Thursday, 6 August 2015

Trung Quốc đặt căn cứ tàu sân bay tại Hải Nam để khống chế Biển Đông (Trọng Nghĩa - RFI)





Trọng Nghĩa  -  RFI
Đăng ngày 05-08-2015 

Trung Quốc xây hải cảng thứ nhì ở Tam Á có thể đón cùng lúc hai tàu sân bay - REUTERS /Stringer

Những thông tin gần đây cho biết là Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng hải cảng thứ hai có khả năng tiếp nhận cùng lúc hai tàu sân bay. Cảng mới này nằm ở Tam Á, trên đảo Hải Nam, nhìn thẳng xuống Biển Đông.

Báo trên mạng Nhật Bản The Diplomat, số ghi ngày hôm nay, 05/08/2015 đã phân tích sự kiện này và cho rằng vị trí căn cứ hàng không mẫu hạm mới đó xác nhận ý đồ khống chế Biển Đông của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh không còn che giấu. 

Vào hôm qua, chính tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã công bố trên trang web của mình một bài viết về căn cứ mới cho tàu sân bay tại Hải Nam. Tờ Nhân dân đã không ngần ngại lấy lại phần phân tích được đăng trước đó trên trang mạng thePaper.cn, của nhà nghiên cứu Mã Nghiêu, Trường Đại học Quốc tế Thượng Hải, theo đó có ba nguyên nhân chính thúc đẩy Trung Quốc xây dựng căn cứ cho hàng không mẫu hạm. 

Lý do thứ nhất là vị trí chiến lược của đảo Hải Nam, một vị trí lý tưởng cho một căn cứ Hải quân, gần ba eo biển chiến lược quan trọng là Malacca, Lombok và Sunda. Mã Nghiêu đã nhắc lại lập luận thường được quân đội Trung Quốc nêu lên là nếu Mỹ và Nhật phong tỏa "chuỗi đảo thứ nhất" (chạy dài từ Okinawa đến Đài Loan), thì chiến hạm của Trung Quốc vẫn có thể đi xuống Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương thông qua Biển Đông. Duy trì quyền ra vào Biển Đông do đó sẽ cho phép Trung Quốc bảo vệ các tuyến hàng hải dùng để nhập khẩu dầu hỏa. 

Ngoài ra, cũng theo Mã Nghiêu, căn cứ tàu sân bay ở Hải Nam, còn cho phép Trung Quốc tập trung lực lượng hải quân của mình ở một vị trí chiến lược quan trọng, nơi mà lực lượng Hoa Kỳ ở trong vị thế tương đối yếu. 

Nguyên nhân thứ hai, theo chuyên gia Mã Nghiêu, là sự kiện Hải Nam, vốn là nơi đặt nhiều căn cứ quân sự khác, do đó căn cứ tàu sân bay sẽ được phòng thủ tốt hơn. Chuyên gia này nêu bật ví dụ về căn cứ của loại chiến đấu cơ J-11B, được cho là phương tiện hữu hiệu chống các chuyến bay tuần thám bằng phi cơ P8-A của Mỹ trên Biển Đông. Trong trường hợp nổ ra tranh chấp, máy bay J-11B sẽ giúp bảo vệ các tàu sân bay. 

Mã Nghiêu cũng nêu bật sự tồn tại của căn cứ tàu ngầm Du Lâm ở bờ biển phía Đông đảo Hải Nam. Hiện nay, chưa ai rõ là một tiểu hạm đội tàu ​​sân bay của Trung Quốc bao gồm những loại phương tiện nào, những một số chuyên gia xác định rằng đơn vị đó sẽ có ít nhất là một chiếc tàu ngầm loại 093, thuộc lớp Thương, hiện đặt căn cứ ở Du Lâm. 

Nguyên nhân thứ ba, theo chuyên gia Mã Nghiêu, là đảo Hải Nam, với vùng nước sâu bao quanh, là một địa điểm thích hợp cho việc đồn trú các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc. Tàu ngầm hạt nhân cần được bảo vệ chống lại các phương tiện vũ khí chống tàu ngầm. Địa dư của Hải Nam thích hợp cho việc đặt các căn cứ tàu ngầm, cho nên, nếu căn cứ tàu sân bay được đặt gần đấy, điều đó có thể góp phần bảo vệ các tầu ngầm nhờ các phương tiện chống ngầm thường rất nhiều trong một tiểu hạm đội tàu sân bay. 

Bài viết của Mã Nghiêu không nói gì tới tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, và khả năng phái tàu sân bay xuống vùng biển đó để bảo vệ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. 
Tuy nhiên, theo The Diplomat, lập luận căn bản về căn cứ cho tàu sân bay tại đảo Hải Nam đã nêu bật tính chất quan trọng của Biển Đông đối với Trung Quốc. Tầm quan trọng này không liên quan gì đến việc duy trì quyền kiểm soát các rạn san hô hay bãi đá, mà là những hệ quả chiến lược bắt nguồn từ quyền kiểm soát đó.

----------------

TIN LIÊN HỆ :






No comments:

Post a Comment

View My Stats