Friday, 13 January 2017

LÁ CỜ ẤY KHÔNG ĐÁNG BỊ XA LÁNH (nhiều tác giả)




Phạm Hồng Sơn - Như Cây Tre Việt Nam
THỨ SÁU, 13 THÁNG 1, 2017

Lại vừa xảy ra một cuộc tranh cãi gay gắt về lá cờ vàng ba sọc đỏ – cờ của chính thể quá cố Việt Nam Cộng Hòa. Lần này cuộc tranh cãi liên quan tới ca sỹ Mai Khôi, một nghệ sỹ trẻ đã có một số biểu hiện cổ xướng, đứng về phía tự do, dân chủ, nhân quyền. 


Tranh cãi, tranh luận là một điều kiện cơ bản để con người tìm ra chân lý, hiểu được sự thật. Nhưng tranh luận về lá cờ vàng hiện nay có hai trở ngại chính. Thứ nhất, chế độ đương quyền tại Việt Nam vẫn là một chế độ độc tài bất dung khác biệt chính trị và bất dung mọi thứ có thể tổn hại tới sự độc quyền quyền lực của nó. Thứ hai, lá cờ vàng là lá cờ của một chính thể là đối thủ của, và đã thua, chế độ đương quyền Việt Nam trong cuộc nội chiến 1954-1975.

Trở ngại thứ nhất đưa tới những hệ quả cơ bản: các thông tin xác thực về cờ vàng cùng chính thể song hành vẫn bị ngăn chặn/bóp méo/cắt xén khiến cho nhiều người hiểu sai về cờ vàng; những người còn sợ độc tài/còn muốn dựa dẫm, hưởng lộc độc tài không thể/không dám/không muốn bày tỏ thái độ khách quan/đúng mực về cờ vàng.

Trở ngại thứ hai dễ đưa tới hai xúc cảm thái quá trái ngược nhau: hoặc quá nuối tiếc, quá thương cảm một cái đã mất thành ra tình cảm ủng hộ quá mạnh; hoặc quá thiếu thiện cảm, quá khinh miệt vì coi đó thuộc về bên thất bại, cùng với sự thu nhận thông tin bị cắt xén/bóp méo, thành ra xúc cảm dị ứng quá lớn. Hai xúc cảm này đều dễ đưa tới những trao đổi thiếu kiềm chế, miệt thị, xúc phạm nhau quá mạnh – những điều không lợi cho xác định lẽ phải, dễ đưa tới các chia rẽ, đổ vỡ.

Nhưng tranh luận sẽ bế tắc và gần như vô ích nếu một bên thuộc nhóm người thứ hai trong hệ lụy của trở ngại thứ nhất kể trên. Mọi lý lẽ, bằng cớ khách quan, xác thực, và ôn tồn đến đâu, chắc chắn sẽ không thể thuyết phục được những người này nhìn nhận/ủng hộ sự thật/điều đúng chừng nào họ vẫn chưa thoát được nỗi sợ/qui phục độc tài. Đơn giản hơn, để thấy lý lẽ, thật đáng quí, nhưng nhiều khi vô ích: Hồ Chí Minh không bao giờ công nhận Việt Cách hay Việt Quốc là những tổ chức chính nghĩa, ái quốc có quyền bình đẳng trong việc tham chính trị nước; rất khó, nếu không phải bất khả, kỳ vọng Nguyễn Phú Trọng và đảng của ông đưa ra cương lĩnh “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nghịch lý, dối trá”.

Trong một số bài viết của tôi, và nhiều bài viết của người khác, đã chứng minh chính thể quá cố Việt Nam Cộng Hòa, cùng những biểu tượng liên quan, đáng được trân trọng. Sự trân trọng này không dựa trên tình cảm yêu-ghét, thân-sơ, mà dựa trên so sánh về mức độ văn minh-man dã, tự do-nô lệ, dân chủ-độc tài, bao dung-hẹp hòi, nhân bản-phi nhân và ái quốc-phản quốc. Cố nhiên, chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã thua, đã chết. Đó là một sự thật không thể nói khác. Nhưng xét đúng-sai, tốt-xấu, thiện-ác không thể dựa trên thắng-thua, được-mất. Lịch sử nhân loại và lịch sử Việt Nam đã từng xảy ra rất nhiều biến cố trong đó cái Thiện, cái tiến bộ bị thất bại, bị tiêu diệt; cái Ác, cái man khai hơn đã ngạo nghễ chiến thắng, thống trị trong một thời gian, đôi khi khá dài. Nhưng không vì thế mà nhân loại tiến bộ lãng quên, xa lánh, xúc xiểm Socrates, Thomas More, Bruno, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Pestrus Ký, Cộng Hòa La Mã hay thành-bang dân chủ A Ten. Ngoài ra, nếu tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về lịch sử cuộc nội chiến Việt Nam 54-75, tôi tin tưởng chúng ta sẽ biết nhiều hơn và hiểu hơn các nguyên nhân đã đưa tới thất bại của Việt Nam Cộng Hòa – theo tôi, cũng là thất bại chung của mọi người Việt Nam muốn có chung một Tổ quốc tự do, nhân bản và lành mạnh.

Trong cuộc tranh luận đang nói, và những cuộc tranh luận tương tự, còn cho thấy có một thái độ khác, ẩn tính hơn, nhưng rất đáng bàn. Đó là thái độ tỏ ra trung lập, không ủng hộ lá cờ nào của hai chính thể đối nghịch, cộng sản hay cộng hòa. Thái độ này thường cơ bản tự lấy cơ sở dựa trên quyền tự do bày tỏ (freedom of expression) hay tự do ngôn luận (freedom of speech) để khéo léo ủng hộ  quan điểm/thái độ xa lánh, miệt thị cờ vàng.

Thoạt nhìn thái độ trung lập này rất có lý, vì dựa vào các nhân quyền cơ bản đang là vấn đề thời thượng. Nhưng nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy thái độ trung lập này không ổn, hoặc là ngộ nhận hoặc là ngụy biện cho một ẩn đích nào đó. Bởi, thứ nhất, trong những cuộc tranh luận chúng ta đang nói tới, không có bên nào đàn áp tự do bày tỏ/ngôn luận của bên nào, chỉ thuần túy hai bên cùng bày tỏ quan điểm trái ngược nhau, vì vậy đưa quyền tự do ra ở đây để biện hộ là lạc đề; thứ hai, vấn đề mấu chốt của cuộc tranh luận/tranh cãi là việc phải xác định cờ vàng có đáng được trân trọng hay đáng bị miệt thị thì thái độ trung lập này không hề đề cập.

Thái độ trung lập này còn đưa thêm những lý lẽ phụ khác như “chỉ quan tâm tới nhân quyền và tự do chứ không quan tâm tới chính trị/chính quyền/cờ quạt”; hoặc viện dẫn lịch sử nội chiến Mỹ để chứng minh “ủng hộ lá cờ nào cũng không quan trọng.”

Trong lý lẽ phụ thứ nhất vừa nói đã ẩn chứa một thái độ lẩn tránh, nếu không phải là thiếu trung thực. Vì những ai đã trải nghiệm sống tại Việt Nam từ 40 năm qua đều không thể không nhận ra hiện trạng mất nhân quyền, tự do có sự gắn bó máu thịt với chế độ chính trị/chính quyền – một biểu tượng của nó là “lá cờ quốc gia” nền đỏ sao vàng.

Lý lẽ phụ thứ hai, có vẻ sang trọng và học thuật hơn, đã tự cho thấy một tư duy so sánh/liên hệ khập khiễng, trái bối cảnh. Bởi, thứ nhất, bên chiến thắng trong nội chiến Mỹ không đàn áp, không sỉ nhục những người thuộc phía thua là “thù địch”, “bán nước”; thứ hai, bên chiến thắng đã ý thức thiết lập một chế độ dân chủ biết bao dung và bảo vệ đa nguyên chính trị, các quyền tự do căn bản, trong đó có quyền tự do bày tỏ yêu ghét cả hai lá cờ từng là đối địch. Nhưng cuộc nội chiến 54-75 tại Việt Nam không đưa tới kết quả như thế, và hệ thống đương quyền cũng không cho thấy muốn đưa tới những kết quả như vậy. Nói cách khác, thực trạng ở Việt Nam hiện nay là tình trạng trong đó cái Ác đang thống trị, đang lấn át cái Thiện. Vì vậy, nếu thực đứng về cái Thiện và đủ hiểu biết, bản năng lương tâm con người không thể cho phép phát ra những thông điệp ‘trung lập’, thờ ơ giữa hai lá cờ, càng không thể biện luận để đánh đồng cờ vàng với cờ đỏ hay cờ đỏ cũng như cờ vàng, Thiện Ác lẫn lộn.

Nhìn lại những ngày đen tối, rùng rợn của Thế chiến II, chúng ta không khỏi lạnh mình nếu tưởng tượng những con người như Albert Einstein, Julius Robert Oppenheimer, hay Deithich Bonhoeffer cứ tỏ ra cao đạo ‘trung lập’, vờ khinh bỉ chính trị để thụ hưởng êm ấm, bổng lộc cho bản thân. Thực trạng nội chiến giành giật Ác-Thiện của Việt Nam 54-75 cũng cho thấy ‘trung lập’, dù thật hay giả, sập bẫy hay cố ý, đều đã tiếp tay cho cái Ác thống trị toàn xã hội.

Dĩ nhiên, như đã nói, vẫn có những đồng bào chỉ vì sợ hãi, vì thiếu thông tin nên chưa nhìn ra, chưa dám bảo vệ sự thật. Nhưng nếu chỉ có vậy, chúng ta có thể an tâm và hoàn toàn tin, tin vào sự chân thành, sẽ có một ngày những đồng bào đó sẽ tự tin bày tỏ lòng trân quí một lá cờ của một chính thể dân chủ, nhân bản nhất (cho tới nay) của người Việt Nam đã từng tồn tại trong lịch sử.

Được đăng bởi Pham Hong Son vào lúc 16:03 

------------------------------


Tháng 4/2014, trong một cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ, tôi để ý có một người khoảng ngoài 60 tuổi, vẻ mặt khắc khổ, chỉ lừ lừ nhìn diễn giả suốt buổi mà không nói năng gì.

Tới giờ nghỉ, ông đến gần tôi, nhìn thẳng vào mặt tôi và hỏi:
- Tại sao cô đến đây được?

Tôi ngẩn ra, chưa hiểu câu hỏi là gì. Ông dằn giọng:
- Tại sao cô không bị chặn? Tại sao cô ra ngoài được? Tại sao cô sang được đây? Cô là an ninh nằm vùng phải không?

Tôi có cảm giác như bị một cái tát vào mặt. Như vậy có nghĩa là tất cả những lời chúng tôi đã nói trước đó, bằng tất cả lòng nhiệt tình và niềm tin, về tình hình Việt Nam, về những cơ hội bị bỏ lỡ, về những mong ước bị vùi dập của tuổi trẻ, về cảnh sống cực nhọc, không dám nghĩ đến tương lai của những bạn trẻ “trót” quan tâm đến xã hội… Tất cả những lời đó đều chẳng lọt vào tai người đàn ông ấy. Ông chỉ thấy một điều, rằng tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc cộng sản, tôi ra được nước ngoài mà không bị an ninh chặn giữ, như vậy thì tôi là cộng sản, là an ninh nằm vùng, chỉ thế thôi.

Sau khi hỏi tôi xối xả mấy câu đó, ông quay ngoắt đi. Ông bỏ về, không dự họp nữa.
Tôi cũng tức giận không kém.

Về sau, tôi mới biết rằng trong cộng đồng mà tôi gặp hôm đó, có những người đi tù của “bên thắng cuộc” tới cả chục năm, có những người chết cả mấy đứa con trên đường vượt biên, thậm chí có người đã trở thành gần như điên loạn vì phải bất lực chứng kiến cảnh vợ con mình bị hiếp bị giết trên tàu.

* * *
Tôi cũng đã ở cùng những con người mà tấm lòng của họ, tôi chỉ có thể nói rằng nó trong vắt như kim cương. Bao nhiêu năm xa xứ, cuộc sống đã bị ép vào guồng của bên đó – ngày đi làm, tối mịt mới về nhà, xung quanh là dân Mỹ, truyền hình, sách báo và giải trí Mỹ; hàng ngày gần như chỉ nói tiếng Anh, hàng tuần phải lo doanh số cho công ty, cửa hàng mình. Nhưng họ vẫn nhớ đến Việt Nam, thậm chí chỉ nghĩ đến Việt Nam mà thôi.

Họ luôn nghĩ về những người Việt ở trong nước đang phải chịu đựng một chính thể ngu dốt đến tăm tối. Càng sống đầy đủ về vật chất, càng được ăn đồ ngon, mặc quần áo đẹp (và rẻ), hít thở không khí trong lành, sống ở những căn nhà mà dân trong nước mơ đến kiếp sau cũng không thấy, v.v. họ lại càng thương người Việt, thương Việt Nam hơn.

Những con người đó thật sự chẳng tiếc gì với tôi. Họ nuôi tôi suốt thời gian tôi ở Mỹ, đến mức đến giờ tôi vẫn không biết động tác “quẹt thẻ” nó như thế nào. Họ cho tôi tới lọ nước lau kính mắt, bộ dây đàn guitar, thuốc thang thì đương nhiên rồi, đến cả quần áo lót cũng dúi cho tôi, v.v. Và thương tôi thế nào thì họ cũng thương những người hoạt động trong nước y như vậy. Họ không ngó đến truyền hình, báo chí Mỹ; lúc nào họ cũng chỉ chăm chú “canh Facebook” đọc tin tức quê nhà, xem có anh chị em nào bị công an bắt, đánh đập không. Nghe tin có người bị an ninh hành hung, họ khóc, chửi cộng sản một hồi, lau nước mắt, rồi lại lật đật ra phố, đi gửi tiền về cho các nạn nhân.

Nhưng họ cũng yêu cờ vàng. “Cờ về chiều tung bay phấp phới, gợi lòng này thương thương nhớ nhớ…”. Đó là cờ vàng. Với những người Việt đó, lá cờ vàng là quốc kỳ của cộng đồng hải ngoại, biểu tượng của tự do-dân chủ, của một thời đã mất ở Việt Nam mà bây giờ chúng ta phải xây dựng lại – tức là giành lại tự do cho đất nước. Ngày Tết, ngày lễ, và ngày “quốc hận 30/4”, họ treo cờ vàng khắp nơi.

Tôi biết nói gì hơn về những con người ấy? Tôi nói họ cực đoan được sao?

Họ là một phần của Việt Nam, một phần của phong trào dân chủ ở Việt Nam, và cũng là một phần của chính cuộc đời tôi.

Nếu không có họ, chắc tôi sẽ nghĩ xấu về cộng đồng hải ngoại, tôi sẽ la lối, căm ghét sự cực đoan, sẽ sợ cờ vàng, sợ “bọn phản động lưu vong”… giống như rất nhiều du học sinh khác.

Và cũng rất có thể là nếu không có họ, tôi đã chẳng về lại Việt Nam, chẳng tham gia đấu tranh làm gì. Nhưng tôi đã về, bởi vì tôi muốn họ cũng sẽ có ngày trở về Việt Nam, và tôi mong muốn sẽ được gặp lại họ – ở đâu cũng được, nhưng là khi đất nước này đã tự do.


-------------------------

12 Jan 2017

Ca sĩ Mai Khôi đang trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi mới về một đề tài rất cũ: lá cờ.

Trên Facebook của mình, cô ca sĩ từng là ứng cử viên độc lập chạy đua vào Quốc hội hồi năm ngoái bày tỏ quan điểm không muốn đứng chung với lá cờ vàng – vốn là quốc kỳ của ít nhất hai thể chế từng tồn tại ở nước ta là Việt Nam Cộng hoà và Việt Nam Đế quốc.

Mai Khôi “không thích cờ vàng, cũng không thích cờ đỏ” và cho biết nếu được chọn sẽ chọn cờ hồng vì đó là “màu của yêu thương”. Cô nhận được không ít lời khen, nhưng cũng không ít lời chỉ trích, phê phán và cả chửi rủa của nhiều Facebookers bảo vệ lá cờ vàng.

Ca sĩ Mai Khôi – Ảnh: Facebook nhân vật.

Vụ việc của Mai Khôi diễn ra sau một sự kiện văn nghệ ở Virginia (Mỹ) ngày 11/1. Cũng tại tiểu bang này cách đây hơn hai năm, một người Việt Nam khác từ trong nước tới cũng gặp phải một tai nạn với lá cờ vàng: cựu tù nhân chính trị Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải). Ông bị một người phụ nữ ép khoác một chiếc khăn cờ vàng trong khi đang giao lưu với cộng đồng người Việt ở đây.

Hầu hết người Việt Nam ở độ tuổi 30 trở lên sinh sống trên đất Mỹ, Canada và Úc có ít nhất hai điểm chung: là người miền Nam và bỏ nước ra đi sau ngày 30/4/1975, khi những người cộng sản giành được chiến thắng quân sự sau cùng và thống nhất đất nước.

Trong suốt hai thập kỷ sau chiến tranh, có ít nhất 800 nghìn người vượt biên ra đi và đến được một nước khác. Tuyệt đại đa số vượt biên bằng đường biển và mãi mãi đi vào lịch sử thế giới với tên gọi “thuyền nhân Việt Nam” (Vietnamese boat people). Hàng trăm nghìn người bỏ xác trên biển và không bao giờ tới được nơi họ muốn tới. Những người may mắn sống sót trở thành người tị nạn và hầu hết sau đó được một nước khác tiếp nhận làm công dân. Lẽ dĩ nhiên, họ coi lá cờ vàng là quốc kỳ, họ luôn mang trong mình mối thù với những người cộng sản và căm ghét lá cờ đỏ.

Chỉ hai tháng trước vụ việc của Mai Khôi, nhiều người Việt ở California đã vẩy nước mắm và đuổi doanh nhân Lê Đình Hùng (Hùng Cửu Long) sau khi anh này tuyên bố sẽ mặc áo cờ đỏ sao vàng đi giữa khu vực cộng đồng.

Ngay sau đó, vào ngày 14/12/2016, Hội đồng thành phố Westminster, nơi được coi là thủ đô của người Việt tị nạn ở Mỹ, đã thông qua nghị quyết tái khẳng định sự công nhận lá cờ vàng và phản đối việc treo cờ đỏ tại các công sản của thành phố này.

Ông Tyler Diệp, Phó Thị trưởng thành phố tuyên bố: “Lá cờ máu là lá cờ của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, tượng trưng cho một thể chế độc tài đảng trị, vi phạm nhân quyền và không hề được người Việt quốc gia chúng ta công nhận. Chúng ta chỉ công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ”.

Đó là chuyện xảy ra ở Mỹ. Tình huống ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại.

***
Giữa tháng 10/2012, hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên lần lượt bị công an bắt ở Long An và TP. Hồ Chí Minh. Cơ quan điều tra cho biết đây là hai “đối tượng” chống phá nhà nước với ba hành vi cụ thể: rải truyền đơn, âm mưu gây nổ, và dán cờ vàng ba sọc đỏ tại các khu dân cư.

Phán quyết của toà sơ thẩm (5/2013) và phúc thẩm (8/2013) đều tuyên bố hành vi dán cờ vàng ba sọc đỏ là tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88, Bộ luật Hình sự. Một trong số các tang vật vụ án được liệt kê trong phán quyết là “01 cờ vàng 03 sọc đỏ”. Toà tối cao tuyên phạt Kha 4 năm tù giam và 3 năm quản chế, tuyên phạt Uyên 3 năm tù treo với 52 tháng thử thách.

Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam đăng bài công khai coi việc phất cờ vàng là “trò vè”, “lố bịch”, “kỳ quái” và là một việc làm sai trái.

Ít lâu sau đó, ngày 12/4/2015, vấn đề cờ vàng lại nổi sóng ở Việt Nam khi thanh niên Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ) bị công an bắt khi đang tham gia một cuộc biểu tình bảo vệ cây xanh ở Hà Nội. Nhiều người lập tức bày tỏ thái độ bất bình và cho rằng công an đang vi phạm quyền biểu tình của người dân, đặc biệt là trong một phong trào bảo vệ môi trường vốn không liên quan gì đến chính trị.

Khi đó, không ai biết lý do chính xác của vụ bắt bớ này là gì, nhưng giả thuyết được nhiều người quan tâm nhất là Dũng mặc quân phục Việt Nam Cộng hoà có hình lá cờ vàng trên ngực. Những hình ảnh của Dũng trong cuộc biểu tình hôm đó khiến nhiều người tin vào giả thuyết này. Không những thế, hình ảnh Dũng mặc quân phục Việt Nam Cộng hoà chụp với lá cờ vàng ở quê nhà Nghệ An lan truyền trên mạng, khiến không ai còn nghi ngờ gì là Dũng có cảm tình với lá cờ một thời này ở Việt Nam.

Dư luận lập tức phản ứng. Nhiều người dùng lý do này để phản đối biểu tình. Nhiều người công kích và chửi bới những ai ủng hộ Nguyễn Viết Dũng và lá cờ vàng. Nhiều người dù không phản đối Dũng nhưng cũng phát biểu rất dè dặt. Cuộc tranh cãi về việc nên hay không nên bảo vệ Dũng cũng nổ ra giữa những người kêu gọi biểu tình và các nhà hoạt động nhân quyền.

Ngược trở lại đầu những năm 2000, hai ca sĩ Bằng Kiều và Thu Phương cũng liên tục bị báo chí và công chúng trong nước chỉ trích khi quyết định ở lại Mỹ gây dựng sự nghiệp và xuất hiện trong một số sự kiện có lá cờ vàng. Cả hai bị ví như những kẻ “lầm đường lạc lối”, “phản bội Tổ quốc” và bị chính phủ cấm biểu diễn ở Việt Nam trong một thời gian dài.

***
Người Việt Nam từ trong nước đi ra bị kẹt trước lá cờ vàng. Người Việt Nam hải ngoại về nước bị kẹt trước lá cờ đỏ. Những người như Mai Khôi bị kẹt giữa hai lá cờ.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: một thể chế dân chủ ở Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Liệu thể chế đó sẽ chỉ công nhận một lá cờ và cấm tất cả các lá cờ khác? Liệu những người chẳng thích lá cờ nào như Mai Khôi có được quyền bày tỏ chính kiến của mình hay không?

Nước Mỹ có câu trả lời cho riêng họ.

Ngày nay, ai cũng quen thuộc với lá cờ hoa của Mỹ, bởi vậy mà người ta còn gọi nước Mỹ là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cũng giống như Việt Nam, Mỹ đã từng bị chia cắt làm hai miền trong cuộc nội chiến 1861-1865 và kết quả sau cùng đều là chiến thắng của phe miền Bắc.

Trong suốt những năm nội chiến, phe miền Bắc (Union) tiếp tục sử dụng lá cờ hoa của Mỹ vốn đã được sử dụng từ thời lập quốc. Phe miền Nam (Confederate States) thiết kế một lá cờ riêng của mình.

Sau chiến tranh, lá cờ hoa của phe miền Bắc đương nhiên giữ nguyên địa vị là biểu tượng của toàn nước Mỹ, bao gồm cả các bang miền Nam. Nhưng không vì thế mà lá cờ của phe miền Nam biến mất. Lá cờ chính thức lẫn các phiên bản khác nhau của nó vẫn tung bay ở rất nhiều công sở, xí nghiệp, hộ gia đình và các sự kiện ngoài trời ở nhiều bang miền Nam, điển hình là South Carolina.

Lý do đơn giản của việc này là Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do biểu đạt quan điểm của người dân, bao gồm cả quyền giương cao bất kỳ lá cờ nào mà họ muốn.

Lá cờ không chính thức của phe miền Nam thời nội chiến được sử dụng trong một cuộc tuần hành ở South Carolina năm 2000. Ảnh: Wall Street Journal.



Đảng Cộng sản Mỹ là một tổ chức chính trị hợp pháp tại Mỹ và họ đương nhiên được treo cờ đỏ búa liềm – biểu tượng của phong trào cộng sản thế giới.

Vào năm 1919, trước nỗi lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa cộng sản, tiểu bang California ban hành một đạo luật cấm sử dụng cờ đỏ ở nơi công cộng trong một số trường hợp cụ thể. Một thanh niên 19 tuổi, đoàn viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản vốn có quan hệ với Đảng Cộng sản Mỹ, giương một lá cờ đỏ trong một hội trại cho trẻ em và lập tức bị bắt. Vụ án sau này được kháng cáo lên Tối cao Pháp viện. Toà tuyên đạo luật của California vi hiến trong án lệ nổi tiếng Stromberg v. California.

Mỹ thậm chí còn đi xa hơn: bảo vệ quyền được đốt quốc kỳ.

Năm 1984, thanh niên Gregory Lee “Joey” Johnson, thành viên của một tổ chức cộng sản trẻ, đốt quốc kỳ Mỹ trong một cuộc biểu tình ở Dallas, tiểu bang Texas để phản đối một số chính sách của Tổng thống Ronald Reagan. Hành vi này cấu thành tội xúc phạm các biểu tượng thiêng liêng theo luật tiểu bang. Khi đó, có đến 48/50 bang ở Mỹ có luật tương tự.

Johnson bị bắt, bị toà tiểu bang kết án một năm tù và phải chịu phạt 2.000 USD. Ông kháng cáo lên Tối cao Pháp viện. Phán quyết sau cùng vào năm 1989 tuyên bố hành vi đốt cờ được Hiến pháp bảo vệ như một phần của quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ Nhất.

Phán quyết ghi rõ quan điểm của phe đa số của Tối cao Pháp viện như sau: “Chính quyền không được cấm đoán việc bày tỏ quan điểm bằng lời nói hay không bằng lời nói chỉ vì xã hội cảm thấy bị xúc phạm và không thể chấp nhận được quan điểm đó, ngay cả khi việc này liên quan đến lá cờ của chúng ta”.

Dĩ nhiên, rất nhiều người Mỹ phản đối việc đốt cờ cũng như treo cờ miền Nam. Cũng giống như câu chuyện lá cờ của Việt Nam, các cuộc tranh cãi và biểu tình ở Mỹ nổ ra liên miên, chưa khi nào có dấu hiệu chấm dứt.

Điều quan trọng nhất là pháp luật Mỹ tôn trọng và bảo vệ quyền bày tỏ những quan điểm khác nhau. Một nền tảng pháp lý như vậy sẽ bảo vệ tất cả những người yêu mến lá cờ đỏ, những người yêu mến lá cờ vàng, những người yêu mến cả hai lá cờ, những người căm ghét cả hai lá cờ, và rất nhiều những thái độ khác nhau nữa.

Liệu đó có phải là một xã hội mà chúng ta nên hướng đến? Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hình dung được rõ ràng hơn rất nhiều về một đất nước Việt Nam mà chúng ta muốn thấy trong tương lai.

-------------------------------

added 4 new photos.

Hôm qua nay có dư luận xôn xao lùm xùm về Khôi, có nhiều người quan tâm thương mến Khôi đã lo lắng cho Khôi, hỏi thăm Khôi...xin giải thích chuyện này một lần cho rõ ràng, chuyện thế này:

Chị nhà thơ nhà văn Thanh Bình đã vì yêu thích và ủng hộ những việc Khôi đang làm, nên chị đã gọi điện thoại mời tôi sang Virgina hát, do chị tổ chức (chỉ có mình chị tổ chức thôi) vì chị chỉ mời những người bạn thân quen và làm một buổi nhạc thính phòng private, không ra cộng đồng. Thoả thuận ban đầu là thế. Tôi cũng có nói rõ, tôi có 3 điều tôi không muốn dính vào đó là : cờ vàng, Việt Tân, tham gia tổ chức nào đó... Tôi là nghệ sỹ độc lập và hát tiếng hát đòi quyền tự do biễu đạt, tự do nghệ thuật, tự do sáng tạo, tự do đi lại, tự do tụ tập...v..v.. Vì vậy, ngay từ đầu đã thoả thuận không ra cộng đồng và không chào cờ gì cả. Chỉ là đêm nhạc chia sẻ với các văn nghệ sỹ thân tình của chị Thanh Bình, những người đã sẵn một đầu óc cởi mở, văn minh, với một trình độ thưởng thức cao và hiểu biết rộng. 

Thế nhưng, khi tới nơi hát, tôi mới thấy đây là hội trường của nhà văn hoá cộng đồng. Tôi có nói, đây không phải là nơi thích hợp để tôi hát, nhưng vì các vị khách đã vượt đường xa tuyết lạnh, để đến nghe Mai Khôi hát, mà các vị khách toàn là những người cỡ tuổi ông nội bà nội của Khôi, nên Khôi không nỡ lòng nào bỏ về, Khôi đành quay lại vào trong để hát.

Ban tổ chức tổ chức rất luộm thuộm, sân khấu không có âm thanh đàng hoàng, lại treo cờ như là buổi họp của Trung Ương Đảng...ha..ha... Tôi bảo, tôi không hát dưới cờ pháo nào cả , tôi không đứng chung sân khấu với cờ vàng, nếu ban tổ chức không di chuyển cờ đi chỗ khác thì tôi không hát ( điều này đã được thoả thuận ngay từ đầu rồi à nha, không phải tôi eo xèo hay là không biết nhập gia tuỳ tục gì à nha...). 

Có vậy thôi, cuối cùng ban tổ chức quyết định không chào cờ, tôi cũng không đứng chung sân khấu với cờ vàng, tôi cũng bảo ban tổ chức không được phép quay video vì nếu quay video thì ảnh hưởng đến hình ảnh của tôi, trong thoả thuận cũng không có phần quay video và phỏng vấn gì hết á... Chỉ là một buổi nghe nhạc miễn phí bình thường thôi à..." Nghệ thuật tự do, yêu thương tự nguyện" mà!!

Vậy đó, thế là tôi ngồi tránh xa các thể loại cờ ra, không ngồi trên sân khấu, tôi hát cho bà con cộng đồng nghe. Ai cũng cảm nhận và chia sẻ sâu sắc những bài hát của tôi, có nhiều cụ đã rơm rớm nước mắt, thấy thương lắm! Buổi nhạc kết thúc vui vẻ, ai cũng vui vẻ đến ôm hôn chụp ảnh lưu niệm, phát biểu cảm nghĩ, thổ lộ sự ủng hộ yêu quý một cách chân tình. 

Vậy mà ngày hôm sau, từ một trang fb của bà bé Bảy và một, hai người nữa (tui không biết có đến buổi nhạc không hay là copy bài từ bà bé Bảy) đã đăng lên những lời chửi rủa ban tổ chức và lôi lại câu chuyện cờ pháo ra tranh cãi...ha..ha...xã hội nào thì cũng có những thành phần quá khích thích thọc gậy bánh xe. Và Xã hội nào cũng có một đám a dua sủa theo om sòm...ha..ha...

Tôi nói thiệt luôn vầy:

Tôi không thích cờ vàng, cũng không thích cờ đỏ, nếu được chọn, tôi thích cờ hồng-màu của yêu thương. Kệ tui chớ!! Đó là về mặt thẩm mỹ. Còn về mặt lý, tôi không có lý do gì để thích cờ vàng, vì chính quyền của cờ vàng dù được trang bị đầy đủ vũ khí bom mìn tối tân nhất thế giới, vẫn để mất nước, để cho lớp trẻ chúng tôi, những người bị rơi vào cảnh buộc phải ở lại, không thể đi đâu được, phải chịu những hậu quả thiếu tự do, thiếu giáo dục như bây giờ. Mấy người đi được nước ngoài rồi thì sướng rồi, muốn nói gì thì nói. 

Tôi cũng không thích cờ đỏ, vì chính quyền phía cờ đỏ đang điều hành đất nước một cách kém cỏi, để đất nước phải chịu những cảnh thảm hoạ, đạo đức suy đồi và nghệ thuật không được tự do.

Tôi không có đấu tranh giành chính quyền, ai thích cai trị ai thì cứ ráng mà giành lấy. Tôi chỉ lên tiếng cho nhân quyền thôi! 

Nếu ai thích nghe tôi hát thì cứ đến nghe hát, nếu ai thích chào cờ thì cứ nhìn cờ, chào!... khỏi nghe hát. Tự do- Dân chủ- Nhân quyền vậy thôi à...


*
*

Khôi xin gửi lời cảm ơn rất chân thành đến những cô chú, anh chị, các bạn trên fb hai ngày nay đã ra sức bảo vệ Khôi bằng những bài viết, bằng những comments, những cuộc bút chiến, những bài share, likes...Cảm ơn mọi người đã dành thời gian để hiểu, thông cảm và ủng hộ sâu sắc về những việc Khôi đang làm, dù là thể hiện ra ngoài hay âm thầm động viên bằng inbox.

Khôi xin thay mặt ban tổ chức chương trình buổi nhạc tại Virgina gửi lời xin lỗi đến những người yêu quý cờ vàng, vì tổ chức luộm thuộm, bộp chộp, không đàng hoàng, đã để sự việc mếch lòng như vậy xảy ra. Khôi thấy làn sóng dư luận mạnh mẽ như vậy chắc cũng có lý do của nó, việc không chào cờ và di chuyển cờ có lẽ đã làm nhiều người cảm thấy bị xúc phạm, mặc dù nó không được ghi vào trong bất cứ một văn bản luật nào, thế nhưng " phép vua thua lệ làng", hơn ai hết, những người trong ban tổ chức, những người đã sống rất lâu bên Mỹ phải hiểu rõ điều đó để không mắc sai lầm. Khôi thì hoàn toàn không biết, như Khôi đã nói trong status trước, những gì diễn ra đã không đi theo thoả thuận ban đầu. Ban tổ chức phải chịu trách nhiệm hết.

Có những sự thật thật quá đau lòng, Khôi cũng muốn xin lỗi nếu đã vô tình gây ra sự tổn thương cho một số các anh chị, cô chú khi viết " Chính quyền phía cờ vàng đã để mất nước..." . Cậu ruột của Khôi là sĩ quan của quân đội VNCH, Khôi cũng có các bạn rất thân ( là Việt Kiều) cũng là những người lính VNCH đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh ấy, họ đã kể rằng lính VNCH được trang bị rất nhiều vũ khí đạn dược tối tân nhất thời đó, thế nhưng vẫn không thể thắng được vì nhiều lý do, và lý do chủ yếu là vì cấp trên ( tức là những nhà cầm quyền VNCH) đã ra lệnh đầu hàng vì biết Mỹ đã rút. Vậy thì câu Khôi viết là sự thật, thế nhưng đó là sự thật đau lòng, bởi vậy, nếu vì câu đó của Khôi đã làm khơi lại một vết thương rất sâu, Khôi thành thật xin lỗi và rút lại lời viết đó. Khôi cũng hiểu được những nỗi bất hạnh, mất mát của những con người phải lìa bỏ quê hương mà đi.

Về chuyện thích hay không thích những lá cờ, Khôi vẫn thấy rằng đó là quyền cơ bản của một con người, những sự lựa chọn trong việc hành xử một vấn đề cũng đều có lý do riêng của nó, Khôi luôn tôn trọng sự khác biệt của tất cả mọi ý kiến của mọi người, nhưng những câu chửi rủa vô căn cứ, chụp mũ, tục tĩu là những điều không bao giờ được ai tôn trọng cả.
Cuối cùng, trong cuộc sống, dù bạn là ai, ai cũng tự đặt ra cho mình một nghĩa vụ phải làm gì đó, người thì bảo vệ gia đình, người thì bảo vệ lý tưởng, người thì bảo vệ tổ quốc, người thì bảo vệ lá cờ, người thì chăm sóc và bảo vệ quá khứ..v..v...việc làm nào cũng có ý nghĩa của nó và đều cùng một mục đích là làm sao cho cuộc sống này được tốt hơn, đẹp hơn, bình đẳng và công bằng hơn. Về phần Khôi, vì những người đã và đang thương mến, ủng hộ Khôi, vì những lý tưởng trong đầu Khôi và trái tim Khôi đang theo đuổi, Khôi sẽ dùng hết tài hèn sức mọn để lên tiếng bảo vệ nhân quyền, dân quyền và tình yêu thương cho đến hơi thở cuối cùng.


*
*



Kính thưa các cô chú, các anh chị, các bạn,

Mai Khôi thật sự cảm thấy rất hối hận vì đã làm các cô chú, các anh chị , các bạn phật lòng, Mai Khôi thành tâm xin lỗi đã làm tổn thương nhiều người bằng những lời lẽ thiếu hiểu biết, sai trái của mình. Trên đường đời, ắt hẳn ai cũng có những lúc suy nghĩ không đúng và phạm sai lầm, Mai Khôi thành tâm xin lỗi tất cả mọi người. Xin lỗi các cô chú, các anh chị vì quá quý mến Khôi đã tổ chức buổi nhạc cho Khôi tại Virgina. Xin lỗi đã làm những người thương mến Khôi thất vọng.

Nhân đây, Khôi xin được phép rút lại những lời nói sai của mình trên Facebook bằng cách xoá hết những status làm phiền lòng mọi người.

Rất mong các cô chú, các anh chị, các bạn nguôi giận, tha lỗi và bỏ qua cho Khôi.

Mai Khôi chân thành cảm ơn sự rộng lượng, vị tha của các cô chú, các anh chị và các bạn.








No comments:

Post a Comment

View My Stats