Mon, 10/05/2015 - 21:54 — canhco
http://www.rfavietnam.com/node/2836
Nếu ai từng sống ở miền Nam sau ngày 30 tháng 4 có lẽ
sẽ khó quên câu chuyện truyền miệng lấy ra từ một bài báo trích lời Thủ tướng
Phạm Văn Đồng nói rằng: “một ký rau muống có chứa chất bổ dưỡng ngang với một
ký thịt bò”.
Người miền Nam tuy dễ tin, dễ tin đến độ ngây thơ,
nhưng cũng tỏ ra nghi ngờ sự so sánh có vẻ “gập ghềnh” này mặc dù dân Nam vốn
quen với cách leo trèo trên những chiếc cầu khỉ ở quê mình. Người Sài gòn thì
khác, rau muống và thịt bò được mang ra mổ xẻ trên các bàn tiệc thanh đạm khi
nhà có khách hay giổ quẩy, tang tế. Cho tới năm 1978, miếng thịt bò trở quý hiếm
cùng cực, ngoài chợ họa hoằn lắm là vài ba lạng thịt của những chú bò kiệt sức
từ Hóc Môn hay Bình Chánh chở về. Nhiều chợ nội thành rộ lên việc mua bán bắp hạt,
khoai mì hay rau lang, rau muống…những thứ có thể nấu độn với cơm. Bà nội trợ lận
lưng vài ngàn bạc, ngẩn ngơ nhìn bó rau muống đã được gia đình ăn đến ngấy và
có thể nói chỉ nhìn thôi cũng đã cạn dòng nước giải.
Rau muống và thịt bò lúc ấy được dân miền Nam rạch
ròi và họ rất tự tin rằng nếu ai nói rau muống có thể thay thế thịt bò thì ngay
lập tức sẽ nhận ánh mắt không khinh bỉ thì cũng lạnh lùng lảng tránh.
Rau muống và thịt bò tưởng đã an giấc nghìn thu bỗng
dưng sống dậy, hiện hình ở một dạng khác, tinh vi hơn, thuyết phục hơn…có lẽ do
người dân đã biết phân biệt giữa thực tế và câu chữ luyến láy sệt mùi tuyên
giáo nên lần này rau muống ngụy trang kỹ hơn, thịt bò được sơn phết trông tươi
tắn dưỡng chất và giống hơn ngày xưa, cái thời miếng thịt bò chỉ nằm trên trang
giấy của báo Sài gòn Giải phóng.
Thịt bò lần này là chủ nghĩa xã hội tại Cuba và rau
muống là những công ích mà nhân dân trên ốc đảo này đang thụ hưởng.
Người tận dụng sự hiểu biết về chủ nghĩa xã hội của
mình là một cán bộ dưới cái tên Trí Lê, đã đặt tựa bài báo rất kêu, có thể nói
đầy thách thức nữa là khác: Bao giờ VN mới được như Cu Ba? (1) .
Bài viết mở đầu bằng tất cả sự trân trọng dành cho
hai đất nước, một là Bắc Triều Tiên và hai là Cuba. Bắc Triểu Tiên thì tác giả
dẫn lời ông Lê Quảng Ba khẳng định đây là một nơi đáng sống vì họ lo cho trẻ em
rất đảm bảo và đường xá, hạ tầng cơ sở rất được coi trọng.
Ông Lê Quảng Ba từng được báo chí cả hai lề ném đá
và không cần thiết phải nhắc lại ở đây. Chỉ xin một câu ngăn ngắn nhắn lại với
ông Trí Lê: Bình Nhưỡng vẫn đang kêu cứu với LHQ xin gạo cứu đói trong đợt mất
mùa mới nhất và LHQ vừa công bố bản phúc trình của trẻ suy dinh dưỡng tại Bắc
Triểu Tiên đấy ông ạ.
Còn về Cuba, cái tựa khá khiêu khích ấy làm nhiều
người ngẩn ngơ: thì ra bao lâu nay mình bị bịt mắt, bị phân tán tư tưởng và nhất
là bị bọn tư bản nó đầu độc, làm méo mó thông tin về một đất nước đáng sống và
đáng ngưỡng mộ.
Ôi, vậy mà năm ngoái ông Thủ tướng lại bày đặt tặng
không cho Cuba 5.000 tấn gạo không biết làm chi nữa? và lô gạo đầu tiên đã giao
tại cảng Mariel (Cuba) vào ngày 26/10/2014, và số gạo này được giao đủ trong
tháng 11/2014.
Cái tên cảng Mariel dẫn tới một câu chuyện khác mà
người dân Cuba có lẽ vài thế kỷ nữa vẫn không thể quên được đó là “sự kiện
Mariel” xảy ra vào ngày 15 tháng 6 năm 1980 khi Fidel Castro bị làn sóng người
dân Cuba đòi vượt biên tị nạn sang các nước khác đã công khai ra lệnh không được
đàn áp họ và cho phép người muốn ra đi chỉ được khởi hành tại cảng Mariel mà
thôi. Kết quả là đã có 125 ngàn người tới bờ biển Miami của Mỹ để rồi sau đó
chính phủ của Tổng thống Clinton phải cho phép rút thăm mỗi năm để nhận vào nước
Mỹ 20 ngàn người Cuba ra đi hợp pháp, thay vì ra đi ào ạt như trước.
Sự quỷ quyệt của Fidel Castro cho một kết quả đáng
suy gẫm: Mỗi năm người Cuba lưu vong gửi về cho gia đình mình 3 tỷ đô la, số tiền
này tuy đã bị giới hạn của chính phủ Mỹ chỉ cho phép gửi về 2.500 đô la một
năm, cũng đủ để nuôi sống chính phủ và gần 12 triệu người dân Cuba trong hơn 30
năm qua.
Và nhờ nó mà Trí Lê mới thấy được điều mà ông ta cho
là chừng nào Việt Nam mới bằng Cuba.
Trí Lê viết: “Những
kẻ trọc phú ở Việt Nam nhìn người dân Cuba bằng con mắt của kẻ lắm tiền. Nhưng
họ không biết rằng, ở Cuba, có những điều mà ít nhất 2/3 dân số Việt Nam đang nằm
mơ cũng không được như vậy”.
Để chứng minh, tác giả liệt kê một loạt những điều
đang xảy ra tại đất nước suốt năm mùa hè này. Thứ nhất, Cuba là nơi bao cấp cho
trẻ em học từ bậc tiểu học cho tới đại học mà không tốn học phí gì. Nhà nước lo
cho các em ăn trưa tại trường và đặc biệt hơn em nào cũng được uống sữa không tốn
tiền cho tới lớn.
Tác giả đã che đậy những thông số mà đáng lẽ phải liệt
kê ra luôn cho người đọc so sánh. Bậc tiểu học của Cuba và ngay cả khi lên tới
thạc sĩ được nhà nước bao cấp, đồng ý. Nhưng học gì và học như thế nào thì cần
phải hỏi các định chế độc lập khác, những nơi mà ông Trí Lê không thể cho là
bóp méo sự thật hay cố tình tuyên truyền chống phá.
Hãy xem bản phúc trình của World Bank về giáo dục tại
Cuba.(2)
Điều đáng lưu ý trong bản phúc trình này là tất cả
các sinh viên cao học, tức là những người được miễn học phí sẽ là cán bộ sau
khi ra trường và họ được nhà trường huấn luyện về các môn học để thực hiện mục
tiêu mà chính phủ đề ra.
Đây là khác biệt lớn nhất và cũng là mục đích mà
chính phủ Cuba bao cấp cho giáo dục.
Trong môi trường học vấn như thế liệu công dân tương
lai của Cuba sẽ giúp ích được gì cho bản thân, gia đình và xã hội hay cuối cùng
cũng chỉ là những con cừu trong cái chuồng trại chủ nghĩa xã hội mà tác giả Trí
Lê hết lòng hâm mộ?
Ông viết: “giáo
dục của Cuba được xếp vào hàng tiên tiến nhất thế giới, ngang với Đan Mạch. Y tế
Cuba thì đứng vào hàng đầu và họ đã chế ra được vắc-xin phòng chống bệnh ung
thư và nhiều loại thuốc đặc biệt khác”.
Có lẽ tác giả đã quá lời khi nâng rau muống ngang tầm
với thịt bò. Khi so sánh hai nền giáo dục thì chính tác giả đã lậm vào việc
phân tích trong rau muống có chất này, chất kia cũng y như thịt bò vậy, nhưng
tác giả quên mất rằng, thịt là thịt mà rau là rau, ngay một đứa trẻ lên ba cũng
biết thế nào là vị ngon của thịt mà rau muống không thể có. Cũng như mục tiêu của
giáo dục Đan Mạch không hề đào tạo ra những con người phục vụ cho guồng máy độc
đảng, mà họ đào tạo ra những công dân tự do, những tri thức có thể làm chủ thế
giới vì vậy sự so sánh không thể gọi là khập khiểng mà hình dung từ “không
lương thiện” sẽ chính xác hơn.
Tác giả gọi việc bao cấp y tế và giáo dục là thiên
đường xã hội chủ nghĩa là điều mà Việt Nam thèm khát cũng không có được.
Vâng đúng là xã hội chũ nghĩa mới có những thành tựu
rực rỡ như vậy, nhưng bù lại, người dân Cuba sống trong cái lồng xã hội chủ
nghĩa ấy đang ra sao và họ làm gì khi được bao cấp?
Tưởng người dân Việt cũng nên hình dung ra cái mà
tác giả Trí Lê gọi là thiên đường:
Theo thông tin từ nguồn của chính phủ Cuba thì người
dân nước này đang được nhà nước cung cấp chế độ tem phiếu. Chi tiết mỗi tháng
được cung cấp như sau: (3)
Gạo 2 ký 7, đậu các loại: 570 gr, đường cát trắng 1
ký 4, đường cát vàng 1 ký 4, Sữa chỉ cấp cho trẻ em dưới 7 tuổi 1 lit mổi ngày.
Trứng chỉ cấp từ tháng 9 tới tháng 12: mỗi người 12 trứng. Khoai tây, chuối 6
ký 8.
Tất cả được bán với giá quốc doanh tức là rất rẻ.
Những ai từng ở miền Bắc sẽ hiểu thế nào là bao cấp,
là tem phiếu, tưởng không cần nhắc nữa thì người dân đã đủ lạnh xương sống rồi
và họ không cần ăn miếng thịt bò làm từ rau muống.
Còn rất nhiều điều khác mà tác giả nhìn thấy bằng
con mắt của một cán bộ công an hơn là một du khách khi tác giả tự nhận rằng:
“Người viết bài này
cũng đã được sang Cuba tới 4 lần từ năm 2006 đến nay; cũng đã được làm việc với
lãnh đạo Bộ Kinh tế Cuba; Bộ Nội vụ Cuba và lãnh đạo công an một số tỉnh,
thành. Rồi cũng đã gặp gỡ không ít cán bộ, công nhân Cuba, trong đó có không ít
người đã từng sang giúp ta mở đường Hòa Lạc – Xuân Mai, xây dựng khách sạn Thắng
Lợi, mở đường Hồ Chí Minh…”
Có lẽ do làm việc nhiều với cơ quan bạn nên tác giả
không có cơ hội tìm hiểu sâu hơn để biết rằng điều mà mình khẳng định (do bạn mớm
lời) là hoàn toàn lệch lạc so với sự thật khi viết rằng: “bình quân thu nhập
theo đầu người của Cuba còn gấp 3 lần người Việt Nam (khoảng 3.000USD/người/năm)”.
Hơn nửa ông còn viết: “Đúng là người dân Cuba còn thiếu thốn bởi cái lệnh cấm vận cực kỳ dã
man của Mỹ. Nhưng trong phạm vi có thể, Chính phủ Cuba đã lo cho trẻ em và người
già hết mức. Đấy chính là bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.”
Con số 3 ngàn đô la ấy bao nhiêu là từ tiền của dân
Cuba lưu vong gửi về và phải chăng tính luôn vào những chi phí bao cấp mà nhà
nước bỏ ra?
Hãy tìm thêm dữ liệu về thông tin mà Trí Lê đưa ra,
theo World Bank thì trong danh sách 196 nước nghèo nhất thì Cuba xếp hạng 73,
thu nhập trung bình của người dân Cuba từ 12 tới 25 đô la một tháng. Tất cả mọi
chi phí sinh hoạt chính như nhà ở, điện, nước, chăm sóc y tế và giáo dục nhà nước
bao cấp và vì vậy 25 đô la một tháng họ vẫn đủ trang trải.
Nhưng trang trải trong sự ước mơ, từ cây kem đánh
răng tới cục xà phòng giặt quần áo đều xa xỉ và mắc mỏ ông ạ. Đơn giản vì nhà
nước không cung cấp cho họ.
Vâng, để được bó rau muống cho dù phải xếp hàng, phải
làm đơn, phải đút lót cho nhân viên mậu dịch thì vẫn hơn là đói cả nhà. Thế
nhưng khi nâng những thứ mà nhà nước bao cấp trở thành miếng thịt bò đáng mơ ước
thì liệu tác giả có đi quá xa không?
Câu hỏi quan trọng nhất mà ai cũng muốn biết: Bao cấp
phải chăng để vĩnh viễn cai trị vì khi người dân không còn biết nơi nào khác
trên trái đất có đời sống tốt đẹp hơn thì họ nào cần tới miếng thịt bò, và vì vậy
cứ âm thầm nhai bó rau muống mà anh em nhà Fidel đã bố thí cho người dân của
mình trong gần thế kỷ qua?
Và rồi do trào lưu thế giới không còn như xưa, người
dân có quyền sống trong môi trường tự lập và hưởng thụ quyền làm người của
mình, đặc biệt từ sức ép của cộng đồng người Cuba tại Miami mà mới đây Cuba đã
đắng lòng bắt tay với Mỹ nhằm chấm dứt chế độ bao cấp mà ông gọi là thiên đường
xã hội chủ nghĩa này?
No comments:
Post a Comment