Tuesday, 20 October 2015

Thế tử đảng lên ngôi (Người Buôn Gió)





Thứ Hai, ngày 19 tháng 10 năm 2015

Trong khi bốn chức vụ hàng đầu là TBT, CTN, Chủ tịch quốc hội, thủ tướng chưa ngã ngũ. Đảng CSVN đã ráo riết một cuộc thay máu mới các nhân sự cấp cao, các quan chức đầu tỉnh.

 Cuộc phân ngôi cho ở các vị trí đầu tỉnh này có lẽ đã được dự định danh sách trình trung ương từ trước đó. Lần đâu tiên các trang Dư Luận Viên của thành uỷ Hà Nội trực tiếp công kích vào danh sách những cán bộ cộng sản trẻ được thăng chức lần này. 

Lê Hoài Phước Bảo con của bí thư Quảng Nam và Lê Trương Hải Hiếu là nạn nhân mở đầu cho cuộc công kích từ phe thành uỷ. Những bài viết của DLV thành uỷ Hà Nội chế giễu, mỉa mai và bóng gió chuyện mập mờ đằng sau việc bổ nhiệm này. Mục đích của thành uỷ Hà Nội là đánh hai nhân vật này để ngăn chặn những nhân vật khác quan trong hơn. Chẳng hạn như Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thanh Nghị.

 Nhưng dường như phe nâng đỡ Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thanh Nghị đã lường trước phản ứng của thành uỷ Hà Nội. Nên họ đưa hai nhân vật tầm trung ra trước để đỡ đòn, đó là Lê Hoài Phước Bảo, Lê Trương Hải Hiếu, một người cấp sở, một người cấp quận.

Khi dư luận đang nóng bỏng về Lê Hoài Phước Bảo, người ít có thế lực nhất vì bố Bảo là bí thư Quảng Nam đã về hưu, một đoàn thanh tra của Bộ Nội Vụ đã được lập ra để đi xác minh vụ này. Dư luận hồ hởi vì thấy thắc mắc của mình đã được quan tâm. Nhưng đó chỉ là một trò lừa đảo mà cộng sản vẫn thường làm. Đoàn thanh tra bộ Nội Vụ đưa ra kết luận Lê Hoài Phước Bảo dược bổ nhiệm đúng quy trình.

Dư luận chưng hửng và phe thành uỷ Hà Nội cũng không biết tìm cách nào để triển khai tấn công tiếp tục. Khi mà sự tấn công của thành uỷ Hà Nội về sự bổ nhiệm nhân sự mới này rơi vào bế tắc, bất ngờ một người trẻ  39 tuổi là Nguyễn Xuân Anh, con của cựu uỷ viên BCT Nguyễn Văn Chi được bầu làm bí thư thành uỷ Đà Nẵng. Một vị trí khá quan trọng mà trước đây ông Nguyễn Bá Thanh từng đảm nhiệm. Tiếp đến Võ Văn Thưởng được bầu làm phó bi thư thường trực thành phố Hồ Chí Minh, chức bí thư này sẽ bỏ trống đợi sau đại hội 12 Bộ Chính Trị sẽ phân công trực tiếp.

 Cuối cùng cả một quá trình liên tiếp bổ nhiệm những lãnh đạo trẻ này, chỉ nhằm để đi đến một mục đích là đưa Nguyễn Thanh Nghị lên làm bí thư Kiên Giang. Nguyễn Thanh Nghị là con trai của thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.

Đạo diễn của màn sắp xếp nhân sự này đã đi những nước tài tình khi để con ông Dũng nhậm chức sau cùng. Những lời đàm tiếu về vụ việc bổ nhiệm lãnh đạo trẻ tuổi này đã rơi vào những người được bổ nhiệm trước như Lê Hoài Phước Bảo, Lê Trương Hải Hiếu. Nói ngắn gọn là đã có người được bổ nhiệm trước ở vị trí thấp hơn đã lãnh đạn dư luận thay cho con ông Nguyễn Tấn Dũng.  Ông Nghị còn trẻ hơn Nguyễn Xuân Anh đến nửa tuổi.  Đặc biệt hơn là em trai ông Nghị, con út của Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Minh Triết cũng đã được bầu vào tỉnh uỷ Bình Định làm tỉnh uỷ viên trẻ nhất nước Việt Nam hiện nay.

Chẳng cần phải nói nhiều, đạo diễn của màn bố trí nhân sự này là Nguyễn Tấn Dũng, uỷ viên BCT, thủ tướng đương nhiệm hiện nay.

Vì sao ban tổ chức trung ương do Tô Huý Rứa lại chấp nhận bổ nhiệm một cách bài bản để có lợi cho hai con trai của Nguyễn Tấn Dũng như vậy ?

Có ý kiến cho rằng đó là việc đánh đổi để Nguyễn Tấn Dũng rời bỏ chính trường vào năm sau. 

Việc đánh đổi như vậy diễn ra với những Uỷ viên BCT đã hết đát, hết cơ hội như trường hợp Nông Đức Tuấn , con của Nông Đức Mạnh. Nhưng ở tình thế hiện nay thì Nguyễn Tấn Dũng có đầy cơ hội lớn để ở lại , thậm chí là còn giữ chức TBT tới đây. Quyền lực của Dũng cũng rất mạnh do cài cắm, mua chuộc, thao túng nhiều tay chân ở trong ban chấp hành trung ương Đảng. Vị thế của Nguyễn Tấn Dũng  ngày hôm nay cũng khác xa với Nông Đức Mạnh ở thời điểm khi xưa tương tự . 

Cho nên khả năng lớn hơn,  chính Nguyễn Tấn Dũng đã buộc ban tổ chức trung ương phải phân bổ và công bố danh sách bổ nhiệm theo trình tự mà ông Dũng muốn. Việc ông Dũng đưa con trai cả của mình làm bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang, con trai út vào làm tỉnh uỷ viên Bình Định sớm là để tránh cho việc sau này, ông Dũng có làm Tổng bí thư , thì không mang tiếng là bổ nhiệm con mình thăng chức trong Đảng khi ông ta nắm quyền tối cao của Đảng.

Nếu như vậy, chứng tỏ Nguyễn Tấn Dũng đã khuynh loát được chính trường cộng sản Việt Nam. Đưa cả hai đứa con trai vào những chức vụ quan trọng trong đảng CS. Nguyễn Tấn Dũng cũng muốn chứng minh với những người CSVN rằng ông ta sẽ còn trung thành, gắn bó với Đảng nhiều năm nữa. Đừng phải e ngại ông ta xoá bỏ đảng CS khi giữ chức Tổng Bí Thư ĐCSVN.

Trường hợp Nguyễn Tấn Dũng đánh đổi cho con mình lên để mình về hưu, liệu Nguyễn Tấn Dũng có an tâm khi thấy trước đây Nông Đức Tuấn được làm bí thư  Bắc Giang , nhưng khi ông bố của Tuấn là Nông Đức Mạnh về hưu, thì Tuấn bị điều chuyển làm phó chủ nhiệm uỷ ban dân tộc , một chức danh ngồi chơi xơi nước, và Tuấn mất hút trong chính trường từ đó đến nay.

Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng, nhưng ông ta còn mang dang dấp của một Bố Già cầm đầu một băng nhóm đầy thế lực. Cái cách mà ông Dũng đưa con mình lên, không khác xa một Bố Già đang huấn luyện cho con mình cách chỉ huy băng nhóm. Cách đây 5 năm, một số người quan sát cho rằng chàng trai trẻ 22 tuổi có tên Nguyễn Minh Triết sẽ là lãnh đạo tương lai. Nhìn vào gương mặt của Triết và anh trai Nghị của mình, có lẽ những nhận định đó có khả năng xảy ra. Nhưng đó là điều ở mười năm nữa sau này.

 Cho dù thế nào, qua cách bổ nhiệm con cái giữ chức vụ quan trọng khi tuổi còn trẻ, sẽ thấy ĐCSVN rất tự tin rằng sự cái trị của ĐCSVN còn tồn tại đến hàng chục năm nữa. Thực tế thì niềm tin của ĐCSVN không phải là thiếu cơ sở thực tiễn. ĐCSVN đang nắm giữ quyền lực, có các mối quan hệ quốc tế, nên họ có cơ sở để đánh giá được điều đó.

Hy vọng về Nguyễn Tấn Dũng mang lại dân chủ , tự do cho Việt Nam là điều xa vời. Ông Dũng khi nắm quyền sẽ  còn giữ đảng để củng cố vị trí con cái của mình, gia đình nhà mình. Nếu có sự đánh đổi với nội bộ ĐCSVN ở đây, thì là sự đánh đổi ông Dũng sẽ bảo vệ ĐCSVN tồn tại nhiều năm nữa khi ông nắm quyền, đổi lại các đảng viên để cho con cái ông được thăng tiến trong Đảng.

Các thế tử, thái tử Đảng lên chức cao. Về mặt nào đó có lợi cho xã hội vì những người trẻ này được cất nhắc nhanh chóng, họ không phải trải qua những năm tháng thủ đoạn cạnh tranh, bè phái, triệt hạ để giành quyền lực như những kẻ đi trước. Một chút ít về nhân cách của họ ít vấy bẩn hơn do không phải tự mình bon chen, tranh đoạt quyền lực. Nhưng đó chỉ là một ít ỏi  có lợi cho xã hội ở những năm tháng đầu tiên những lãnh đạo trẻ này nhậm chức. Theo thời gian , cơ chế xấu xa của ĐCS sẽ vấy bẩn họ nếu họ muốn tồn tại tiếp tục. Lúc đó thì những gì họ học được từ sự tiến bộ của thế giới khi du học lại là con dao hai lưỡi như trường hợp tổng thống Syria bây giờ.

Nếu không có bầu cử lành mạnh, cứ cha truyền con nối như vậy, dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam chỉ phát triển một cách ì ạch, tiến một bước và lùi ba bước. Hãy nhìn những tiến bộ bây giờ bên ngoài hào nhoáng, nhưng bên trong là một đất nước nợ nần đầm đìa, tài nguyên cạn sạch, con người băng hoại đạo đức. Một sự phát triển theo cách tự ăn thịt mình. Sự bổ nhiệm quyền lực cho con cái của mình của các quan chức đảng CSVN hiện nay lại dẫn đến mối lo lắng hơn.

Đó là những lãnh đạo trẻ này sẽ vay ở đâu bao nhiêu tiền, bán những gì trên đất nước này để duy trì cái gọi là phát triển theo kiểu tự ăn thịt mình mà cha chú họ đang làm hiện nay.

Đáng tiếc cho Phạm Quang Nghị, bí thư thành uỷ Hà Nội, ông Nghị vì quá thân Tầu, tỏ thái độ thù nghịch Hoa Kỳ nên đã làm giảm đi ảnh hưởng của mình trước xu thế mới của thời đại đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi trong quan hệ truyền thống. Nếu như ông Nghị không phụ thuộc trắng trợn vào Tàu, ở cương vị TBT ông Nghị sẽ không tham tàn như Nguyễn Tấn Dũng, bởi tính cách hèn yếu, chỉ cắn trộm, giấu mặt đâm lén...ông Nghị sẽ không đủ gan để làm những chuyện động trời nhằm thu phục quyền lực vào tay.

Bởi bản chất của ông Dũng sẽ không mang lại gì thay đổi tiến bộ cho đất nước và nhân dân. Hy vọng ông Dũng thâu tóm cả hai chức TBT, Chủ tịch nước chỉ mang lại một hình ảnh độc tài. Thế nên nếu để Phạm Quang Nghị giữ chức TBT hoặc Thường trực Ban Bí Thư hay Chủ tịch nước để làm đối trọng, ít ra giảm bớt sự ngỗ ngược của Nguyễn Tấn Dũng thì tốt hơn.

Được đăng bởi Thanhhieu Hieubui vào lúc 23:45 


No comments:

Post a Comment

View My Stats