Sơn
Trung, thông tín viên RFA
2015-10-03
2015-10-03
Những người Thượng
vừa trốn sang Campuchia ngày 29 tháng 9 năm 2015, hiện đang ở một nơi gần Phnom
Penh. RFA PHOTO/Sơn Trung
Hôm 29 tháng 9 vừa qua, thêm một nhóm người Thượng
trốn sang Campuchia mong tìm sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để thoát khỏi
tình trạng mà họ cho là sự sách nhiễu, đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với
họ.
Nhóm người Thượng này gồm 9 người đàn ông, trong đó
có 7 người Jarai và 2 người Bahnar. Những người này rời khỏi nơi cư trú ở huyện
Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai hồi ngày 23 tháng 9, sau nhiều ngày trong rừng, đến ngày
28 tháng 9 thì họ đi vào lãnh thổ Campuchia và tìm gặp được đại diện Liên Hiệp
Quốc phụ trách về người tỵ nạn vào ngày 29 tháng 9 năm 2015.
Không
thể ở Việt Nam vì sách nhiễu
Hồi ngày 2 tháng 10 năm 2015, Sơn Trung của đài Á
Châu Tự Do đã gặp trực tiếp nhóm người Thượng này tại một địa điểm gần Thủ đô
Phnom Penh. Trao đổi với chúng tôi, những người này cho biết họ theo một chi
phái Tin Lành và giáo phái này không được chính quyền Việt Nam thừa nhận. Cũng
chính vì lý do đó mà chính quyền liên tục cấm đoán không cho họ tập trung thực
hiện các nghi thức tôn giáo.
Một người Thượng, hơn 40 tuổi kể: “Tổ chức
Montagnard Sang Pơpŭ Ana-Čư là nó không cho phép, nó đuổi đánh đập hay bắt mình
đi tù. Nó không cho phép mình họp, không cho phép, nó phải đánh mình, nó mời
mình tới xã. Nó tới nhà mình nó bắt, nếu mình tự làm (thực hiện nghi
thức tôn giáo) trong gia đình mình (thì không bị bắt),nếu
mình tổ chức bằng nhau (tập trung nhiều gia đình) là nó sẽ bắt
phải đi tù. Bắt nhiều lắm, tập trung ba bốn năm người là nó bắt”.
Một người Thượng với
giấy công an triệu tập, vừa trốn sang Campuchia ngày 29 tháng 9 năm 2015, hiện
đang ở một nơi gần Phnom Penh. RFA PHOTO/Sơn Trung.
Cũng theo lời kể của những người này thì hồi năm
2004, nhiều người Thượng theo giáo phái Sang Pơpŭ Ana-Čư ở tỉnh Gia Lai bị bắt
và chịu án tù từ 4 đến 6 năm về tội danh “Chống phá chính sách đoàn kết dân tộc”.
Sau khi về địa phương, những người này liên tục bị công an điều tra, theo dõi.
Một người Thượng, 54 tuổi, bị chính quyền Việt Nam giam giữ tại nhà tù Thanh
Hóa từ năm 2004 đến năm 2007 cho biết sau khi ra tù, ông bị chính quyền gửi giấy
mời lên tục để uy hiếp tình thần. Ông này chia sẻ:
“Nó gửi giấy mời cho mình luôn, nếu nó mời mà mình
không đi là nó bắt. Nó mời là nó nhòm (theo dõi),
nó không cho. Nó nhòm một gia đình là anh em một ruột (những người từng
bị bắt chung) mình vô nhà là nó không cho nữa. Nó vô nó nói là nhòm rồi
là nó phải bắt. Có đánh có đập đó. Nó nói hai ba lần mà mình không nghe là nó
đánh nó đập. Lúc nào mình đi làm ruộng làm rẫy là nó hỏi sáng này mày đi đâu?
Tôi nói đi làm ruộng. Nó theo dõi miết mà. Tôi chịu không nỗi, tôi phải đi
thôi.”
Đi
đâu cũng được miễn được sống
Tiếp xúc với chúng tôi, chín người vừa trốn chạy này
cho biết họ không chủ ý đến định cư tại Campuchia hay bất kỳ một nước nào khác.
Họ chạy trốn sang Campuchia chỉ mong được cộng đồng quốc tế cứu giúp, hỗ trợ một
nơi ở tự do và an toàn hơn Việt Nam:
“Yêu cầu giúp đỡ anh em chúng tôi để được sống. Đến
đây là không phải chúng tôi muốn đến. Chúng tôi không muốn đến đâu, do người ta
đàn áp nên phải ở đây. Nếu Việt Nam không đàn áp thì mình phải ở quê hương,
chăm sóc lo cho con cái. Còn đây, mình phải bỏ con cái, nhà ở, mình phải trốn
sang đây do người ta đàn áp mình. Mình qua đây để yêu cầu UN (Liên Hiệp Quốc) giúp đỡ, cứu sống chúng tôi.”
Đại diện Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề Nhân quyền
và Người Tỵ nạn vẫn chưa có động thái gì ngoài việc xắp xếp cho 9 người này ở một
nhà nghỉ gần Phnom Penh. Khi được hỏi nếu không được giúp đỡ thì họ có về Việt
Nam hay không, một người đàn ông khoảng 50 tuổi chia sẻ:
“Tôi ở Việt Nam không sống được. Chúng tôi ở Việt
Nam theo đạo nó không cho phép. Nếu theo đạo là nó bắt mình, đánh mình, đập
mình, đem bỏ tù. Mình rất sợ. Mình sang đất Campuchia này, mình rất lo lắng. Lo
cho con mình, lo cho vợ mình. Mình tức lắm. Mình bỏ vợ con mình, mình tức lắm.
Người Việt Nam chơi ác lắm, chơi ác với dân tộc mình lắm. Mình buồn lắm. Qua
đây, mình muốn bạn Campuchia giúp đỡ cho chúng tôi sống ở đây thôi, không dám
về nữa.”
Theo thông tin chúng tôi nhận được từ người Jarai
Campuchia hồi sáng ngày 3 tháng 10 năm 2015, vợ của 4 trong số 9 người Thượng
này đã bị cộng an huyện Đăk Đoa triệu tập và bắt tạm giam:
“Bà con chúng tôi ở Việt Nam cho biết là có bốn người
vợ bị bắt lên huyện rồi. Nếu mà không ai giúp đỡ để họ về Việt Nam thì chắc chắn
họ sẽ bị bắt, bị đánh đập. Xin báo chí, các tổ chức bảo vệ nhân quyền cứu giúp
họ.”
Tính từ cuối
năm 2014 đến nay đã có hơn 200 người Thượng từ Việt Nam trốn sang hiện đang sống
ở Phnom Penh dưới sự bảo trợ của Văn phòng Nhân quyền và Văn phòng người Tỵ nạn
của Liên Hiệp Quốc, tuy nhiên hiện chỉ có 13 người trong số này được Cục Người
tỵ nạn của Campuchia chấp nhận đưa vào danh sách người tỵ nạn.
Mới đây, ông Khieu Sopheak, người phát ngôn bộ Nội vụ
Campuchia cho biết, Campuchia dành cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ nạn ba
tháng để giải quyết đưa 13 người Thượng này đến quốc gia thứ ba, nếu không thì
Campuchia sẻ trả họ về Việt Nam.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền của Campuchia và quốc
tế cho rằng thông báo này của chính quyền Campuchia có thể chịu sức ép từ phía
Việt Nam. Riêng ông Our Virak, nhà nghiên cứu xã hội và nhân quyền của
Campuchia thì cho rằng việc Việt Nam ra sức ép buộc Campuchia trục xuất người
Thượng tỵ nạn là một hành vi đáng xấu hổ của chính quyền cộng sản Hà Nội.
Ông Our Virak: “Tôi thấy Việt Nam phải hổ thẹn
vì người dân ở nước mình đi tỵ nạn, điều này chứng tỏ Việt Nam không an toàn
cho chính người dân của mình. Cũng chính vì điều này mà Việt Nam đã gây sức ép
buộc Campuchia trục xuất những người Thượng này cũng như tìm mọi cách ngăn chặn
không cho họ tiếp tục chạy trốn để xin tỵ nạn.”
Hồi năm 2004, một cuộc biểu tình lớn đòi quyền tự
do của người Thượng ở Tây Nguyên đã bị dập tắt, sau đó xảy ra nhiều đợt người
vượt biên sang Campuchia để tránh sự truy bắt và sách nhiễu của chính quyền Việt
Nam.
Sơn Trung, tường trình từ Campuchia.
VIDEO
:
Đời
sống đồng bào Thượng Tây Nguyên (RFAVietnamese Jan 30, 2015)
No comments:
Post a Comment