Ngô Nhân Dụng
Tuesday, October 20, 2015 6:50:55 PM
Trong cuốn sách CỬU
LONG CẠN DÒNG BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG (nhà xuất bản Giấy Vụn, 2014), nhà nghiên
cứu Ngô Thế Vinh đã báo động hai mối họa nước Việt Nam phải đối đầu. Chuyện Biển
Ðông dậy sóng ai cũng biết nhờ tin tức thời sự mỗi ngày. Ít người Việt theo dõi
mối họa thứ hai là “Cửu Long Cạn Dòng.”
Ký
giả Navin Singh Khadka, chuyên trách các vấn đề môi
trường sống của BBC mới viết một bài mới, báo động tình trạng đồng bằng sông Cửu
Long nước ta đang gặp nạn; tai họa không những gây ra do các đập nước của Trung
Quốc ở đầu nguồn sông Mekong mà còn vì hành động của chính người Việt Nam,
trong lúc chính quyền hoặc làm ngơ không chú ý, hoặc bất lực không làm gì được.
Khi Cộng Sản Trung Quốc cho xây các đập thủy điện
ngăn nước từ đầu nguồn sông Mekong, rồi các nước Lào, Thái Lan, Campuchia cũng
đua theo, số lượng nước chảy xuống sông Cửu Long ở nước ta đã giảm bớt. Vì sức
nước sông chảy yếu đi, nước biển đã dâng lên, tràn vào trong đất liền.
Hiện nay mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long đã bị nước
biển liếm mất 500 mẫu tây (năm cây số vuông). Theo Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam
thì trong năm ngoái số ruộng lúa bị nước biển tràn và thấm vào còn rộng hơn nữa,
mất 60 cây số vuông không thể trồng trọt. Theo các nghiên cứu khoa học của Ủy
Ban Sông Cửu Long, một tổ chức của bốn nước Việt Nam, Thái Lan, Lào và
Campuchia, với tốc độ nước biển xâm nhập hiện nay, tới cuối thế kỷ này vùng đồng
bằng sông Cửu Long sẽ mất gần một nửa (40%) đất có thể trồng trọt, vì mực nước
biển sẽ lên cao thêm cả thước.
Nhưng không cần phải đợi tới cuối thế kỷ đồng bào ta
mới phải chịu tai họa. Ông Lê Anh Tuấn, thuộc Viện Nghiên Cứu Biến Ðổi Khí Hậu
tại Ðại Học Cần Thơ, vì nước biển dâng lên, gần một nửa số dân sống trong vùng
sông Cửu Long đang thiếu nước ngọt để sử dụng.
Nước biển xâm lấn khiến những con đê ngăn nước mặn
cũng hư không còn hiệu lực nữa. Tại vùng ven biển, nước mặn đã vào sâu thêm 60
cây số trong đất liền. Một số nhà vườn trồng xoài đã ngưng hoạt động, vì cây
xoài chỉ sống được nếu nước mặn mỗi năm lên cao dưới 1.6 mili mét; mà hiện nay
mức dâng cao đã gấp ba lần (5 mili mét). Nhiều nhà nông trồng lúa đã phải bỏ,
quay sang nghề nuôi tôm. Theo nghiên cứu của Ủy Ban Sông Mekong, hiện nay số đất
phù sa bồi đắp lên vùng châu thổ sông Mekong đã giảm bớt 85 triệu tấn so với
năm 1992.
Ðầu mối tai họa này là chính sách khai thác điện lực
và dẫn thủy nhập điền của chính quyền Cộng Sản Trung Quốc. Sông Mekong, tại
Trung Quốc mang tên là Lan Thương (Lancang, 澜沧) chảy qua Tây Tạng và các tỉnh
Thanh Hải, Vân Nam, trước khi đổ xuống phía Nam. Theo tạp chí World Rivers
Review của cơ quan Sông Quốc Tế (International Rivers, IR), thì vào năm 2014,
Trung Cộng đã xây dựng 7 đập thủy điện lớn ở đầu nguồn sông Mekong thuộc nước
Tàu, con sông phát nguyên từ Tây Tạng chảy xuống Biển Ðông nước ta. Họ sẽ xây
thêm 21 đập ngăn nước lớn khác trong 10 năm tới. Các nước hạ nguồn cũng bắt chước
xây các đập nước khác; với dự án xây 11 con đập nữa.
Việc xây đập ảnh hưởng trên đời sống của các dân tộc
phía dưới nguồn sông. Vào mùa không mưa, dân chúng hai bên bờ sông ở Lào, Thái
Lan, phải dùng nước sông để tưới ruộng vườn, nay số lượng nước bị giảm. Khí hậu
hai bên bờ sông cũng thay đổi vì khối lượng nước trong con sông có tác dụng
giúp nhiệt độ ôn hòa, ít lên xuống hơn. Vì nhiệt độ thay đổi, đời sống các giống
cá trong lòng sông cũng bị ảnh hưởng. Nhưng tai họa lớn nhất là nước biển lấn dần vào đất liền
thì chỉ dân Việt ở đồng bằng sông Cửu Long gánh chịu. Ðập Don Sahong
đang xây ở Hạ Lào, nhằm cung cấp điện cho Lào và Thái Lan sẽ ảnh hưởng lớn trên
đời sống dân Campuchia và miền Nam Việt Nam.
Trong cuốn sách biên khảo viết dưới hình thức vừa tiểu
thuyết vừa ký sự, Cửu Long Cạn Dòng, Biển Ðông Dậy Sóng, Bác Sĩ Ngô Thế Vinh đã
mô tả hành động của chính quyền Trung Quốc: “Vào
Tháng Tư năm 2001, Trung Quốc đã ký một thỏa hiệp về thủy vận trên sông Cửu
Long nhưng chỉ với 3 quốc gia Miến Ðiện, Thái và Lào với kế hoạch vét lòng
sông, cả dùng cốt mìn chất nổ phá tung những khối đá trên các đoạn ghềnh thác,
các đảo nhỏ trên sông để khai thông mở rộng đường sông cho tàu lớn trọng tải từ
500-700 tấn có thể di chuyển từ cảng Tư Mao xuống Chiang Khong Chiang Sean Bắc
Thái xuống thẳng tới Vạn Tượng. Trong khi Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia
cuối nguồn, trực tiếp chịu ảnh hưởng của kế hoạch ấy thì bị gạt ra ngoài.”
Sau
các tai nạn do các đập nước gây ra, mối họa thứ hai là các công trường khai
thác cát. Mỗi năm hàng triệu mét khối cát được đào đem đi
trong vùng hạ nguyên sông Cửu Long; nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam. Quỹ
Thế Giới Bảo Vệ Thiên Nhiên (World Wide Fund for Nature, WWF) cho biết riêng tại
đồng bằng sông Cửu Long nước ta có 150 công trường đào lấy cát, trải ra trong
13 tỉnh, tổng cộng rộng 80 cây số vuông. Các công trường cát này đã được nhà nước
cấp giấy phép. Trong năm năm nữa, các công trình xây cất sẽ cần đến một tỷ mét
khối cát; làm giảm bớt số ruộng đất trồng trọt.
Các tổ chức bảo vệ môi trường đã báo động và cảnh
cáo chính quyền Việt Nam về tai hại của việc cho phép các công trường đào cát
hoạt động mà không nghiên cứu các ảnh hưởng sâu xa. Chính quyền biết các mối
tai hại đó những không làm gì cả. Khi được lệnh từ cấp trên, các địa phương từ
chối thi hành vì lý do không thể bồi thường thiệt hại cho các công ty đã cấp giấy
phép. Trong vấn đề này chưa có luật lệ nào bảo vệ môi trường sống của mấy chục
triệu người dân. Mà khi luật lệ không đầy đủ, không rõ ràng thì người ta càng
có thêm cơ hội tham nhũng!
Ngoài
nạn lấy cát không có kế hoạch toàn bộ, chính quyền còn đang thực hiện những
công trình “vét bùn” nới rộng lòng sông ở các khúc chi lưu nhỏ, thay đổi đời sống
dân hai bên bờ. Nhiều con sông phụ sâu dưới 5 mét không cho phép
các tàu thủy lớn qua lại. Việc vét bùn sẽ mở rộng đường giao thông nhưng không
có kế hoạch củng cố bờ sông cho vững chắc hơn; một hậu quả là sóng lớn xô vào
làm bờ sông bị lở và đất ruộng bị thu hẹp.
Hiểm họa của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long
còn tiếp diễn, vì một mặt, chính quyền Việt Nam không dám phản đối Trung Cộng
trong việc xây dựng các đập thủy điện bất chấp ảnh hưởng tới các nước phía dưới,
mặt khác vì chính quyền tham lam ăn hối lộ không quan tâm nghiên cứu và kiểm
soát việc khai thác cát trong vùng sông chảy qua.
Chỉ khi nào Việt Nam có một chính quyền không lệ thuộc
Cộng Sản Trung Quốc, nước ta mới có tiếng nói mạnh mẽ để cùng các nước trong
vùng sông Mekong ngăn chặn việc Trung Cộng xây đập nước mà không tham khảo ý kiến
các nước lân cận.
Chỉ khi nào Việt Nam có một guồng máy nhà nước do
người dân bỏ phiếu bầu, biết lo cho dân thay vì chỉ lo tranh giành chức vụ để
mưu lợi cho bản thân và gia đình thì đồng bào sống trong vùng đồng bằng sông Cửu
Long mới thoát khỏi mối hiểm họa đang đe dọa.
No comments:
Post a Comment