15.10.2015
Ông Lê Phước Hoài Bảo,
30 tuổi, được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam. (Ảnh
chụp từ trang web vnexpress)
Bài viết này được gợi ý sau khi đọc bài “Viết
Tiếp Chuyện Quan Chức Tuổi 30: Áp Lực Hay Kỳ Vọng?” của tác giả Cao Huy
Huân, do báo điện tử VOA đăng ngày 13/10/2015.
Ông Huân thảo luận về ba nguyên nhân khiến “con
quan chức” khi được đề bạt lên vị trí cao dễ thành đề tài “nhạy cảm”.
Từ đó, ông cho rằng “Việc phản đối ‘Giám đốc sở tuổi 30’ hay phát ngôn tiêu
cực về vấn đề này, thiết nghĩ, đều không nên”.
Trong khi không phản đối lập luận của ông Huân, tôi
lại nhìn đề tài này theo một góc khác. Đó là góc độ tính công bằng của xã hội
trong quá trình thăng tiến của ông Bảo.
Thực
sự, tuổi 30 làm không phải là vấn đề
Lịch sử Việt Nam đã quen với nhân tài trẻ tuổi. Trần
Hưng Đạo, Nguyễn Huệ cầm quân lúc dưới 20 tuổi. Thời cận đại, các ông Phan Bội
Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh,
Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, anh em Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn… đều trong
độ tuổi trên dưới 30 khi đã ở vị trí rất cao hay đã làm được những việc lớn, nổi
tiếng.
Thực sự, dân chúng Việt Nam, đã quá chán ngán những
cán bộ già nua và bảo thủ, đang mong mỏi một thế hệ công chức, lãnh đạo trẻ
trung, sinh động, thức thời, giàu sáng kiến… Do đó, dân chúng không hẹp hòi để
phản đối cái tuổi 30 của ông Lê Phước Hoài Bảo: vị trí giám đốc sở, xét về một
mặt nào đó, không phải là cao ở lứa tuổi này so với người có năng lực.
Vấn
đề được đặt ra từ một góc nhìn khác: Tính công bằng
1) Khi được duyệt xét đi học thạc sĩ nước ngoài theo Quyết định 42, ban duyệt
xét duyệt xét trên một danh sách đề nghị nhiều người hay danh sách chỉ có tên
ông Bảo?
Vị trí Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư thuộc Ban Quản
lý Khu kinh tế mở Chu Lai là có phải là một vị trí được tuyển dụng công khai với
cơ hội đồng đều cho nhiều người có đủ tiêu chuẩn yêu cầu? Các vị trí phó chủ tịch
huyện và chủ tịch huyện Thăng Bình cũng có được tuyển dụng công khai không?
(xin mở ngoặc: công khai ở đây là nói công khai trong nội bộ chính quyền, nghĩa
là có theo đúng qui trình đã được xác định và công bố minh bạch để theo dõi,
đánh giá, đề bạt… và qui trình này có được thông báo công khai và áp dụng cho
những người đạt tiêu chuẩn không?) Nghĩa là các cơ hội được đào tạo, được đề bạt,
được quyết định thăng tiến… mà ông Lê Phước Hoài Bảo nhận được, các cơ hội đó
có mở ra đồng đều cho mọi người có cùng tiêu chuẩn như ông Bảo không?
2) Tại sao trong quá trình phát triển, thăng tiến của ông Bảo, luôn có mặt
cha ông, ông Lê Phước Thanh, đương quyền ở vị trí thứ nhất hay thứ hai của tỉnh,
dìu dắt? Xin mở ngoặc, không phải dìu dắt trong phạm vi gia đình, mà trong lãnh
vực làm việc công. Đây là một điều cấm kị vì người dính líu trực tiếp khó thoát
khỏi “mâu thuẫn quyền lợi”, để rồi vì lợi ích riêng mà bỏ bê hay chà đạp lợi
ích chung, vì muốn nâng đỡ riêng người thân mà dìm những kẻ có tài. Và cảm nhận
của những người xung quanh cũng sẽ rất xấu khiến môi trường làm việc chung
không còn lành mạnh mà bè phái, nghi ngờ, gian dối, đàn áp lẫn nhau…
Chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại: các việc tuyển dụng
ông Bảo vào Khu kinh tế mở Chu Lai, bổ nhiệm ông Bảo làm phó chủ tịch huyện, bầu
ông Bảo làm chủ tịch huyện, bổ nhiệm ông Bảo làm giám đốc sở… việc nào cũng vậy,
nếu không do cha ông trực tiếp tiến hành thì cũng do những cấp dưới trực tiếp của
cha ông (cấp dưới về mặt chính quyền và/hay về mặt đảng) chỉ đạo và thực hiện.
3) Trong quá trình thăng tiến của ông Bảo, có quá nhiều đồn đãi và tai tiếng
về tính bất minh. Tôi không thể nói những đồn đãi đó phản ánh sự thật hay
không, nhưng lời đồn quá nhiều buộc người ta nghi ngờ. Rốt lại cũng chỉ có những
người có liên quan tới tai tiếng đó lên tiếng. Đó là chính cha của ông Bảo, là
phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, là hai ông nguyên thứ trưởng Bộ Nội
vụ. Tại sao không hề có điều tra từ một bên thứ ba? Các hội đoàn xã hội dân sự,
các tờ báo tư nhân, nếu được hoạt động như ở các nước tự do dân chủ sẽ làm việc
này tốt biết bao nhiêu! Công luận càng minh bạch thì xã hội càng công bằng.
Công luận minh bạch thì xã hội đàng hoàng hơn, nhà nước chính danh hơn, và đất
nước được lãnh đạo và điều hành hiệu quả biết bao!
Quá
nhiều tiền lệ đã xảy ra
Sự việc của ông Bảo thật ra cũng nhỏ nếu so sánh với
các tiền lệ đã xảy ra.
Hai người con trai của đương kim thủ tướng đã nhảy bậc
để một thành người lãnh đạo chủ chốt của một tỉnh quan trọng, một thành thứ trưởng
Bộ Xây dựng. Con trai ông tổng bí thư đảng CSVN thành bí thư tỉnh ủy. Con trai
ông trưởng Ban Tổ chức đảng, con trai ông bí thư, chủ tịch tỉnh này, tỉnh nọ…
Và khôi hài thay, cô con gái non choẹt (cả tuổi đời, kinh nghiệm sống lẫn kinh
nghiệm làm việc) của ông Trưởng ban Tuyên giáo bỗng được đặt vào vị trí tối cao
của một đại công ty rất quan trọng… Đặt vào rồi không lâu sau đó nhắc ra như
chuyện chơi!
Kết
luận
Vấn đề của ông Bảo, dù tương đối nhỏ so với các tiền
lệ, cho thấy có quá nhiều câu hỏi về tính công bằng trong xã hội Việt Nam.
Tôi nghĩ công luận cần lên tiếng nhiều hơn. Lên tiếng
để yêu cầu sự minh bạch được áp dụng nhiều hơn, do đó sự công bằng dần dần được
khôi phục. Lên tiếng như vậy là thái độ tích cực cho một hướng tiến tích cực
cho xã hội Việt Nam.
Công bằng giữa ông Bảo và các cá nhân khác. Công bằng
giữa đảng CSVN với các đảng khác. Công bằng giữa khuynh hướng chính trị ủng hộ
chủ nghĩa Cộng sản với các khuynh hướng chính trị khác… Các sự Công bằng đó được
thực hiện, tôn trọng trong lòng nước Việt Nam tất sẽ dẫn tới một sự công bẳng
to lớn hơn nhiều: Công bằng giữa nước Việt Nam thân yêu với các nước khác trên
thế giới.
--------------------------------------
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài
VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
--------------------
TIN LIÊN QUAN :
No comments:
Post a Comment