Friday, 27 January 2017

KHIÊU CHIẾN (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
25/01/2017

Trong cuộc họp báo đầu tiên của tân phát ngôn viên Bạch Cung Sean Spicer hôm thứ Hai, 23 tháng Giêng, ông này xác nhận Tổng Thống Donald Trump đồng ý với “chuẩn ngoại trưởng” Rex Tillerson là Hoa Kỳ sẽ cấm không cho Trung Cộng ra vào những hòn đảo họ xây dựng trên Biển Đông.

Trước đó chính quyền Trung Cộng -qua những tờ báo của chính phủ- đã cảnh cáo Hoa Kỳ là muốn thực hiện “lệnh cấm” đó, Hoa Kỳ cần khai chiến với họ. Nói cách khác, Trump khiêu chiến với Trung Cộng sau hai ngày ông chính thức cầm quyền tổng thống Hoa Kỳ.

Spicer nói, “Hoa Kỳ làm mọi việc cần làm để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ tại đó; nếu những hải đảo trên Biển Đông không nằm trong hải phận của một nước nào, Hoa Kỳ sẽ không để nước đó cưỡng chiếm.”

Ông Tillerson nói lên việc Hoa Kỳ sẽ ngăn cấm không cho Trung Quốc chiếm giữ những hòn đảo trên Biển Đông, hôm 11 tháng 1, 2017, để trình bày quan điểm của ông trước tiểu ban ngoại giao Thượng Viện, đang cứu xét việc tấn phong ông vào chức vụ ngoại trưởng.

Tiểu ban này đã thông qua, và tuần sau Tillerson sẽ chính thức trở thành ngoại trưởng với sự đồng thuận của đa số khối 100 nghị sĩ; ngày đó quan điểm của ông về Biển Đông sẽ chính thức trở thành chính sách của Hoa Kỳ.

Nguyên văn câu thuyết trình của ông trước Thượng Viện là, "Hoa Kỳ cần nói rõ cho Trung Quốc hiểu, trước nhất, họ phải ngưng việc xây dựng hải đảo, rồi sau đó, họ không được phép ra vào những hải đảo đó nữa."

Thành viên tiểu ban Ngoại Giao Thượng Viện cứu xét việc tấn phong ông Tillerson, không hỏi ông là ông định sử dụng phương tiện nào để cấm người Tầu ra vào những hải đảo họ đã bắt đầu cưỡng chiếm của Việt Nam Cộng Hòa từ 43 năm trước - năm 1974. Giới phân tách chính trị cho là sức mạnh quân sự là phương tiện duy nhất để phủ nhận chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Đông.

Trả lời thắc mắc đó của phóng viên truyền thông, phát ngôn viên Spicer chỉ nói, “Phải chờ đến giai đoạn va chạm mới biết thái độ của Hoa Kỳ.”

Quyền lợi mà Hoa Kỳ cần bảo vệ tại Biển Đông là dự án “Cá Voi Xanh” -dự án trị giá $10 tỉ Mỹ Kim do hai hãng dầu hỏa PetroVietnam và ExxonMobil Corp - chi nhánh Việt Nam- hùn hạp tạo ra.

“Cá Voi Xanh” sẽ khai thác một giếng khí đốt nằm ngoài khơi Việt Nam, cách tỉnh Quảng Nam 80 cây số; giếng này chứa đựng 150 tỉ thước khối khí đốt, số lượng đó nhiều gấp ba lần giếng Nam Côn Sơn mà Việt Cộng đang khai thác.

Dự án Cá Voi Xanh được ký kết ngày 13 tháng Giêng, 2017 vào thời điểm ngoại trưởng John Kerry có mặt tại Việt Nam; mặc dù nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng thước khối khí đốt đầu tiên sản xuất tại giếng Cá Voi Xanh được đem bán trên thị trường sẽ không sớm hơn năm 2023.

PetroVietnam ước tính dự án này sẽ cung cấp $20 tỉ cho ngân sách Việt Cộng; theo hợp đồng ký kết giữa hai hãng, ExxonMobil sẽ đảm trách việc đặt 88 cây số đường ống nối liền giếng khí đốt với bờ biển Chu Lai, Quảng Nam; phần việc của PetroVietnam là đầu tư xây cất nhà máy lọc khí đốt, và một nhà máy thứ nhì tại quận Núi Thành, Quảng Nam.

Hoa Kỳ chủ trương phát triển dự án “Cá Voi Xanh” cùng một lúc với quyết định bỏ rơi dự án TPP (Trans-Pacific Partnership) của nguyên tổng thống Barack Obama kết hợp 12 quốc gia sống trên bờ biển Thái Bình Dương -dự án đó sẽ đem lại cho Việt Cộng $36 tỉ lợi tức mỗi năm -bằng với 11% tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam; hoạt động xuất cảng hàng Việt Nam sẽ gia tăng 28% trong thập niên 2015-2025.

Dự án “Cá Voi Xanh” sẽ được chính phủ Trump đặc biệt yểm trợ, vì vị tân ngoại trưởng đang chờ tấn phong chính thức -ông Tillerson- vốn là tổng giám đốc Exxon Mobil; năm 2011 ông đã ký kết với chính phủ Việt Cộng nhiều thỏa ước khui giếng dầu trong khu EEZ (exclusive economic zone-khu đặc quyền kinh tế) của Việt Nam, nhưng rồi Exxon Mobil phải nhượng bộ vì Trung Cộng vẽ ra lằn ranh 9 đoạn, ấn định hải phận của họ.

Việc chính cựu Ngoại Trưởng Kerry đích thân gặp gỡ những viên chức lãnh đạo Việt Cộng, đưa đến việc ký thỏa ước “Cá Voi Xanh,” trong lúc “chuẩn” ngoại trưởng Tillerson tuyên bố trước Thượng Viện là Hoa Kỳ sẽ “block” không cho người Tầu ra vào những hòn đảo họ xây dựng trên Biển Đông. Lời tuyên bố của ông trở thành giá trị hơn, sau khi phát ngôn viên Bạch Cung Sean Spicer, hôm thứ Hai xác nhận sự đồng ý của Tổng Thống Trump.

Ngay trong buổi họp báo ngày hôm sau, cô phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng Hoa Xuân Oánh, khẳng định với phóng viên quốc tế chủ quyền của Trung Cộng trên những hải đảo Biển Đông.

Hoa Xuân Oánh nói, “Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ tôn trọng những sự kiện hiển nhiên, thận trọng trong ngôn ngữ và hành động để không làm thương tổn nền hòa bình và ổn định trên Biển Nam Hải (Biển Đông). Hành động của chúng tôi trên vùng biển này rất công bằng và hợp lý; dù các nước khác có nói gì, có làm gì, Trung Quốc vẫn cương quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của mình."

Tờ Washington Post phát hành ngày thứ Ba, đặt câu hỏi “Trump sẵn sàng lâm chiến trên Biển Đông chưa? Hay hiện tình chỉ do người của Trump ăn nói thiếu minh bạch?”

Cô Mira Rapp-Hooper, một thành viên chuyên về những vấn đề Biển Đông của Trung Tâm New American Security, nhận định với hãng thông tấn Reuters, “Phong toả ư? Đó là một hành động chiến tranh."

Đài BBC viết “Trung Quốc phản công lời tuyên bố của Hoa Kỳ về Biển Đông.”

Cho đến giờ này, mọi tranh cãi, trao đổi vẫn chỉ giới hạn vào những lời tuyên bố của hai phát ngôn viên Sean Spicer và Hoa Xuân Oánh. Tình hình sẽ căng thẳng hơn, ngày ông Tillerson chính thức được tấn phong làm ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Ông sẽ phong toả Biển Đông, sẽ cấm người Tầu ra, vào những hải đảo họ đã cưỡng chiếm từ 43 năm nay? Ông thật sự khiêu chiến với Trung Cộng để bảo vệ “Cá Voi Xanh,” quyền lợi của Hoa Kỳ và của Exxon Mobil?

Người Việt mong ông thực hiện điều đó.




No comments:

Post a Comment

View My Stats