Wed, 10/07/2015 - 23:43 — nguyenlanthang
Một ngày đầu tháng mười rực nắng, chúng tôi về thăm
quê chị Nguyễn Thị Minh Thúy, người đồng vụ án với Anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh
để thăm hai đứa con chị. Vùng quê này không xa Hà Nội, là thôn Ngải Dương, xã
Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Trường tiểu học của
hai con chị Thúy
Chị Thúy sinh ra trong một gia đình có 4 người con,
bố là ông Nguyễn Văn Thật sinh năm 1950, nguyên là cán bộ Vụ tài chính thuộc
Ban tài chính quản trị Trung ương, mẹ là bà Nguyễn Thị Thuyên sinh năm 1948,
nguyên là cán bộ trường Trung học Lao động Tiền lương (thành lập từ năm 1961,
nay là trường đại học Lao động - Xã hội). Hoàn cảnh nông thôn nghèo, dù bố mẹ làm
cán bộ nhà nước nhưng phải xa nhà công tác trên Hà Nội, nên cả bốn anh chị em đều
có một tuổi thơ rất vất vả, phải tự lập từ rất sớm. Chị Thúy là con út, sinh
năm 1980, nên may mắn lớn lên và được đi học đại học khi cuộc sống của gia đình
đã bớt khó khăn. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tử viễn thông - Viện đại học mở
Hà Nội năm 2003, vài năm sau chị kết hôn với một người chồng vốn là hàng xóm
ngay đối diện trước cổng ở quê nhà, và rồi anh chị có hai đứa con trai sinh đôi
đầu lòng.
Những tưởng cuộc sống đã yên bình thì năm 2007 ông
Thật bố chị bị tai biến mạch máu não, phải nằm liệt giường từ đó đến nay. Chị
Thúy thì vài năm sau do những khác biệt trong hôn nhân nên đã ly hôn, lên Hà Nội
làm việc và nhận nuôi một cháu trong hai đứa sinh đôi. Đứa ở với mẹ tên là Đức,
là đứa yếu hơn khi sinh ra nên chị Thúy phải giành phần nuôi để chăm sóc cho
cháu. Đứa kia tên là Minh, ở lại quê nhà với bố. Bố của hai cháu Minh - Đức vài
năm sau đi bước nữa, nay đã có thêm một cháu nhỏ mới 2 tuổi. Là người rất
thương con, nhưng do hoàn cảnh bận rộn công việc kinh doanh nhỏ ở quê nhà, nên
bố cháu cũng không có nhiều thời gian chăm sóc cho chính gia đình mình và cháu
Minh.
Ngôi nhà của bố hai
cháu Minh - Đức hiện tại
Phần về chị Thúy, khi lên Hà Nội chị xin vào làm kế
toán công ty thám tử của Anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh. Hoàn cảnh phụ nữ cô độc
xa nhà lại nuôi thêm đứa con yếu ớt, nên chị Thúy ngoài việc làm cho anh Vinh ở
công ty thám tử còn lăn lộn đủ nghề, kể cả ra đứng bán hàng thuê ngoài chợ cực
kỳ vất vả. May là công ty thám tử cho hai mẹ con ở nhờ trong một căn phòng nhỏ
ngay đó nên cũng đỡ tiền thuê nhà. Sau này, trước khi bị bắt một năm thì chị
Thúy đón nốt cả cháu Minh lên Hà Nội để được đi học cùng với cháu Đức, và cũng
là để bố các cháu có điều kiện chăm lo xây dựng gia đình mới. Nuôi hai đứa trẻ,
riêng tiền học cho hai đứa hàng tháng đã mất vài triệu mà bố các cháu cũng chỉ
gửi lên đóng góp được có một triệu rưỡi thôi. Bà Thuyên thì vẫn loay hoay chợ
búa và chăm sóc chồng nằm liệt tại căn hộ nhỏ của ông bà ở khu tập thể Thành
Công. Căn hộ này nằm trên tầng bốn một nhà tập thể đã cũ, bà Thuyên cũng vừa
cho chị Thúy cơi nới thêm một cái chuồng cu nhỏ phía đằng sau để ba mẹ con có
chỗ chui ra chui vào, đỡ phải đi ở nhờ phiền toái.
Tiền vay nợ sửa chữa nhà còn chưa trả xong thì tai họa
ập đến. Mẹ các cháu bị bắt. Một mình bà Thuyên quay cuồng cáng đáng việc gia
đình. Hai đứa nhỏ vừa được sống cùng nhau trên Hà Nội một năm thì nay lại phải
lùa về quê ở với bố. Bố chúng đi làm suốt cả ngày, từ 6h sáng đến 7h tối mới về
đến nhà, chỉ ăn được với chúng một bữa cơm là may lắm rồi. Cả ngày đi học rồi về
nhà, hai đứa trẻ côi cút lang thang chơi với nhau bên nhà ngoại ngay đối diện.
Bên nhà ngoại thì được cái là rộng rãi, nhưng chỉ có một ông bác hơi có vấn đề
về thần kinh trông cửa trông nhà. May mà ông bác cũng biết úp mì tôm cho hai
cháu ăn rồi chỉ loanh quanh chăm sóc mấy cây ổi trong vườn vậy thôi. Từ ngày mẹ
bị bắt hai đứa gầy rộc hẳn đi, hôm trước được vào trại giam vào thăm mẹ mà Thúy
không nhận ra chúng, không biết là do con gầy hay do mẹ bị giam lâu quá nên lú
lẫn mất rồi.
Đã sang tháng thứ 18 cả hai người bị bắt khẩn cấp vì
tội danh mà theo như cơ quan công an cung cấp với báo chí là thiết lập trang
web chống phá đảng và nhà nước. Điều khốn nạn là cho đến giờ này, hồ sơ vụ án vẫn
chạy loanh quanh trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Không một ai kể cả luật sư
biết được tiến trình điều tra rồi sẽ ra sao. Vụ án trở nên im lặng một cách bí
hiểm. Người ta chỉ có thể phỏng đoán và những phân tích của blogger Người Buôn
Gió cho đến giờ này vẫn có vẻ là hợp lý nhất. Nguyên văn như sau:
<<<…Nguyễn Thị Minh Thuý sinh năm 1980, quê
quán Hưng Yên, đã ly dị chồng và một mình nuôi hai đứa con nhỏ. Là nhân viên kế
toán. Theo thông tin từ báo chí đưa thì Thuý đã nghe chỉ đạo của Nguyễn Hữu
Vinh đưa những bài viết đăng trên trang Anhbasam.
http://infonet.vn/vi-sao-anh-ba-sam-va-nguyen-thi-minh-thuy-bi-bat-post129339.info
Bản cáo trạng sau này nói rằng Nguyễn Hữu Vinh thực
hiện đăng ký các trang mạng, tạo mật khẩu và cung cấp mật khẩu cho Thuý, chỉ đạo
Thuý đưa những bài viết mà Nguyễn Hữu Vinh muốn đưa.
Phần tội danh của Thuý trong cáo trạng mô tả
sơ sài, thiếu thuyết phục. Căn cứ trên bản cáo trạng thì Nguyễn Thị Minh Thuý
chỉ là đồng phạm , không phải chủ mưu, thực hiện một cách thụ động.
Việc kết luận điều tra cũng như bản cáo trạng khép
Nguyễn Thị Minh Thuý cùng chung với Nguyễn Hữu Vinh khung hình phạt là
khoản 2 điều 258 có mức phạt tù từ 2 đến 7 năm là một việc làm khiên cưỡng của
những người điều tra mà cả viện kiểm sát lẫn toà án đều tiếp tay làm ngơ.
Nếu điều tra một cách đúng tình, đúng lý thì Nguyễn
Thị Minh Thuý không thể cùng chung khung hình phạt với người chủ mưu là Nguyễn
Hữu Vinh. Đây là điều bất công trong vụ án này đối với chị Nguyễn Thị Minh
Thuý, người phụ nữ đơn thân đang phải nuôi hai con nhỏ.
Tất nhiên nếu có một phiên toà, trong cùng khung
hình phạt này toà án sẽ xử Nguyễn Thị Minh Thuý mức án thấp hơn Nguyễn Hữu
Vinh. Lúc đó dư luận chỉ chú ý đến mức án khác nhau và họ quên mất một điểm trước
đó là cả hai người trong cáo trạng quy vào một khung hình phạt giống nhau.
Tại sao cơ quan tố tụng không đưa Nguyễn Thị Minh
Thuý vào khoản 1 ngay từ đầu, mà phải đưa ngang bằng Nguyễn Hữu Vinh là vào khoản
2 điều 258.?
Đây là một câu hỏi lẽ ra các luật sư và dư luận cũng
như gia đình của chị Nguyễn Thị Minh Thuý phải cực lực lên án các cơ quan tố tụng
ở vụ án này. Bởi đó là một âm mưu đê hèn của cơ quan điều tra an ninh Bộ Công
An Việt Nam.
Nếu vào khoản 1 điều 258 quy định rằng người phạm tội
bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Thì Nguyễn Thị Minh Thuý phải được xét xử khi chưa đến 6 tháng bị tạm giam. Sở
dĩ là 6 tháng vì có tội thế nào ra toà mới rõ, để đảm bảo cho bị cáo, luật đã
quy định thời hạn tạm giam không thể quá mức thấp nhất của khung hình phạt.
Nhưng trọng vụ án này, cơ quan điều tra đã không
khai thác được bằng chứng từ Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Nên họ đã đưa Nguyễn Thị
Minh Thuý vào cùng khung hình phạt, để hợp thức hoá việc tạm giam kéo dài người
đồng phạm thụ động này với người chủ mưu. (Lưu ý, việc dùng từ bị cáo, đồng phạm,
chủ mưu là căn cứ trên bản cáo trạng của cơ quan tố tụng đưa ra).
Cơ quan an ninh nghĩ rằng việc giam giữ kéo dài một
người phụ nữ phải nuôi hai con nhỏ sẽ có những thuận lợi cho họ. Thứ nhất là
người phụ nữ này sẽ hoang mang, suy sụp, nhận mọi điều mà cơ quan an ninh đặt
ra. Thứ hai là thông qua việc giam giữ Nguyễn Thị Minh Thuý sẽ khủng bố tinh thần
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, khiến Vinh phải lo nghĩ và nhanh chóng chấp nhận những
cáo buộc của an ninh điều tra đưa ra.
Lẽ ra một pháp luật minh bạch và nhân đạo người ta sẽ
xét đến hành vi đồng phạm thụ động của Thuý và tình cảnh đáng thương là bà mẹ
đơn thân nuôi hai con nhỏ, kinh tế khó khăn để xử lý đúng người, đúng tội, vừa
khách quan, nghiêm minh vừa nhân đạo. Đằng này cơ quan an ninh điều tra lại lợi
dụng hoàn cảnh đáng thương của Thuý, dùng thủ đoạn nâng khung hình phạt để kéo
dài hợp thức hoá thời gian giam giữ Nguyễn Thị Minh Thuý. Nhằm mục đích
khủng bố tinh thần bị cáo, buộc bị cáo phải theo những yêu cầu mình muốn…>>>
Tìm hiểu gia cảnh, tôi thì thấy Thúy từ trước đến
nay là một người rất cương trực, rất nghị lực. Không dễ gì cơ quan điều tra có
thể bẻ gãy một cô gái có trình độ, có hiểu biết xã hội, có bản lĩnh như Thúy. Nếu
để nhẹ nợ cho mình thì ngay từ những tháng đầu tiên bị bắt, Thúy đã có thể khai
linh tinh gì đó theo hướng dẫn dắt của cán bộ điều tra. Sau này có ra tù rồi bảo
bị ép cung, bị dụ dỗ, bị lừa phỉnh thì cũng chả ai ở bên ngoài nỡ trách gì cô.
Ai có con nhỏ chắc đều hiểu tấm lòng người mẹ đau xót thế nào khi phải chia lìa
con cái trong một hoàn cảnh gia đình éo le đến vậy. Cảm phục tinh thần của Minh
Thúy bao nhiêu, chúng tôi càng xót thương hai đứa nhỏ bơ vơ đến thắt lòng.
Khi chúng tôi ngồi nói chuyện với người lớn trong
nhà thì hai đứa trẻ chơi với nhau loanh quanh đó. Thằng Minh loay hoay cắt dán
thủ công một ngôi sao năm cánh theo hướng dẫn trong sách giáo khoa. Thằng Đức
(đeo kính) thì chơi bên cạnh anh với mấy viên bi ve. Hai đứa thích chụp ảnh lắm
và tạo dáng các kiểu cho tôi thoải mái chụp.
Chia tay gia đình, tôi thay mặt cho những người anh
em thực sự của anh Vinh Ba Sàm, những người không mưu cầu danh lợi mà chỉ luôn
khao khát tự do, dân chủ cho đất nước này, xin gửi đến bà Thuyên một món quà là
10 triệu đồng, để mong góp phần một chút nhỏ đỡ đần việc nuôi hai cháu ăn học
lúc mẹ vắng nhà.
Chẳng mấy khi bà về, lúc tiễn bà ra ngõ hai đứa trẻ
cứ bíu lấy hai bên không muốn rời xa.
Trong khoảng hiên này một lúc nữa thôi lại chỉ có
hai anh em chơi với nhau.
Ngày xưa giặc giã, có nàng Tô Thị bế con hóa đá chờ
chồng chinh chiến nơi xa...
Ngày nay đất nước hòa bình ấm no hạnh phúc, có
hai đứa trẻ sắp hóa đá chờ mẹ về bên./.
No comments:
Post a Comment