Saturday, 1 August 2015

Tị nạn giáo dục hay tị nạn chính trị? (FB Nguyễn Văn Tuấn)






Hôm qua đọc được một bài báo mà cái tựa đề [nói theo tiếng Anh là] rất “revealing”: Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp: Có làm được việc đâu mà kêu ca (1). Bài báo liệt kê vài nhược điểm của tình trạng đào tạo trong các đại học Việt Nam, nhưng chủ yếu vẫn là vấn đề chất lượng. Dĩ nhiên, câu chuyện không mới, nhưng nó một lần nữa nhắc nhở vấn đề chất lượng đào tạo, và dẫn đến vấn nan “tị nạn giáo dục” như hiện nay. Nhưng tôi nghĩ trong thực tế thì đó là một cuộc tị nạn chính trị, chứ không hẳn là tị nạn giáo dục.

Vấn đề này đã được đề cập đến gần 20 năm trước đây. Lúc đó tôi bắt đầu có những tìm hiểu về vấn đề, và đọc được một báo cáo của UNDP (Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc). Trong báo cáo đó, tác giả nhận xét rằng sinh viên ra trường chưa đảm nhận được công việc mà đáng lẽ những người được đào tạo như thế phải làm được: “Hệ thống GD-ĐT [giáo dục và đào tạo] lâu nay của Việt Nam còn bất cập. Tỉ lệ người được đào tạo ra đạt tiêu chuẩn quốc tế là rất ít.” Một nghiên cứu của bà Maureen Chao thuộc Trường Đại học Seattle (Mĩ) vào thập niên 1990s, trong nhiều công ti liên doanh với Việt Nam, như Intel chẳng hạn, hầu hết sinh viên Việt Nam đều phải được đào tạo lại cả về chuyên môn lẫn kĩ năng giao tiếp!

Một trong những vấn đề mà ít ai đề cập đến là sinh viên VN tiêu ra khá nhiều thì giờ học những môn mà [nói theo ông Hồ Ngọc Nhuận] là “thầy không muốn dạy và trò thì không muốn học”. Đó là những môn cách mạng Việt Nam, lịch sử đảng, kinh tế mác lê, v.v. Chưa có một hệ thống giáo dục nào trên thế giới mà có chương trình quái đản như thế! Thật ra, sau này tôi tìm hiểu thi mới biết là bên Tàu họ cũng dạy như thế. Một em nghiên cứu sinh của tôi (nay đã đi Mĩ) kể rằng em ấy phải học mấy môn học vô bổ đó, và nó chiếm 20% chương trình. Một lần nữa, VN lại bắt chước cách tẩy não của Tàu. Một hệ thống giáo dục lẫn lộn giữa tuyên truyền chính trị và giáo dục thì làm sao đào tạo ra con người giỏi được.

Đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Một bài báo trên tạp chí công nghệ thông tin cnet (do Zing dịch) cho biết “Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Việt Nam phải được đào tạo thêm để đứng máy ở các dây chuyền sản xuất. Đây là thực tế được hàng chục nhà tuyển dụng xác nhận. Quá trình đào tạo này mất vài tháng, có khi vài năm” (2). Các nhà tuyển dụng còn phê bình hệ thống giáo dục VN không linh động, và không cải tiến nhanh để theo kịp tình hình phát triển kinh tế.

Nhưng các công ti lại thấy đó là cơ hội cho họ, để họ liên kết với đại học nước ngoài đào tạo lại các giảng viên và giáo sư Việt Nam (2). Nói cách khác, họ không tin tưởng vào hệ thống đại học VN, nên họ phải nhờ nước ngoài làm giúp. Đào tạo lại giảng viên, giáo sư Việt Nam? Trong thực tế, theo như bài báo cho biết, công ti Intel liên kết cùng một cơ sở khác “đã đào tạo 291 giảng viên người Việt Nam, trong đó có 71 giảng viên nữ, với các khoá học kéo dài 6 tuần cùng hàng trăm giáo sư khác.”

Có lẽ điều này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì trước đây một vị trưởng lão trong làng giáo dục đã từng nhận xét rằng hệ thống đào tạo tiến sĩ trong nước còn có nhiều bất cập. Trong một bài viết năm 2007, Gs Hoàng Tuỵ cho rằng “Có những công trình khoa học, những luận văn tiến sĩ của ta ngay cả về những ngành học thuật có tính quốc tế như khoa học cơ bản, kinh tế,…,nếu xét theo tiêu chuẩn thông thường ở các nước thì thậm chí chỉ là những mớ giấy lộn. Đội ngũ GS của ta thì nhiều người hữu danh vô thực, số khá đông dưới xa chuẩn mực quốc tế bình thường nhất” (3).

Nhưng GS Tuỵ không phải là người duy nhất nhận định như thế; Gs Trần Văn Thọ cũng từng có nhận xét giống như thế trong ngành kinh tế. Anh Thọ viết: “Cách suy nghĩ về việc chọn đề tài ở VN chỉ làm cho luận án tiến sĩ thiếu tính học thuật và phần lớn thiếu tính độc sáng. Nội dung, trình độ của luận án do đó còn rất xa mới đạt được tiêu chuẩn tối thiểu của thế giới và người được cấp bằng trong trường hợp đó khó có thể thảo luận khoa học với chuyên gia nước ngoài trong cùng ngành” (4).

Đặt những nhận xét đó trong bối cảnh chung thì chúng ta sẽ có một bức tranh logic. Do cách đào tạo người thầy bậc đại học đã có vấn đề, nên từ đó dẫn đến hàng loạt vấn đề về trò. Tôi cũng từng viết trong cuốn sách về giáo dục là chất lượng đào tạo phải bắt đầu từ thầy cô. Chẳng có gì là một sáng kiến mới, mà rất ư hiển nhiên. Thầy cô là “thợ giảng” thì làm sao có thể đào tạo ra trò giỏi được. Nhưng nói như thế có thể không công bằng cho những bạn được đào tạo ở trong nước nhưng được đào tạo đàng hoàng. Nhưng con số “đàng hoàng” đó chẳng bao nhiêu, nên cả hệ thống phải ở trong tình trạng vàng thau lẫn lộn như hiện nay.

Nói một cách nôm na, thầy dỏm “sản xuất” ra một thế hệ dỏm I. Thế hệ dỏm I lại cho ra một thế hệ dỏm II, và cứ thế cả hệ thống theo thời gian là dỏm nhiều thế hệ. Nói như thế để thấy việc gác “đền thiêng” giáo dục rất quan trọng. Nhưng rất tiếc, việc đó đã bị lơ là cả 40 năm nay, nên để lọt và dung túng những kẻ bất tài có mặt trong cái đền thiêng giáo dục. Những kẻ bất tài đó đã làm cho nền giáo dục trở nên tầm thường hoá, có khi dung tục hoá. Và, hệ quả là cả nước phải hứng chịu tình trạng như ngày nay.

Nhớ ngày xưa, những người gác đền thiêng rất nghiêm (như Gs Phạm Biểu Tâm) nên còn giữ được phẩm giá giáo dục một thời. Xin nhắc lại thời đó Gs Tâm từ chối không cho con gái của ông Ngô Đình Nhu theo học y khoa chỉ vì cô ấy thiếu một chút xíu điểm. Dù có áp lực gián tiếp từ hệ thống chính trị (chứ không phải từ ông Nhu) nhưng Gs Tâm nhất định giữ vững quyết định. Còn sau 1975 thì có một thời gian dài người ta nhận sinh viên theo chế độ lí lịch, thì việc gác đền thiêng giáo dục coi như vô hiệu hoá.

Cái khó là có một số người dỏm và “ngồi nhầm chỗ” lại đang cầm trịch hệ thống giáo dục và đào tạo ở khắp nơi. Thành ra, việc cải cách giáo dục có thể xem là gần như vô vọng, không có lối ra. Có lẽ đó là một cái nhìn hơi bi quan, nhưng quả thật đã 20 năm qua từ lúc tôi quan tâm đến vấn đề cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy tín hiệu gì tích cực để thay đổi cái nhìn đó.

Vì thế, xin đừng trách tại sao Việt Nam có hiện tượng “tị nạn giáo dục” ở nước ngoài. Người nước khác thì đi tị nạn chính trị, còn Việt Nam thì tị nạn giáo dục. Những người biết rõ nhất sự vô vọng của nền giáo dục chính là các quan chức trong chính quyền, vì con cháu họ thường được gửi đi tị nạn giáo dục. Thật ra, tị nạn giáo dục của Việt Nam cũng là một hình thức tị nạn chính trị, vì các em ấy khi ra nước ngoài là để giải phóng khỏi những môn học vô bổ và sau đó là xin định cư luôn ở nước ngoài. Khi định cư, các em ấy lại bảo lãnh anh em và cha mẹ sang tị nạn tiếp! Tị nạn khỏi nền giáo dục lẫn lộn giữa tuyên truyền chính trị và giáo dục. Do đó, nói là tị nạn giáo dục, nhưng phải hiểu là tị nạn chính trị.
__







No comments:

Post a Comment

View My Stats