Wednesday, September 30, 2015 1:37:12 PM
Một
thất bại nguy hiểm của chính quyền Obama
Thiên
nhiên vốn không ưa khoảng trống nên tự nhiên lấp đầy các khoảng trống. Quy luật
vật lý ấy đang thể hiện tại Trung Ðông khi Liên Bang Nga đưa quân vào Syria và
gây khủng hoảng trong chính trường Hoa Kỳ. Hồ sơ Người Việt sẽ tìm hiểu về chuyện
này.
Trưa Thứ Tư, 30 Tháng Chín, Nghị Sĩ John McCain, chủ
tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện, họp báo về việc Liên Bang Nga mở cuộc không tập
tại Syria. Lý do là trái với tuyên bố của Moscow, vụ oanh tạc không nhắm vào
căn cứ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS mà lại tấn công lực lượng nổi dậy chống
chế độ độc tài Bashar al-Assad tại Damascus, tức là nhằm bảo vệ al-Assad.
Trước đó, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, qua lời tuyên bố của
Ngoại Trưởng John Kerry sau khi điện đàm với tổng trưởng Ngoại Giao Nga là
Sergei Lavrov, cho biết họ “đang bắt đầu tìm hiểu về động lực của Nga tại
Syria.” (Beginning of trying to understand what the Russian's intentions are in
Syria.) Ðang bắt đầu tìm mà chưa hiểu.
Một giờ sau cuộc họp báo của Nghị Sĩ McCain, phát
ngôn viên tòa Bạch Cung cho biết là Bộ Quốc Phòng Mỹ đang theo dõi động thái của
Nga tại Syria. Ba giờ sau, Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ash Carter họp báo và
cho biết rằng Nga đang đổ dầu vào lửa khi đưa quân vào để vừa bảo vệ chế độ
al-Assad vừa tấn công tổ chức ISIS. Nhưng mục tiêu nào là chính, mục tiêu nào
là phụ thì chưa rõ vì tại chỗ, Nga cản trở nỗ lực tấn công lực lượng ISIS của
Hoa Kỳ và liên quân quốc tế trong khi lại không tập những nơi không có quân
ISIS.
Khủng hoảng là như vậy: đối thủ ra quân mà ta chưa
rõ mục tiêu ấy là để làm gì.
Mục
đích rộng lớn của Nga
Sau khi tấn công Ukraine và thôn tính bán đảo Crimea
để khống chế vùng biển Hắc Hải, Liên Bang Nga gặp nhiều khó khăn vì bị Hoa Kỳ
cùng các nước Âu Châu (nói chung là “Tây phương,” trong đó có cả Nhật Bản và Úc
Ðại Lợi ở ngoài Âu Châu) phong tỏa kinh tế. Trong nội tình chính trị Moscow, Tổng
Thống Vladimir Putin cũng gặp sức ép của thành phần “siloviki,” bảo thủ, có chủ
trương triệt để bảo vệ an ninh và sức mạnh quân sự của Nga.
Nhưng, mặc dù như vậy và có khi cũng vì vậy mà Putin
lại có một cuộc phản công làm chính quyền Barack Obama bị bất ngờ.
Thật ra, mục tiêu của Nga không là điều gì khó hiểu.
Sau khi Hoa Kỳ từ chối can thiệp vào Syria dù chế độ
al-Assad đã vượt qua “lằn ranh đỏ” do ông Obama vạch ra từ năm 2012, là dùng võ
khí hóa học tàn sát phe đối lập, Chính quyền Putin được Obama mời vào dàn xếp một
giải pháp cho Syria, có thể là với dụng tâm nhờ Nga tìm giải pháp tháo gỡ kế hoạch
võ khí hạch tâm của Iran. Kế hoạch ấy đang thành hình qua hiệp ước hòa giải với
Iran và lời hứa hẹn không thể kiểm chứng được của Tehran.
Trước thái độ hòa hoãn ấy của Hoa Kỳ, Putin đưa quân
đội và võ khí vào Syria tiếng là để tìm giải pháp chính trị - có hay không có
chế độ al-Assad - và cùng quân đội của al-Assad tấn công lực lượng ISIS. Ðấy là
luận điệu chính thức. Thực chất là để ngăn ngừa các nhóm võ trang chống
al-Assad được Hoa Kỳ yểm trợ. Mục tiêu chiến thuật dễ hiểu là thiết lập hệ thống
cấm bay bằng võ khí phòng không của Nga để bảo vệ chế độ al-Assad. Mục tiêu chiến
lược là xây dựng liên minh giữa Nga, Iran, Iraq, Syria và cả lực lượng
Hezbollah do Iran yểm trợ tại Lebanon, để chứng minh rằng Nga chứ không phải là
Hoa Kỳ và các nước Tây phương mới có giải pháp ngăn ngừa và tiêu diệt tổ chức
ISIS.
Mục đích sâu xa và lâu dài hơn vậy là lần đầu tiên từ
nhiều thập niên, kể từ 1984, Nga có chân đứng tại Trung Ðông, với khả năng đe dọa
Minh ước Bắc Ðại Tây Dương NATO tại miền Nam, và bành trướng ảnh hưởng trong thế
giới Hồi Giáo, từ Ðịa Trung Hải qua tới khu vực Trung Á. Nếu theo dõi động thái
của Nga trên vùng Bắc Cực, người ta còn thấy một kế hoạch quy mô có kích thước
toàn cầu, nhằm trám vào khoảng trống do Hoa Kỳ để lại sau hai nhiệm kỳ của Tổng
Thống Obama.
Hiệu
ứng Putin tại Syria: Chặn NATO
Khi đưa quân vào Syria, Putin đã thu hẹp khả năng
hành động của Hoa Kỳ và các nước Tây phương không chỉ trong lãnh thổ Syria mà
còn khiến chính quyền Iraq cộng tác chặt chẽ hơn với Nga, Syria và nhất là
Iran. Tức là ngày càng xa dần ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Tuần qua, Chính quyền
Baghdad đã xác nhận là sẽ trao đổi tin tức tình báo với Nga và Iran, để có một
chiến tuyến chung chống tổ chức ISIL. Thật ra là chống cả ISIL lẫn quyền lợi của
Hoa Kỳ trong khu vực.
Thực tế ở tại chỗ cho thấy chiến đấu cơ của Nga đã
xuất hiện trên không gian Syria, có khả năng ngăn ngừa các phi vụ chống ISIL của
Hoa Kỳ và liên quân. Không Quân Nga đang yểm trợ và bảo vệ trực thăng của chế độ
al-Assad và gây khó cho các vụ không tập của Mỹ chống ISIL. Nhờ vậy, Putin có
thể đảm bảo là Hoa Kỳ không thể làm suy yếu chế độ al-Assad mà cũng chẳng giải
quyết được mối nguy ISIL trong cả khu vực.
Ðã vậy, chính quyền Putin còn khéo dụ Hoa Kỳ cùng phối
hợp hoạt động không quân với Nga trong khi vẫn duy trì khả năng cản trở các phi
vụ Mỹ chống lại ISIL hay chế độ al-Assad. Sở dĩ như vậy vì Putin đưa vào chiến
trường Syria một lực lượng quy mô và có tiềm năng lớn hơn mục tiêu chính thức
ban đầu là để bảo vệ thường dân và các căn cứ của Nga tại Syria.
Chi tiết kỹ thuật về các loại võ khí được tung vào
trận địa, từ phi cơ đến chiến xa và hỏa tiễn, và các căn cứ đang được Nga sử dụng
tại Syria cho thấy tầm nhìn rất xa của Putin. Nó rộng hơn lãnh thổ Syria! Không
Quân Nga có thể từ Syria can thiệp vào Iraq để yểm trợ các lực lượng thân Iran
và nhân tiện gây khó cho các phi vụ Hoa Kỳ. Tổng Trưởng Ash Carter cho biết rằng
Bộ Quốc Phòng đang tìm cách liên lạc với Nga để có thêm thông tin hầu tránh đụng
độ giữa Không Quân Nga-Mỹ!
Chẳng những vậy, phi đạo Bassel al-Assad của căn cứ
Không Quân Latakia chỉ cách biên giới Turkey chưa đầy 50 cây số, và Turkey là
thành viên tiền đồn của Minh Ước NATO trong khu vực nhiễu nhương này! Chiến đấu
cơ siêu thanh Su-30 (Flankers) của Nga có thể cất cách từ Bassel al-Assad bay
vào không phận Turkey trong vài phút nên Không Quân của Turkey và NATO tại đây
không kịp xác định mục đích của Nga và có quyết định phòng thủ hay nghênh chiến.
Vì vậy, qua chiến tuyến mở rộng với Syria, Iraq và
Iran, Putin có thể thực tế uy hiếp hàng loạt quốc gia thân Tây phương như
Turkey, Israel, Jordan và cả Saudi Arabia. Khi nhớ đến các phi vụ Nga xuất hiện
trên không phận của ba nước Cộng hòa Baltic, của Thụy Ðiển và Phần Lan tại Bắc
Âu, người ta phải suy đoán ra tham vọng của Putin.
Sau khi tấn công Ukraine, Liên Bang Nga không hề
thúc thủ mà còn tiến vào Ðịa Trung Hải, gây phản ứng lo ngại cho các quốc gia
thân Tây phương tại Bắc Phi và Trung Ðông. Và bộc lộ nhược điểm của Hoa Kỳ: thất
bại trong cuộc chiến chống tổ chức ISIS mà không trấn an được các đồng minh.
Kết
luận ở đây là gì?
Ông Obama muốn tháo chạy khỏi Trung Ðông và các chiến
trường Iraq cùng Afghanistan nên tạo ra một khoảng trống nguy hiểm khiến trật tự
chiến lược đã bị đảo lộn.
Lãnh đạo Hoa Kỳ năm 2017 sẽ phải giải quyết bài toán
này.
*
No comments:
Post a Comment