Sunday, 29 January 2017

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, NGÃ BA ĐƯỜNG LỊCH SỬ : TỒN TẠI & DIỆT VONG ? (FB Lang Anh)




Phong trào cộng sản toàn cầu, được khởi xướng từ những nhà tư tưởng thủy tổ là Marx và Engels, cho đến khi được nhào nặn thành một nhà nước thực tế bởi một người có tư duy thực dụng là Lenin, đã trải qua một thời kỳ dài với những phép thử liên tiếp về mặt tư tưởng. Hầu hết những lý luận cốt lõi của lý thuyết cộng sản đều khá mù mờ, với nền tảng là một xã hội ảo tưởng dựa trên khao khát và hiện nay thì đã bị phủ nhận hoàn toàn.

Trong khi đó, con đường mà những đệ tử của Marx tìm cách đến với xã hội chỉ có trong mơ đó thì lại đầy rẫy sai lầm. Kết quả của những phép thử về mặt tư tưởng này là một thế giới bị cày xới bởi những biến động xã hội sâu sắc. Có nhiều triệu sinh mạng đã phải trả giá trong những cuộc chiến đẫm máu, nhiều quốc gia chìm vào vài chục thập niên trong bóng tối để đến lúc nhận ra thì đất nước đã phải trả giá nặng nề và họ lại phải bắt đầu lại từ vạch xuất phát, trong khi phần còn lại của thế giới đã có những bước tiến quá xa trong lộ trình hướng tới văn minh.

Thời hoàng kim của những lý thuyết cộng sản là những năm 1960. Khi đó người ta thống kê được trên dưới 100 quốc gia áp dụng theo hoặc mô phỏng theo các mô hình tổ chức xã hội mang sắc thái cộng sản. Sự đào thải của thực tế là một phép thử rất đắt giá. Ngày nay chỉ còn năm quốc gia tự nhận là hậu duệ của những nhà cách mạng cộng sản, gồm Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Lào và CuBa. Toàn bộ các chế độ cộng sản còn lại đều đã bị lịch sử đào thải.

Với 5 chế độ cộng sản còn đang thoi thóp, họ cũng chẳng còn chút bóng dáng nào của những mô hình xã hội mà họ tuyên bố kế thừa. Cốt lõi lý luận của họ đều đã bị chính họ đào thải về mặt thực tiễn, phần còn lại chỉ là một xã hội lai căng quái đản giữa thể chế cai trị độc tài và nền kinh tế thị trường vay mượn từ các nước phương tây. Trong năm quốc gia đó, Trung Quốc đạt được những bước tiến rất mạnh mẽ trong khoảng 45 năm qua và hiện được coi là cường quốc số hai thế giới. Việt Nam có những cải cách vay mượn học theo ở một trình độ thấp hơn và lọt tốp các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, trong khi đó, Bắc Triều Tiên thoái lui trở lại thành một xã hội phong kiến, hai quốc gia kế chót còn lại thì đang ngấp nghé bởi những trào lưu hứa hẹn sự tan rã của các chính thể độc tài.

Sự phát triển của Trung Quốc thường được các tay tuyên huấn cộng sản tuyên truyền như một khởi đầu mới của các lý thuyết cộng sản. Trên thực tế, chính bản thân những nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc cũng hiểu rất rõ họ đang đối mặt với sự sụp đổ từ bên trong, và thời gian tồn tại của nền cái trị độc tài cộng sản ở quốc gia này là một chiếc đồng hồ đếm ngược. Sự lai căng quái đản giữa mô hình cái trị độc tài và nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc và Việt Nam đã tạo ra những vấn nạn mà các chế độ này không thể tự giải quyết được. Toàn bộ nền tảng lý luận của họ đã bị thực tế phủ nhận và lộ rõ tính ảo tưởng, những đảng viên từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất lâm vào sự khủng hoảng khi không còn lý tưởng soi đường. Trong khi đó, quyền lực độc tài và những món lợi kinh tế được tạo ra từ sự cấu kết giữa quyền lực chính trị và các hoạt động kinh tế tư bản rừng rú đã khiến bộ máy cai trị của họ tha hoá nhanh chóng đến tận gốc rễ. Trên thực tế, tất cả các đảng viên từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất tại Trung Quốc và Việt Nam đều không sống bằng những nguồn thu nhập công khai, họ vơ vét tiền và làm giàu nhanh chóng từ những lợi thế quyền lực và thông tin mà chế độ ban phát cho họ. Bằng cách vay nợ và đánh đổi các giá trị môi trường, Trung Quốc đạt được nhiều thành tích kinh tế ngắn hạn, nhưng đi kèm với nó là sự tha hoá của toàn bộ đội ngũ cầm quyền. Tập Cận Bình khá thực lòng khi phát biểu công khai trong một hội nghị cấp cao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2012: “Chúng ta đang phải dựa vào một đội ngũ tội phạm để cai trị đất nước”.

Hầu như không còn ai tại Trung Quốc và Việt Nam còn tin rằng chế độ cai trị có thể trường tồn. Câu cửa miệng của các quan chức Trung Quốc khi gửi vợ con và các tài sản vơ vét được ra nước ngoài là: “Cũng chẳng còn được lâu nữa đâu”. Trên thực tế các xã hội như Trung Quốc và Việt Nam từ lâu đã biến thành những xã hội phân biệt đẳng cấp sâu sắc. Nếu có những thống kê thực tế về tài sản của các Đảng viên Đảng cộng sản cỡ trung cao cấp và toàn bộ phần còn lại của đất nước thì chắc chắn rằng hầu hết các tài sản và nguồn lực kinh tế của những quốc gia này đều nằm dưới sự chi phối, sở hữu và thao túng của các hậu duệ cộng sản. Khởi nguồn từ những cuộc đấu tranh giai cấp, nhưng hiện nay chính họ lại là một giai cấp mới, sở hữu hầu kết các nguồn lực kinh tế và sở hữu tuyệt đối về quyền lực chính trị. Tất nhiên, kiểu tồn tại của họ sẽ không thể lâu dài, vì tự thân nó là nguyên nhân của sự diệt vong. Vậy nhưng các nhà nước cộng sản tại Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang tồn tại và cố tìm mọi cách níu kéo quyền lực của mình.

Bằng cách tận diệt tài nguyên và đánh đổi các giá trị môi trường, Trung Quốc tạo được nhiều thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế ngắn hạn. Đây được coi là thứ bùa thiêng để các nhà tuyên huấn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên truyền nhằm duy trì tính chính danh của mình. Tuy nhiên, đó là sự phát triển không có ngày mai vì đó là sự vay mượn tận diệt từ tương lai để đốt hết cho hiện tại. Trong lúc các vấn nạn về tham nhũng, tha hoá, bất bình đẳng và sự kìm kẹp xã hội đến nghẹt thở càng lúc càng nặng nề. Ở chiều ngược lại là một nền tảng dân chúng ngày một khao khát tự do. Một điều gần giống như thế cũng diễn ra ở Việt Nam, tuy nhiên chế độ cộng sản ở Việt Nam kém thành công hơn trong việc tạo ra các thành tích kinh tế ngắn hạn (điều không may) và đồng thời cũng kém thành công hơn trong việc bóp nghẹt sự giao lưu về các lý tưởng tự do (điều may mắn). Giữa hai chế độ độc tài cộng sản có thể coi là còn hùng mạnh này, Việt Nam có nhiều cơ sở để tạo ra sự đổi thay nhanh hơn Trung Quốc.

Mặc dù biết chắc phía trước là vực thẳm, nhưng đội ngũ lãnh đạo chóp bu ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều tin rằng họ có thể trì hoãn được thời gian. Những nỗ lực của họ không phải để hướng tới tương lai mà là để kéo dài cái chết. Điểm kết cuối cùng là những tay cộng sản nặng túi sẽ tìm cách đào thoát khỏi con tàu sắp đắm. Còn những gì diễn ra sau lưng thì có lẽ đúng với câu ngạn ngữ cổ xưa: “Khi trẫm đã thôi trị vì thì dẫu có nạn hồng thủy trên vương quốc cũng mặc”. Có những cách thức để họ có thể thay đổi và trì hoãn ngày tàn, và đó cũng chính là thứ mà các tay lý luận cộng sản cố gắng tìm kiếm. Bài viết này sẽ bàn đến những cách thức đó.






1 comment:

View My Stats