Thứ Tư, 01/18/2017 - 04:14 — tuongnangtien
Có bữa – bên bàn nhậu – tôi nghe một cha nói
(y như thiệt) rằng hồi năm 1941 Nhà Nước Thuộc Địa trao tặng giải
thưởng và cấp bằng tưởng lục cho một người dân Việt vì đã chế ra
cái đèn dầu Hoa Kỳ rất tiện dụng, và hiện vẫn còn được lưu dụng ở
nhiều nơi (*).
Cùng thời điểm này, chính xác là vào ngày 7
tháng 12 năm 1941, xẩy ra vụ Trân
Châu Cảng:
“Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng
353 máy bay xuất phát từ 6 tàu
sân bay Nhật Bản. Trận tấn công đã đánh chìm 4 thiết giáp hạm Hoa Kỳ (2
chiếc trong số đó sau này được vớt lên và đưa trở lại hoạt động), và gây hư hỏng
cho 4 chiếc khác. Quân Nhật còn đánh chìm hoặc phá hoại 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay
....”
Những hàng không mẫu hạm xử dụng trong trận
Pearl Habor đều được người Nhật làm vào hồi đầu thế kỷ XX: Kaga:
hạ thuỷ ngày 17 tháng 11 năm 1921. Akagi:
hạ thuỷ vào ngày 22 tháng 4 năm 1925...
Kaga:
Ảnh: wikipedia
Gần trăm năm sau, vào ngày 12 tháng 8 năm 2011, Tân
Hoa Xã mới hớn hở loan tin chiếc tầu sân bay (Liêu Ninh) đầu
tiên của nước Tầu đã được cho ra biển để chạy thử coi chơi: “China had
sent its first aircraft carrier to sea for a trial.”
Món đồ chơi rất cũ, và cũng rất mắc tiền
này – buồn thay – đã không mang lại cho người dân Trung Hoa chút vui thú
hay vinh dự nào cả:
·
Sự thực (trần trụi) trong mắt ai thì cũng
vậy thôi:
Nhìn
tàu sân bay CV-16 Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc hiện nay,
không ai nghĩ rằng có một thời nó không khác gì một “con tàu đắm”, hay nói cách
khác là như một “đống sắt vụn”rỉ sét, được nước này mua về từ Ukraine với mục
đích bên ngoài là làm “sòng bạc nổi”.
Khi đó, trên mạng Trung Quốc đã đăng tải hình ảnh
tàu sân bay Varyag của Liên Xô (tiền thân của tàu sân bay Liêu Ninh) trong quá
trình được các tàu kéo về nước với lời bình luận là “tuy thân thể loang lổ vết
tích rỉ sét, nhưng vẫn rất uy phong”.
Khi mới kéo về, tiền thân của Liêu Ninh là tàu khu
trục chở máy bay Varyag trông như đống sắt vụn. Toàn bộ phần thân dưới ngập
trong nước của con tàu bị đóng hà, rong rêu bao phủ, phần thân trên hoen rỉ
trông như một con tàu đắm vừa được trục vớt.
Sau quá trình đánh hà, cạo rỉ, tẩy rửa và làm sạch,
trông con tàu đã bớt tồi tệ hơn nhưng trên thân vẫn còn những vết rỉ sét, mặt
dưới mũi tàu vẫn còn phù hiệu của hải quân Liên Xô.
Sau khi làm sạch thân tàu, người Trung Quốc đã lắp đặt
giàn giáo, chia ô trên thân tàu để tu sửa, gia cố và cải tạo phần khung thân
tàu. Sau đó, tiến hành sơn sửa để trông ra dáng một con tàu sân bay …
Liêu
Ninh. Ảnh: worldwarships
Sao mà “thảm thiết” dữ vậy, Trời. Đọc
mà muốn ứa nước mắt luôn!
Tuy thế, Hoàn
Cầu Thời Báo vẫn không ngớt xưng tụng và biến khối “đồng nát”
này thành “đội mẫu hạm” có thể đe dọa an ninh thế giới: “Chẳng sớm
thì muộn, hạm đội Trung Quốc sẽ ra đến tận phía đông Thái Bình Dương. Khi đến
ngày mà hạm đội mẫu hạm của Trung Quốc xuất hiện ở ngoài khơi nước Mỹ, ngày đó
Mỹ sẽ phải suy nghĩ về vấn đề luật lệ hàng hải (theo cách Mỹ).”
Lời nói chẳng mất tiền mua. Giới truyền thông
quốc doanh đã lựa lời mà nói như thế (cho người dân Trung Hoa đỡ sót
tiền đóng thuế) là “phải” lắm, và nếu chỉ có thế thôi thì cũng
chả sao nhưng nhà nước Trung Cộng đã đi xa hơn thế – theo VOA,
nghe được vào hôm 4 tháng 1 năm 2017:
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh thử vũ khí ở Biển
Đông... Hải quân Trung Quốc cho biết có nhiều chiến đấu cơ J-15 và trực
thăng tham gia tập trận cùng cùng với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh ở Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh
cùng với đội tàu hộ tống đi qua eo biển Miyako của Nhật Bản và vòng sang vùng
biển phía đông và nam Đài Loan trước khi hướng về tỉnh Hải Nam của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan sau đó cảnh báo rằng
“mối đe dọa từ kẻ thù đang gia tăng từng ngày”.
Thoạt nghe cứ như là Biển Đông sắp dậy sóng
đến nơi nhưng tôi lắng nghe thì chỉ cảm thấy hơi có chút “lăn tăn” ở
trong lòng. Coi:
Ngày 12 tháng 7 năm 1941, gần bốn trăm chiến
đấu cơ của Nhật Bản đã làm rung chuyển bầu trời Trân Châu Cảng. Cả
trăm năm sau, hôm 2 tháng 1 năm 2017 – theo RFI –
mới có vài cái J15 mới đang “tập” cất cánh và hạ cánh trên một cái
tầu sân bay (cổ lỗ và duy nhất) thì chiến tranh xẩy ra sao nổi, ngoài
cuộc chiến (bằng mồm) của Trung Cộng?
Vẫn theo RFI:
“Trong một tín hiệu rõ ràng là nhằm mục tiêu thị uy,
bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào hôm nay 04/01/2017 đã loan báo là tiểu hạm đội tàu
sân bay duy nhất của họ đã tiến hành thứ nghiệm vũ khí và trang thiết bị nhân
cuộc tập trận đang diễn ra tại Biển Đông.”
Ủa, chớ con
rồng giấy Trung Hoa đang lồng lộn để “thị uy” với ai – vậy
cà?
Theo Reuters,
ngân sách quân sự của Trung Cộng năm 2016 không nhiều nhặn gì cho lắm
(135.39 tỷ Mỹ Kim) chỉ bằng khoảng một phần tư của Hoa Kỳ vào cùng
thời điểm. Đã ít rồi mà phần lớn lại chi cho việc trị an, nghĩa là
để “đối phó” với ... hơn một tỉ người Tầu, chứ không phải để lo
chuyện quốc phòng.
Thảo nào mà Liêu Ninh chỉ dám xuất hiện khi
các hàng
không mẫu hạm của Hoa Kỳ vắng bóng ở Biển Đông. Riêng sự
kiện này cũng đã đủ cho những quốc gia trong vùng “không đánh giá
cao” sức mạnh của hải quân Trung Cộng. Riêng dân Nhật Bản, có lẽ, đều
nhìn cái tầu sân bay (lạc hậu) của Tầu với ít nhiều ái ngại và ...
thương hại!
Ngư
dân chuẩn bị ra khơi. Ảnh: André
Menras
Rốt lại thì hàng không mẫu hạm Liêu Ninh – xem
ra – đã chả hù doạ được ai, ngoài đám ngư phủ Việt Nam. Với những
ngư dân không tất sắt cầm tay này thì trước khi ra khơi họ chỉ còn
cách khấn vái đất trời thôi, chớ có mong gì vào cái lực lượng hải
quân (chỉ dám bám bờ) ở đất nước mình.
Nhà sử học Trần Đức Anh Sơn (Phó
Viện Trưởng, Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội Đà Nẵng) khẳng định:
“ … Hà Nội vẫn còn duy trì quan hệ mạnh mẽ về ý thức hệ, và rất sợ phản ứng dữ
dội của Bắc Kinh, sợ bị trả đũa về kinh tế. Việt Nam quá bị lệ thuộc vào Trung
Quốc.”
Có bữa, cũng bên bàn nhậu, tôi nghe nhà văn
Vũ Thư Hiên tâm sự: “Ngày trước, mỗi khi đài khí tượng Bắc Kinh báo
mưa là ở Hà Nội – không ít kẻ – đã vội vã ô dù. Với truyền thống
khiếp nhược này thì giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải chỉ cần ho (mạnh)
thôi cũng đủ khiến nhiều thằng són đái. Cần gì phải mang đến tầu
sân bay ra “khoe” làm chi cho chúng nó khi.
Tưởng Năng Tiến
(*) Sự thực, cha đẻ cái đèn dầu Hoa Kỳ là
một người Ba Lan – ông Ignacy Łukasiewicz.
Cho đến nay – có lẽ – thành tích duy nhất của Việt Nam trong lãnh vực
phát minh hay sáng chế là ... đôi dép lốp, dùng để vượt Trường
Sơn hay đi vào vũ trụ.
No comments:
Post a Comment