Tuesday, 31 January 2017

QUYỀN BỘ TRƯỞNG TƯ PHÁP CHỐNG TRUMP BỊ CÁCH CHỨC (Viễn Đông Daily)




30/01/2017

HOA THỊNH ĐỐN – Một nữ viên chức cao cấp đã có hành động thách thức Tổng Thống Donald Trump, và chỉ vài giờ sau bà nhận được chỉ thị cách chức đúng như dự đoán.

Tình hình thủ đô nước Mỹ đã căng thẳng từ lúc ông Trump ban sắc lệnh cấm nhận di dân từ bảy quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông vào ngày thứ Sáu tuần trước. Sắc lệnh này gây rối tại phi trường, tranh cãi gay gắt tại Hoa Thịnh Đốn, mặc dù Trump nói rằng lệnh cấm là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia chứ không phải là kỳ thị người Hồi giáo. (Xem bài Sắc Lệnh của Nguyễn Đạt Thịnh trong số báo này).

Vào trưa thứ Hai, bà Sally Yates, người đang tạm thời giữ chức Bộ Trưởng Tư Pháp trong lúc Bộ này chờ người đề cử của ông Trump được chấp thuận, đã gởi chỉ thị trong nội bộ Bộ Tư Pháp và yêu cầu các viên chức không được bênh vực sắc lệnh cấm di dân của ông Trump.

Đến chiều tối cùng ngày, bà nhận được lệnh cách chức từ Tòa Bạch Ốc, và như vậy bà Sally Yates là viên chức đầu tiên bị ông Trump sa thải sau khi ông nhậm chức được 10 ngày.

Trong màn kịch chính trị gay cấn, ông Trump đã ban lệnh thay thế bà Sally Yates với ông Dana Boente, người đang giữ chức Công Tố Viên Liên Bang tại Alexandria, Virginia.

Tòa Bạch Ốc cho biết trong một văn thư gởi đến báo chí đêm thứ Hai, “Quyền Bộ Trưởng Sally Yates đã phản bội Bộ Tư Pháp vì đã từ chối thi hành một sắc lệnh hợp pháp được đưa ra để bảo vệ các công dân Hoa Kỳ. Sắc lệnh này đã được chấp thuận bởi Văn Phòng Luật Pháp của Bộ Tư Pháp về hình thức cũng như sự hợp pháp.” Tòa Bạch Ốc viết tiếp, “Bà Yates là một viên chức được chính phủ Obama đề cử, và bà yếu kém về việc bảo vệ biên giới và rất yếu kém về di dân bất hợp pháp.”

Trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức, bà Yates là viên chức có quyền lực hàng thứ nhì trong Bộ Tư Pháp. Bà đã tạm giữ chức bộ trưởng theo đề nghị của ông Trump trong thời gian chờ một bộ trưởng mới do ông đề cử.

Thế nhưng sự việc ông Trump ra lệnh ngăn chặn di dân từ bảy quốc gia Hồi giáo đã khiến bà bày tỏ quan điểm ngờ vực sự hiểu biết và sự hợp pháp của lệnh này.

Bà viết trong thư gởi đến tất cả các nhân viên của Bộ Tư Pháp ngày thứ Hai, “Trách nhiệm của tôi là bảo đảm quan điểm của Bộ Tư Pháp không chỉ có thể biện minh sự hợp pháp, mà còn phải có đầy đủ thông tin về quan điểm đúng nhất về luật lệ sau khi xem xét hết thẩy các dữ kiện.”

Bà viết tiếp về lệnh cấm của ông Trump, “Ngay trong hiện tại, tôi không được thuyết phục rằng sự bênh vực Sắc Lệnh đó phù hợp với trách nhiệm, và tôi cũng không thấy có sự thuyết phục rằng Sắc Lệnh này hợp pháp.”

Rồi bà ra lệnh, “Cho đến khi tôi còn giữ chức Quyền Bộ Trưởng Tư Pháp, Bộ Tư Pháp sẽ không trưng bày những biện luận để bênh vực Sắc Lệnh, ngoại trừ và cho đến khi tôi cảm thấy được thuyết phục rằng sự bênh vực đó phù hợp để làm.”

Các luật gia nói rằng sự việc cách chức bà Yates trong lúc này có thể gây nhiễu loạn cho các hoạt động của Bộ Tư Pháp, chẳng hạn như hoạt động theo dõi những người bị tình nghi là khủng bố.

*
*
Nguyễn Đạt Thịnh
30/01/2017

Chỉ trong tuần lễ đầu tiên cầm quyền, Tổng Thống Donald Trump đã ký đến 16 sắc lệnh; tổ chức biên khảo Wikipedia làm toán nhân, rồi tính ra là nếu Trump vẫn giữ tốc độ này, thì trung bình mỗi năm ông sẽ ký 640 sắc lệnh, nhiều bằng 115 lần số sắc lệnh do Tổng Thống George W. Bush ký và 184 lần số sắc lệnh do Tổng Thống Barack Obama ký. Trong tám năm, ông Bush 43 ký 291 sắc lệnh, ông Obama ký 275 sắc lệnh.

Ông Trump không chỉ ký nhiều sắc lệnh hơn hai vị tiền nhiệm, mà ông còn ký những sắc lệnh quan trọng hơn.

Sắc lệnh cấm cư dân bảy quốc gia Trung Đông -Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen- vào lãnh thổ Hoa Kỳ được ông ký vào lúc 4:42 chiều thứ Sáu, 27 tháng Giêng, 2017. Trưa hôm sau, vài trăm hành khách người Trung Đông bị viên chức an ninh giữ lại một vài phi trường Hoa Kỳ, quan trọng nhất là hai phi trường Dulles International Airport tại Washington và Kennedy Airport, tại New York.

Viên chức Nội An khẳng định là sắc lệnh cấm cả những thường trú nhân có thẻ xanh của Hoa Kỳ, thuộc gốc bảy quốc gia Trung Đông cũng không được tự động chấp nhận trở lại Hoa Kỳ, mà phải xin cứu xét từng trường hợp một. Viên chức ngoại giao Hoa Kỳ tại các nước khác cũng khe khắt hơn, khi cứu xét đơn xin nhập cảnh vào Mỹ.

Cô Nisrin Omer, một thường trú nhân, sinh viên Stanford, nói cô bị giữ lại phi trường năm tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng vẫn được rời phi trường, về nhà.

Hội A.C.L.U. (American Civil Liberties Union-Hiệp Hội Nhân Quyền Hoa Kỳ) can thiệp cho hai người Iraqis bị giam giữ tại Kennedy Airport -ông Haider Sameer Abdulkhaleq Alshawi, và ông Hameed Khalid Darweesh.

Ông Darweesh đã từng phục vụ trong quân đội Mỹ tại Iraq, với tư cách thông dịch viên trên 10 năm trời. Được trả tự do sau 19 tiếng đồng hồ bị giam giữ, ông mếu máo trả lời phóng viên truyền thông, "Họ xiềng tay tôi lại, hai cánh tay đã tận lực giúp họ trên chiến trường trong suốt một thập niên.” Ông Darweesh qua Mỹ để đoàn tụ với vợ, con ông, đã trở thành công dân Mỹ và đang sống tại Texas.

Bênh vực hai người Iraqis này, luật sư Mark Doss của hội International Refugee Assistance Project, hỏi một viên chức Nội An, "Tôi cần gọi điện thoại cho giới chức nào để trình bày vấn đề?"

Người được hỏi, bảo anh, "Gọi Donald Trump," vì ngoài Trump không ai có quyền giải quyết những trường hợp phức tạp do sắc lệnh ông mới ký ngày hôm trước, tạo ra.

Nhận đơn của ACLU kiện Trump, bà Donnelly ký một án lệnh “lập tức đình chỉ” việc thi hành sắc lệnh di dân của Trump trong lúc bà cứu xét đơn kiện. Tổ chức nhân quyền này khiếu nại là việc trục xuất hàng loạt, trục xuất từng “khối” người đến Hoa Kỳ với visa chiếu khán hợp pháp sẽ tạo ra những tai hoạ không hàn gắn được.

Được ban hành vào lúc 9 giờ tối thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017, án lệnh của bà Donnelly tạo đôi chút thư giãn cho nhiều cuộc biểu tình bên ngoài các phi trường lớn có đường bay quốc tế.

Sáng hôm sau -Chủ Nhật - tổng thống dịu giọng hơn. Ông nói Hoa Kỳ vẫn thương xót những người chạy trốn bạo lực, và việc Hoa Kỳ phải ngăn cấm người Hồi Giáo không cho họ vào Hoa Kỳ không có nghĩa là người Mỹ thù ghét người Hồi Giáo, mà chỉ vì người Mỹ muốn duy trì an ninh và tự do trên đất nước Hoa Kỳ.

Ông nói, "Lúc nào Hoa Kỳ cũng là lãnh thổ của Tự Do, là quê hương của Can Trường. Và cần phải nói rõ sắc lệnh về di dân không phải là một biện pháp chống Hồi Giáo, như truyền thông diễn dịch, mà là biện pháp chống khủng bố để bảo vệ an ninh cho đất nước chúng ta."

Trump ký sắc lệnh đó hôm thứ Sáu, lệnh được thi hành ngay ngày hôm sau -thứ Bảy- và hôm Chủ Nhật sắc lệnh đã bị chống đối đến mức ông phải ra tuyên cáo giải thích.

Trong tuyên cáo ông viết, "Công dân của bảy quốc gia Hồi Giáo bị tạm cấm không cho vào lãnh thổ Mỹ cũng chỉ là 7 bảy nước mà chính chính phủ Obama cũng coi là nguồn gốc của khủng bố, dù Obama không công khai cấm dân những nước này vào lãnh thổ Mỹ."

Trump còn biện bạch là lệnh cấm chỉ là tạm cấm trong vòng 90 ngày, để nhân viên hữu trách Hoa Kỳ phối trí lại những biện pháp an ninh, sau đó sứ quán Hoa Kỳ lại cấp chiếu khán cho những người có việc cần đến Mỹ.

Trump nói, "Tôi đặt nhu cầu bảo vệ và phục vụ Hoa Kỳ lên hàng ưu tiên, nhưng tôi vẫn tìm mọi cách để giúp những người khác, khốn khó hơn người Mỹ."

Kẻ ký nhiều sắc lệnh, người ký ít, nhưng nhiều hay ít thì quan hệ như thế nào? và sắc lệnh là gì?

Sắc lệnh là mệnh lệnh của một vị tổng thống hay thống đốc ký mà không cần sự đồng thuận của Quốc Hội liên bang hay tiểu bang. Sắc lệnh do tổng thống ký, không có sức mạnh của một đạo luật liên bang do Quốc Hội thông qua, không bắt mọi người phải thi hành, mà chỉ viên chức liên bang mới phải tuân theo sắc lệnh.

Một thí dụ: ngày 12 tháng Hai, 2014, Tổng Thống Obama ký sắc lệnh 13658 về lương tối thiểu; sắc lệnh này chỉ ảnh hưởng đến những viên chức, những công nhân làm việc trong chính phủ liên bang. Sở dĩ ông Obama tránh, không đưa việc trả lương tối thiểu ra thảo luận trước Quốc Hội vì với đa số áp đảo của thành phần dân biểu Cộng Hòa, dự luật tăng lương tối thiểu cho công nhân, chắc chắn sẽ bị Hạ Viện bác bỏ.

Thành quả của sắc lệnh tăng lương tối thiểu cho công nhân từ $7.24 lên $10.10 là chủ nhân các doanh vụ dân sự, mặc dù không bị sắc lệnh này chi phối, cũng vẫn tăng lương tối thiểu cho nhân công làm việc với họ, tạo ra một tình trạng sinh hoạt kinh tế thoải mái hơn.

Thành quả của sắc lệnh ngăn cấm di dân có giúp ngăn cấm hay làm giảm bớt hoạt động khủng bố trên lãnh thổ Hoa Kỳ không? Câu trả lời sẽ đến trong vòng vài tháng sắp tới, và nguy cơ là cho đến giờ này bọn khủng bố gốc Hồi Giáo hoạt động tại Hoa Kỳ đều là những cư dân đã hiện diện tại đây từ nhiều năm trước, một số sinh đẻ tại Hoa Kỳ. Bọn này đang thường xuyên nhận giáo điều và tuân hành chỉ thị của bọn lãnh tụ khủng bố IS.

Câu hỏi cần đặt ra là bao nhiêu phần trăm trong tổng số 3.3 triệu người Hồi Giáo chịu ảnh hưởng của IS. Nếu trong mỗi ngàn cư dân gốc Hồi Giáo chỉ có một người bị ảnh hưởng tuyên truyền trên mạng của IS, thì số người có nguy cơ trở thành tay sai khủng bố lên tới 3,300 người.

Bọn trùm khủng bố IS có biết lợi dụng 3,300 tay sai đó để tạo ra 33 vụ khủng bố tại Hoa Kỳ, mà hậu quả xa hơn nữa là viết ra chính sách mới của Mỹ chống cư dân Mỹ gốc Hồi Giáo không?

Chính sách chống khủng bố của nguyên tổng thống Barack Obama nhắm đối phó với những tên khủng bố nội tại đang có mặt trên lãnh thổ Mỹ; chính sách của tân tổng thống Donald Trump là đối phó với nguy cơ khủng bố đến từ bảy nước Trung Đông.

Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan ra thông cáo ca ngợi, "Tổng thống Trump hoàn hoàn đúng trong việc nỗ lực tìm biết xem những ai ra vào lãnh thổ Hoa Kỳ."

Cầu xin tổng thống và chủ tịch Hạ Viện nhìn đúng vấn đề, không tạo bất mãn quá đáng trong khối 3.3 triệu cư dân gốc Hồi, và không tạo hoàn cảnh tâm lý thuận lợi cho 3,300 tên khủng bố tay sai của IS, để chúng theo chân tên khủng bố Omar Mateen, hay theo vợ chồng khủng bố Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik, vào tiệm súng, tha hồ mua súng, mua bao nhiêu súng, bao nhiêu đạn cũng được, để giết người Mỹ mà không cần visa vào Mỹ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats