Luật sư Vũ Đức Khanh
Gửi
cho BBC từ Ottawa, Canada
21 tháng 10 2015
Ông Justin Trudeau
và vợ khi tuyên bố chiến thắng
Tối
19/10, Đài truyền hình CBC Canada loan báo Đảng Tự Do Canada đã thắng cử một
cách ngoạn mục, từ vị trí thứ ba với 34 ghế dân biểu đã vươn lên chiếm được 184
ghế trong tổng số 338 ghế ở Quốc hội, sau 78 ngày vận động tranh cử, một cuộc vận
động bầu cử dài nhất và cũng tốn kém nhất trong lịch sử Canada hơn 100 năm qua.
Với thắng lợi này, Đảng Tự Do sẽ đứng ra thành lập
tân chính phủ với Thủ tướng Justin Trudeau, 43 tuổi, một chính trị gia nhà nòi
và cũng là con trai của cố Thủ tướng Pierre Trudeau, một thời vang bóng ở thập
niên 70 và 80 của thế kỷ trước.Như vậy Canada bắt đầu có “triều đại” Trudeau!
Ông Justin Trudeau phát biểu ở Montreal sau khi thắng
cử rằng “Người Canada từ khắp nơi trên đất
nước tuyệt vời này đã gửi một thông điệp rõ ràng tối nay. Đây là thời khắc cho
sự thay đổi ở đất nước này, các bạn của tôi ơi, một sự thay đổi thực sự.”
Ông nói tiếp, “Một
cái nhìn tích cực, lạc quan, đầy hy vọng cho đời sống chính trị cộng đồng không
phải là một giấc mơ ngây thơ. Nó có thể là một động lực mạnh mẽ cho sự thay đổi.”
11 tuần trước đó, “Thủ tướng Justin Trudeau” chỉ là
một “giấc mơ ngây thơ” của một chàng nhà giáo trẻ, đẹp trai, đầy sức sống nhưng
nay thì giấc mơ đó đã trở thành hiện thực.
Justin Trudeau đã chính thức chấm dứt 9 năm cầm quyền
của Thủ tướng Stephen Harper và sự nghiệp chính trị của vị Thủ tướng được tiếng
là người đã lèo lái Canada an toàn trong cơn bão tố khủng hoảng kinh tế toàn cầu
từ năm 2008.
Vài ngày trước bầu cử, truyền thông Canada cũng dự
đoán rằng đây là một cuộc tranh cử sát sao giữa 3 chính đảng lớn tại Canada: Đảng
Bảo thủ cầm quyền và hai đảng đối lập, Đảng Tự Do và Đảng Tân Dân Chủ.
Đảng Tự Do tuy được đánh giá là có nhiều cơ hội thắng
cử nhưng khả năng chỉ là một chính phủ thiểu số vì sẽ không có đảng nào thu được
đủ số ghế để kiểm soát Quốc hội; một chính phủ đa số cần phải có tối thiểu 170
dân biểu ở Quốc hội.
Chính
sách tranh cử của các đảng chính
Đảng Bảo thủ cầm quyền ra tranh cử với thành tích giữ
vững được sự ổn định kinh tế từ gần 10 năm qua, hứa sẽ tăng việc làm cũng như
giảm thuế cho người dân và các công ty trước viễn ảnh một sự đình trệ kinh tế
cho những năm tới. Đảng Bảo thủ còn hứa nếu thắng cử sẽ thông qua Hiệp định
TPP, đẩy mạnh xuất khẩu Canada sang các thị trường mới đầy năng động của Châu
Á.
Đảng Tân Dân Chủ, một đảng chỉ mới nổi lên mạnh mẽ
trong kỳ bầu cử 2011 thì có những chính sách thiên tả, muốn chính phủ can thiêp
nhiều hơn trong kinh tế, tăng an sinh phúc lợi xã hội, thí dụ như sẽ cho xây
thêm nhiều nhà giữ trẻ với giá 15$ một ngày để giúp đỡ người dân, đồng thời đảng
này cũng hứa sẽ không ủng hộ TPP vì cho rằng Hiệp định này không mang lại lợi
ích cho người lao động mà chỉ phục vụ quyền lợi các đại công ty đa quốc gia.
Đảng Tự Do là một chính đảng có uy tín lâu đời ở
Canada. Trên 150 năm qua, hầu hết đảng này có thời gian cầm quyền lâu nhất.
Chỉ riêng từ đầu thập niên 1970 đến nay, đảng này đã
nắm quyền trên 2/3 thời gian. Do những vụ “xì-căng-đan tham nhũng” đầu những
năm 2000, đảng Tự Do đã mất quyền lãnh đạo từ tháng 1/2006, thậm chí họ còn tiếp
tục bị trượt dài cho tới tận hôm qua.
Đảng Tự Do với những chính sách trung dung nên hoàn
toàn khác hẳn với 2 đảng Bảo thủ và Tân Dân Chủ. Họ chủ trương sẽ tăng thuế ngắn
hạn để tái đầu tư trong vòng 10 năm tới cho hạ tầng cơ sở nhằm làm chất xúc tác
vực dậy nền kinh tế Canada.
Đảng này hô hào mạnh mẽ vì quyền lợi của tầng lớp
trung lưu. Riêng đối với Hiệp định TPP, đảng Tự Do không chống cũng không ủng hộ
mà chỉ tuyên bố là sẽ xem xét lại toàn bộ Hiệp định này.
Cuộc bầu cử 19/10 vừa qua mang tính quyết định lịch
sử vì người dân Canada bị bắt buộc phải có một sự lựa chọn dứt khoát giữa các
mô hình phát triển kinh tế, xã hội, thậm chí còn ảnh hưởng đến các vấn đề quốc
tế khác như Hiệp định kinh tế TPP, cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông và những
chính sách cam kết bảo vệ môi trường.
Nói một cách vắn tắt với ba xu hướng chính trị hoàn
toàn khác nhau: Đảng Bảo Thủ thiên hữu, Đảng Tân Dân Chủ thiên tả và Đảng Tự Do
trung dung; cuộc sống của người dân Canada sẽ không còn như trước nữa mà họ phải
trả cái giá của nền dân chủ tiến bộ của họ.
Người dân Canada đã quyết định và như lời của cựu Thủ
tướng Stephen Harper cho biết thì, “người dân thì không bao giờ sai,” và thêm rằng
ông chấp nhận kết quả “mà không chút do dự,” mặc dù không phải là kết quả mà
ông mong đợi.
Dân
chủ không hoàn hảo nhưng...
Dân chủ theo quan niệm của Phương Tây là người dân
được quyền tự do lựa chọn những người lãnh đạo của mình thông qua các kỳ bầu cử
định kỳ tự do, rõ ràng và minh bạch.
Các chính đảng và chính trị gia phải đưa ra các
chính sách để vận động người dân ủng hộ bỏ phiếu cho mình nhưng trong thực tế
không hẳn lúc nào người dân cũng có những viễn kiến như các nhà lãnh đạo quốc
gia. Đôi khi người dân chỉ bầu theo cảm tính mà không có sự phân tích rõ ràng dẫn
đến tình trạng một số chính trị gia mỵ dân.
Trong lịch sử, người ta thường nhắc đến câu nói bất
hủ của cố Thủ tướng Anh, Ngài Winston Churchill, người hùng của thời Đệ Nhị Thế
chiến. Ông nói đại ý như sau trong ngày 11/11/1947 trước Quốc hội Anh: "Dân chủ không phải là hình thức xã hội tối
ưu, nhưng hiện nó đang là hợp lý nhất, vì vẫn chưa có thể chế nào hay hơn
nó."
Ông chua xót như thế vì sau khi chiến tranh kết
thúc, ông đã thất cử vào kỳ bầu cử tháng 7/1945 để chỉ có thể trở lại cầm quyền
Thủ tướng vào năm 1951. Ông chiến thắng chiến tranh nhưng thất bại trong hòa
bình.
Ở Pháp cũng thế, tướng Charles de Gaule, anh hùng
trong kháng chiến, cũng chịu chung số phận nghiệt ngã sau chiến tranh nhưng cả
hai đều đã trỗi dậy mạnh liệt để trở thành những vĩ nhân của thế giới.
Dân chủ tuy có những mặt trái của nó nhưng như Ngài
Churchill đã nói "nó đang là hợp lý nhất, vì vẫn chưa có thể chế nào hay
hơn nó."
Chúng ta dứt khoát không chấp nhận độc tài dù đó là
độc tài cá nhân hay cộng sản hay bất cứ gì khác vì độc tài thì luôn lạm dụng và
coi thường người dân và không vì lợi ích chung của cộng đồng, quốc gia.
Bản thân dân chủ tuy có thiếu sót nhưng tự nó với những
định chế phần nào đã hạn chế được sự lạm quyền và cho phép nó sống lại được
thông qua những kỳ bầu cử định kỳ tự do, rõ ràng và minh bạch.
Vậy bất cứ quyết định nào hôm nay của người dân
Canada dù đúng hay sai, dù có ra sao đi chăng nữa đều có thể được tái điều chỉnh
trong một thể chế chính trị tự do, dân chủ và pháp trị như Canada.
Sức mạnh của Canada nằm trong những giá trị cơ bản
đã được hiến định thông qua “Bản Hiến chương các quyền và tự do” của người dân
Canada cũng như những định chế dân chủ.
----------------------------
Bài viết phản ánh
văn phong và quan điểm của tác giả, một luật sư đang sống và làm việc ở
Canada.
TIN
LIÊN QUAN :
No comments:
Post a Comment