Trung Nghĩa
Posted by adminbasam on
04/10/2015
Đôi
lời: Mấy ông quan lớn không biết rằng, khi nghe tin có
ông nào chết, dân chúng đã ăn mừng như thế nào hay sao? Cứ xem tin tức người
dân đón nhận thông tin về cái chết của ông thượng tướng Phạm Quý Ngọ, của Trưởng
ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh, hay gần đây nhất là thông tin chết hụt của tướng
Phùng Quang Thanh… để biết người dân “yêu thương” các ông đến mức độ nào! Mấy
ông tưởng rằng ghi tên mình trong những cây to để lại, có thể làm cho người dân
nhớ đến mình à?
___
Có lẽ người khởi xướng tết trồng cây là ông Hồ Chính
Minh với một cây thơ nổi tiếng
“Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”
Ai cũng biết trồng cây là một điều rất tốt, rất đáng
được hoan nghênh vì nó góp phần cải thiện đất hoang, phát triển kinh tế và nâng
cao nhân thức cho mọi người về bảo vệ môi trường. Có lẽ vì khẩu ngữ “học tập
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà gần như tất cả các quan chức của Việt
Nam từ cấp thứ trưởng, bộ trưởng hay cao hơn hoặc thấp hơn như cấp tỉnh uỷ viên
đều noi theo khẩu hiệu này. Họ trồng cây một phần là muốn để lại dấu ấn của họ
(mà theo quan niệm của người viết thì đây là cách rẻ tiền nhất, ít tốn kém nhất
và cũng “hiệu quả “nhất).
Thông thường, nơi tổ chức sự kiện nào đó khi muốn một
quan chức “trồng cây”, họ sẽ chuẩn bị sẵn một cái cây nào đó, thường sẽ có người
khiêng sẵn cho họ, để xuống hố, còn các quan chức thì chỉ việc mặc áo quần bảnh
bao chỉnh tề caravat hay các quan chức nữ thì áo dài/váy đầm thướt tha, cầm cái
thuổng hay cái cuốc rồi giơ lên….lúc này sẽ là nhiệm vụ của các thợ chụp ảnh
đăng bài….
Những hình ảnh về các quan chức trồng cây cứ xuất hiện
đều đặn trên các mặt báo. Cứ thế, họ “trồng” đó rồi vứt đó, chẳng phải là do
tâm huyết gì, chẳng phải mang vác cái cây mà họ thích đến tận nơi họ muốn tặng,
chẳng phải chăm sóc, tưới tắm cho cái cây và cũng chẳng cần biết số phận chúng
ra sao. Có những chuyện buồn cười là, ở một đơn vị nọ, do diện tích đất chật hẹp,
3 tháng trước họ được một UVTW Đảng về “trồng” cho một cây, sau đó vì cây đó còi
cộc không lớn nổi, nhân dịp một vị quan chức là thứ trưởng một bộ về thăm, họ lại
nhổ bỏ cái cây cũ đi và lại nhận sự quan tâm của vị quan chức đó bằng cách cho
vị này “trồng cây” ngay tại vị trí đó.
Cách đây ít ngày, tôi có dịp đi chơi ở Hạ Long, nhân
dịp ghé qua Tràng An, Tam Cốc Bích Động của Ninh Bình. Điều thú vị là tại một
nơi thâm sơn cùng cốc này là một hòn núi trong khu du lịch Tràng An – hành cung
Vũ Lâm – nơi được cho rằng thượng hoàng Trần Thái Tông đã đến và tu hành cũng
ghi dấu ấn “Văn Hóa trồng cây” của các vị quan chức cấp cao.
Những cây xanh xung quanh thiền viện xum xuê, yên
tĩnh. Tất cả các cây ở đây đều là do các quan chức “trồng”. Tôi nhìn một tảng
đá ghi “CÂY XANH DO ĐẠI TƯỚNG TRẦN ĐẠI QUANG, UVBCT, BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN TRỒNG
NGÀY 16-02-2014”. Có thể tôi chẳng có kiến thức về trồng trọt, nhưng tôi cũng
có thể biết cái cây này có tuổi không dười 10 năm, thậm chí hơn nữa, nhưng tấm
biển lại ghi là do ông Quang trồng vào ngày 16-02-2014 tức là vào thời điểm này
thì nó cũng chỉ khoảng 18 tháng tuổi!
Có một giả thiết đặt ra là họ khuân vác một cây khá
to, đào cả gốc và khối đất bên dưới đem vào trồng. Nếu điều đó xảy ra thì họ phải
dùng xà lan hay thuyền to. Tuy nhiên vì tuyến đường vào khu thiền viện này qua
4-5 cái động rất bé và thấp, mỗi lần nước lớn, chúng tôi phải cúi rạp người để
không bị đụng vào đà ở trên đầu. Cảm giác hồi hộp và thú vị rất ấn tượng. Thuyền
nan thì bé và thấp, chở từ 2-4 du khách mới vào được thì khó mà dùng thuyền lớn.
Tôi tò mò hỏi chị lái đò “cái cây này do ông bộ trưởng
trồng hả chị, chị có biết về buổi lễ trồng cây đó không?” Chị lái đò thở dài “ối giời ơi, em làm nghề lái đó này đến nay
hơn 25 năm rồi, cái cây này em thấy nó từ ngày em còn chưa đẻ thằng con của em,
bây giờ nó học sắp xong đại học. Tại vì họ có chức có quyền, họ cứ lấy đá khắc
chữ rồi để vào từng gốc cây đó chứ nào có ông nào mà trồng. Em là em cứ nói thật
như thế, bác cứ nhìn xem, có cái cây nào mà không có tên ông nọ bà kia trồng
đâu. Bọn này là cái loại hại dân hại nước…”
Tôi phải la lên,
“này chị nói khẽ chứ, người ta nghe thì người ta bắt bỏ tù đấy”. Chị lái đò
lại thở dài: “Bỏ tù gì, bọn em ai cũng biết
vì sự thật là như thế mà, chúng nó không ăn tàn ăn hại của dân mình hay sao,
chúng nó cứ bảo chống tham nhũng nhưng chính chúng nó mới có khả năng tham
nhũng chứ cứ như em với bác thì làm sao tham nhũng được…”.
Có lẽ chị bức xúc vì qua câu chuyện tôi mới biết chị
có người thân là dân oan mất đất. Tôi đi một vòng xung quanh khuôn viên thì
đúng như lời chị nói, hóa ra gốc cây nào, dù to hay nhỏ cũng có một cái biển
ghi ở bên dưới “cây… do … trồng ngày…” và cây “cao tuổi” nhất là do ông Nguyễn
Thiện Nhân trồng ngày 25-10-2013 tức khoảng 20 tháng mà thôi. Tuy nhiên nhìn
vào gốc cây thì chẳng ai tin. Tôi chỉ kịp vội ghi lại vài tấm hình cho bạn đọc
thưởng lãm, nhưng cũng không may là máy ảnh của tôi hết pin do tôi đã chụp quá
nhiều trước đó và quên sạc pin.
Xét theo nhu cầu của Maslow thì mức nhu cầu cuối
cùng là nhu cầu được tôn trọng là cao nhất. Các vị quan chức có tên trong bảng
“trồng cây” này chắc cũng không ngoại lệ, họ mong dân tình sẽ nhớ đến họ mỗi
khi nhìn thấy cái cây và ghi nhớ về công trồng cây? Hay vì lý do gì khác? Thử hỏi
các vị trong hàng ngũ từ cấp thứ trưởng tới UVBCT họ có nhớ họ trồng bao nhiêu
cây và trồng ở những đâu? Tuy nhiên, đâu phải cứ dán chữ, đặt tên vào những cái
cây nào họ thích thì dân họ sẽ tin? Hay sự khinh thường, cười chê của dân chúng
dành cho họ sẽ càng lớn hơn thêm?
Và rằng, một phó thường dân như tôi, liệu tôi rất
thích trồng cây, tôi sẽ sưu tầm một cái cây có giá trị kinh tế lớn như cây sưa
(trắc thối) chẳng hạn và tôi muốn trồng ở trong khuôn viên thiền viện mà không
cần một chú thích nào cả thì liệu tôi có được cái quyền đó?
Phải chẳng “tết trồng cây” hay “quyền trồng cây” thậm
chí “quyền ghi tạc họ tên” vào một cái cây nào đó là độc quyền của giới quan chức
cấp cao Việt Nam? Và hành vi đó có thể gọi là hành vi “tham nhũng trồng cây”
không?
No comments:
Post a Comment