Bùi Xuân Nhã
Cập nhật: 20/10/2015
Trải qua nhiều thăng trầm trong nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều tập đoàn, tổng công ty do nhà nước thành lập
đã vỡ nợ hoặc sống lây lất trong cảnh nợ nần chồng chất. Hàng tỷ đô-la đã lọt
vào túi các quan tham do tận dụng được kẽ hở của cung cách quản lý “cha chung
không ai khóc” của những cán bộ đầu sỏ, nghèo kiến thức, nhưng giàu lòng tham
và giảo hoạt.
Loay hoay trong nhiều đợt cải cách, sửa đổi, tái cơ
cấu nền kinh tế, nhưng đảng và nhà nước vẫn kiên quyết duy trì đường hướng “quốc
doanh là chủ đạo” bằng cách nắm giữ độc quyền hầu hết những ngành sản xuất quan
trọng trên cả nước. Một số các công ty cổ phần có vốn nhà nước, tuy có thể là
những công ty hái ra tiền nhưng trong thực tế là những công ty làm ăn lời giả lỗ
thật, nơi mà cán bộ quản lý tha hồ chia chác, tiêu xài hoang phí ngân sách đầu
tư. Tuy bị buộc phải chạy theo kinh tế thị trường để tồn tại, nhưng tư duy kinh
tế chỉ huy thời cộng sản còn sâu nặng trong não trạng hầu hết những người vạch
ra chính sách làm nghèo đất nước, cố nắm giữ phần béo bở nhất cho đảng khai
thác hưởng lợi.
Mới đây, dư luận không khỏi ngạc nhiên khi nghe báo
chí trong nước loan tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “chỉ đạo” cho Tổng công ty
Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) rút toàn bộ 45,1% vốn nhà nước tại
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) kể từ ngày 13/10.
Không chỉ có “con bò sữa” Vinamilk phải thoái vốn mà
còn 9 công ty cổ phần lớn khác cũng nằm trong “Đề án tái cơ cấu” của SCIC,
trong số đó có Công ty cổ phần viễn thông FPT; Công ty cổ phần FPT; Tổng công
ty cổ phần Bảo Minh; Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm Quốc Gia v.v…
Truyền thông trong nước dự đoán là sau đợt thoái vốn
này, Hà Nội có thể thu được 3, 4 tỉ đô-la. Hy vọng tràn trề rằng số tiền khổng
lồ này bảo đảm đủ cho chính phủ bù đắp bội chi ngân sách năm 2015, trong khi đã
có kế hoạch vay 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước và phát hành thêm 3 tỷ đô
la cổ phiếu quốc tế. Nguồn vốn thu được cũng giúp Chính phủ có tiền để “cơ cấu”
lại một số khoản nợ trong nước khoảng 2 tỉ đôla Mỹ sắp đáo hạn mà chưa có tiền
thanh toán.
Đến đây không ai không thấy Hà Nội đang càng ngày
càng sa lầy trong những con số nợ khổng lồ mà bản thân nền kinh tế èo uột của
Việt Nam không kham nổi. Với sự chi tiêu hoang phí, bất cần hiệu quả kinh tế,
Hà Nội coi việc đầu tư vào những công trình vô bổ là cách làm giàu nhanh chóng
nhất cho cán bộ đảng viên. Từ đó thành phần này phải bám vào và bảo vệ đảng.
Nhưng đó cũng chỉ là mặt nổi của một tảng băng chìm.
Câu hỏi đặt ra là tại sao "thoái vốn" tức là bán các công ty này cho
tư nhân để chính phủ lấy tiền về trong lúc này? Phải chăng nhà nước bắt đầu nhận
ra thế mạnh của vấn đề tư nhân hóa nền kinh tế để hội nhập vào thế giới? Xem ra
vấn đề cốt lõi của quyết định thoái vốn không nằm trong suy nghĩ lạc quan đó.
Những tháng cuối năm 2015, Hà Nội ráo riết chuẩn bị
cho đại hội đảng CSVN lần thứ 12. Bên cạnh việc gấp rút thay đổi nhân sự các cấp
cùng phe cánh và lót ổ cho các thái tử đảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn phải
lưu tâm đến đông đảo đàn em sắp về hưu trước đại hội. Phải đền ơn đáp nghĩa những
người đã giúp ông vượt qua biết bao cơn sóng gió trong nội bộ đảng cũng như tiếp
tay ông thực hiện những mưu đồ mờ ám trong thời gian qua.
Trước hết, quyết định thoái vốn 10 tổng công ty hàng
đầu của Nguyễn Tấn Dũng vấp phải lời cảnh cáo ngăn chận của chủ tịch nước
Trương Tấn Sang khi trả lời cử tri Sài Gòn về hiện tượng “một số cán bộ giàu
lên rất nhanh, không biết bằng cách nào, trong lúc những vụ án tham nhũng lớn
chưa được xử lý triệt để”. Đây là một kiểu ra đòn đánh phủ đầu của các phe cánh
tìm cách triệt hạ nhau trước đại hội 12.
Thử hỏi hiện nay ai là người có khả năng tài chánh
nhất để mua lại cổ phần trong các công ty mà chính phủ sẽ thoái vốn trong nay
mai? Câu trả lời nhất định sẽ là: chỉ có cán bộ và thân nhân liên hệ, đặc biệt
nhất thành phần cán bộ sắp nghỉ hưu mới làm được việc đó với sự sắp xếp của quyền
lực bên trong.
Đây là cách mà Nguyễn Tấn Dũng trả ơn cho các cán bộ
đàn em trong một thời gian dài đã tận tụy phục vụ mọi mặt cho thủ tướng. Đây
cũng chính là lúc vây cánh của ông Dũng dù đã không còn trong bộ máy cầm quyền
nhưng vẫn có thể tham gia hợp pháp vào việc kinh doanh. Họ sẽ tiếp tục hưởng lợi,
mặt khác sẽ cung ứng tài chánh cho ông Dũng hối lộ, tạo thêm thế lực để giành
được chiếc ghế cao nhất trong đảng trong những ngày sắp tới, trước các đối thủ
trong đảng.
Cho dù có người chỉ nhìn thấy những nguyên nhân trước
mắt của quyết định thoái vốn là do khó khăn tài chính, do bội chi ngân sách và
nợ công gia tăng, nhưng bội chi ngân sách là chuyện thường ngày của một chính
phủ giỏi nghề hoang phí.
Âm mưu của Nguyễn Tấn Dũng qua việc rút vốn giúp tay
chân tiếp tục làm giàu mới là chuyện đáng nói. Nó rõ ràng cho thấy uy quyền của
Dũng vẫn còn quá lớn. Từ sau Hội nghị trung ương 6 đến Hội nghị trung ương 11 vừa
qua, Thủ tướng Dũng vẫn tỏ ra không hề nao núng trước các đối thủ, ngay cả khi
sẽ có Hội nghị trung ương 13 và 14 trước giờ khai mạc đại hội 12 như một số lời
đồn đoán.
Việc thủ tướng chuẩn bị tài sản cho đàn em để tiếp tục
trận quyết đấu cho 5 năm tới còn hứa hẹn nhiều màn gay cấn mà hậu quả sẽ đào
sâu thêm cái hố chia rẽ trong nội bộ đảng, vốn vẫn rộ lên và xì ra lung tung mỗi
lần sắp đến đại hội đảng.
Bùi
Xuân Nhã
---------------
Cùng
tác giả:
- Lễ Tưởng Niệm Cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và Các Anh Hùng Đông Tiến Năm Thứ 28
- Báo Nhân Dân lại vu khống Việt Tân
- StoryMaker: Tại sao Hà Nội lại lồng lộn đả kích?
No comments:
Post a Comment