Hoà Ái, phóng viên RFA
2015-10-14
2015-10-14
Một gia đình người
gốc Việt sống tại làng nổi vùng Biển Hồ Campuchia. RFA
Truyền
thông Campuchia cho biết chính quyền tỉnh Kompong Chnang sẽ di dời các ngôi nhà
nổi của những người Khmer, Chăm và Việt ở khu vực biển Hồ trong trung tuần
tháng 10 năm 2015. Đời sống của hàng ngàn người Việt ở hồ Tonlé Sap hiện tại và
tương lai ra sao?
Tonlé Sap hay theo cách gọi của người Việt là Biển hồ
Campuchia được biết đến như một hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và là vựa cá
tôm lớn nhất của đất nước Chùa Tháp. Biển hồ được UNESCO công nhận là khu dự trữ
sinh quyển thế giới hồi năm 1997. Đặc biệt, Biển hồ là nơi lưu trú của hàng
ngàn kiều bào người Việt tự bao đời.
Người
Việt không quốc tịch
Người Việt có mặt ở Biển hồ từ rất lâu và qua nhiều
thế hệ. Tuy là “khúc ruột ngàn dặm” đối với chính phủ VN dù khoảng cách địa lý
chỉ giáp ranh ở biên giới Tây Nam nhưng họ lại là những người với thân phận
không quốc tịch và vô tổ quốc.
Nhiều người Việt ở làng nổi Tonlé Sap không biết được
nguyên quán của gia đình mình đến từ đâu. Họ chỉ được xác nhận nhân thân qua những
tên gọi thuần Việt mà cha mẹ đặt cho. Họ nói được tiếng Việt và tiếng Khmer
truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Vì không có giấy tờ tùy thân ở nước sở tại
nên họ không có nghề nghiệp gì ngoài công việc chài lưới. Đời sống hàng ngày của
họ thật giản tiện bằng nghề đánh bắt tôm cá từ tháng 12 đến tháng 6 hàng năm.
Thời gian 6 tháng còn lại thì họ bẻ rau, bắt ốc sống đắp đỗi qua ngày vì chính
quyền Campuchia cấm đánh bắt trong mùa cá tôm sinh sản. Hầu hết những người Việt
ở Biển hồ đều trở thành người ăn xin nương nhờ vào lòng hảo tâm của du khách.
Cô
Hòa với đứa con nhỏ trên chiếc xuồng trong lúc xin tiền
khách du lịch chia sẻ người có hoàn cảnh nghèo khó phải đi bủa lưới giăng câu
mướn cho người khác, còn gọi là “đi bạn”, nhưng không thể đi trong mùa nước nổi
vì sẽ bị chính quyền địa phương bắt bỏ tù và nộp phạt. Cô Hòa nói:
“Ai có tiền thì buôn bán. Người nghèo thì ‘đi bạn’,
đi mần mướn. Lúc này bị ‘Kiểm’ bắt, không đi được”.
Mặc dù đời sống của những người Việt ở Biển hồ luôn
đối mặt với hoàn cảnh nghèo túng, khó khăn, chật vật nhưng có thể nói họ là những
người vô tư bởi cũng chẳng biết hy vọng điều chi và lo lắng điều gì. Cuộc sống
cứ thế mà trôi bập bềnh theo con nước lớn ròng ở hồ Tonlé Sap. Di sản gốc Việt
duy nhất của cha ông để lại cho họ là niềm tin “Trời sinh-Trời dưỡng” và cứ thế
tài sản lớn nhất của họ chính là con cái. Gia đình nào cũng đông con mà càng
đông thì càng túng quẫn, không đủ ăn, không đủ mặc. Những đứa bé chào đời và tồn
tại một cách hồn nhiên như sóng và gió ở vùng Biển hồ.
Hiện nay các em ở độ tuổi đi học được may mắn hơn thế
hệ cha mẹ mình. Các em được cơ hội học tiếng Việt ở ngôi trường nổi ngay trên
Biển hồ. Ngôi trường có 5 giáo viên thiện nguyện, không hưởng lương với khoảng
300 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Tuy nhiên vào mùa chài lưới thì số lượng học
sinh giảm xuống vì các em phải theo cha mẹ đánh bắt tôm cá. Thầy giáo Trần Văn
Tư, người nhiều năm gắn bó với ngôi trường và cộng đồng ở đây chia sẻ nhờ các
phái đoàn thiện nguyện và nhiều khách du lịch giúp đỡ cho các em học sinh cùng
thầy cô giáo 3 bữa ăn hàng ngày với cháo hoặc mì gói cho bữa sáng và 2 bữa cơm
trước khi các em trở về những ngôi nhà nổi bé nhỏ của mình.
Các cháu bé chèo
thuyền đến trường học (citizen photo)
Thiếu
thốn đủ điều
Trả lời câu hỏi của đài ACTD về đời sống của đồng
bào người Việt Biển hồ hiện tại như thế nào, bà Nguyễn Thị Diệu, cư dân
của làng nổi Tonlé Sap cho biết:
“Khó khăn nhất là kinh tế, thiếu gạo, thiếu cơm,
nghèo khổ rồi bệnh tật. Ở đây không có bệnh viện. Mỗi lần bệnh phải lên bệnh viện
lớn, đi lại khó khăn”.
Làng nổi người Việt hiện có 1 tủ thuốc do Bệnh viện
115 trao tặng. Bà Nguyễn Thị Diệu là một trong số người hiếm hoi có khả năng
cho thuốc khi bà con cần đến. Bà Diệu tâm tình:
“Thuốc cảm, thuốc tiêu chảy, con nít nóng ho thì tôi
lấy thuốc được. Còn bệnh gan, đường ruột thì tôi không biết”.
Bà Diệu cho biết thêm những người như bà và thầy Tư
mong mỏi sẽ có 1 y tá hay bác sĩ đến làm thiện nguyện giúp đồng bào trong nay
mai.
Trong khi nguyện vọng duy nhất của làng nổi người Việt
ở Biển hồ chưa thành hiện thực thì chính quyền tỉnh Kompong Chnang thông báo di
dời làng nổi, trong đó khoảng 1000 hộ gia đình người Việt bị ảnh hưởng, nhằm bảo
vệ môi trường và cải tạo cảnh quan cho hồ Tonlé Sap.
Vào hôm mùng 6 tháng 10, phó Tỉnh trưởng, ông Sun
Sovannarith nói với truyền thông Campuchia sẽ tiến hành việc di dời các hộ gia
đình Việt, Khmer và Chăm đến 1 khu vực khác cách nơi hiện tại 3 km từ ngày 15 tới
ngày 25 tháng 10 và chờ đợi trong vòng 2 năm để được sắp xếp định cư trên đất
liền.
Trao đổi qua điện thoại với RFA, thầy Trần Văn Tư
nói vì điều kiện thông tin liên lạc ở Biển hồ không có nên bà con vẫn chưa biết
tin tức gì:
“Không phải là chưa nghe tin nhưng mà không ai di
dời gì hết. Không thông báo gì hết. Ở đây cũng bình thường”.
Chúng tôi liên lạc với ông Đặng Khương, 1 cư
dân sống ở vùng phụ cận thủ đô Phnom Penh và được biết:
“Có nghe đài Campuchia là di dời số người VN mình ở
dưới sông lên trên bờ. Đài Campuchia nói phải di dời toàn bộ ở Biển hồ lên hết.
Chương trình đang làm để lo cho mình khu vực khác nhưng chưa biết sắp xếp cho ở
đâu hay đuổi về VN thì cũng chưa nắm được”.
Vào ngày mùng 8 tháng 10, VN lên tiếng đã và đang phối
hợp chặt chẽ với chính quyền Campuchia để hỗ trợ và giúp đỡ những gia đình người
Việt bị di dời. Chúng tôi liên lạc với Chủ tịch Hội kiều bào tại Phnom Penh về
thông tin liên quan và được giới thiệu gặp gỡ người đại diện ở vùng Biển hồ.
Tuy nhiên, vị này đã không trả lời đài RFA.
Những người Việt ở làng nổi Biển hồ mà đài ACTD tiếp
xúc bày tỏ được đổi đời định cư trên đất liền là điều họ chưa bao giờ dám nghĩ
đến. Chính quyền địa phương quyết định như thế nào thì họ phải tuân theo. Thế
nhưng đời sống sẽ ra sao một khi họ giống như những con cá bị cuốn phăng ra khỏi
môi trường sông nước thì chỉ biết thoi thóp chờ chết mà thôi.
-------------------
Tin,
bài liên quan
- Hà Nội lên tiếng về người Việt bị di dời khỏi Biển Hồ Campuchia
- Campuchia: gần 1000 gia đình người Việt sẽ phải rời khỏi Biển Hồ,
No comments:
Post a Comment