Saturday, 3 October 2015

Lĩnh vực Trung Quốc không thể cạnh tranh (Huang Yanzhong và Elizabeth Economy - Foreign Affairs)





Huang Yanzhong và Elizabeth Economy  -  Foreign Affairs, 21-9-2015
Phạm Nguyên Trường dịch

Lời người dịch: Bài dịch này như một phản biện đề án Quy hoạch báo chí, nhất là báo chí của các viện nghiên cứu và các trường đại học, mà Bộ Thông tin - Truyền thông vừa mới đưa ra.

*
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, muốn Trung Quốc trở thành quốc gia có khả năng cạnh tranh trên trường quốc ta, từ lĩnh vực bóng đá đến tiền tệ. Nếu có chiến lược đầu tư đúng đắn về con người, tài chính và năng lực tổ chức thì không có lý do gì để ông không thành công. Nhưng trong lĩnh vực quan trọng nhất: phát triển những trung tâm phân tích [think tank], dường như Tập sẽ thất bại. Năm 2013, Tập kêu gọi xây dựng những trung tâm phân tích “với những đặc điểm của Trung Quốc” và coi đó là hướng ưu tiên chiến lược. Gần hai năm sau, tháng 1 năm 2015, kết quả chẳng có gì vui: khả năng dự báo kém, uy tín quốc tế thấp, và không có khả năng bán những kết quả nghiên cứu của Trung Quốc ra nước ngoài. Ông liền đưa ra những biện pháp mới, quyết liệt hơn, bằng cách tung ra kế hoạch xây dựng từ 50 tới 100 trung tâm nghiên cứu cao cấp, có khả năng cạnh tranh trên bình diện toàn cầu. Dù có những cam kết như thế, Trung Quốc cũng khó mà thực hiện được tham vọng của Tập.

Chắc chắn vấn đề không phải là thiếu các viện nghiên cứu hay thiếu người tài. Người ta nói rằng hiện có hơn 2.000 viện nghiên cứu chính sách, với 35.000 nghiên cứu viên và 270.000 nhân viên giúp việc. 95% trong số đó là của nhà nước. Tuy chậm, nhưng đã xuất hiện những trung tâm nghiên cứu không thuộc chính phủ, do những người giàu có tài trợ và có một sự tự chủ nào đó về mặt trí tuệ.

Nhưng xác suất để những viện nghiên cứu tư nhân này thực hiện được ước muốn của Tập: có những công trình nghiên cứu có giá trị trên trường quốc tế, là không lớn. Khoa học đơm hoa kết trái trong môi trường mở, tức là môi trường có sự tự chủ tương đối cao về đề tài nghiên cứu, về những ý tưởng mà người ta muốn thúc đẩy và về biện pháp tưởng thưởng. Nhưng Bắc Kinh thường xuyên ngăn chặn ước muốn vươn tới đỉnh cao của chính mình. Đầu tiên, họ giới hạn đề tài nghiên cứu. Ví dụ, năm 2014, tập trung vào 5 lĩnh vực: “chuẩn mới” trong nền kinh tế Trung Quốc, cải cách sâu rộng, xây dựng chế độ pháp quyền, kế hoạch 5 năm lần thứ XIII và chiến lược phát triển và chiến lược “một vành đai, một con đường”. Những đề tài như chế độ dân chủ hiến định và những giá trị phổ quát bị cấm. Ngoài ra, hầu như tất cả những đề xuất được Quỹ Khoa học Xã hội quốc gia thông qua đều phải phân tích ý kiến và tư tưởng của Tập Cận Bình.

Ngoài ra, những công trình nghiên cứu đi quá xa đường lối của Đảng hoặc nói thẳng về sự chuyên chế của Đảng thường bị cấm, chứ không được khuyến khích. Ví dụ, tháng 10 năm 2014 chính phủ đã cấm công bố các công trình nghiên cứu của Mao Yushi [Mao Vu Thức], một nhà kinh tế học nổi tiếng, người đã thành lập Viện nghiên cứu độc lập Unirule Institute [tạm dịch: Viện các quy tắc thống nhất] và được cho là ủng hộ những lý tưởng về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tự do. Do những lời phê phán di sản của nhà lãnh đạo quá cố Mao Trạch Đông mà Mao Yushi bị nhiều người bảo thủ về chính trị căm ghét. Ngay cả những nhà khoa học trong những viện nghiên cứu chủ chốt của Đảng, như Trường Đảng Trung ương cũng bị Bắc Kinh phê bình và yêu cầu có thái độ đúng đắn về chính trị. Một nhà nghiên cứu về chính sách của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng đã công khai đề nghị Trung Quốc tách ra khỏi Bắc Hàn đã bị cho thôi việc. Các nhà khoa học Trung Quốc không được khuyến khích đưa ra những đề xuất chính trị khác biệt với đường lối đang giữ thế thượng phong, mà đây lại chính là những tư tưởng mà các nhà lãnh đạo cần lắng nghe.

Muốn đạt đẳng cấp quốc tế, các tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc phải có khả năng hợp tác và cạnh tranh một cách công khai trên vũ đài quốc tế. Nhưng, hiện nay tình hình hoàn toàn ngược lại: tiếp cận với những ý tưởng và thậm chí gặp gỡ các học giả nước ngoài bị coi là nguy hiểm. Gần đây một nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã kêu gọi lập cái gọi là “danh sách đen các học giả nước ngoài” để “cách ly họ với thị trường tư tưởng của Trung Quốc và cách ly với các nhà trí thức của Trung Quốc”. Chặn các trang tin tức của nước ngoài trên Internet cũng ngăn cản, không cho các học giả Trung Quốc phát triển một cách đầy đủ nhất nhận thức về cách người ở bên ngoài xem xét các sự kiện trên thế giới – và cả của Trung Quốc nữa. Một học giả Trung Quốc nhận xét trên WeChat: “Các trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc không có khả năng dự đoán một cách chính xác những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới”.

Cuối cùng, ngay cả khi chính phủ rót những nguồn lực tài chính vào các viện nghiên cứu để tạo ra một cuộc “đại nhảy vọt trong các viện nghiên cứu” thì sự can thiệp quá sâu vào lĩnh vực quản lý và quá trình nghiên cứu có thể gây trở ngại cho mục đích của nó. Vì khi chính phủ tham gia quá sâu vào việc đặt ra những quy tắc về quy mô các văn phòng, số lượng các món ăn dành cho các cuộc hội nghị, cũng như thời gian của những chuyến công tác (năm ngày một nước, kể cả thời gian đi lại), thì có khả năng là các trung tâm nghiên cứu cũng như làm việc cho chính phủ nói chung sẽ ngày càng ít hấp dẫn đối với những trí thức hàng đầu của Trung Quốc. Chắc chắn là, nhiều học giả rất tài năng của Trung Quốc hiện đang làm trong các trường đại học và các viện nghiên cứu ở nước ngoài sẽ không muốn trở về Trung Quốc.

Chẳng bao lâu nữa Tập Cận Bình sẽ đến Hoa Kỳ trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã đánh giá không đúng tầm quan trọng của việc có mặt của những người đại diện cho các trung tâm nghiên cứu Mỹ tại buổi nói chuyện của Tập Cận Bình ở Seattle, để họ có thể, như đại sứ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) nói: “nghe trực tiếp bài phát biểu quan trọng của chủ tịch Tập”. Đồng thời, Tập và phái đoàn của ông ta có thể nhìn thấy khán phòng và tự nhắc nhở mình về sức sáng tạo và sức mạnh của trí tuệ, khi người ta để cho trăm hoa đua nở.


Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:44 






No comments:

Post a Comment

View My Stats