xướng xuất nên hiểu là điểm đến của một lộ trình đã định trước của đảng Công Sản Tầu. Nước Tầu dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản đã “ ẩn mình chờ thời” và chọn lúc đứng dậy cho kịp thời cơ.

4. Thực ra Mỹ cũng không hoàn toàn vô tình trước cái đe doạ lớn dần. Người Mỹ chỉ tính sai và bất lực trước những thay đổi liên quan đến nước Tầu, kể cả Henry Kisinger kiến trúc sư của chính sách thân Tầu, chống Liên Sô từ những năm 1970’s. Nước Mỹ đã tính sai như sau:

Hai cách nhìn Tổng sản lượng nội địa của Tầu và MỸ. Nguồn: IMF

– Kinh tế của Tầu phát triển nhanh và liên tục, nhanh và liên tục hơn Mỹ dự trù.

– Đảng Cộng Sản Tầu chỉ bỏ Cộng Sản có một nửa – bỏ chủ nghĩa Mác, phần lý tưởng, duy trì chủ nghĩa Lê Nin, phần độc tài đảng trị với tất cả kỹ thuật nắm chặt chính quyền. Nước Tầu “tư bản hoá” kinh tế nhưng không “tự do hoá”, “dân chủ pháp trị hoá” chế độ như Mỹ mong muốn hay chờ đợi thành ra Tầu không thể trở thành một đối tác làm ăn đáng tin cậy của Mỹ về lâu dài. Cùng chơi một “game” nhưng luật chơi lại khác nhau hay cố ý hiểu và giải thích khác nhau! Mỹ và Tầu không thể là bạn, mà là hai con cọp trong cùng một cánh rừng. Sẽ chỉ có một con làm chúa sơn lâm! Con cọp kia hoặc phải cam phận cúi đầu hoặc đi chỗ khác kiếm ăn hoặc biến mất vĩnh viễn.

– Đảng CS Tầu khôn ngoan đánh lạc hướng và hoá giải các đòi hỏi tự do dân chủ của người dân Tầu, kết quả của mức sống cải thiện do kinh tế phát triển, bằng cách thổi phồng chủ nghĩa dân tộc, nhấn mạnh đến rửa nỗi nhục của quá khứ và đạt tới vinh quang trong tương lai và như thế Đảng Cộng Sản có lý do chính đáng, có sứ mệnh lịch sử (!) để tiếp tục độc quyền lãnh đạo, tha hồ tung tác mà không phải chịu một giới hạn nào. Chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa Đại Hán sẽ có đầy đủ đặc tính của một chủ nghĩa đế quốc và sẽ đụng độ không tránh được với chủ nghĩa đế quốc của các dân tộc khác như Nga như Mỹ.

– Mỹ không có một chính sách rõ ràng, dài hạn và hiệu quả đối với các vấn đề Trung Hoa vì tình trạng dân chủ đa nguyên, lưỡng đảng rất đặc biệt của nước Mỹ – đảng này làm, đảng kia phá ( trường hợp TPP, chẳng hạn ) và Tư Bản Mỹ, công ty Mỹ thì lao theo lợi nhuận trong việc buôn bán với Tầu và luôn chống lại các biện pháp của chính quyền Mỹ có thể khiến việc làm ăn của họ bị trở ngại hay đứt đoạn. Mặt khác người tiêu thụ Mỹ ham lợi khi đổ xô mua hàng rẻ sản xuất ở Tầu, thượng vàng hạ cám! Kinh tế Mỹ trong đoản kỳ cũng có lợi vì nhập cảng rẻ nên lạm phát thấp, chính quyền Mỹ thiếu tiền bán công khố phiếu lại được chính quyền Tầu sốt sắng mua ngay….Vì những mối lợi trước mẳt, nước Mỹ đã làm ngơ rất lâu trước các mối nguy trường kỳ bắt đầu từ tình trạng kinh tế bị “xuất huyết” vì thâm thủng mậu dịch với Tầu trên dưới 300 tỉ đô la mỗi năm hay trên dưới 1 tỉ đô la mỗi ngày. Nhắc lại: một tỉ đô la là một ngàn triệu đô la mỗi ngày được nước Mỹ chăm chỉ nộp vào ngân khố nước Tầu, năm này qua năm khác! Nước Mỹ như vậy đã “tài trợ” nước Tầu canh tân, xây dựng sức mạnh về mọi phương diện từ kinh tế đến quân sự, đến giáo dục, từ khoa học kỹ thuật đến chế tạo các vũ khí tối tân, từ phi thuyền Thần Châu thám hiểm mặt trăng đến hoả tiễn Đông Phong đối phó với tầu sân bay, đến các huy chương vàng Olympics….và 3,000 tỉ ngoại tệ dự trữ tuỳ nghi xử dụng. Nếu Mỹ có “chết dưới tay Trung Quốc” như lý thuyết gia chống Tầu số 1 trong chính quyền Trump là Peter Navarro khẩn thiết báo động trong tác phẩm nổi tiếng “Death by China” thì cũng nên hiểu rằng chính Mỹ đã tự nguyện đưa giây thòng lọng cho Tầu!

– Lần đầu tiên trong lịch sử của nước Mỹ, nước Mỹ phải tranh đấu với một địch thủ là một chế độ rất độc tài, rất khôn và rất nhiều tiền. Mỹ thắng Liên Sô trong chiến tranh lạnh vì Liên Sô tuy có lợi thế của chế độ độc tài nhưng Liên Sô quá nghèo nên cuối cùng bị kiệt quệ không chạy đua nổi với Mỹ. Trường hợp nước Tầu ngày nay khác hẳn. Hoàn toàn không có tiền lệ!

5. Mỹ và Tầu không phải là bạn nhưng cũng không phải tử thù hay không đến nỗi thề thốt “bất cộng đái thiên” như trước khi Kissinger đi Tầu năm 1971. Chiến tranh lạnh đã qua rồi. Chiến tranh ý thức hệ cũng không trở lại khi Tầu đã bỏ hẳn các tín điều Mác- Xít cơ bản. Lý thuyết kinh tế của Adam Smith và Keynesian economics đã hoàn toàn thay thế Marxist economics. Bang giao Tầu – Mỹ mang tính chất vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Hợp tác nhiều hơn về kinh tế, cạnh tranh nhiều hơn về quyền lực – giống như các cuộc cạnh tranh quyền lực cổ điển giữa các quốc gia hay các đế quốc. Tầu và Mỹ cùng đánh võ Tư Bản, chỉ hơi khác Tư Bản Mỹ có tính cách tư nhân hơn, Tư Bản Tầu còn tính cách nhà nước hơn. Hai nền kinh tế đã đan kết, bổ túc, lệ thuộc, ràng buộc nhau đến một mức độ tách rời cũng khó. Lúc đầu, khi cùng có lợi, hợp tác là chính. Khi một bên lợi, một bên thiệt hợp tác phải nhường chỗ kèn cựa, cạnh tranh. Tới mức ăn thua làm siêu cường số 1 hay bá chủ với tất cả quyền lợi, quyền lực và vinh quang, một bên cố giữ nguyên trạng, đè xuống , một bên cờ đã đến tay, vùng lên. Cạnh tranh gay gắt, không dàn xếp được, sẽ biến thành xung đột. Dàn xếp được, có thể dẫn đến phân chia vùng ảnh hưởng tỷ lệ thuận với sức mạnh của mỗi bên. Với sức mạnh mới , Tầu không có lý do chấp nhận một “qui chế” kém hơn là hoàn toàn ngang hàng với Mỹ trong một thế giới lưỡng cực – một bước trung gian, trước khi tiến lên tìm cách bá chủ thế giới.

6. Không có “phép lạ” nào để kiềm chế nước Tầu ngày càng hung hăng lấn lướt, “phù thuỷ” Henry Kissinger chỉ còn biết khuyên nước Mỹ nhượng bộ để đổi lấy hoà bình và có lẽ để chạy tội “cuối cùng Kissinger đã phục vụ quyền lợi nước Tầu nhiều hơn phục vụ quyền lợi nước Mỹ” ông cựu cố vấn an ninh quốc gia, cựu ngoại trưởng nổi tiếng của Richard Nixon nay mai sẽ phải đổ lỗi cho người Cộng Sản VIệt Nam trong những năm tháng ấy đã “quyết tử cho …Trung Quốc quyết sinh” thí mạng mấy triệu người Việt đánh Mỹ , giết cho được 58 ngàn lính Mỹ và “sẵn sàng đánh thêm 20 năm” theo kế hoạch “đánh tới người Việt Nam cuối cùng” của Đảng Cộng Sản Trung Hoa cho nên ông ta mới phải bất đắc dĩ trong đêm khuya khoẳt “lặn lội lén lút” như thằng ăn trộm đến tận Bắc Kinh để xin hoà theo lệnh của Tổng Thống Mỹ.

Ông ta sẽ chỉ tay về hướng khác: “Thủ phạm chính gây “tai hoạ tầy trời” này là ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn chứ không phải tôi, Henry Kissinger!” Trong trường hợp này Đảng Cộng Sản Việt Nam (cũng đã bỏ cụ Mác, chỉ giữ cụ Lê) cùng các lý thuyết gia số 1 và số 2 của Đảng như ông Trọng, ông Huynh sẽ đối đáp làm sao? Vẫn tiếp tục “tuyên giáo” nhân dân Việt Nam phải đời đời nhớ ơn Trung Quốc? và nhớ ơn… Ai đã dầy công “gây dựng cho nên nỗi này”? Còn định “tuyên giáo” con nai phải tiếp tục nhớ ơn con trăn ngay cả khi chú nai vàng ngơ ngác đã nằm gọn trong bụng con trăn khổng lồ đúng theo tinh thần phán quyết trịnh trọng của đại lãnh tụ Tập Cận Bình : “Việt Nam-Trung Quốc vận mệnh tương đồng!” trong dịp ông ta công du Việt Nam tháng 11 năm 2015 mới đây!

(Đáng lẽ ông Trọng, ông Huynh phải nói thẳng với ông Tập thế này: “ Trung Quốc có được ngày nay là nhờ xương máu Việt Nam. Việt Nam là nước chịu thiệt hại nhiều nhất và là nước có công nhất với Trung Quốc, xin nhắc lại có công nhất, giúp Trung Quốc nhiều nhất mà không được đền bù. Mà Việt Nam cũng không cần đền bù, việc đã qua rồi thì cho qua luôn. Chỉ cần Trung Quốc hiểu: Trung Quốc Mộng là của người Trung Quốc, không phải là mộng của người Việt Nam. Trung Quốc nên trả lại cho Việt Nam Hoàng Sa và Trường Sa và tôn trọng sự chọn lựa của dân tộc Việt Nam: Một nước Việt Nam thật sự Độc Lập, thật sự Trung Lập, thật sự Dân Chủ và rất Thân Hữu với tất cả các nước muốn làm bạn tử tế, thành thực với Việt Nam kể cả Trung Quốc, kể cả Nga, kể cả Pháp và kể cả Mỹ! )

7. Tầu dòm ngó biển Đông từ lâu, có cơ hội đầu tiên là ra tay ngay : khi chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn ngã ngũ, Tầu lập tức đoạt Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hoà năm 1974 với sự đồng ý ngầm của Mỹ như là món quà “thiện chí hoà giải” nước Mỹ tặng nước Tầu. (Hay món quà riêng của Henry Kissinger tặng Chu Ân Lai?) Trong mấy chục năm, suốt thời gian “ẩn mình chờ thời” – thao quang dưỡng hối hay “lie low and bide your time” – Tầu không có hoạt động gì đáng kể tại biển Đông – ngoài việc đánh chiếm thêm vài đảo trong quần đảo Trường Sa cũng của Việt Nam năm 1988 – chỉ đến mấy năm gần đây khi đã thấy đủ mạnh, Tầu mới có thái độ, chính sách và hành động bộc lộ rõ những toan tính và kế hoạch biến biển Đông thành cái hồ hay cái ao của riêng nước Tầu. Việc tuyên bố nước Tầu có lợi ích cốt lõi ở biển Đông, tuyên bố chủ quyền rồi đương nhiên và hối hả thực thi chủ quyền trên 80% diện tích biển Đông nằm bên trong đường 9 đoạn tự ý vẽ, triệt để quân sự hoá toàn vùng, bất chấp luật biển quốc tế, bất chấp sự phản đối của nhiều nước liên quan là hành vi ngang ngược và trắng trợn. Tầu muốn đặt cả thế giới vào sự đã rồi, không ai kịp phản ứng. Tầu biết rõ bản chất của việc làm này – bá quyền, đế quốc, “live and …not let live” , muốn sống nhưng không để cho người khác sống – nhưng vẫn ngang nhiên tiến hành vì chiếm biển Đông là bước cần thiết cho một kế hoạch lớn và Tầu tin rằng không nước nào có thể ngăn cản được kể cả nước Mỹ của Barack Obama, Hillary Clinton hay Donald Trump.

Stalingrad trong thế kỷ 21

1. Biển Đông quan trọng vì có trữ lượng dầu hoả và khí đốt khổng lồ, có số lượng cá rất phong phú nhưng quan trọng hơn cả vì nó là một trong vài đường giao thương quốc tế chủ yếu, vận chuyển khoảng 30% hàng hoá của toàn thế giới tri giá trên 5,000 tỉ đô la mỗi năm gồm cả việc vận chuyển khối lượng dầu khổng lồ và do đó có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan, các nước Âu Châu, Úc, Tân Tây Lan, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và dĩ nhiên với Tầu nghĩa là gần như với toàn thế giới. Còn quan trọng hơn cả vùng kênh đào Suez hay vùng kênh đào Panama. Biển Đông, tiếp giáp với Đài Loan, là biển Đông Nam Á, là đường ra vào 10 nước Đông Nam Á – nơi cư trú của hơn 40 triệu Hoa Kiều Hải Ngoại đang kiểm soát trên dưới 80% kinh tế của các quốc gia trong vùng. Khống chế được biển Đông tuy không đương nhiên nhưng sẽ dễ dàng khống chế được Đông Nam Á, do đó khống chế luôn được eo biển Malacca, hẹp nhưng rất trọng yếu.

Nói một cách khác trong mắt các chiến lược gia của nước Tầu, biển Đông phải là ao nhà, Đông Nam Á phải là sân sau, là hiện tại, là tương lai, là thế công, là thế thủ, là điều kiện cần thiết để làm một siêu cường, cần thiết cho Trung Quốc Mộng, cần thiết cho bá quyền, cần thiết cho sự phục hưng đế quốc Trung Hoa!

2. Tầu quân sự hoá biển Đông với một tốc độ chóng mặt, công khai, chẳng còn thấy cần cải chính khi bị tố cáo – lấp biển làm thêm đảo nhân tạo, xây phi trường cho chiến đấu cơ, lập vùng nhận dạng phòng không, thiết lập các dàn hoả tiễn, đối hạm, phòng không, các căn cứ hải quân, căn cứ tầu ngầm, cơ sở quân sự, hành chánh đủ loại, tuần tiễu, tuần tra đêm ngày, trên trời dưới nước…phối hợp các căn cứ này với các căn cứ ở đảo Hải Nam, các căn cứ trên đất liền dọc duyên hải Trung Hoa suốt từ Mãn Châu xuống Quảng Đông làm thành một hệ thống quân sự chặt chẽ, chằng chịt, liên hoàn. Chuẩn bị từ khi “ẩn mình chờ thời”, một thế trận lợi hại như thế sẽ hoàn tất trong một thời gian ngắn 1 hay 2 năm nữa là cùng, nếu không bị phá vỡ, sẽ đặt nước Tầu vào vị trí áp đảo tuyệt đối và đặc biệt đặt các nước đồng minh Đông Bắc Á của Mỹ như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan vào thế bị uy hiếp cực kỳ nghiêm trọng. Con đường giao thương, tiếp tế sinh tử cho những nước này có thể bị Tầu phong toả bất cứ lúc nào, cắt đứt dễ dàng như trở bàn tay. Thiếu dầu, thiếu phân bón, thiếu thực phẩm, thiếu gạo, thiếu nguyên liệu …gần 200 triệu dân các nước này lúc ấy sẽ phải chọn giữa chết rét, chết đói và kéo cờ trắng – “Cửu âm bạch cốt trảo của Chu Chỉ Nhược đã đặt ngay vào cổ họng còn cục cựa làm sao?”

Tầu có thể không cần bắn một phát súng mà khuất phục được nước Nhật đại kình địch từ hơn 100 năm qua. Nam Hàn cũng sẽ phải “nộp biểu xưng thần” giống như thời phong kiến xa xưa, còn Đài Loan thì đành “gạt nước mắt” trở về với “Tổ Quốc”!

Tất cả chỉ còn trông vào Mỹ.

Biển Đông là thách đố lớn nhất của nước Mỹ trong hiện tại.

3. Như đã nói Biển Đông cũng là Biển Đông Nam Á, là một phần của Đông Nam Á, thế mà các nước Đông Nam Á, từng nước một, đang quay lưng lại Mỹ và ngả dần về phía Tầu- từ Cao Miên đến Thái Lan, đến Mã Lai và “thay lòng đổi dạ”nghiêm trọng nhất là Phi Luật Tân, nước mà Mỹ có hiệp ước đồng minh và có căn cứ quân sự – duy nhất trong vùng. Không còn căn cứ, Mỹ sẽ rất khó trụ lại tại biển Đông – không lẽ chiến hạm cứ lang thang ngoài biển, máy bay cứ lêu bêu mãi trên trời? Gõ cửa các nước Đông Nam Á thì nước nào cũng sợ Tầu hay nể Tầu mà lắc đầu , thì phải làm sao? – Rút hiện diện quân sự, tự ý hay bị bắt buộc, là mặc nhiên nhường đứt biển Đông cho Tầu! “Mất” biển Đông là “mất” Đông Nam Á. Mất biển Đông cũng là “mất” Đông Bắc Á . Triệt thoái quân sự khỏi Á Châu là mặc nhiên chấp nhận Tầu làm bá chủ Á Châu!

Thất bại của Mỹ sẽ không dừng ở Á Châu. Putin của nước Nga “toạ sơn quan hổ đấu” nhìn Mỹ thất thế Á Châu, mất tinh thần bỏ chạy, sẽ không vì đóng kịch “bồ bịch” với Trump mà bỏ lỡ cơ hội “làm nước Nga vĩ đại trở lại”, bỏ lỡ cơ hội dựng lại đế quốc Nga rộng lớn như thời Stalin bằng cách đem quân “thâu hồi” các vùng đất đã mất như đã “thâu hồi” Crimea một cách chớp nhoáng, sẽ khống chế Đông Âu và cả Tây Âu. Tóm tắt, Nga sẽ “đoạt” Âu Châu như Lưu Bị đoạt Kinh Châu sau khi Tôn Quyền đại phá Tào Tháo trong trận Xích Bích.
Biển Đông thế kỷ 21 , vì thế, nên được so sánh với Stalingrad thế kỷ 20 trong ý nghĩa này. Thua Stalingrad Đức Quốc Xã suy sụp rồi thua luôn. Tương tự, nếu Mỹ thua Tầu ở Biển Đông Mỹ cũng sẽ suy sụp và hết còn là Siêu Cường số 1. Thế giới hoà bình kiểu Mỹ – Pax America sẽ cáo chung. Một trang sử sẽ được lật qua.

Dĩ nhiên tân Tổng Thống Mỹ Donald Trump, người được đắc cử với khẩu hiệu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại!” sẽ không thể chấp nhận thất bại quá lớn như vậy!

Nhưng Trump có thể làm gì?

Tổng Thống Trump của nước Cờ Hoa có thể làm gì? Nhất là sau khi thẳng tay dẹp bỏ TPP một sáng kiến chiến lược khôn ngoan của Tổng Thống Mỹ vừa mãn nhiệm Obama, của thủ tướng Nhật Abe và có lẽ của cả thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhằm liên kết một số nước quan trọng của 3 vùng Đông Nam Á , Đông Bắc Á và Mỹ Châu trong một tổ chức chung vừa có tính cách thương mại, vừa có tính cách chính trị, để hoá giải hậu quả của hành động chiếm cứ và hùng cứ biển Đông của nước Tầu.

(Với TPP, dù Tầu có khống chế được biển Đông cũng chưa hẳn khống chế được Đông Nam Á nên chính đường giao thương tiếp tế cho Tầu cũng có thể bị Hải Quân Mỹ phong toả chẳng hạn ở eo biển Malacca nằm giữa đảo Sumatra và Mã Lai… Lý Hiển Long, nối nghiệp cha Lý Quang Diệu ở Singapore có lẽ là lãnh tụ thông minh nhất, đảm lược nhất, có tầm nhìn rộng nhất, xa nhất trong các lãnh tụ ở Đông Nam Á về sự quân bình cần thiết tại Á Châu đang có nguy cơ bị sụp đổ vì Tầu chiếm Biển Đông và đoạt tiên cơ. “Hổ phụ sinh hổ tử”, có thể người con cũng giống như người cha đã lo lắng trong cái trật tự mới tại Á Châu mà nước Tầu Cộng Sản lên ngôi bá chủ không những Đài Loan trước , Việt Nam sau sẽ bị Tầu nuốt hoàn toàn – vì vốn là quận huyện cũ của Tầu, lại có vị trí chiến lược trọng yếu tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á – mà các nước Đông Nam Á khác kể cả nước Singapore mà ông ta yêu quý, tự hào cũng sẽ không thoát khỏi thân phận chư hầu của cái đế quốc Trung Hoa vừa tái lập. Chính trị đảng phái của nước Mỹ có thể làm tổn hại nước Mỹ và các nước khác một đến những mức không ngờ!)

4. Chiến tranh nguyên tử giữa Mỹ và Tầu sẽ không xẩy ra hay rất khó xẩy ra, rất khó tưởng tượng. Trump không muốn, Tập không muốn, không ai muốn cả. Một nước bị đánh úp bằng nguyên tử vẫn có khả năng trả đũa và cả hai cùng chết. Dù không chết hết nhưng chẳng nước nào muốn làm bá chủ hoang tàn hay bá chủ nghĩa địa. Tầu đã tuyên bố sẽ không dùng vũ khí nguyên tử trước tiên ( Mỹ không tuyên bố như vậy vì Mỹ đã dùng rồi, năm 1945, hai trái bom thả trên nước Nhật ), dĩ nhiên tuyên bố này của Tầu chỉ có mục đích tuyên truyền tranh chính nghĩa nhưng cũng dẫn đến suy nghĩ : kho vũ khí nguyên tử của Tầu không hùng hậu bằng của Mỹ nhưng cũng đủ gián chỉ, đủ vô hiệu hoá ưu thế nguyên tử của Mỹ. Nếu Mỹ ném 100 quả bom nguyên tử trên 100 thành phố lớn nhất của Tầu, Tầu chỉ bắn trả được 10 quả bom nguyên tử vào 10 thành phố lớn nhất của Mỹ, Mỹ có nên và có dám xử dụng cái “ưu thế” của mình hay không? Câu trả lời chắc là không. Một quả bom nguyên tử rơi vào New York giết một triệu người cũng đã là quá nhiều!

Chiến tranh Mỹ – Tầu như vậy, nếu có, sẽ là chiến tranh quy ước. Tuy nhiên không có gì bảo đảm bên thua, bị dồn vào chân tường, không bấm nút phóng hoả tiễn mang bom nguyên tử. Sách lược chiến tranh, vì thế, tốt nhất vẫn là đạt được mục đích, khuất phục được đối thủ bắt phải nhượng bộ mà không cần đánh. Sách lược “bất chiến tự nhiên thành” của Tôn Tử hay “ta không đánh mà người chịu khuất” hay “win without fighting” vẫn được coi là thượng sách số 1 từ ngàn xưa, càng là số 1 trong thời đại mới . Trong thực tế áp dụng không phải dễ dàng – phải phô trương lực lượng nhưng trước hết phải có lực lượng để phô trương, phải bầy thế trận thật hay, thật lợi hại để đối phương thấy chắc chắn thua, chống cự tổn hại vô ích, phải nghi binh hư hư thực thực, phải đấu trí, phải đùa với lửa, phải chấp nhận rủi ro – như trường hợp không muốn đánh mà phải đánh và bị đánh trả nghĩa là chiến tranh bùng nổ mà thực tâm không ai muốn .Và nếu lỡ chiến tranh bùng nổ thì phải thắng.

5. Quốc gia nào cũng có những bí mật quân sự. Từ chiến lược đến quân số, phương tiện, vũ khí, khả năng huy động, khả năng chịu đựng khó khăn hay tổn hại… Chỉ có thể ước lượng hay suy đoán căn cứ vào tài liệu tương đối khả tín đã luân lưu. Xin đưa một số nhận định đại cương:

– Về quân sự nói chung Mỹ còn mạnh hơn Tầu nhưng lực lượng bị dàn mỏng nhiều nơi trên thế giới.

– Không giống như Liên Sô, Tầu khôn ngoan không cạnh tranh, đối đầu với Mỹ trên toàn thế giới để chính mình cũng bị dàn mỏng và đuối sức.

– Tầu đi từ từ từng bước một trong sách lược toàn cầu: Biển Đông trước rồi mới tới Đông Nam Á, tới Đông Bắc Á, tới Thái Bình Dương, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Âu Châu …Là nước thuộc Á Châu, phải bá chủ châu Á trước rồi bung ra làm bá chủ thế giới sau.

– Tổng Sản Lượng Kinh Tế GNP hàng năm của Mỹ và Tầu ,như đã nói trên , hiện ở mức ngang nhau. Tính theo hối suất chính thức Mỹ cao hơn, tính theo sức mua Tương đương Tầu cao hơn ( IMF – 2016 ). Tuy nhiên, nhiều người lý luận nước Mỹ vẫn thực sự giầu hơn Tầu gấp 5, 7 lần dù cho tài sản của nước Mỹ có bị chuyển qua Tầu với vận tốc trên dưới một ngàn triệu đô la mỗi ngày. Điều này rất đúng, Mỹ giầu hơn nhưng là dân Mỹ nói chung giầu hơn dân Tầu , giầu hơn suốt 100 năm qua với tất cả các loại tài sản tích luỹ nhưng chính quyền thì luôn thiếu hụt. Cho nên, giầu mà không huy động được, không biến được cái giầu thành sức mạnh để đối phó với địch thủ khi cấp bách thì giầu cũng vô ích. Lấy một thí dụ: Nước Tầu “nghèo” nhưng Tập Cận Bình có thể lập tức xử dụng 3000 tỉ đô la dự trữ ngoại tệ làm phương tiện tranh đấu trong khi nước Mỹ “giầu” nhưng Donald Trump chỉ có thể lập tức xử dụng 3 tỉ đô la tài sản riêng của chính Donald Trump! Nước theo chế độ dân chủ vận hành theo luật pháp rất bất lợi khi tranh đấu với nước theo chế độ độc tài vận hành theo “luật đảng” hay “luật lãnh tụ”.

– Tầu chọn đấu trường ở nơi có ưu thế nhất định như “gần nhà”, dễ tiếp tế, dễ tập trung hoả lực, nguồn nhân lực vô hạn. Ngoài ra đấu trường phải có tầm quan trọng chiến lược để nếu thắng sẽ mở ra một cuộc diện hoàn toàn mới có lợi cho Tầu. Biển Đông, Đài Loan, Đông Nam Á có thể coi là cùng một đấu trường và đều đáp ứng điều kiện trên – điều kiện ĐỊA LỢI.

– Con số về Ngân sách quốc phòng của Mỹ cao hơn ngân sách quốc phòng của Tầu cho cảm giác Mỹ chắc phải mạnh hơn Tầu về quân sự. Thực tế, các con số thường không chính xác, không nói đủ được các khía cạnh. Ngân Sách của Mỹ cao nhưng một phần rất lớn là lương bổng và hưu bổng, ngân sách quốc phòng của Tầu thấp nhưng phần chi tiêu cho vũ khí, quân dụng, nghiên cứu, thực nghiệm chưa chắc đã ít hơn của Mỹ hoặc thực sự cao hơn. Con số ngân sách quốc phòng Mỹ gần với sự thực vì phải biểu quyết công khai ở Quốc Hội nhưng con số ngân sách Quốc Phòng của Tầu thì rất khả nghi nhất là Tầu nếu không “dấu minh chờ thời”thì cũng “ binh bất yếm trá” – con số càng thấp địch thủ càng ít đề phòng. Là một xã hội “mở”, Mỹ bị bất lợi như đã nói – biết về địch thủ ít hơn địch thủ biết về mình.

– Mỹ có ưu thế về khoa học kỹ thuật nhưng khoảng cách đã thu hẹp dần đặc biệt khoa học kỹ thuật áp dụng trong lãnh vực quốc phòng. Khi Tầu biểu diễn, năm 2007, dùng hoả tiễn bắn nát một vệ tinh đang di chuyển với tốc độ nhanh hơn ánh sáng trên quĩ đạo của trái đất các khoa học gia, chiến lược gia của Mỹ biết Tầu đã đạt một trình độ kỹ thuật đáng ngại như thế nào rồi trong trường hợp chiến tranh, kể cả chiến tranh không gian. Sự tiến bộ nhanh chóng của Tầu đã gây ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tầu không còn “lạc hậu” như nhiều người lầm tưởng. Các đại học Mỹ đã giúp đào tạo hàng ngàn hay khoa học gia Tầu có bằng Phd ( tiến sĩ ) trở lên và hiện có hơn 300,000 sinh viên Tầu đang theo học tại các đại học Mỹ và có trình độ không thua kém gì các sinh viên Mỹ. Tầu cũng thừa tiền để tuyển mộ các nhà khoa học ngoại quốc lỗi lạc khắp thế giới, kể cả các khoa học gia quốc tịch Mỹ để giúp Tầu chế tạo hay canh tân các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh.

– Tầu được ước lượng có khoảng 250 đầu đạn nguyên tử thua xa Mỹ khoảng 4700 và Nga 4300. Mỹ có thể tiêu diệt Tầu …19 lần, Tầu có thể tiêu diệt Mỹ…một lần nhưng 19 lần hay 1 lần có khác gì nhau? Ưu thế mà không hẳn là ưu thế.

– Mỹ được xem là có ưu thế về Hải Quân và Không Quân nhưng lục quân không địch lại bộ binh đông như kiến của Tầu. Trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 Mỹ và Đồng Minh đã kinh nghiệm xương máu về chiến lược và chiến thuật “lấy thịt đè người” của Tầu rồi. Mỹ chết 100,000 thì Tổng Thống Mỹ chắc phải xin từ chức hay bị bãi nhiệm , Tầu chết một triệu, lãnh tụ Tầu vẫn vững như bàn thạch. Nếu chiến tranh Mỹ – Tầu bùng nổ cùng lúc ở biển Đông và Đông Nam Á thêm cả Đài Loan Mỹ có thể miễn cưỡng bảo vệ các quốc gia hải đảo như Phi Luật Tân, Nam Dương, Brunei và Đài Loan nhưng chỉ có thể chống mắt đứng nhìn quân Tầu tràn ngập 7 nước Đông Nam Á còn lại là Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Lào, Cao Miên. Các nước Đông Nam Á đều quá yếu so với Tầu về mọi phương diện, một gánh nặng quá lớn cho Mỹ cưu mang. Ngoài ra, Đông Nam Á phần lục địa đúng là sân sau của Tầu trong khi cách xa Mỹ nửa vòng trái đất. Tầu có thể đưa 2 triệu quân đến chiến trường trong vòng 1 tháng, Mỹ cần 1 năm. Nước xa không cứu được lửa gần!

– 10 năm, 15 năm trước đụng độ Hải Quân, Không Quân với Tầu chắc chắn Mỹ thắng, bây giờ thì không chắc chắn nữa, nhất là đụng độ trong vùng tranh chấp Biển Đông nơi Mỹ đã mất gần hết các căn cứ quân sự trong vùng sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Lực lượng đồn trú của Mỹ tại Nhật và Nam Hàn không đủ để đối phó với thế trận của Tầu ngoài ra chính những căn cứ này cũng có thể bị uy hiếp vì nằm trong tầm tác xạ của Tầu. Mang lực lượng đến từ xa đều có những vấn đề.

– Xây dựng một lực lượng Hải Quân có đủ sức tranh phong với Hải Quân Mỹ trên các đại dương có thể phải cần thêm 10 Tầu Sân Bay và cần thêm thời gian 10 năm nữa nên Tầu đi tắt bằng cách bố trí hàng ngàn hoả tiễn “tinh khôn” có radar hoặc vệ tinh hướng dẫn dọc bờ biển Trung Hoa từ Bắc xuống Nam, có tầm bắn 1, 2 ngàn cây số bao trùm các căn cứ còn lại của Mỹ ở Phi Luật Tân, ở Nhật, ở Nam Hàn và cả Đài Loan chưa kể loại hoả tiễn mới Đông Phong DF-21 , xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc duyêt binh vĩ đại của Tầu năm 2015 , được cho biết là cực nhanh- nhanh hơn tiếng động, cực mạnh – nếu trúng đích có thể tiêu huỷ nguyên cả một Tầu Sân Bay đang di chuyển, cách xa 2000 cây số, trị giá 12 tỉ đô la. Tất cả để đối phó với lực lượng Hải Quân hùng mạnh “vô địch” của Mỹ. Riêng Đông Phong DF được sáng chế chủ yếu đối phó với các Tầu Sân Bay, căn cứ di động còn gọi là Hàng Không Mẫu Hạm, Aircraft Carriers vốn là xương sống của Hải Quân Mỹ, có thể đến tham chiến từ các căn cứ thuộc các đảo của Mỹ trên Thái Bình Dương như Guam, như Wake, như Hawaii. ( Các chiến lược gia Mỹ đang phải giải bài toán nhức đầu: uy lực và độ chính xác của hoả tiễn Đông Phong thực sự tới đâu trong khi Tầu cố ý lơ lửng cho Mỹ bán tín, bán nghi? Mỹ có nên chấp nhận rủi ro quá lớn khi điều động các Tầu Sân Bay quí giá vào vùng tranh chấp để cho Tầu thử hoả tiễn mới? Nếu không, làm sao bảo vệ Đài Loan và các đồng minh trong vùng? ). Lực lượng hoả tiễn đối không và đối hạm ( rockets và missiles ) cùng các dàn cao xạ dầy đặc của Tầu đợi B52 của Mỹ xuất hiện còn được phối hợp với 2, 3 ngàn phi cơ xung kích sẵn sàng từ các phi trường gần biển kể cả những phi trường tân lập trên các đảo nhân tạo ở biển Đông và phối hợp cả với những đội tầu ngầm quanh quẩn trong vùng…Sự bố trí quân sự của Tầu tại biển Đông nói riêng và miền duyên hải Trung Hoa nói chung chuẩn bị cho cả 2 trường hợp. Trường hợp 1 – Tối hảo, không cần bắn một phát súng : Mỹ thấy thế trận quân sự của Tầu bầy ra Mỹ không phá nổi, chấp nhận rút lực lượng, có ký giấy hay không. Bất Chiến Tự Nhiên Thành của Tôn Vũ! Trường hợp 2 : chiến tranh bùng nổ , Tầu thắng, Mỹ triệt thoái quân sự khỏi Á Châu, có ký giấy hay không. Dĩ nhiên đối với Tầu trường hợp 1 tốt hơn hẳn, không sứt mẻ, lại không bị rủi ro chiến tranh nguyên tử. Nhưng không phải cứ muốn là được. Mỹ tất nhiên cũng rất muốn “bất chiến tự nhiên thành” – Win Without Fighting nhưng Mỹ bị bất lợi nhiều thứ nên ngay một thế trận “coi được” để đối phó với thế trận của Tầu có thể cũng không hiện thực.

Cái bẫy Pearl Harbor chờ Donald Trump

1. Đến đây nhìn chung có thể thấy đảng Cộng SảnTầu đã chuẩn bị bài bản đâu ra đấy để đụng độ với Mỹ. Một cuộc đụng độ mà Tầu thấy là cần thiết, đã chờ đợi, đã sửa soạn, và có thể đã nghĩ rằng thời điểm rất thuận lợi với Donald Trump lên làm Tổng Thống nước Mỹ. Nếu thắng lợi diễn ra đúng như họ dự trù nước Mỹ sẽ phải rút lui quân sự khỏi Á Châu, nước Tầu trở thành bá chủ ở châu lục này. Biển Đông sẽ là biển CỦA nước Tầu, Đông Nam Á là vùng ảnh hưởng của Trung Hoa. Sát nhập Đài Loan vào Trung Quốc chỉ là chuyện thủ tục.

Một ẩn số khác phải nghĩ đến: Lãnh tụ Tập Cận Bình của đảng Cộng Sản và của nước Tầu, 63 tuổi, rất giỏi “giấu mình chờ thời”, thủ rất kín, đã vượt hàng trăm cửa ải để đạt đến đỉnh cao chót vót của quyền lực bằng bề ngoài phúc hậu, nói năng từ tốn nhưng trong bụng đầy gươm dáo. Nếu Mao Trạch Đông còn sống có lẽ Mao cũng phải khen Tập Cận Bình như đã từng khen Đặng Tiểu Bình là “trong bọc có kim”. Nếu không có mưu lược, bản lĩnh xuất chúng Tập không loại được các đối thủ ghê gớm như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, đã không trở nên lãnh tụ có nhiều quyền lực nhất kể từ sau thời của Đặng Tiểu Bình nghĩa là hơn hẳn hai người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Một trong các di sản quan trọng Đặng Tiểu Bình để lại cho thế hệ sau là lãnh tụ của đảng Cộng Sản Tầu chỉ được làm một nhiệm kỳ duy nhất 10 năm, mục đích để thực hiện “dân chủ hoá nội bộ đảng”, tránh già yếu lú lẫn mà vẫn làm lãnh tụ, tránh lạm quyền như trường hợp của Mao. Giang Trạch Dân, vì thế làm lãnh tụ đúng 10 năm, Hồ Cẩm Đào kế vị cũng 10 năm rồi trao quyền cho Tập Cận Bình. Tập Cận Bình đang ở giữa nhiệm kỳ 10 năm. Cùng với việc thảo luận trong Đảng đang diễn ra về việc chuẩn bị trước người sẽ kế vị Tập là …thảo luận sửa đổi điều lệ đảng để Tập có thể làm thêm một nhiệm kỳ thứ hai 10 năm nữa. Đây là cửa ải khó khăn khác và có lẽ là cửa ải sau cùng đối với tham vọng hay cao vọng của Tập. Khó khăn không kém việc nước Mỹ sửa hiến pháp cho Obama ứng cử thêm hai nhiệm kỳ nữa tổng cộng 16 năm thay vì 8 năm. Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” đánh tham nhũng đã tăng uy tín và quyền lực của Tập khá nhiều nhưng vẫn chưa đủ , đấy là chưa kể “đả hổ diệt ruồi” của Tập đã bị ngờ vực “thực chất chỉ là phe phái tranh quyền dẫn đến thanh trừng nội bộ”. Muốn thêm nhiệm kỳ vững chãi 10 năm nữa, Tập cần có công nghiệp có giá trị “khẩu phục, tâm phục” đối với hơn 80 triệu đảng viên của đảng Cộng Sản Tầu và đối với nhân dân Trung Hoa. Tập Cận Bình phải làm được điều mà Mao, Đặng, Giang, Hồ chưa làm được hoặc không làm được là thu hồi Đài Loan để có thể tuyên bố Trung Quốc đã thực sự thống nhất , đưa Trung Quốc lên vị trí bá chủ thực sự ở Á Châu rồi tiến tới làm bá chủ thế giới. Nếu thành công, phần thưởng sẽ rất lớn, ngoài nhiệm kỳ thứ hai 10 năm nữa là chuyện đương nhiên , Tập Cận Bình không những đứng ngang hàng với Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông mà còn “bất tử” như Càn Long, Khang Hi hay Chu Nguyên Chương.

Bản đồ Biển Đông. Nguồn: Forbes

Biển Đông và Donald Trump cho Tập Cận Bình một cơ hội hiếm có nhưng thời gian khá cấp bách đối với Tập Cận Bình. Việc cần làm, phải làm, càng sớm càng tốt , trước khi việc chọn người kế vị thành “sự đã rồi” rất khó đảo ngược.

2. Các chiến lược gia của Tầu và Tập Cận Bình tất đã phải nhìn thấy kết quả cuộc bầu cử của nước Mỹ với chính quyền mới của Tổng Thống mới Donald Trump là THIÊN THỜI với những nhận định:

– Chính trị đảng phái và cung cách tranh cử của Trump làm nước Mỹ chia rẽ và rối loạn. Nước Mỹ đang ở lúc yếu nhất. Trump đắc cử nhưng chỉ được thiểu số ủng hộ, đa số chống.

– To mồm, nói mạnh nhưng Trump không muốn chiến tranh, không tin chiến tranh sẽ xẩy ra nên không thực sự chuẩn bị chiến tranh. Cùng lắm Trump chỉ phát động chiến tranh thương mại bằng cách tăng thuế suất đánh lên hàng hoá nhập cảng từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

– Khẩu hiệu tranh cử “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (make America great again!) hoặc “Nước Mỹ trước hết” (America first!) có thể giúp Trump đắc cử nhưng chẳng khác khẳng định với thế giới một nước Mỹ suy sụp, một nước Mỹ vụ lợi, ích kỷ. Với Trump, nước Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo, từ bỏ các giá trị mà nước Mỹ vẫn tuyên dương như Dân Chủ, Nhân Quyền vốn gây rất nhiều khó khăn cho Trung Quốc. Với Trump, nước Mỹ trở lại chủ nghĩa cô lập. Với Trump, Mỹ bỏ rơi đồng minh và đồng minh bỏ rơi Mỹ. Mỹ sẽ rất đơn độc.

– Bằng con mắt của doanh nhân – “méo mó nghề nghiệp” đã từng khai phá sản rồi phục hồi trở thành tỷ phú – khi gặp khó khăn thường tìm cách cắt giảm các tài sản phi sản xuất và làm hao tốn , chỉ giữ lại phần tài sản cần giữ rồi tìm cách củng cố, phát triển sau, ý định thực của Trump có thể là tạm thời bỏ Á Châu, bỏ Âu Châu – mặc xác các đồng minh và bè bạn đã tin tưởng vào nước Mỹ – chỉ giữ Mỹ Châu. Sau khi củng cố, phát triển sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự đầy đủ nước Mỹ sẽ …tái chinh phục thế giới. Khẩu hiệu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” không chỉ là một khẩu hiệu mà còn là kế hoạch “di tản chiến thuật để tái phối trí lực lượng” của Donald Trump

– Trong khi Trung Quốc có thể chi thêm 300 tỉ đô la cho vùng chiến lược trọng yếu Đông Nam Á , nước Mỹ của Trump sẽ không có nổi 30 tỉ để “mua” đồng minh ngay cả đồng minh giai đoạn trong vùng này để đối phó với Trung Quốc.

– Dù biết gậy và cà rốt của Mỹ kém hơn gậy và cà rốt của Trung Quốc ở Châu Á, Trump vẫn hư trương thanh thế bằng cách hù doạ hay ra mặt khiêu khích để “thương thuyết trong thế mạnh” hy vọng được Trung Quốc nhượng bộ càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn đòi Trung Quốc công nhận và tôn trọng Mỹ Châu là vùng ảnh hưởng riêng của Mỹ, xoá tất cả hay một phần lớn số tiền Mỹ nợ Trung Quốc để đổi lấy việc Mỹ bỏ rơi Đài Loan hay bán đứng Đài Loan và các đồng minh khác bằng cách đơn phương triệt thoái quân sự khỏi Á Châu. Có thể Trump cũng đang tìm cách thương thuyết ngầm với Putin để có một dàn xếp tương tự liên quan đến Âu Châu.

– Trong khi chưa dàn xếp được với Putin, Mỹ không dám bỏ trống một Âu Châu rệu rạo mất tinh thần cho Nga “múa gậy vườn hoang” nên không dám thực sự chuyển lực lượng của Mỹ từ Âu Châu sang Á Châu để đối phó với Trung Quốc như đã bắn tiếng doạ dẫm.

– Xã hội Mỹ dân chủ đa nguyên, chính trị lưỡng đảng nên “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Người dân Mỹ lại sung sướng đã quen nên sợ khổ , sợ chết, chủ hoà nhiều hơn chủ chiến, khi bị đẩy tới bờ vực thẳm chiến tranh có khuynh hướng áp lực chính quyền nhượng bộ đấy là chưa kể ảnh hưởng của Henry Kissinger luôn luôn chủ trương nhượng bộ Trung Quốc để đổi lấy hoà bình.

– Tình trạng hiện tại rất có lợi cho Tầu, rất bất lợi cho Mỹ nếu có sự đụng độ quân sự giữa hai bên tại khu vực Biển Đông. Tuy nhiên trong tương lai tình thế có thể khác đi hay đảo ngược. Chẳng hạn chính quyền Trump đã có thêm kinh nghiệm, đã “biết người, biết ta”, đã áp dụng các chính sách khôn ngoan hơn, kinh tế Mỹ đã phát triển mạnh, quốc phòng Mỹ đã có thêm vũ khí mới, đã tìm ra kỹ thuật bắn hạ hoả tiễn Đông Phong DF- 21, nước Mỹ đã đoàn kết chặt chẽ trở lại, Đài Loan, Nhật, Nam Hàn đã thủ đắc vũ khí nguyên tử…
Vì “đêm dài lắm mộng” nên sớm tốt hơn trễ. Tập Cận Bình và Đảng Cộng Sản Tầu có thể đã bước vào giai đoạn thực hiện kế hoạch để “cướp thời cơ”!

3. Hãy nghĩ đến kịch bản “cái bẫy” do Tầu dăng ra cho Mỹ bước vào như sau:
Cái bẫy hình thành kể từ khi Trump tranh cử với chiêu bài chống Tầu và cái bẫy triển khai từ từ. Đã có Thiên Thời, Địa Lợi Tập Cận Bình cần thêm yếu tố NHÂN HOÀ.

Ai cũng thấy chính quyền Trump là chính quyền chống Tầu.

Trump xử dụng nhiều ngôn ngữ nặng nề: Tầu cưỡng bức (raping) Mỹ, ăn cắp (stealing) công ăn việc làm của dân Mỹ bằng chính sách mậu dịch bất lương.

Trump chê chính sách của Obama đối với Tầu là nhu nhược và hứa hẹn sẽ mạnh tay với Tầu.

Trump nói chuyện điện thoại với Tổng Thống Đài Loan và doạ bỏ chính sách “một Trung Hoa” của nước Mỹ nếu Tầu không nhượng bộ về các đòi hỏi của Mỹ liên quan đến mậu dịch giữa hai nước.

Trump doạ chiến tranh thương mại với Tầu.

Tầu tịch thu một hải cụ thám sát không người lái ( sea drone ) hoạt động sâu dưới nước của Mỹ nhưng hoàn trả ngay, có vẻ cố ý không muốn làm to chuyện.

Bộ Trưởng ngoại giao Rex Tillerson của Mỹ tuyên bố phải cấm Tầu lập thêm các đảo nhân tạo ở Biển Đông và cấm Tầu tiếp cận những đảo đã chiếm đóng bất hợp pháp. Phát ngôn viên của chính phủ Mỹ lập lại “những cấm đoán” này

Phản ứng chính thức của chính quyền Tầu tỏ ra tương đối ôn hoà, kiềm chế.

Tập Cận Bình tuyên bố tiếp tục ủng hộ khuynh hướng toàn cầu hoá, ủng hộ nguyên tắc thương mại tự do giữa các nước, cam kết mở rộng thị trường Trung Quốc cho các đầu tư nước ngoài đồng thời Tập kêu gọi cần phải tránh chiến tranh thương mại vì tất cả các bên đều sẽ bị thiệt hại nặng .

Tỉ phú Jack Ma của công ty Tầu Alibaba đến gặp Tổng Thống Trump hứa hẹn đầu tư tại Mỹ và tạo thêm 1 triệu việc làm. Chính sách cứng rắn của Trump dường như mang lại kết quả tốt.

Những điều vừa nói đã xảy ra rồi. Dễ dàng tưởng tượng kịch bản sẽ tiếp diễn như sau:

Sức mạnh hải quân. Nguồn Wilipedia & US Coast Guards

Chính quyền Tầu kêu gọi chính quyền Trump không đi ngược lại nguyên tắc “một Trung Hoa” đã là căn bản của bang giao tốt đẹp giữa nước Mỹ và nước Tầu suốt mấy chục năm qua kể từ khi đặc sứ Henry Kissinger của Tổng Thống Mỹ Richard Nixon đến Bắc Kinh để tìm cách đổi thù thành bạn. Bộ Trưởng Ngoại Giao Tầu tuyên bố bang giao hai nước sẽ bị tổn hại nếu chính quyền Trump tiếp tục chính sách sai trái và cảnh cáo Tầu có thể không hợp tác với Mỹ về một số vấn đề quốc tế.

Bắc Kinh nhắc lại không loại trừ biện pháp dùng võ lực để thống nhất đất nước nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. Sau lời đe doạ, Tầu tổ chức tập trận qui mô tại biển Đông tiếp giáp eo biển Đài Loan. Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi Trump tuyên bố Mỹ sẽ không ngồi yên nếu Đài Loan bị xâm lăng ra lệnh tăng cường lực lượng để sẵn sàng bảo vệ Đài Loan.
Tập Cận Bình gửi thông điệp cho nhân dân Mỹ và toàn thế giới kêu gọi xuống đường phản đối Trump và chính quyền Trump hiếu chiến, phá hoại hoà bình, phá hoại bang giao giữa hai nước, can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc, nuốt lời cam kết công nhận chỉ có một nước Trung Hoa và tìm hết cách chống lại nỗ lực thống nhất đất nước của chính quyền và nhân dân Trung Quốc. Tập đặt câu hỏi: nếu Trung Quốc khuyến khích và giúp California tách khỏi nước Mỹ và tuyên bố độc lập thì chính quyền Mỹ và nhân dân Mỹ có cảm thấy bị thương tổn và xúc phạm không? Tại sao Mỹ lại làm cho Tầu điều mà Mỹ không muốn Tầu làm cho Mỹ? (Tất nhiên là Tập làm địch vận như Trương Lương thổi sáo.)

Hai tuần lễ sau thông điệp của Tập Cận Bình và cũng là 6 tháng sau khi Donald Trump chính thức làm Tổng Thống Mỹ bùng nổ một cuộc đụng độ quân sự hoàn toàn BẤT NGỜ tại eo biển Đài Loan, phía Bắc của Biển Đông. Hai chiến hạm của Mỹ đi tuần tra bị đánh chìm, 5 phản lực cơ đến tiếp cứu bị bắn rơi, hơn 300 sĩ quan và binh sĩ Mỹ thiệt mạng sau một cuộc giao tranh ngắn với hải quân và không quân Tầu. Tầu tuyên bố đã trừng trị đích đáng hành vi xâm phạm chủ quyền và khiêu khích của đế quốc Mỹ và sẽ không tha thứ bất cứ một hành vi tương tự nào trong tương lai. Nước Mỹ, nước Tầu cả thế giới lên cơn sốt. Trump ra lệnh tập trung lực lượng tiến về Châu Á, Tầu lên tiếng thách thức.Trump tuyên bố không loại trừ việc xử dụng vũ khí nguyên tử, Tầu cam kết vũ khí nguyên tử của Tầu đủ biến nước Mỹ thành tro bụi. Nước Mỹ sôi nổi nhưng vẫn chia rẽ chủ chiến, chủ hoà. Trong nước, ngoài nước rất nhiều người đổ lỗi cho Trump. Nước Tầu dưới sự “lãnh đạo” của lãnh tụ tối cao Tập Cận Bình chỉ có một phe: chủ chiến. Hàng triệu, hàng triệu người biểu tình khắp các thành phố thề sống chết với đế quốc Mỹ, thề hy sinh để “giải phóng” Đài Loan, thề rửa sạch 100 năm quốc nhục, thề “làm ngọc vỡ còn hơn ngói lành”. Nhân loại 2017 lại bên bờ tử sinh như nhân loại 1962. Trận đấu cân não Tập Cận Bình-Donald Trump có khác gì trận đấu cân não Krushchev-Kenedy dựng tóc gáy 55 năm trước?

Nước Mỹ của Donald Trump tiến thoái lưỡng nan!

Biển Đông vì thế có thể vừa là Pearl Harbor BẤT NGỜ vừa là Stalingrad QUYẾT ĐỊNH!

Nước Mỹ của Donald Trump có muốn thay đổi chính sách trước khi quá muộn?

(tháng 1/2017)
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ và phụ chú. Bài liên hệ cùng tác giả:
“Từ Donald Trump đến chuyện con trăn nuốt con nai”, DCVOnline.net, 4 Tháng 1/2017)
“Nghĩ về một sinh lộ cho dân tộc Việt trong thế giới đầy cạm bẫy”, DCVOnline.net, 10 Tháng 11, 2015

------------------------------------

NON NGÀN • 2 days ago
NHÌN VÀO HIỆN TÌNH THẾ GIỚI NGÀY NAY : TRUNG QUỐC, NGA, VÀ MỸ
Ngày nay sau thời kỳ chiến tranh lạnh âm ỉ kéo dài, rồi nền công nghiệp thế giới phát triển nhanh chong và ngoạn mục, thế giới rốt cuộc nổi lên ba đại gia đáng gớm nhất : Trung Quốc, Nga, và cố nhiên là Mỹ.
Những anh mạnh cũ và giàu cũ dĩ nhiên đã đi vào dĩ vãng, trong đó trước hết kể đến Đức, Nhật bản, và Anh, Pháp. Lý do cái mạnh ngày nay chủ yếu công nghệ kỹ thuật kết chặt vào với tầm vóc của đất nước và dân số, mà trên toàn thế giới ngày nay ngoài Ấn Độ, Canada, Úc, hầu như chỉ có cái vỏ là chính yếu, thì chỉ còn Nga, Trung Quốc, Mỹ mới thật sự những anh đầy thực lực nhất.
Công nghiệp nặng thì Nga và Mỹ vốn đã có sẳn, tiềm năng có thể được giải phóng ra bất kỳ lúc nào. Trung Quốc tuy là đàng em sinh sau đẻ muộn, nhưng với nền công nghiệp mới phổ biến công khai trên thế giới hiện nay, sự gồng mình tiến lên của Trung Quốc không phải mấy khó.
Nga là nước cộng sản cũ, nay đã tự do hóa nhiều phần. Sức mạnh vẫn chỉ là sức mạnh thực lực, không phải sức mạnh do ức chế. Trung Quốc thì ngược lại, vẫn là nước cộng sản trong thực chất, nhưng là nền kinh tế tư bản bên ngoài, như vậy vừa có được cả sức mạnh thực lực, lại vừa có cả sức mạnh ức chế bên trong, đó là điều khiến Trung Quốc đang nổ lực vượt lên để cán đích tham vọng của mình. Nhật bản thì nền công nghiệp chiến tranh đã bị ức chế, tuy tiềm lực vẫn có đó, nhưng ngày nay không lý do gì tái ồ ạt phục hồi lại như cũ, Đức thì cũng vậy.
Nay Trung Quốc có được cái lợi là khống chế được toàn dân, tạo nên sức mạnh ức chế trong thực lực, dầu phải hi sinh nhiều mặt phúc lợi nhân dân, nhưng được cái tạo sức mạnh cho người nắm quyền, lại lợi dụng được mọi tình trạng công nghiệp phát triển, điều đó khiến GDP của Trung Quốc hay hầu đạt được 2/3 của Mỹ, còn Nga thì tụt lại chưa đạt được 1/3 của chính Trung Quốc. Như vậy sức mạnh vũ khí cổ điển thì ba bên hiện nay có thể ngang ngữa, sức mạnh vũ khí hủy diệt lớn hay hạt nhân thực tế Trung Quốc còn thua xa Mỹ, thua cả Nga, nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức như vậy.
Trước kia Nhật đã tấn công bất ngờ Mỹ ở Trân Châu Cảng và Nhật đã lập tức chiến thắng và đạt thế thượng phong ngay từ và ở buổi đầu. Đức cũng chơi Nga kiểu như vậy và suýt nữa thì tiến công được đầu não của Nga ngay tại Mascova. Tuy vậy cuối cùng phe Trục vẫn thua phe Đồng Minh do Mỹ cầm đầu vì công lý nhân loại lại một lần nữa không bị đánh bại.
Ngày nay cũng như trước kia, Mỹ không có lý gì tấn công lục địa Trung Quốc trước, nhưng những gì râu ria nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc vẫn không ngăn cản gì Mỹ làm như thế nếu Trung Quốc càng ngày càng trở nên quá đáng, hung bạo. Bởi Mỹ vẫn là nước tư bản bình thường trên thế giới theo ý nghĩa truyền thống của lịch sử Mỹ. Nhưng Trung Quốc hiện nay ngoài tâm lý muốn bá quyền thế giới theo cách cách cố hữu nơi lịch sử ngàn năm của họ, lại cộng kiểu ý hệ mác xít được trang bị cách giả tạo, đó là lý do để trước sau Trung Quốc cũng sẽ đánh phủ đầu Mỹ khi Trung Quốc mạnh lên đuổi kịp được khả năng vũ khí hạt nhân của Mỹ, hay cứ liều lĩnh cầu may khi chỉ mới có đạt phần nào. Nhưng Mỹ lại vẫn có thể sẳn sàng đánh phủ đầu ngay hiện tại ở những chỗ râu ria của Trung Quốc ở biển Đông nếu quả thực Trung Quốc chỉ muốn làm cho Mỹ thành tức khí.
Chỉ có điều hiện tại Tổng Thống Mỹ Trump chỉ là người trong giới kinh doanh thuần túy mà lên. Trung Quốc và Nga không thể không lưu ý tới điều đó và cả phần thế giới còn lại cũng như thế. Điều đó có thể cho thấy quan điểm chính trị truyền thống ở Mỹ có thể bị qua mặt mà chỉ còn là quan điểm chính trị thuần túy thực dụng hay kỹ thuật. Đó là điều dễ tạo bất ngờ trên sân khấu chính trị thế giới hoặc cũng khó tạo nên tình huống gì ngoạn mục vì cũng khó có bài bản gì phiêu lưu nhưng trong những kịch bản chính trị vốn đã thường có trong quá khứ của lịch sử nhân loại được
Như vậy có nghĩa hoặc Mỹ sẽ lập tức đánh phủ đầu ngay ở biển Đông đối với Trung Quốc nhưng không bao giờ đụng đến lục địa Trung Hoa trước trừ khi Trung Quốc trả đủa thẳng cẳng với Mỹ. Khi đó Nga không nhảy vào bênh Trung Quốc như thời cộng sản đồng chí cũ nữa mà sẽ nhảy vào chia phần với Mỹ như thời trước đây mà Trung Hoa phải chịu. Nhưng nếu như thế cũng có khả năng vũ khí hạt nhân sẽ nổ ra cụ bộ hay trên toàn thế giới. Khi đó lỗi phải của ai hoặc ai sẽ còn lại, cũng khó mà biết được nữa. Xóa bài làm lại hết cả thảy hay con phượng hoàng sẽ vươn lên tại từ đống tro tàn của lịch sử nhân loại, nếu phải đi tới như thế thì chắc chắn chuyện đó nhất thiết cũng sẽ tất phải xảy ra.
THƯỢNG NGÀN
(29/01/17)





No comments:

Post a Comment

View My Stats