Thứ
Ba, 01/31/2017 - 11:14 — nguyenthituhuy
Tổng
thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ lên nhậm chức khiến cho một bộ phận lớn
người Mỹ lo lắng, châu Âu cũng đã bộc lộ sự lo lắng trên mặt báo và trong các
cuộc hội thoại hàng ngày. Nhiều lý do khiến châu Âu phải lo lắng, trong đó có
việc một số phát ngôn của Trump trong chiến dịch tranh cử và những quyết định của
Trump trong những ngày đầu nhậm chức đi ngược lại với các giá trị mà châu Âu muốn
bảo vệ.
Việc
Trump thắng cử được một số nhà phân tích nhìn nhận như là một bằng chứng cho sự
thiếu hoàn hảo hay là sự bất cập của các nền dân chủ trên thế giới (người ta
ngay lập tức nhớ lại rằng Hitler lên nắm quyền cũng là nhờ cơ chế bầu cử dân chủ).
Tuy
nhiên, điểm khác biệt giữa một nền chính trị dân chủ và một nền chính trị độc
tài là ở chỗ : Trump không thể bịt miệng dân chúng (như ở các nước độc
tài) để muốn nói gì thì nói và muốn làm gì thì làm. Điều đã xảy ra và sẽ xảy
ra : người Mỹ không im lặng để cho Trump phát ngôn hay hành động một cách
vô tội vạ. Họ đã và sẽ phản ứng. Và chúng ta còn chưa biết phản ứng sẽ đi tới
đâu.
Ngay
sau khi Trump trúng cử, các cuộc biểu tình chống Trump đã nổ ra. Và ngay sau
ngày Trump nhậm chức, khoảng 600 cuộc biểu tình chống Trump đã diễn ra trên nước
Mỹ và khắp thế giới. Pháp lệnh cấm di trú của Trump vừa ban hành thì cũng ngay
lập tức các cuộc biểu tình bùng phát trên các sân bay của nước Mỹ. Báo chí hôm
30/1/2017 cho biết đã có hơn
một triệu người Anh ký kháng thư chống lại chuyến viếng thăm của Trump
tới nước Anh.
Sau
hai tuần Trump nhậm chức, điều mà hiện nay ta có thể ghi nhận là các chính sách
mang tính cưỡng bức và cấm đoán (xây tường, pháp lệnh cấm di trú…) của Trump đã
gây ra những phản ứng chống đối mạnh mẽ của người dân Mỹ nói riêng và người dân
ở các nước dân chủ nói chung. Và để chống lại sự phản ứng đó thì các chính sách
của Trump càng ngày càng nhất quán hơn với đường lối cưỡng bức và cấm đoán của
ông ta. Chính trường Mỹ và xã hội Mỹ đang là nơi đụng độ của hai ý muốn, hai
khuynh hướng rất khác nhau. Nhiều người không phải không có lý khi cho rằng
Trump là vị tổng thống gây chia rẽ và gây bất ổn cho nước Mỹ và cho thế giới.
Và
một điều nữa mà ta cũng có thể ghi nhận: dù Trump (một người có khuynh hướng quản
trị và giải quyết vấn đề bằng cấm đoán) được bầu lên làm tổng thống, thì không
thể phủ nhận rằng nền chính trị Mỹ là một nền chính trị dân chủ. Sự cấm đoán của
Trump đang gợi lên một làn sóng phản kháng khắp nơi. Người dân Mỹ đang chứng tỏ
quyền lực của họ bằng những cuộc xuống đường liên tục, báo chí Mỹ cũng đang chứng
tỏ quyền lực của mình bằng cách đề cập một cách trực diện tất cả mọi bình luận
và phân tích về tổng thống. Các chính sách mang tính cưỡng bức của Trump đang
khơi dậy động năng của xã hội Mỹ.
Trump
không thể lãnh đạo nước Mỹ một cách dễ dàng như có lẽ ông ta vẫn tưởng. Cuộc đụng
độ giữa quyền lực lãnh đạo và quyền lực nhân dân vẫn đang diễn ra trên nước Mỹ.
Và thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều điều thú vị từ nay cho đến khi cuộc đụng độ
đó kết thúc, dù ta chưa biết nó sẽ kết thúc dưới hình thái nào.
Paris,
31/1/2017
Nguyễn Thị Từ Huy
No comments:
Post a Comment