Wednesday, 25 January 2017

HÀO QUANG (Nguyễn Đạt Thịnh)




(VienDongDaily.Com - 24/01/2017)

Hào quang là một vừng ánh sáng bao quanh và ở phía sau chân dung một vị thánh nhân, hay một nhân vật siêu việt; hiểu rộng hơn nữa thì vừng ánh sáng đó không nhất thiết phải nhìn thấy, nhưng là tiếng thơm, là sự kính trọng của mọi người, tạo hào quang cho nhân vật cao quý đó. Một vài thí dụ: hào quang bất khuất của Trần Bình Trọng, hào quang đạo đức của Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ.

Hào quang sau lưng Đức Phật

Hào quang cũng có thể hiểu hẹp hơn như tiếng tăm lừng lẫy, hoặc như nhân vật số một trên một địa hạt nào đó, như Sở Khanh, được cụ Nguyễn Du mô tả là:

“Bạc tình nổi tiếng lầu xanh / Một tay bẻ gẫy bao cành phù dung”

Có thể cũng chỉ vì thích cái hào quang “coi đàn bà đẹp như rác” mà Tổng Thống Donald Trump đang tạo ra vài chục cuộc biểu tình của phụ nữ trên khắp thế giới; chỉ riêng trên lãnh thổ Hoa Kỳ con số phụ nữ đang xuống đường chống Trump cũng đã lên đến hàng triệu người, tính chung trên toàn thế giới số phụ nữ đó được ước lượng trên 2 triệu.

Từ Luân Đôn đến Los Angeles, từ Paris đến Park City, Utah, Miami, Melbourne, phụ nữ quyết liệt chống Trump. Chiến trường chính vẫn là Hoa Thịnh Đốn -thủ đô chính trị của Hoa Kỳ.

Trong cuộc xuống đường tại Hoa Thịnh Đốn, quần chúng trương cao những bích chương, “Womens rights are human rights” (Nữ Quyền là Nhân Quyền); “Break down walls, dont build them”, (Đập Phá Chứ Đừng Xây Trường Thành); và “Hell hath no fury as a nasty woman scorned”; (Địa Ngục Không Nổi Giận, Phụ Nữ không Chấp Nhận Miệt khinh).

Họ còn đe tổng thống qua khẩu hiệu “Welcome to your first day, we will not go away!” (mừng ông ngày đăng quang, nhưng đừng mong chúng tôi tan biến.)

Cô Sophie Walker, đảng trưởng đảng Womens Equality (Phụ Nữ Bình Quyền) tuyên bố với truyền thông, “Chúng tôi biểu tình tại Hoa Thịnh Đốn để chống chính sách bài ngoại, thù hận và chia rẽ của ông Donald Trump; chúng tôi đòi hỏi bình thường, bình đẳng giữa nam, nữ giới, và giữa những người Mỹ thuộc mọi gốc sắc tộc.”

Cô Walker nói, “Nữ quyền, quyền tự do sinh nở, quyền di dân, đều là nhân quyền.”

Sophie Walker

Trong lúc xin phép tổ chức biểu tình, Walker đưa ra con số ước lượng là 200,000 người tham dự, cảnh sát cho biết con số thật sự có mặt nhiều hơn nửa triệu.

Phụ nữ xuống đường chống cái hào quang Prince Charming (ông Hoàng đẹp trai), chống câu chuyện do chính Trump kể lại là ông ta đã mò vào âm hộ của một phụ nữ, mặc dù bà đó không đồng ý.

Nhiều người biểu tình đội mũ pink cat-eared “pussy” hats (Mũ Tai Mèo Hình Âm Hộ Mầu Hồng) để phản đối thái độ coi rẻ đàn bà của Trump.

Đội Mũ Tai Mèo Hình Âm Hộ Mầu Hồng xuống đường

Nhiều người nhận xét là sau lễ tấn phong, Trump vẫn thích hào quang thắng cử, vẫn còn giữ nhiều ngôn ngữ và điệu bộ -như nheo mắt, chu môi, đưa ngón tay cái lên ra dấu “số zách”..., ông chưa thật sự trở thành tổng thống; thái độ, và phản ứng của ông vẫn mang nặng tác phong của một ứng cử viên.

Sau những nghi lễ tấn phong nặng tính truyền thống và tôn giáo, cùng với sự hiện diện của quan khách Hoa Kỳ và ngoại quốc cấp cao nhất, trước những nghi thức quân sự, những đoàn xe cảnh sát hộ tống, và khung cảnh của tòa Bạch Cung uy nghi, quí vị tổng thống tiền nhiệm của Trump đều nhanh chóng trở thành những nhân vật chín chắn hơn, thận trọng lời ăn, tiếng nói hơn.

Trump không giống họ, ông lộ liễu tỏ ra là ông thích hào quang; ngay cả trong những đụng chạm với truyền thông, Trump vẫn muốn hào quang chiến thắng. Ông tuyên bố chiến tranh công khai với truyền thông, sau va chạm ngày thứ Bảy 21 tháng 1/2017 trong phòng họp báo giữa phát ngôn viên Bạch Cung Sean Spicer và các phóng viên tham dự cuộc họp báo hàng ngày.

Phát ngôn viên Bạch Cung Sean Spicer

Sau lưng ông Spicer là tấm hình lớn ghi nhận cảnh đăng quang, ông nói với các phóng viên là số người dự lễ đông đến mức kỷ lục, đông nhất trong lịch sử những buổi lễ tấn phong của Hoa Kỳ.

Phóng viên truyền thông bảo ông nói sai và họ có thể chứng minh điều sai lầm đó.
Tân chính phủ đe truyền thông là họ phải chịu trách nhiệm.

Hãng AP viết thái độ của chính phủ khiến truyền thông mất tín nhiệm vào sự chính xác của tin tức do Bạch Cung loan ra.

Hai ký giả Kyle Cheney và Dan Diamond viết bài “Sean Spicer told at least 5 untruths in 5 minutes” (Trong 5 phút ông Sean Spicer nói lên 5 điều sai sự thật); họ liệt kê ra 5 điều không thật đó.

ĐIỀU KHÔNG THẬT THỨ NHẤT: ông Spicer nói đây là lần thứ nhất trong lịch sử, ban tổ chức dùng vật liệu plastic che để bảo vệ cỏ trong Mall; thật ra thì việc bảo vệ cỏ bằng thảm plastic đã được thực hiện từ năm 2013, trong lễ tấn phong tổng thống Barack Obama tái đắc cử.

ĐIỀU KHÔNG THẬT THỨ NHÌ: Spicer nói khoảng cách từ khán đài đến Washington Monument đen nghẹt người; phim CNN chiếu lên cho thấy vào lúc Trump đọc diễn văn, có rất nhiều chỗ trống tại địa điểm vừa kể.

ĐIỀU KHÔNG THẬT THỨ BA: Spicer nói có 420,000 người sử dụng xe điện D.C. Metro để vào Hoa Thịnh Đốn dự lễ đăng quang, rồi so sánh với số 317,000 người đến dự lễ đang quang tổng thống Obama năm 2013 bằng xe điện. Thật ra con số chính thức do sở D.C. Metro loan báo là 193,000 -không đến một nửa con số của Spicer.

ĐIỀU KHÔNG THẬT THỨ TƯ: Spicer nói “cử tọa tham dự lễ đăng quang lần này không chỉ đông nhất trong lịch sử các cuộc lễ đăng quang tại Hoa Kỳ, mà còn đông nhất thế giới nữa.” Bài báo phản bác cho là chỉ nhìn vào hình cũng đủ thấy cử tọa tham dự lễ đăng quang của tổng thống Obama năm 2009, đông hơn.

ĐIỀU KHÔNG THẬT THỨ NĂM: Spicer nói vì hàng rào cản quá nhiều nên vài trăm ngàn người không vào kịp để dự lễ đăng quang của Trump; việc đó được tờ The New York Time đem hỏi sở Mật Vụ, và sở này trả lời là không có gì thay đổi trong việc dựng hàng rào an ninh quanh khu vực hành lễ.

Việc Trump thích hào quang còn đưa đến nhiều điện thư chỉ trích việc cậu con trai nhỏ của tổng thống -cậu Barron Trump- xuất hiện trong những nghi lễ không nên để cậu có mặt; Trump không tweet trả lời, mà người ra miệng trả lời lại là cô Chelsea Clinton -con của một vị tổng thống khác.

Chelsea Clinton

Cô bảo những người chỉ trích Barron là phải tôn trọng “ấu quyền” của cậu bé, kể cả quyền lầm lỗi của trẻ con, và bảo họ là nếu cần chỉ trích, cứ chỉ trích người lớn.

Thích hào quang còn được gọi là bệnh nổ; người mắc bệnh này trọng dụng bọn nịnh bợ, và ông Spicer đoạt kỷ lục nịnh chủ 5 lần trong 5 phút. Nhưng tội của ông lớn hơn: ông làm tổng thống phải “tuyên chiến” với truyền thông, cuộc chiến tranh mà Trump không thể nào thắng, vì chưa một quyền lực nào đủ mạnh để bóp chết truyền thông.

Một trong nhiều đặc tính của trận chiến Trump vs Media là không hòa giải được, vì truyền thông là hàng ngàn, hàng chục ngàn khối óc độc lập, không có người đại diện để thương thuyết với chính quyền.

Nếu Trump vẫn thích nổ, tình hình sẽ căng thẳng hơn; hiện nay đài CNN đã có nguyên một bộ tham mưu để thường xuyên thảo luận 24 giờ mỗi ngày về việc làm của chính phủ.

Tuy nhiên truyền thông bị trói vào một quy luật: phải thông tin chính xác, đích thật, và nhanh chóng. Những va chạm đầu tiên của ông hiện nay chỉ giới hạn trên địa hạt dân sinh, xã hội, nếu vị ngoại trưởng ông tuyển chọn Rex-Tillerson cấm được Trung Cộng léo hánh vào Biển Đông như ông ta thuyết trình trước Thượng Viện, thì chắc chắn truyền thông không thể không tường thuật.

Chừng đó người Việt Nam lại hoan hô ông Trump đồng minh với Nga để diệt Tầu, cho phép ngư dân Việt Nam trở lại Biển Đông -ngư trường nuôi sống họ từ 4043 năm nay.




No comments:

Post a Comment

View My Stats