Tuesday, 13 October 2015

BÓNG DÁNG ĐẤNG NAM NHI TRONG BÀI THƠ ĐẠI NGÔN “TỔ QUỐC GỌI TÊN” (Phạm Đình Trọng)





Phạm Đình Trọng
Posted by adminbasam on 13/10/2015

Bài thơ đại ngôn, sáo ngữ tầm thường Tổ Quốc Gọi Tên bỗng trở nên nổi lềnh bềnh như phao bởi đề tài biển đảo của bài thơ là đề tài đang được bộ máy tuyên truyền tập trung khai thác.

Không dám làm phật lòng nước cộng sản đàn anh Tàu Công nên “dân chài bám biển, quân đội bám bờ”. Đẩy dân thuyền gỗ, tay không ra bám biển, đương đầu với pháo hạm của kẻ cướp Tàu Cộng hung hãn. Giặc Tàu Cộng cứ mặc sức bắn giết, bắt bớ, đánh đập, cướp bóc tài sản, đòi tiền chuộc mạng sống của người dân Việt khốn khổ. Còn quân đội cứ án binh bất động trong bờ. Sợ làm phật lòng nước cộng sản đàn anh đến mức kẻ đã bắn giết người dân Việt Nam làm ăn trên biển của ông cha, của lịch sử Việt Nam, kẻ đã bắn giết người lính Việt Nam , cướp biển, cướp đảo Việt Nam nhưng cả hệ thống truyền thông Việt Nam không dám chỉ mặt vạch tên kẻ cướp mà chỉ gọi một cách dửng dưng, mơ hồ, vô cảm: Nước lạ! Tàu lạ! Kẻ lạ!

Nhưng để yên lòng dân thì phải tỏ ý chí quyết bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ và chỉ bảo vệ bằng ngôn từ, bằng tuyên truyền. Ngôn từ hùng hồn, đao to búa lớn của Tổ Quốc Gọi Tên rất phù hợp, rất cần thiết với tuyên truyền lúc này. Tổ Quốc Gọi Tên in sách. Tổ Quốc Gọi Tên phổ nhạc tấu lên rộn rã, thống thiết trong các chương trình ca nhạc.

Tổ Quốc Gọi Tên càng ồn ào, om sòm hơn khi có cuộc tranh chấp bản quyền giữa một cựu chiến binh dân thường, tỉnh lẻ, thấp cổ bé họng với một người đàn bà có danh có phận, có thế có lực, có vây có cánh, lại có cả bộ máy tuyên truyền chính thống, khổng lồ hỗ trợ, hậu thuẫn. Một cuộc tranh chấp quá bất cân xứng mà phần hơn, phần ưu thế, phần áp đảo nghiêng hẳn về phía người đàn bà nhiều thần thế, đa ngôn, mạnh miệng.

Cuộc tranh chấp chủ quyền bài thơ đang nghiêng hẳn về phía người đàn bà, nghiêng hẳn về phần âm tính. Nhưng tôi lại thấy bài thơ đầy dương khí, đầy cốt cách đàn ông.

Xin hãy đọc lại bài thơ :

TỔ QUỐC GỌI TÊN
Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá
Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả
Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây
Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi
Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ
Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã
Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông
Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình
Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc
Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước
Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau
Sóng chẳng còn bình yên dẫn lối những con tàu
Sóng quặn đỏ máu những người đã mất
Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc
Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”
Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc
linh thiêng
Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố
Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa
Tôi lắng nghe
Tổ quốc
gọi tên mình

1. CẢM HỨNG NAM NHI

“Tổ quốc gọi tên” là tâm thế, là cảm hứng của đấng nam nhi, không thể là tâm thế, là cảm hứng của nữ nhi thường tình.

Tâm thế, cảm hứng, sĩ khí của kẻ làm trai là:
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng. (Ca dao)

Và:
Làm trai cho đáng nên trai
Xuống Đông, Đông tĩnh. Lên Đoài, Đoài yên. (Ca dao)

Tâm thế, cảm hứng của kẻ làm trai là hướng ngoại, hướng tới lí tưởng lớn lao, cao cả: Tổ quốc, Nhân dân. Kẻ làm trai có lí tưởng nào cũng cần thể hiện mình, xác định sự có mặt trong cuộc đời bằng trách nhiệm. Trách nhiệm với cuộc đời, với non sông đất nước. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” là vậy.

Còn tâm thế, cảm hứng của người đàn bà là:
Có con chăm chút cho con
Có chồng gánh vác giang san nhà chồng. (Ca dao)

Tâm tính trời phú cho người đàn bà là hướng nội, hướng vào thân phận cá thể bé mọn, hướng vào gia đình riêng tư. Nếu người đàn ông có lí tưởng luôn ý thức về trách nhiệm với đất nước, với nhân dân thì người đàn bà thảo hiền luôn canh cánh với bổn phận trong gia đình. Bổn phận con ngoan. Bổn phận vợ đảm. Bổn phận dâu thảo. Bổn phận mẹ hiền.
Giặc cướp nước rình rập ở biên cương, ở cửa biển, vận mệnh đất nước bị đe dọa thì người đàn bà trước tiên nghĩ đến sự an nguy của gia đình, sự li tán của vợ chồng, sự sống chết của người đàn ông trong gia đình phải ra trận tiền.

Tâm thế, cảm hứng đó ở người đàn bà dân dã được ca dao ghi nhận:
Trời ơi sinh giặc làm chi
Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường

Còn người đàn bà quyền quí, có học, có chữ thì tự họ ghi lại tâm thế đó thành văn chương và trở thành áng văn bất hủ của văn chương Việt Nam:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiền nỗi truân chuyên.
(Đoàn Thị Điểm. Chinh Phụ Ngâm)

Phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang” được phát động và hưởng ứng rộng rãi, có hiệu quả trong suốt thời chiến tranh kéo dài vừa qua chính là từ tâm thế giới tính này. Đất nước đang cơn binh lửa, thanh niên sẵn sàng lên đường ra mặt trận theo tiếng gọi của Tổ quốc, để lại việc của người đàn ông trong gia đình cho người đàn bà ở phía sau đảm đang gánh vác.

Trong khi người đàn ông có lí tưởng luôn có ý thức về trách nhiệm với cái chung, hướng ra xã hội thì người đàn bà có giáo dục cứ thường trực lo lắng về bổn phận với gia đình riêng. Tâm thế của họ, vui buồn của họ là soi vào lòng mình và soi vào gia đình mình. Vì thế, “Tổ quốc gọi tên” là tư thế, là tâm thức, là cảm hứng chỉ có ở đàn ông. Đàn bà không thể có cảm hứng “Tổ quốc gọi tên”.

2. NGÔN TỪ SÁO RỖNG, KHOA TRƯƠNG

Ngôn ngữ Tổ Quốc Gọi Tên chỉ là thứ ngôn ngữ chính trị, tuyên huấn, là vốn từ, cách tư duy của một người lính, một thanh niên sống trong hệ thống tuyên truyền giáo dục cộng sản, không phải là ngôn ngữ văn chương, càng không phải ngôn ngữ nghệ thuật.

Từ ngữ đao to búa lớn của Tổ Quốc Gọi Tên quá dễ dãi, hời hợt, và trống rỗng, đọc lên cứ thấy loảng xoảng của chiếc thùng rỗng đang bị đập mạnh hết cỡ. Hình ảnh bão tố mòn cũ sử dụng một lần đã là sự lười biếng, dễ dãi trong tư duy sáng tạo, vậy mà Tổ Quốc Gọi Tên cứ lặp đi lặp lại thứ bão tố cải lương đó. Vừa mới mang bão tố ra làm nền cho người lớn diễn tích anh hùng “Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây”, lại mang bão tố ra để trẻ thơ cũng trở thành diễn viên cải lương ngủ trong bão tố cho thêm kịch tính, gay cấn “Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố”.

Bão tố cải lương đã thừa thãi, lại thừa thãi cả máu nhân tạo đổ tùm lum trong Tổ Quốc Gọi Tên

Máu của người nhuộm mặn sóng biển đông
. . .
Sóng quặn đỏ máu những người đã mất

Máu người không phải nước lã. Máu của những người ngã xuống cho đất nước càng linh thiêng. Nhưng không phải cứ mang dòng máu thiêng đó ra là gây được nỗi xót xa, xúc động, là tạo được không khí bi tráng lịch sử. Giữa mớ ngôn từ khoa trương, lên gân, sáo rỗng, trong cái tình cảm hời hợt, thiếu trung thực, coi kẻ cướp bắn giết đồng bào chiến sĩ Việt Nam, cướp biển cướp đảo Việt Nam đã nhẵn mặt nhẵn tên từ trong lịch sử chỉ là “kẻ lạ mặt” vu vơ thì dòng máu kia cũng chỉ là máu đạo cụ, máu giả, tạo ra bởi phẩm màu cho xuất diễn mà thôi!

Không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, tính nghiệp dư của người viết Tổ Quốc Gọi Tên còn nhận ra ở sự thiếu tinh tế trong sử dụng ngôn từ. Nhuộm phải đi với màu sắc. Nghiệp dư, thiếu tinh tế nên mới viết “Máu của người nhuộm mặn sóng biển đông”. “Mặn sóng biển đông” thì phải thay động từ “nhuộm” bằng động từ “pha”: Máu của người pha mặn sóng biển đông.

Ngôn ngữ lên gân, đại ngôn, khoa trương cũng rất đàn ông, một người đàn ông quen sống trong môi trường chính trị, môi trường tuyên huấn.

Cảm hứng của đấng nam nhi và ngôn ngữ đao to búa lớn của kẻ mày râu, hai điều lồ lộ trong Tổ Quốc Gọi Tên đã khẳng định rằng Tổ Quốc Gọi Tên không thể là sản phẩm của nữ nhi

3. CHỈ CÓ GIÁ TRỊ TUYÊN TRUYỀN CHỐC LÁT

Từ văn bản, từ hiện vật ngôn từ bài thơ chứng minh rằng Tổ Quốc Gọi Tên là sản phẩm của đấng nam nhi, nhưng là đấng nam nhi nghiệp dư văn chương. Tổ Quốc Gọi Tên chỉ có giá trị tuyên truyền nhất thời, hoàn toàn không có giá trị nghệ thuật.

Không có giá trị nghệ thuật thì tranh chấp làm chi hỡi đấng nam nhi!






No comments:

Post a Comment

View My Stats