Friday, 2 October 2015

Indonesia hối thúc Hoa Kỳ giúp điều tra cuộc thanh trừng chống cộng (VOA Tiếng Việt)





03.10.2015

Tuần này đánh dấu 50 năm kể từ khi xảy ra vụ thảm sát tệ hại nhất trong lịch sử Indonesia, khi 6 sĩ quan quân đội bị giết trong khuôn khổ một cuộc nổi dậy bị cáo buộc là tả khuynh, dẫn tới một vụ đàn áp giết hại ít nhất 500 ngàn người. Hàng ngàn trí thức, giáo viên, thành viên công đoàn, thành viên của phong trào phụ nữ và các thường dân khác thuộc mọi thành phần đã bị xách nhiễu và giết hại.

Khác với nhưng vụ tàn sát tập thể ở những nơi như Rwanda và Kampuchea, Indonesia chưa hề thực hiện cố gắng nào nhằm khảo sát những gì đã xảy ra hay buộc những thủ phạm phải nhận lãnh trách nhiệm.

Giới phê bình khi đó đã yêu cầu chính phủ đóng chương đó lại, bằng cách mở sổ sách ra. Nhưng không phải có chính quyền ở Jakarta, mà cả những nhà hoạt động cũng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ để cho công chúng xem các tài liệu lưu trữ trong khoảng thời gian đó.

Với cuộc viếng thăm thủ đô Washington sắp tới trong tháng này của tổng thống Indonesia Joko Widodo, một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đang chuẩn bị một nghị quyết kêu gọi giải mật. Những người ủng hộ nói việc này không những đưa ra ánh sáng sự can dự và trách nhiệm của Hoa Kỳ, mà còn dồn áp lực lên Indonesia phải ủng hộ các nạn nhân qua một ủy ban tìm hiểu sự thật.

Rọi tia sáng vào những vụ giết hại “gần như không ai biết đến”

Giới chỉ trích lên án CIA và các cơ quan gián điệp khác là dung dưỡng, nếu không nói là trợ giúp công khai, vụ sát hại tới một triệu người bị nghi là cộng sản ở Indonesia trong thời Chiến tranh Lạnh.

Giáo sư lịch sử của trường UCLA Geoffrey Robinsion nói hôm thứ tư trong một cuộc bàn luận tại trường Nghiên cứu Đông phương và Phi châu (SOAS) của đại học đường London đúng vào ngày kỷ niệm biến cố này: “Tôi nghĩ có thể chứng minh rằng vì thiếu sự hỗ trợ của các chính phủ đó, và trong một bầu không khí quốc tế hơi khác, những vụ tàn sát và bắt giữ tập thể sẽ không xảy ra.”

Giữa tình trạng bất động và một “sự im lặng dài hạn” ở Indonesia, ông Robinson nêu ra rằng những vụ giết người tập thể là “gần như không được biết đến” bên ngoài quốc gia Đông nam Á này. Sự kiện diễn ra bất chấp số tử vong ngang ngửa với những vụ diệt chủng được sự chú ý nhiều hơn, từ Rwanda cho đến Srebrenica.

Ông nói, “Trong sự lan tràn và tốc độ cùng các ảnh hưởng sâu rộng về chính trị, các diễn biến trong thời gian 1965-66 có thể sánh với một số những chiến dịch bỏ tù và tàn sát tập thể khét tiếng nhất trong thời kỳ hậu chiến.”

Nghị quyết do Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Udall đề xuất trong tuần này kêu gọi Indonesia thành lập một ủy ban hòa giải và sự thật để giải quyết những tội ác đã phạm trong thời kỳ đó, và để chính phủ Hoa Kỳ giải mật và công bố các tài liệu có liên quan.

Giáo sư Robinson đề cập đến 3 khía cạnh của bạo lực chống cộng ở Indonesia đi chệch ra khỏi một số khuôn thức thông thường thấy được trong những vụ tàn sát khác. Nó không được thúc đẩy bởi một giấc mơ được cho là không tưởng, như ở Kampuchea của ông Pol Pot. Nó không bùng nổ giữa một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, như trường hợp ở Bosnia. Và nó không phải là một vụ thanh tẩy sắc tộc giống như ta thấy ở Rwanda hay cuộc diệt chủng Do Thái.

Trong một số những vụ diệt chủng khác, những người sống sót trải qua một tiến trình chữa lành mà ông Robinson nói người dân Indonesia đã không có được bởi vì chính phủ không thừa nhận lịch sử. Lâu sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ chẳng hạn, Campuchia cuối cùng đã truy tố các thủ phạm qua một tòa án quốc tế. Và sau những vụ tàn sát đại quy mô của Hitler, người Do Thái đã chia sẻ những câu chuyện của mình và hình thành những tường trình được ghi nhớ về vụ diệt chủng.

‘Văn hóa im lặng’

Ngược lại, Hội Ân xá Quốc tế nói người Indonesia đã đối mặt với sự ngược đãi và đe dọa nếu họ tìm cách “phơi bày những tội ác tập thể.”

Tổ chức nhân quyền này nói trong một thông cáo cố ý đưa ra vào dịp kỷ niệm 50 năm, “Một nền văn hóa im lặng ghê người đã thắng thế ở Indonesia.”

Điều đó có thể sẽ thay đổi. Ông Anton Alifandi, một chuyên gia phân tích Indonesia tại cơ quan tham vấn rủi ro HIS, không lạc quan rằng nước ông sẽ xin lỗi những người sống sót. Nhưng ông nói tự do ngôn luận đã phát triển kể từ vụ lật đổ Tổng thống Suharto năm 1998, vị tướng đã lãnh đạo cuộc thanh trừng chống cộng trong thập niên 1960.

Ông nói với đài VOA sau cuộc đàm phán SOAS: “Dân chúng nay được tự do bàn luận về việc ấy. Không có sự đền bù chính thức cho các nạn nhân, nhưng về mặt phổ biến quan điểm thì không có vấn đề.”

Tuy nhiên, phía các nạn nhân đã bị đè nén bởi quân đội, vẫn đóng vai trò ngự trị sau vụ thảm sát. Theo ông Robinson, sau khi vận dụng lời hăm dọa về một sự chiếm lĩnh của cộng sản để giết những người bị nghi là cảm tình viên, quân đội đã tiếp tục kiểm soát giới truyền thông và sách giáo khoa để viết lịch sử theo ý mình kể từ năm 1965.

Ông nói các cấp chỉ huy đã có thể ém nhẹm việc này, một phần bởi vì họ có được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng trong những vụ sát hại tập thể. Các nhóm dân quân chịu trách nhiệm một phần về vụ tàn sát, với quận đội trực tiếp kích động dân làng mang vũ khí ở một số khu vực. Trong những vụ khác, có đủ căng thẳng kinh tế xã hội khiến dân làng không cần nhiều sự kích động, theo nhận định của bà Elizabeth Pisani, tác giả cuốn sách Indonesia, Etc.

Bà nói, “Theo tôi, quân đội chính là ngòi châm.”

Tuần này tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo xác nhận chính phủ không có ý định tạ lỗi về những vụ giết hại cách đây 50 năm. Trong các nhận định đưa ra với các phóng viên, ông nói đất nước phải đảm bảo rằng chuyện này không xảy ra một lần nữa.

-------------------------

TIN LIÊN HỆ :

29.10.2013

Nhiều kiểu giải thích đã được đưa ra về cuộc nổi dậy của cộng sản ngày 30 tháng 9 năm 1965 tại Indonesia với những kết quả bi thảm sau đó, và cho đến giờ này, các nhà sử học và các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh cãi về chuyện này.
Một cuốn sách mới, có tựa Indonesia and the World, 1965-66, định đặt lại thảm kịch này trong bối cảnh quốc tế.

Thông tín viên VOA Jimmy Manan tường thuật buổi nói chuyện mới đây ở Washington của hai nhà biên tập - Bernd Schaefer của trung tâm Woodrow Wilson và Baskara Wardaya của trường đại học Sanata Dharma ở Indonesia để giới thiệu cuốn sách.
Cuốn sách đúc kết các bài tham luận được trình bày trong một cuộc hội thảo ở viện Goethe tại Jakarta năm 2011.

Mặc dù sự kiện ngày 30 tháng 9 năm 1965 được ghi nhận là một sự kiện cực kỳ bi thảm, vì đã có hàng triệu đảng viên cộng sản hoặc bị nghi là cộng sản bị sát hại dưới tay quân đội Indonesia, cộng đồng quốc tế lúc bấy giờ hoàn toàn im lặng.

Theo lời nhà biên tập Bernd Schaefer, một trong những yếu tố góp phần cho kết cuộc bi thảm này là sự thù ghét của Tổng thống Sukarno với cả phương Tây lẫn Liên-xô:
“Từ năm 1963 trở đi, Sukarno đứng chung hàng ngũ với Trung Quốc và các đồng minh cộng sản châu Á của Trung Quốc, nhằm xây dựng một phong trào quốc tế của cái gọi là các lực lượng mới trỗi dậy thuộc Thế giới Thứ Ba, dưới sự chỉ đạo của Jakarta và Bắc Kinh.”

Phong trào này thách thức cùng một lúc tất cả các khối có mặt lúc bấy giờ, như khối tư bản phương Tây; khối Xô-viết; phong trào phi liên kết do Nam Tư, Ấn Độ và Ai Cập chỉ đạo; thậm chí còn thách thức cả Liên Hiệp Quốc.
Chính sách ngoại giao đầy tham vọng này, khi hợp tác với Trung Quốc, đã biến Indonesia thành một thách thức lớn nhất cho cả Hoa Kỳ lẫn Liên-xô, khiến Indonesia trở thành trọng điểm của thế giới vào lúc Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh cao.

Ông Schaefer cũng nhắc đến vai trò của phong trào cộng sản quốc tế vào thời điểm đó. Năm 1965, phe cộng sản bị chia rẽ giữa Trung Quốc và Liên-xô.
Đảng cộng sản Indonesia, PKI, là đảng cộng sản lớn thứ ba của thế giới. PKI công khai đứng về phe Bắc Kinh đến mức coi thường, bất tuân Liên-xô và các đồng minh của Liên-xô.
Thực tế đó giúp giải thích tại sao khi hàng triệu đảng viên PKI bị thảm sát sau cuộc nổi dậy 30 tháng 9, chỉ có Trung Quốc lên án, còn Liên-xô thì ngồi yên.
Ông Schaefer nói:
“Tình hình cụ thể của quốc tế lúc bấy giờ giúp giải thích tại sao Liên-xô và các đồng minh thấy cần xa lánh các chiến lược do Trung Quốc đề xướng, hơn là tham gia vào một chiến dịch nhân đạo chống lại cuộc thảm sát tập thể đó.”

Ông Schaefer kết luận rằng sự rạn nứt giữa Liên-xô và Trung Quốc khiến PKI bó tay, bơ vơ, ngơ ngác trước chiến dịch tàn sát của quân đội Indonesia trong hai năm 1965 và 1966.
Người ta có thể đặt dấu hỏi, nếu PKI thân thiện hơn với Liên-xô và các đồng minh thì liệu Liên-xô đã can thiệp để ngăn quân đội Indonesia xóa sổ PKI hay không?

Mặt khác, các nước phương Tây cũng không ưa lập trường chống phương Tây của Tổng thống Sukarno, họ chỉ muốn thấy một nước Indonesia thân thiện hơn với phương Tây. Vì thế, theo nhà biên tập Schaefer, các nước phương Tây chẳng những giữ yên lặng trong lúc người cộng sản bị thảm sát ở Indonesia mà còn giúp quân đội Indonesia truy lùng các đảng viên và những người có cảm tình với PKI.

Ông Schaefer nói tiếp:
“Quả là một chuyện gây sốc khi chúng ta thấy các nước phương Tây còn hô hào tận diệt những người cộng sản. Ở một mức độ nào đó, các nước này đã có thái độ bệnh hoạn là lo lắng số người cộng sản bị tiêu diệt như vậy đã đủ hay chưa. Họ còn vui mừng khi thấy người cộng sản bị tiêu diệt.”

Sau khi tiêu diệt cộng sản, phe quân đội Indonesia đã nắm tuyệt đối quyền lực trong hơn 32 năm. Nhà biên tập Baskara Wardaya đưa ra một cái nhìn không mấy sáng sủa về lịch sử của Indonesia trong suốt thời gian đó.

Ông nói:
“Indonesia đã thay đổi từ một chính phủ phục vụ nhân dân do Sukarno lãnh đạo sang một chính phủ phục vụ tầng lớp ưu tú do Suharto lãnh đạo. Mọi thứ đều tập trung tại Jakarta, gần 80% khối tiền tệ lưu hành của Indonesia xảy ra tại Jakarta. Một thay đổi hiển nhiên khác, chính sách chống đầu tư của nước ngoài dưới thời Sukarno đã biến thành chính sách hoan nghênh đầu tư của nước ngoài tại Indonesia, mang theo tất cả hệ lụy kinh tế và phát triển của nó.”

Thông qua cuốn sách, người đọc có một cái nhìn tổng quan lịch sử về tại sao Indonesia đã trở thành nạn nhân của tình hình chính trị toàn cầu, nạn nhân của Chiến tranh Lạnh trong hai năm 1965 và 1966.







No comments:

Post a Comment

View My Stats