Thursday, 1 October 2015

Võ Phiến-nhất phiến tài tình… (Trần Trọng Cát Tường - Người Đô Thị Online)





Trần Trọng Cát Tường  -  Người Đô Thị Online
29/09/2015 - 17:30 PM

Với các tác phẩm của Võ Phiến do NXB Thời đại và Nhã Nam phát hành tại Việt Nam vào năm 2012 và 2013, Võ Phiến đã được thế hệ độc giả trẻ tuổi Việt Nam biết đến như là một trong số ít cây viết tùy bút hay nhất Việt Nam thế kỉ 20, qua bút danh Tràng Thiên với tùy bút Quê hương tôi và Tạp văn Tràng Thiên.

Trước mắt tôi bây giờ là tùy bút Quê hương tôi của Tràng Thiên (Nhã nam và Nhà Xuất bản Thời đại, Hà Nội, 2012). Từ lâu đã đọc những tập truyện, tùy bút... ký tên Võ Phiến, những tiểu luận, dịch phẩm... mang bút danh Tràng Thiên. Cứ ngờ ngợ. Không phải vì chưa hề biết đến Võ Phiến là Tràng Thiên mà cũng không phải vì cái tên Tràng Thiên. Cũng không phải vì bức chân dung từng nhìn thấy đang ngự trên bìa sách. Mà sao không ngờ ngợ được. Tác giả thường ý thức sự phân minh rạch ròi, bút hiệu nào dùng cho thể loại nào, đâu phải dùng thế nào cũng được. Không ngờ ngợ sao được khi mà từ sau 1975, trong những bộ từ điển văn học, những bộ lịch sử văn học Việt Nam hầu như chưa có tên ông. Nguyên cớ có thể là do những khúc quanh của đời ông còn phải để ngỏ... Với Quê hương tôi và bút danh Tràng Thiên, vậy là Võ Phiến đã thuận quay về ? Vậy là Võ Phiến đã được trở về?

Trên tay gấp bìa trước, người làm sách giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm: “Tác giả tên thật là Đoàn Thế Nhơn, sinh ngày 20-10-1925 ở Bình Định. Nhà văn nổi tiếng ở Miền Nam thời 1954 – 1975. Viết nhiều loại văn: tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, phê bình, đàm thoại... Quê hương tôi gồm tập Đất nước quê hương in năm 1973 và một số tuỳ bút khác cùng loại”. 

Mà thật ra, con người ấy, bút hiệu lừng danh ấy bằng những cách nào đó đã trở về với người đọc trong nước từ hơn 20 năm qua.

Là Võ Phiến trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê (1993). Là Văn Phố (Viễn Phố?) và VP trong Nguyễn Hiến Lê cuộc đời và tác phẩm (1993). Là V. Ph. trong Để tôi đọc lại (2001). Là Tràng Thiên và V. P. trong Quê hương tôi (2012)...

Trong lần tái bản Quê hương tôi này, ở mặt trang sau lược đề loan báo “Ấn bản này có thêm 100 bản in đặc biệt (...) Tất cả đều có đóng ấn son của Nhã Nam và chữ ký của tác giả”. Chính tay Võ Phiến đã ký lên từng bản đặc biệt này.

Chính tay Võ Phiến đã ký lên từng bản đặc biệt xuất bản trong nước

Với một di sản văn chương đồ sộ, từ thơ, truyện, tiểu luận, tùy bút đến dịch thuật, tạp luận, phê bình, tiểu thuyết …Võ Phiến thực sự là một tác giả lớn trên văn đàn miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975.... Ông không chỉ là cây bút trụ cột của của các tờ Bách khoaMùa lúa mới... và nhiều tờ báo khác mà còn là người chủ trương của Nhà Xuất bản Thời mới (1962); là Giảng sư văn chương của các trường đại học miền Nam (1973 – 1975)... Hơn nửa thế kỷ liên tục viết (từ những năm 1940), với hơn năm mươi tác phẩm đủ thể loại, thể loại nào cũng có giá trị lâu dài – trong đó thể tùy bút được mến mộ nhiều nhất và có thể xem là những tác phẩm bất hủ của văn học Việt Nam hiện đại, Võ Phiến đã tạo ra một thế giới văn chương đa diện và vạm vỡ về chiều kích.  

Tùy bút Đất nước quê hương (Quê hương tôi) là một nét son đậm đà trong văn chương Võ Phiến - một tác phẩm mặn mòi và tinh tế về con người và vùng đất Trung bộ và Nam bộ. Những cảnh nên thơ, lãng đãng trong không gian trầm mặc, hiu hắt gieo lại bao nỗi luyến lưu những nét văn hóa đã bị đánh mất. Trang phục, giọng nói, món ăn, thức uống tạo thành bức tranh đời thường riêng từng vùng miền. Trải dài trên các trang sách là sự hoà quyện độc đáo của hương vị đất nước mà khó gặp ở dân tộc nào khác. Ông trút hết tâm tình về ngọn nguồn duyên nợ khó lý giải của vùng đất Bình Phú (Bình Định – Phú Yên). Ông hồn nhiên với những mộng ước chan chứa tình yêu quê hương và khát khao thống nhất đất nước qua hình ảnh chiếc áo dài – một hình ảnh mềm mại và đẹp đẽ, đủ sức vượt trên những ứng xử thô bạo, tàn ác...

Với Đất nước quê hương, Võ Phiến đã khắc họa một mảng màu đậm đà vào bức chân dung của chính mình, như một hành trang quí báu và bất biến trong những tháng ngày gửi thân ở xứ người.

 Trần Trọng Cát Tường
____________________________ 

Tác giả tùy bút Quê hương tôi qua đời

Nhà văn Võ Phiến vừa qua đời lúc 19h ngày 28.9.2015 tại Mỹ, thọ 90 tuổi.

 Tên thật của nhà văn Võ Phiến thoạt đầu là Đoàn Thế Cẩn, từ năm 1934 được đổi thành Đoàn Thế Nhơn. Ông sinh năm 1925 tại làng Trà Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông là một nhà văn có vị trí rấtquan trọng của văn học miền Nam giai đoạn 1954 -1975.

 Suốt đời Võ Phiến là một công chức, nhưng ông được biết đến là một nhà văn chuyên nghiệp – một nghề tay trái, với hơn 50 đầu sách đã được xuất bản; với nhiều bút danh như Tràng Thiên, Thu Thủy, Hoài Phố,...

Thời gian Võ Phiến học tại Huế, cây bút nổi tiếng Hoài Thanh và Đào Duy Anh là hai trong số giáo sư của ông tại đây. Võ Phiến chính thức bước vào sinh hoạt văn học bằng cách cộng tác thường xuyên trên tờ Mùa Lúa Mới, bằng thơ trào phúng và truyện ngắn, sau ông chỉ tập trung vào việc viết truyện. 

Võ Phiến có người em trai ruột là nhà văn, liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa (tên thật là Đoàn Thế Hối) hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trước 1975 - tác giả của nhiều truyện ngắn hay, trong đó có Màu áo thiên thanh. Chỉ trong 4 năm sáng tác nhưng nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã để lại khối lượng đồ sộ hơn 100 tác phẩm.


-------------------------------

.
.




No comments:

Post a Comment

View My Stats