Angus Deaton (giải Nobel kinh tế năm 2015)
Phạm Nguyên
Trường dịch
Ngày 15 tháng 10 năm 2015
Ở Scotland, tôi được dạy là phải coi công an như là
những người sẵn sàng giúp đỡ mình và đề nghị họ giúp khi cần. Hãy tưởng tượng sự
ngạc nhiên của tôi, khi vào năm 19 tuổi, trong chuyến viếng thăm đầu tiên của
tôi đến Mỹ, tôi đã bị một người cảnh sát ở thành phố New York đang điều khiển
giao thông trên quảng trường Times Square tuôn ra những lời tục tĩu vì tôi đề
nghị ông ta chỉ đường đến bưu điện gần nhất. Sau đó, vì lúng túng, tôi đã bỏ
tài liệu khẩn của ông chủ của tôi vào một thùng rác mà tôi tưởng là hòm thư.
Angus Deaton, giáo sư kinh tế và quan hệ quốc tế ở
Princeton University’s Woodrow Wilson School of Public and International
Affairs, giải Nobel kinh tế năm 2015. Ông là tác giả: The Great Escape: Health,
Wealth, and the Origins of Inequality.
Người châu Âu có thường có tình cảm tích cực đối
chính phủ hơn là người Mỹ, đối với người Mỹ, thất bại và sự mất lòng dân của những
chính khách liên bang, tiểu bang địa phương là chuyện thường tình. Tuy nhiên,
các chính phủ khác nhau ở Mỹ thu thuế và, đến lượt mình, cung cấp dịch vụ, thiếu
các dịch vụ đó thì người dân cũng khó mà sống được.
Người Mỹ, tương tự như nhiều công dân ở các nước
giàu có, coi hệ thống pháp luật, trường công, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội
cho người cao tuổi, đường giao thông, quốc phòng và ngoại giao, và các khoản đầu
tư lớn của nhà nước vào lĩnh việc nghiên cứu, đặc biệt trong y học, là đương
nhiên. Chắc chắn là, không phải tất cả các dịch vụ này đều tốt như đáng lẽ phải
có và không phải mọi người đều coi là cần thiết; nhưng người dân, nói chung đều
nộp thuế, và nếu việc chi những khoản tiền này làm một số người bất bình thì sẽ
có những cuộc tranh luận công khai và những cuộc bầu cử định kỳ tạo điều kiện
cho người ta thay đổi các khoản ưu tiên mà họ cho là cần thiết.
Tất cả đều rõ ràng đến mức hầu như không cần nói -
ít nhất là đối với những người dân trong nước giàu có, nơi có các chính phủ có
hiệu quả. Nhưng hầu hết người dân trên thế giới không được sống trong những điều
kiện như thế.
Ở phần lớn các nước châu Phi và châu Á, nhà nước thường
không có khả năng thu thuế hay cung cấp dịch vụ. Khế ước giữa chính phủ và những
người bị trị - ở những nước giàu thường là không hoàn hảo – nhưng ở các nước
nghèo thì hầu như không có. Cảnh sát New York khá bất lịch sự (và bận làm nhiệm
vụ); nhưng ở nhiều nước trên thế giới, cảnh sát coi những người mà họ có nghĩa
vụ phải bảo vệ là miếng mồi ngon, họ làm tiền dân chúng hoặc ăn tiền của những
ông chủ đầy quyền lực và khủng bố những người dân mà những ông chủ kia không
ưa.
Ngay cả ở quốc gia có thu nhập trung bình như Ấn Độ,
giáo viên các trường công lập và nhân viên các trạm y tế công cộng cũng thường
vắng mặt (mà không bị trừng phạt). Bác sỹ tư nhân cấp cho người dân những thứ
(mà họ nghĩ rằng) họ muốn - tiêm, truyền máu và thuốc kháng sinh - nhưng nhà nước
không kiểm soát và nhiều người chữa bệnh chẳng có bằng cấp gì hết.
Trong tất cả các nước đang phát triển, trẻ con chết
vì chúng được sinh ra ở những nước nghèo – chết không phải vì những bệnh lạ, bệnh
nan y, mà chết vì những bệnh thường gặp ở trẻ em mà chúng ta đã biết cách chữa
trị từ cách đây gần một thế kỷ. Không có bộ máy nhà nước đủ khả năng cung cấp dịch
vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em thì trẻ con sẽ còn tiếp tục chết vì những
căn bệnh như thế.
Tương tự như thế, nếu chính phủ không đủ năng lực,
luật pháp và việc thực thi luật pháp không hiệu quả thì các doanh nghiệp sẽ khó
hoạt động. Không có tòa án dân sự hiệu quả thì không có đảm bảo rằng các doanh
nhân sáng tạo có thể đòi được phần thưởng cho những ý tưởng của họ.
Nhà nước không có năng lực – nghĩa là không thể cung
cấp những dịch vụ và sự bảo vệ mà người dân ở các nước giàu có coi là đương
nhiên - là một trong những nguyên nhân chính của nạn nghèo đói và thiếu thốn
trên toàn thế giới. Không bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, làm việc với những
công dân tích cực và hết lòng vì công việc thì sẽ chẳng có mấy cơ hội cho phát
triển, mà đấy lại là điều kiện cần cho việc xóa đói giảm nghèo trên toàn thế giới.
Đáng tiếc là, các nước giàu có trên thế giới hiện
đang làm cho mọi thứ trở thành xấu hơn. Các khoản viện trợ của nước ngoài -
chuyển giao từ các nước giàu sang các nước nghèo - có nhiều đóng góp tích cực,
đặc biệt là trong lĩnh vực ý tế, nếu không có sự giúp đỡ như thế thì nhiều người
đã chết rồi. Nhưng viện trợ nước ngoài cũng cản trở sự phát triển năng lực của
các nhà nước ở địa phương.
Rõ ràng nhất là ở những nước - chủ yếu là ở châu Phi
- nơi mà các chính phủ nhận viện trợ trực tiếp và khoản viện trợ là lớn so với
chi tiêu ngân sách (thường là hơn một nửa). Các chính phủ đó không cần khế ước
với công dân của họ, không cần quốc hội và không cần hệ thống thu thuế. Họ chỉ
có trách nhiệm giải trình với các nhà tài trợ mà thôi; nhưng trên thực thế,
ngay cả việc này cũng không thực hiện được, bởi vì các nhà tài trợ - dưới áp lực
của công dân của mình (những người muốn giúp đỡ người nghèo) - cần phải giải ngân
chẳng khác gì chính phủ các nước nghèo cần nhận tiền, nếu không nói là chính phủ
các nước giàu cần giải ngân hơn.
Bỏ qua các chính phủ và trao viện trợ trực tiếp cho
người nghèo thì sao? Chắc chắn là, tác động ngay lập tức dường như là sẽ tốt
hơn, nhất là ở những nước mà những khoản viện trợ của chính phủ này cho chính
phủ kia ít khi đến được tới người nghèo. Chỉ cần một khoản tiền cực kỳ nhỏ - mỗi
người dân ở các nước giàu có, mỗi ngày chỉ cần góp khoảng 15 cent Mỹ - là có thể
ít nhất là đưa tất cả mọi người lên mức nghèo khổ cùng cực là 1 USD một ngày rồi.
Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp. Người nghèo
cần chính quyền để đưa họ đến cuộc sống tốt đẹp hơn; bỏ qua chính phủ có thể cải
thiện tình hình trong ngắn hạn, nhưng vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết.
Các nước nghèo không thể mãi mãi sử dụng các dịch vụ y tế ở nước ngoài. Các khoản
viện trợ phá hoại ngầm cái mà người nghèo cần nhất: một chính phủ hiệu quả, tức
là chính phủ cùng làm việc với họ vì cả hiện tại lẫn tương lai.
Điều mà chúng ta có thể làm là vận động các chính phủ
của chúng ta ngưng làm những điều làm cho cho các nước nghèo ngày càng khó
thoát ra khỏi cảnh đói nghèo. Giảm viện trợ là một cách, hạn chế buôn bán vũ
khí là một cách nữa, cải thiện chính sách thương mại và những khoản hỗ trợ của
các nước giàu, cung cấp tư vấn kỹ thuật mà không bị ràng buộc với viện trợ và
phát triển các loại thuốc tốt hơn cho những căn bệnh mà người giàu không bị.
Chúng ta không thể giúp đỡ người nghèo bằng cách làm cho các chính phủ vốn đã yếu
của họ trở thành thậm chí còn yếu hơn nữa.
Angus Deaton, giáo sư kinh tế và quan hệ quốc tế ở
Princeton University’s Woodrow Wilson School of Public and International
Affairs, giải Nobel kinh tế năm 2015. Ông là tác giả: The Great Escape: Health,
Wealth, and the Origins of Inequality.
No comments:
Post a Comment