05.08.2015
Một Việt kiều Mỹ vừa bị Công an tỉnh Khánh Hòa bắt
giữ hôm 3/8 vì lệnh truy nã 25 năm trước về tội cướp ghe đi vượt biên. Có nhiều
ý kiến cho rằng thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự của vụ việc trên đã hết.
Khánh An của ban Việt ngữ VOA tham khảo ý kiến của luật sư về việc này.
Ông Bùi Văn Tánh, sinh năm 1956, trước đây có hộ khẩu
thường trú ở phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang. Truyền thông trong nước trích hồ
sơ của công an tỉnh Khánh Hòa cho biết vào tháng 7/1980, ông Tánh cùng một nhóm
bạn đến bãi biển phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, chơi.
Khi thấy một chiếc ghe chuẩn bị ra khơi, nhóm này đã
xông vào khống chế chủ và cướp ghe, vượt biển trốn sang Philippines. Sau 6
tháng tị nạn, ông Tánh được bảo lãnh sang Mỹ định cư từ đó đến nay.
Đầu tháng 8 năm 2015, ông Tánh trở về nước thăm gia
đình thì bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ. Lúc này, ông mới biết mình đã bị
truy nã từ ngày 24/7/1990, tức 25 năm trước.
Rất nhiều người khi biết tin này đều cho rằng thời hạn
truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vụ việc này đã hết vì theo quy định của luật
pháp Việt Nam, điều 23, cho biết: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 5
năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, 10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng,
15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng, 20 năm đối với các tội phạm đặc
biệt nghiêm trọng. Ông Tánh đã vắng mặt 25 năm tại Việt Nam, do đó, theo nhiều
người là đã hết thời hạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên theo Luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên, có hai vấn
đề cần phải xét trong trường hợp này.
“Có hai trường hợp
xảy ra. Nếu tại thời điểm ảnh cướp cái ghe đó đi vượt biên, mà cơ quan tiến
hành tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng vì ảnh vắng mặt nên ảnh chưa bị
bắt. Trong trường hợp này thì đến nay vẫn còn hiệu lực. Trường hợp thứ hai là tại
thời điểm đó, các cơ quan nhà nước không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can mà
nay bị bắt thì sai, bởi vì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết rồi.”
Căn cứ vào câu trả lời của LS. Võ An Đôn, trường hợp
của ông Tánh đã bị cơ quan an ninh điều tra ra quyết định truy nã vào năm 1990
nên lệnh truy nã vẫn có hiệu lực.
“Nếu mà khởi tố thì
nay vẫn còn hiệu lực, bởi vì lệnh truy nã có hiệu lực suốt luôn, khi nào chết
thì hết.”
Đối với nhiều Việt kiều đi vượt biên trước đây, việc
cướp ghe đi vượt biên trong một số tình huống là bất khả kháng. Ngoài ra do thiếu
thốn các phương tiện thông tin đại chúng ở thời điểm đó, họ hoàn toàn không hay
biết mình đã bị truy nã tại Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cướp ghe vượt
biên trước đây đều bị truy nã. Theo báo chí Việt Nam, trường hợp của ông Tánh bị
truy nã là vì người bị hại đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan an ninh điều tra
Công an tỉnh Khánh Hòa sau khi vụ việc xảy ra.
No comments:
Post a Comment