Wednesday, 7 October 2015

Ra mắt tuyển tập 'Công Giáo Việt Nam 2005-2015' (Nguyên Huy/Người Việt)





Nguyên Huy/Người Việt
Tuesday, October 6, 2015 4:56:48 PM 

WESTMINSTER, California (NV) Sáng hôm Thứ Bảy, 3 Tháng Mười, tại hội trường thành phố Westminster, nguyệt san Diễn Ðàn Giáo Dân đã tổ chức buổi ra mắt tuyển tập “Công Giáo Việt Nam 2005-2015.”

Nhà văn Trần Phong Vũ, điều khiển chương trình, cho biết: “Ðây là một buổi sinh hoạt văn học. Cuốn sách được giới thiệu hôm nay là một tác phẩm văn học, không phải là một cuốn sách nói về tôn giáo. Cuốn sách nói lên một sinh hoạt đấu tranh do các anh em Công Giáo hải ngoại đóng góp để tìm ra con đường cho khối tôn giáo (không chỉ Công Giáo) ở Việt Nam phải làm gì, vào lúc nào.”

Hai diễn giả Mặc Giao (trái) và Nguyễn Văn Lục trong buổi ra mắt tuyển tập “Công Giáo Việt Nam 2005-2015.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Nhà văn Trần Phong Vũ cũng nhắc đến cách đây 10 năm, một cuốn sách tương tự cũng đã được Diễn Ðàn Giáo Dân phát hành, cuốn “Ba Mươi Năm Công Giáo Việt Nam Dưới Chế Ðộ Cộng Sản.” Lần này, với cuốn “Công Giáo Việt Nam 2005-2015,” nội dung được nới rộng hơn do từ nhiều tác giả ờ khắp nơi đóng góp những ghi nhận, những nhận định thiết tha của mình trước tình trạng tôn giáo ở Việt Nam, đồng thời cũng trình bày những quan điểm về đất nước Việt Nam, về Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Vẫn theo ông, cuốn trước đã được in lại tại Việt Nam, với số lượng là 500 cuốn. Lần này, cuốn “Công Giáo Việt Nam 2005-2015,” ngay khi vừa in xong, đã chuyển về trong nước được 200 cuốn.

Hai thuyết trình viên trình bày và giới thiệu cuốn sách này là hai nhà trí thức danh tiếng từ Canada qua. Ðó là cựu Dân Biểu Mặc Giao và nhà văn Nguyễn Văn Lục.

Giới thiệu về hai thuyết trình viên này, nhà văn Trần Phong Vũ cho biết cả hai đều đã có những tác phẩm về văn học, như Mặc Giao thì có “Một Cái Nhìn Khác Về Văn Học Việt Nam,” còn Nguyễn Văn Lục thì có “Một Thời Ðể Nhớ” và một cuốn nhận định về Công Giáo Việt Nam. Cả hai cuốn này, đến nay, chính tác giả cũng không còn được một cuốn nào.

Giới thiệu về tuyển tập “Công Giáo Việt Nam 2005-2015,” cựu Dân Biểu Mặc Giao đã đề cập đến bố cục của cuốn sách, trình bày những bài viết về bốn loại. Một là các bài viết về vụ Tam Tòa. Hai là các bài viết về mối bang giao giữa CSVN và Giáo Hội Việt Nam và Tòa Thánh Vatican. Ba là quan điểm của những tác giả trong và ngoài nước. Bốn là các văn kiện liên quan đến các vụ tranh đấu của giáo dân với Cộng Sản.

Sau khi trình bày bố cục cuốn sách, ông Mặc Giao đề cập đến những dư luận cho rằng “chúng tôi làm áp lực với Giáo Hội Việt Nam phải theo ý kiến của chúng tôi,” rằng “chúng tôi có định kiến với CSVN, v.v...”

“Thật ra chúng tôi đã chỉ nói lên sự thật và những sự thật này đã bị Cộng Sản bóp méo để hóa giải những phẫn nộ dẫn đến đấu tranh của giáo dân trong nước,” ông Mặc Giao nói.

Ông nói thêm: “Chúng tôi không làm tuyên truyền không đả kích lên án nhà cầm quyền Cộng Sản, cũng không đề cao những chủ chăn đồng quan điểm với chúng tôi và cũng không phê bình những chủ chăn nào không chịu tranh đấu. Nhưng chúng tôi phải ca tụng những việc làm tốt đẹp cho giáo hội, giáo dân và phân tích cho mọi người thấy sự chủ trương thỏa hiệp với Cộng Sản hoặc cộng tác quá đáng với Cộng Sản đến độ đồng lõa với nhà cầm quyền để tiêu diệt tôn giáo. Nếu chúng tôi không nói lên những sự thực này, thì ai sẽ lên tiếng. Chúng tôi đã nói hộ cho những người dân trong nước không nói được. Tuy đã có một số ít giáo sĩ đã lên tiếng, nhưng đại đa số lại im lặng vì bản tính, vì tôn trọng kỷ luật trong hàng giáo phẩm.”

Sau khi trần tình về những bài viết trong tuyển tập, cựu Dân Biểu Mặc Giao kết luận: “Chúng tôi dùng sự suy tư và ngòi bút để nói lên thực trạng của đất nước, của giáo hội, vạch trần những âm mưu, những hành động tàn ác của Cộng Sản đối với người dân Việt, với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam... Nếu những bài viết của chúng tôi có thể góp phần đánh động dư luận và làm cho nhà cầm quyền bối rối để phải thay đổi hay mạnh tay hơn, tàn ác hơn dẫn đến sự phẫn nộ và hành động của người dân, thì việc làm của chúng tôi không phải là vô ích.”

Tiếp lời ông Mặc Giao, nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục, trong một phong thái không kềm được bực tức, đã thiết tha trình bày những cảm nghĩ của mình, của các tác giả trong tuyển tập về những việc làm của Giáo Hội Việt Nam trước những đàn áp, trù diệt của nhà cầm quyền Cộng Sản đối với giáo dân và giáo hội.

Ông phát biểu: “Ðây là cuốn sách viết về nhiều vấn đề, đặt ra những vấn đề như người Công Giáo có phải chỉ là những người đi nhà thờ thôi không? Vai trò của linh mục trong xã hội Việt Nam bây giờ, tâm trạng của họ trong xã hội Cộng Sản. Không thể để 3 triệu người Công Giáo Việt Nam bị Cộng Sản chi phối lương tâm của người Công Giáo, vai trò của giáo dân trong xã hội...”

Ông Lục phát biểu: “Rất thất vọng vì những người lãnh đạo Công Giáo Việt Nam đã không làm tròn được vai trò, không đối đầu mà lại cộng tác. Nếu chúng ta không nói lên thì thật là bất nhẫn bởi đã có sự đồng lõa với cường quyền. Mười năm sau nhìn lại, những nỗi ưu tư vẫn còn đó, những thương tích giáo hội phải mang thêm không có triệu chứng nhẹ bớt mà còn trầm trọng hơn. Chiếc áo bề ngoài rực rỡ bằng những lễ tấn phong, hội hè xây cất không che giấu được bàn tay của nhà nước nhúng vào việc nội bộ của giáo hội.”

Ông Nguyễn Văn Lục cho rằng phải tìm một lối thoát nào khác cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam để có thể nói lên tiếng nói bất mãn, oan trái trước những bách hại của Cộng Sản đối với giáo dân. Ðó là tâm huyết của những người viết trong tuyển tập này.

Ông Lục kết luận: “Ðây là một cuốn sách quý của các nhà trí thức Công Giáo trong và ngoài nước cùng viết, mong mọi người đón nhận và tìm đọc.”

Sau phần thuyết trình, một số các trí thức Công Giáo ở Nam California cũng lên góp tiếng nói về giá trị khách quan của tuyển tập “Công Giáo Việt Nam 2005-2015.”

Tuyển tập dầy gần 600 trang, khổ sách lớn, giá $20.

Quý độc giả muốn có sách xin liên lạc qua email: toabaoddgd@yahoo.com, hoặc đến tòa soạn nguyệt san Diễn Ðàn Giáo Dân, 7864 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683.

--------------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats