Saturday, 3 October 2015

Lễ tưởng niệm nhà văn Võ Phiến - 'ông già tinh quái' (Ngọc Lan/Người Việt)





Ngọc Lan/Người Việt
Saturday, October 3, 2015 6:45:55 PM 

WESTMINSTER, Calif. (NV) – Buổi tưởng niệm nhà văn Võ Phiến, một trong những đại thụ của nền văn học Việt Nam hiện đại, do Nhật Báo Người Việt tổ chức, đã diễn ra trong không khí trang nghiêm tại Phòng số 1, Peek Family Funeral Home vào trưa Thứ Bảy, 3 Tháng Mười, với sự tham dự của gia đình, bạn bè, độc giả, đồng hương Bình Định, và nhiều người thuộc giới văn nghệ sĩ.

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, người điều hợp chương trình, đã nêu những nét chính về thân thế và sự nghiệp của nhà văn Võ Phiến ngay trong lời mở đầu.

Từ trái: Nhà văn Doãn Quốc Sĩ, bà Võ Thị Viễn Phố - hiền thê cố nhà văn Võ Phiến, vợ chồng nhà thơ Nhã Ca và Trần Dạ Từ (Hình: Dân Huỳn/Người Việt)

Là người đầu tiên được mời lên phát biểu cảm xúc về sự ra đi của tác giả “Chữ Tình”, nhà văn Nhã Ca không nói về cảm nghĩ của riêng mình mà bà bày tỏ nỗi niềm qua sự “xúc động khi thấy nhà văn Doãn Quốc Sĩ lặng đến thắp một nén nhang cho người bạn đã đi trước mình.” Theo bà, “sự lặng lẽ của nhà văn Doãn Quốc Sĩ đã nói lên biết bao lời.”

Với nhà văn Nhã Ca không chỉ có “nụ cười Võ Phiến để lại hôm nay, ngày mai” mà “chữ nghĩa Võ Phiến sẽ còn lấp lánh mãi trong văn chương Việt Nam.”

Nhà văn Đặng Thơ Thơ thì nhắc lại kỷ niệm thời “đọc lén” văn Võ Phiến thuở còn nhỏ trên căn gác xép, nhớ đến những nhân vật trong các tác phẩm của Võ Phiến.

Theo nhà văn Đặng Thơ Thơ, những nhân vật trong tác phẩm của Võ Phiến đã mở ra cho cô “một không gian thật mới mẻ, khó hiểu và quyến rũ, khác với thế giới của những quyển sách thiếu nhi, khác với Tự Lực Văn Đoàn. Thế giới này nói với tôi bằng một cách khác, một kiểu sắp đặt khác về trật tự không gian, thời gian, khác về cách biểu đạt ý tưởng, khác về cách chọn điều để nói và điều không nói.”

“Đây là một dạng văn chương không bao giờ cũ, nó thách thức mọi trào lưu, mọi trường phái. Văn Võ Phiến luôn luôn hiện đại bất cứ lúc nào. Những tác phẩm của Võ Phiến sẽ mãi ở lại với tôi, với thế hệ bây giờ và những người tiếp nối với tất cả niềm trân trọng.” Đặng Thơ Thơ khẳng định.

Bằng sự xúc động của riêng mình, kỹ sư, nhà thơ Trịnh Y Thư, nói như tâm tình, “Hôm nay chúng ta đến đây để nói lời từ biệt với nhà văn lớn nhất của văn học hiện đại, nhà văn Võ Phiến. Những tác phẩm ông để lại là khối gia sản vô cùng quý giá. Đó là những tác phẩm khi đọc lại ở bất kỳ thời gian, không gian nào cũng thấy thú vị, lôi cuốn và đôi khi bật ra những điều mới lạ mà mình đã không nhìn thấy khi đọc ở lần đầu. Ông đã nói được tiếng nói của thời đại mình . Ông cũng để lại cho hậu thế những suy ngẫm sâu sắc, mà một trong điều này là sự định nghĩa thế nào là một nhà văn.'

Hiền thê của nhà văn quá cố Nguyễn Mộng Giác, là bà Nguyễn Khoa Diệu Chi, cũng có mặt trong buổi tưởng niệm để nhắc lại mối thâm tình “rất thân thương, đáng nhớ ” với vợ chồng nhà văn Võ Phiến.

Vợ chồng Thị Trưởng Thành phố Westminster Tạ Đức Trí đến viếng nhà văn Võ Phiến (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ký mục gia Bùi Bảo Trúc chia sẻ cùng người tham dự những kỷ niệm mà ông có với tác giả “Thương Hoài Ngàn Năm”, người mà ông gọi là “người đàn ông tinh quái.” Ông kể về những bức thư được ông đặt vào chiếc hộp gọi là “Thư nhà”, để rồi vài năm sau đó bạn bè đã gửi tặng ông quyển sách của Võ Phiến cũng mang tên “Thư Nhà” xuất bản năm 1962.

“Quyển sách đó cùng với nhiều sách của Võ Phiến do bạn bè gửi sang tặng đã ảnh hưởng đến đầu óc, đến cảm quan của tôi, một thanh niên 19, 20 vừa mới rời trung học.” Ông nói.

Một cách xúc động, nhà báo Bùi Bảo Trúc đọc hai câu đối “gọi là tiễn chân ông già tinh quái”:

“Võ Phiến vẫn mãi gần bên Viễn Phố
Thế Nhơn luôn còn ở với người đời.”

Ông cũng đã dùng hai câu thơ của Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê “Tuổi già hạt lệ như sương/ Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan” để “khóc vĩnh biệt ông già tinh quái của tôi.”

Trong phần phát biểu của mình, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nhận xét, “Nếu một tác phẩm lớn là một tác phẩm khiến chúng ta đọc, rồi đọc lại, đọc lại mãi mà vẫn thấy hay theo thời gian, nhất là với trình độ, kinh nghiệm, sự bầm dập của đời sống chúng ta càng thấy hay về cả học thuật lẫn nghệ thuật, thì tác phẩm Võ Phiến được xếp vào hàng những tác phẩm lớn.”

“Có thể mượn chữ cổ nhân để nói 'xếp tàn y ngôn ngữ mang đi tận cuối trời', mà cổ nhân ở đây chính là Võ Phiến. Nhưng ông đã không mang tàn y ngôn ngữ đến tận cuối trời mà ông để lại trọn vẹn cho chúng ta.” Ông nói thêm.

Với nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, thì “Điều quan trọng làm nên chất Võ Phiến, khiến ông trở thành người phát ngôn lôi cuốn, một cây bút tài tình của Việt Nam chính là ở những gì ông chọn nói và cách nói của ông.”

Không là người theo nghiệp văn chương chữ nghĩa, nhưng Giám sát viên, Luật sư Andrew Đỗ cũng có mặt tại buổi tưởng niệm để bày tỏ sự tôn kính của mình đối với một nhà văn lớn vừa ra đi.

Giám sát viên Andrew Đỗ nói, “Nhà văn Võ Phiến đã tạo ra một làn không khí mới để những người cầm viết được viết, được thở một cách tự do, độc lập, trong lành. Cho những thế hệ trẻ trong tương lai, những tác phẩm của bác Võ Phiến sẽ là những mảnh ván bể vụn trôi dạt trên bờ đại dương tự do để nhắc chúng ta bám víu vào đó và xây dựng lại một nền văn học lương thiện, đầy nhân bản.”

Thiệp Tạ Từ trong có bài thơ Đến của nhà văn Võ Phiến, được xem như lời cảm tạ từ gia đình đến với người tham dự tiễn đưa ông. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nhà thơ Du Tử Lê thì cho rằng, “Nhà văn Võ Phiến là một trong rất ít nhà văn miền Nam xuất hiện trong tinh thần một kẻ sĩ sống giữa hoàn cảnh chia cắt bất hạnh của đất nước. Trong khi những nhà văn khác loay hoay đi tìm một cách viết khác cho nội dung văn chương của họ sao cho giống sự đổi mới của văn chương thế giới... thì nhà văn Võ Phiến vẫn lặng lẽ, bền bỉ dùng ngòi bút của mình, ngay từ những tác phẩm đầu tiên tố cáo tính chất vô nhân của chủ nghĩa cộng sản.”

“Đỉnh cao của ý thức nhân bản nơi nhà văn Võ Phiến là tác phẩm 'Bắt trẻ đồng xanh', đó là tiếng chuông báo động khẩn cấp thống thiết mà ông là người đầu tiên và cũng là nhà văn Việt Nam duy nhất lên tiếng khi ông nhìn ra nguy cơ cộng sản tẩy não đời sống của trẻ thơ miền Nam khi các em chưa có một chút ý thức. Tinh thần kẻ sĩ trong con người nhà văn Võ Phiến là một trong những nét son lớn trong sự nghiệp văn chương đồ sộ nhiều mặt mà ông đã tận hiến cho dân tộc, đất nước.” Nhà thơ Du Tử Lê nhận xét.

Cựu Trưởng Ty Thông Tin tỉnh Phong Dinh Phan Ngọc Tiếu, trong buổi tưởng niệm, nhắc lại kỷ niệm với Võ Phiến-Đoàn Thế Nhơn, với sự đóng góp trong chương trình thông tin tâm lý chiến không phải là nhỏ của ông.

Ông Hồ Bửu, người cùng quê Bình Định với nhà văn Võ Phiến, cũng bay từ Virginia về để nói lời tiễn biệt cùng tác giả “Văn Học Miền Nam Tổng Quan.”

Đặc biệt, vợ chồng nghệ sĩ Nga Mi-Trần Lãng Minh, ngay trong buổi tưởng niệm, đã tiễn nhà văn “Bắt trẻ đồng xanh” bằng bài dân ca quan họ Bèo Dạt Mây Trôi mà nhà văn Võ Phiến từng rất thích.

Thay mặt gia đình, ông Đoàn Giao Liên, con trai trưởng của nhà văn Võ Phiến, nói lời cám ơn cùng ban tổ chức và tất cả mọi người tham dự đã “dành một buổi tưởng niệm trang trọng, xúc động cho nhà văn Võ Phiến.”

Nhà văn Võ Phiến, tên thật là Đoàn Thế Nhơn, qua đời vào lúc 7 giờ tối ngày 28 Tháng Chín, 2015, tại Advanced Rehab Center of Tustin, Santa Ana, thọ 90 tuổi.

Nhà văn Võ Phiến là một tác giả quan trọng của văn học Việt Nam từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Trước 1975 ông là công chức thuộc bộ Thông Tin của Miền Nam, và đã cộng tác với tạp chí Bách Khoa cho đến 1975 với bút danh Tràng Thiên (một bút danh chung cho nhiều tác giả, nhưng từ sau 1965 hầu như chỉ dành cho một mình ông). Ông sang Hoa Kỳ từ 1975 và làm việc cho tòa Hành Chánh quận Los Angeles, California cho đến ngày về hưu. Tại hải ngoại, ông vẫn tiếp tục viết sách và cộng tác với các tạp chí văn học. Từ cuối thập niên 1970 ông đã chủ trương tờ Văn Học Nghệ Thuật, là tiền thân của tạp chí Văn Học sau này.

Võ Phiến là một tác giả đa dạng. Ông viết truyện ngắn, truyện dài, tạp luận, tùy bút, lý luận và phê bình văn học. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có, về truyện ngắn và tiểu thuyết: Chữ Tình, Người Tù, Mưa Đêm Cuối Năm, Về Một Xóm Quê, Đêm Xuân Trăng Sáng, Giã Từ, Thương Hoài Ngàn Năm, Thư Nhà...; về tùy bút, tạp bút: Tạp bút I, II, III, Đàn Ông, Ảo Ảnh, Phù Thế, Chúng Ta Qua Cách Viết, Đất Nước Quê Hương, Tùy bút I, II, Đàm Thoại v.v... Tại hải ngoại, ông đã bỏ công sức trong nhiều năm trời để soạn bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan nhằm lưu giữ nền văn học miền Nam đã bị Cộng Sản thiêu hủy từ sau 1975.

-------------------
Bài liên quan








No comments:

Post a Comment

View My Stats