Monday, 5 October 2015

Không được phép cao hơn lăng Ba Đình (Phạm Nhật Bình)





Phạm Nhật Bình
Cập nhật: 3/10/2015

Ngày 28/9/2015, báo chí quốc doanh ở Hà Nội đồng loạt đăng tin chính quyền thành phố này đã “tiến hành kiểm tra” một dự án trung tâm thương mại, văn phòng bị cho là “cao hơn” lăng Hồ Chí Minh.

Sự so sánh cho thấy công trình số 8B Lê Trực này đang được xây dựng, có chiều cao tối đa 60 mét trong khi lăng của lãnh tụ cộng sản Việt Nam chỉ cao 21.6 mét. Không ai khác mà chính Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký quyết định phê duyệt dự án này vào năm 2013.
Câu chuyện không chỉ là vấn đề cao hơn hay thấp hơn mà nằm ở căn bịnh “tệ sùng bái cá nhân” còn ăn sâu trong não trạng các lãnh đạo cộng sản về chiều. Sự sùng bái đó được họ sử dụng như tấm bùa để bảo vệ quyền lực, dù rằng từ năm 1960 cũng chính các lãnh tụ đó đã gạt ông Hồ sang một bên trong mọi chuyện triều chính của triều đình cộng sản.

Sau năm 1969, cái chết của Hồ Chí Minh là cơ hội cho các lãnh tụ đương thời phất lên trong quyền lực và họ quyết định sử dụng xác chết này như một món hàng trưng bày tượng trưng cho lòng yêu nước của người cộng sản. Và quan trọng hơn hết là dùng nước mắt để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lăng đẫm máu làm một món quà cho người chết, cũng như lường gạt thành phần dân chúng nhẹ dạ cả tin. Nếu năm 1956 chỉ cần một bài diễn văn dài 4 tiếng đồng hồ, Khrushchev đã hạ bệ nhanh chóng thần tượng Stalin thì sau năm 1969, tệ sùng bái cá nhân càng ngày càng được đắp nền xây móng vững chắc ngay tại Hà Nội.

Các lãnh đạo chóp bu thời ấy đã ngang nhiên sửa lại ngày chết, sửa lại di chúc của ông Hồ cho phù hợp với tình thế và giấu giếm như một bí mật quốc gia. Nên thay vì hỏa táng ông ta theo nguyện vọng, họ mang trưng bày xác ướp của ông trong một lăng tẩm được xây dựng nguy nga ở Ba Đình bằng tiền của rút ra từ một ngân khố cạn kiệt của thời chiến. Từ đó Ba Đình trở thành một vùng đất thiêng của Hà Nội được đảng bảo vệ ngày đêm như một kho báu trời cho.

Nhưng rồi nó cũng không vượt qua được sự biến loạn của cơn gió đổi thay trong thời buổi kinh tế thị trường, dù đảng có cẩn thận gắn kèm cái đuôi xã hội chủ nghĩa. Vùng đất thiêng nhanh chóng biến thành “khu đất vàng” để giòng chảy của đồng đô-la biến nó trở thành những tòa nhà “chọc trời” kiểu Mỹ.

Tòa nhà 8B Lê Trực không phải mới xây trong tháng 9/2015 mà nó đã bắt đầu mọc lên từ năm 2013 sau khi có quyết định của một phó thủ tướng. Nó hiên ngang mọc lên dưới mắt người dân thủ đô Hà Nội cho tới khi ông Vũ Mão hay ai đó mở to mắt nhìn thấy nó bỗng cao hơn “lăng bác”. Nhưng cao hơn thì đã sao?

Trả lời cuộc phỏng vấn của báo Petro Times, ông Vũ Mão kêu gọi mở một cuộc điều tra xem ai là người cấp phép cho dự án. Nguyên chánh văn phòng của quốc hội đảng cử dân bầu có lẽ cầm sổ hưu đã lâu, nên cũng không ngờ giấy phép đã đi ra từ cửa trước của ông Hoàng Trung Hải đến Sở xây dựng Hà Nội. Vậy nếu cần điều tra, có lẽ công an trước hết nên gõ cửa Phó thủ tướng Hải.

Ông Vũ Mão nói chắc như đinh đóng cột rằng: "Có một nguyên tắc mà bất cứ người dân thủ đô nào, dù làm nghề gì và ở đâu thì cũng hiểu là không một công trình nào ở quanh khu vực này được phép cao hơn Lăng Bác."

Ông Mão nói cho sướng miệng chứ người dân biết hơn ông nhiều và chẳng có ma nào cả gan đến đó để xây một công trình có thể “nhòm xuống lăng Bác” như ông mô tả. Mà chỉ có những thế lực trong đảng, những tâp đoàn siêu quyền lực về kinh tế và chính trị mới có khả năng xuyên thủng cái quy định “không được cao hơn lăng Ba Đình”. Nếu ông Mão biết được đến đó, ông sẽ không ngỡ ngàng và an tâm với cái sổ hưu hơn, lại khỏi mang tiếng trâu cột ghét trâu ăn.

Chuyện căn nhà cao tầng ở đường Lê Trực bỗng nhiên trở nên “làm xùm” không chỉ là vấn đề sùng bái ông Hồ, khi nó được đưa ra vào giữa lúc lựa chọn nhân sự cho đại hội đảng sắp tới. Chính ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo thành phố Hà Nội phải điều tra và báo cáo gấp trước ngày 30/9, khiến người ta không khỏi liên tưởng đến việc đoàn thanh tra chính phủ (của ông Nguyễn Tấn Dũng) điều tra và báo cáo gấp về những bê bối của thành phố Đà Nẵng dưới thời ông Nguyễn Bá Thanh, khi ông Nguyễn Bá Thanh nổi lên trở thành một đối thủ của ông Dũng.

Nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh khác, quy định bất thành văn “không được cao hơn lăng Bác” quả là một thứ quy định không những mang tính áp đặt phi lý mà còn vô pháp luật. Từ lâu đảng cầm quyền đã cương quyết dựa vào xác chết vô tri giác của Hồ Chí Minh để kéo giật lùi sự phát triển của đất nước và cả dân tộc Việt. Họ đặt ra luật lệ quy định này nọ để không gì khác hơn là đem phần lớn nhất của miếng bánh về cho phe đảng mình. Sự chỉ mặt lẫn nhau giữa phe này và phe kia trong vụ căn nhà cao tầng này chỉ là một trong rất nhiều vụ tương tự.

Những chi tiết công bố sau này cho biết ông Hồ đã để lại di chúc là muốn hỏa táng sau khi chết, thế nhưng lãnh đạo CSVN lại tiêu tốn rất nhiều tiền mướn chuyên viên ướp xác để lộng kiếng cho thiên hạ vào xem. Làm như thế chưa đủ, nay Hà Nội còn cấm xây nhà cao hơn nhà mồ của ông Hồ, vốn được canh phòng nghiêm nhặt bởi một trung đoàn bảo vệ.

Quy định duy ý chí này chẳng khác nào buộc cả nước phải thấp hơn nhà mồ ông Hồ, mà nếu không thấp hơn sẽ là một cái tội lớn. Xét ra trên thế giới chưa có quốc gia nào sùng bái lãnh tụ điên rồ như thế ngoài Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Liên Xô trước đây. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà ba nước ấy đều là những nhà nước theo chủ nghĩa cộng sản, nơi đời sống dân chúng còn vất vả kiếm miếng ăn, thì sự đấu đá quyền lực và tranh giành miếng ăn trong giới cầm quyền đã là những đặc trưng của chế độ.

Điều này đã nói lên tại sao nước ta không khá lên nổi sau 40 năm chiến tranh. Đó chính là do não trạng "ăn mày dĩ vãng" của các tay lãnh đạo đầu sỏ, dựa vào xác họ Hồ để cầm quyền, độc quyền bán nước, độc quyền cướp bóc đất đai của nhân dân làm của riêng.

Cùng tác giả:





No comments:

Post a Comment

View My Stats